Sin Suối Hồ “thay áo mới”
Những ngày giữa tháng 10/2021, chúng tôi trở lại bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Mặc dù chỉ cách thành phố Lai Châu khoảng 30km thế nhưng phải mất gần một giờ đồng hồ bởi đường Tỉnh lộ 130 đoạn qua xã San Thàng (thành phố Lai Châu) nối với xã Thèn Sìn (huyện Phong Thổ) đang được nâng cấp sửa chữa nên di chuyển khó khăn.
Cung đường uốn lượn quanh co, hai bên đường là những thửa ruộng bậc thang trải dài lưng chừng núi. Ánh vàng của những bông lúa chín cùng hương lúa mới hòa quyện vào nhau tạo nên một khung cảnh thanh bình, đầy vui tươi của miền sơn cước.
Cách đây 10 năm về trước, bản Sin Suối Hồ được biết đến là bản vùng sâu, vùng xa, biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn, 100% dân số của bản là đồng bào dân tộc Mông, nhận thức cũng như hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, tình hình an ninh trật tự vì thế còn nhiều phức tạp, đặc biệt là tội phạm về ma túy.
Đến nay, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, người có uy tín trong bản, nên tỷ lệ người nghiện ma túy giảm rõ rệt, hiện Sin Suối Hồ trở thành bản du lịch cộng đồng điển hình của huyện Phong Thổ. Sin Suối Hồ có được như ngày hôm nay, còn có sự đóng góp của anh Vàng A Chỉnh người Trưởng bản đầy trách nhiệm.
Có mặt tại bản Sin Suối Hồ, trước mặt chúng tôi là những ngôi nhà gỗ thấp truyền thống của người Mông, những con đường trải dài bê tông sạch đẹp, với hàng trăm giỏ hoa địa lan được sắp xếp ngay ngắn dọc theo các ngả đường, xung quanh cây cổ thụ tỏa bóng mát rười rượi là điểm dừng chân lý tưởng của du khách đến nơi đây thăm quan. Đặc biệt, những chiếc cổng nhà được trang trí từ những vật dụng trong lao động sản xuất thường ngày nhìn rất bắt mắt và ấn tượng mà không nơi nào có được.
Rong ruổi trên những con đường bản Sin Suối Hồ, ai cũng cảm nhận được tin thần trách nhiệm bảo vệ môi trường của bà con nơi đây rất cao bởi hộ dân nào cũng làm chuồng chăn nuôi, không có tình trạng gia súc gia cầm thả rông.
Trên đường đi bà con làm rất nhiều giỏ đựng rác bằng mây, tre với dòng chữ “tôi xin rác” để giữ gìn cảnh quan luôn xanh - sạch - đẹp. Đi qua khu chợ nơi người dân buôn bán, trao đổi hàng hóa là không gian sinh hoạt cộng đồng đặc trưng của đồng bào Mông, nên bà con đi chợ đông như đi trảy hội.
Hình ảnh những cô gái, chàng trai Mông xúng xính trong trang phục truyền thống đã tô điểm cho không gian nơi đây thêm nhiều sắc màu quyến rũ.
Người trưởng bản “dám nghĩ, dám làm”
Không ít lần được người dân kể về anh Chỉnh với tư cách là Trưởng bản Sin Suối Hồ đầy trách nhiệm, nhiệt huyết với công việc, song phải đến những ngày gần đây chúng tôi mới có dịp vượt chặng đường xa đến thăm anh.
Đón chúng tôi trước sân nhà với nụ cười niềm nở, chào chúng tôi bằng những cái bắt tay, anh Chỉnh tạo thiện cảm ngay bởi sự gần gũi, giản dị, chân chất trong từng lời nói, cách ăn mặc. Rót chén nước chè, anh Chỉnh kể, anh sinh ra và lớn lên tại bản Sin Suối Hồ, thấy cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn mà một trong số những nguyên nhân đói nghèo bủa vây là bà con chưa tìm được hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế.
Luôn mang trong mình tình yêu quê hương và mong muốn góp sức xây dựng quê hương, nhận thấy bản Sin Suối Hồ may mắn được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan hùng vĩ, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm phù hợp với phát triển ngành du lịch.
Nghĩ là làm, năm 2007, có sự thống nhất của các thành viên trong gia đình, anh bắt tay xây thêm căn nhà gồm 2 phòng nghỉ, chỉnh trang lại con đường đi vào khu đất thuộc gia đình quản lý. Cái khó là lúc ấy Sin Suối Hồ mới tiếp xúc với ngành du lịch, nhiều cơ sở hạ tầng chưa xây dựng hoàn thiện. Không có du khách đến thăm quan nên chưa có nguồn thu nhập nhưng không làm anh nản lòng.
