Thị trấn Đà Bắc thuộc huyện nghèo của tỉnh, điều kiện hạ tầng cơ sở, giao thông đi lại còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Trước đây không ít người dân còn hạn chế trong nhận thức pháp luật, vi phạm các chính sách của Đảng, Nhà nước, gây mất trật tự xã hội nên công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa là hết sức cần thiết.
Theo ông Xa Hồng Tuân, một trong những cái khó khi đưa luật về với đồng bào là việc bà con vẫn đề cao và làm theo tập quán, luật lệ của dân tộc mình nên khó tiếp nhận cái mới.
“Các đạo Luật với nhiều chương, điều dẫn đến bà con ngại đọc, ngại tìm hiểu. Vì vậy, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rất mơ hồ về pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật. Với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, không thể giảng luật một cách thuần túy, mà phải theo hình thức mưa dầm thấm lâu, truyền thông theo nhóm hoặc được mắt thấy tai nghe, tận mắt chứng kiến. Vì vậy, thị trấn không chỉ phối hợp với đội ngũ tuyên truyền viên của huyện, tỉnh, mà còn phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín để giúp người dân tiếp cận luật hoặc cũng có thể tuyên truyền lồng ghép thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao” - ông Tuân chia sẻ.
Cũng theo ông Tuân, thông qua các mô hình như câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật, thanh niên xung kích phòng, chống tội phạm, thanh niên với pháp luật, hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở, tủ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, địa phương... đã góp phần tuyên truyền PBGDPL đến với người dân trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền, PBGDPL nhằm nâng cao ý thức, hiểu biết về pháp luật cho cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân được triển khai bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền lồng ghép tại các hội nghị cán bộ, hội nghị sinh hoạt của các ban, ngành, đoàn thể, ở khu dân cư; Thông qua hệ thống Đài truyền thanh, chủ yếu là các văn bản Luật có liên quan mật thiết đến đời sống của nhân dân như Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình... và đã phối hợp cùng Hội đồng nhân dân xã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, PBGDPL.
Hiện nay, theo ông Tuân, xã đã xây dựng được tủ sách pháp luật với hơn 150 đầu sách và thường xuyên được bổ sung các đầu sách mới để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nâng cao kiến thức pháp luật của bà con,
“Ở những thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn, công tác này gặp không ít khó khăn do đường giao thông cách trở, điện lưới, sóng điện thoại chưa có, nhiều nơi được đầu tư loa phát, đầu thu nhưng hỏng nên việc tiếp cận thông tin của người dân còn hạn chế. Trong khi, không phải thôn nào cũng tổ chức họp được 1 tháng/lần. Nhiều nơi, số hộ họp thôn đến dự rất lác đác”, ông Tuân chia sẻ.
Chính vì vậy, ông Tuân cho rằng công tác PBGDPL ở vùng sâu, vùng xa phải đảm bảo các điều kiện “cần” và “đủ”