Anh Vàng A Chỉnh tự hào khoe tấm Bằng khen của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam trao tặng vì đã có thành tích trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Đến năm 2012, anh được người dân trong bản tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng bản Sin Suối Hồ, thông qua các cuộc họp sinh hoạt bản được tuyên truyền, phổ biến những kiến thức về giáo dục pháp luật, về phát triển du lịch, bà con đã thống nhất lập ra quy ước, hương ước cùng nhau xây dựng bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ.
Anh Chỉnh chia sẻ: “Mình là người đứng đầu có uy tín trong bản, phải là người tiên phong làm trước thì bà con mới tin tưởng làm theo. Năm 2014, gia đình tôi hiến 8.000 mét vuông đất góp cho bản để xây dựng khu chợ để buôn bán, trao đổi hàng hóa. Cũng trong năm 2014, bà con nhân dân bản Sin Suối Hồ đã cùng nhau xây dựng đường bê tông dẫn đi khắp mọi nhà, lựa chọn và xếp các viên đá làm đường dẫn lên các điểm check-in sao cho đẹp mà cảm thấy tự nhiên nhất”.
Anh Chỉnh cùng các cấp chính quyền địa phương hướng dẫn cho các hộ trồng, chăn nuôi để cung cấp nguồn thực phẩm đảm bảo tươi, ngon, an toàn và luôn có sẵn cho những hộ mở dịch vụ Homestay tại bản phục vụ du khách khi có yêu cầu. Nhiều “đặc sản” của núi rừng vùng cao như mật ong, măng khô, mộc nhĩ, gạo nếp nương, những sản phẩm thủ công do các bà, các mẹ tự tay thêu dệt như các loại váy, khăn, áo… cũng được người dân mang ra chợ trao đổi buôn bán tăng thêm nguồn thu nhập.
Anh Chỉnh tâm sự, cũng chính sự đoàn kết, phân chia công việc phù hợp đã đảm bảo sự công bằng trong bản. Ai cũng ý thức không để xảy ra mâu thuẫn lợi ích cá nhân, nên bất cứ hộ nào cũng rất ý thức trong việc xây dựng và giữ gìn hình ảnh bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ đẹp nhất trong mắt du khách.
Anh Vàng A Thếnh (Sinh năm 1998, trú tại bản Sin Suối Hồ) cho hay, anh Vàng A Chỉnh là người trưởng bản có trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc, luôn tuyên truyền vận động bà con phát triển kinh tế, thực hiện nếp sống văn minh. Là người đầu tiên trong bản Sin Suối Hồ làm dịch vụ du lịch, anh luôn chia sẻ những kinh nghiệm, hướng dẫn các hộ dân làm Homestay xây dựng sao cho đỡ tốn kém kinh phí nhất.
Hiện nay, bản Sin Suối Hồ có một Hợp tác xã trái tim và khoảng hơn chục hộ kinh doanh dịch vụ Homestay, mỗi hộ có thể phục vụ từ 8 - 15 khách/ngày. Đặc biệt, “các nhà tổ chim” do bà con làm thời gian gần đây đã thu hút khá nhiều du khách trải nghiệm tại Sin Suối Hồ.
Niềm vui lớn nhất của anh Chỉnh là được thấy bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ đổi thay từng ngày, người dân được tiếp thu những cái mới. Đáng mừng hơn, bà con đã biết quan tâm hơn việc học hành của con cái, nhiều bạn trẻ được đi học về hướng dẫn viên du lịch, được đi học về ẩm thực nấu các món ăn phục vụ du khách đến thăm quan.
Anh Chỉnh nhớ lại, trước những năm 1990 về trước, bản Sin Suối Hồ ở cách xa trung tâm xã, đường đi lại khó khăn, hệ thống điện, đường, trường, trạm chưa có, Sin Suối Hồ vẫn còn là vùng đất hoang vu cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Thời điểm đó, người Mông ở bản Sin Suối Hồ rất nhiều nhà trồng cây thuốc phiện trên nương, trong bản xuất hiện nhiều người nghiện, kéo theo đó là nạn trộm cắp, gây mất an ninh trật tự địa phương.
Thực hiện chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện của Đảng và Nhà nước, trong vai trò người uy tín trong bản anh đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xuống từng nhà vận động bà con từ bỏ cây thuốc phiện. Tuyên truyền phổ biến về tác hại và hệ lụy từ việc sử dụng ma túy qua các buổi họp sinh hoạt bản, qua loa đài phát thanh…đến nay tỷ lệ người nghiện ma túy đã giảm rõ rệt.
Ngồi nhìn lên những tấm bằng khen treo trên tường nhà, anh Chỉnh tự hào khoe với chúng tôi về niềm vui khi được nhận tấm Bằng khen của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam trao tặng vì đã có thành tích trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, đây là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước nhằm tôn vinh những đóng góp của anh cho bản Sin Suối Hồ nói riêng và xã Sin Suối Hồ nói chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bí thư xã Sin Suối Hồ cho biết, anh Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Là tấm gương sáng tích cực tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh của bản, của xã góp phần xây dựng phát triển du lịch cộng đồng bản Sin Suối Hồ.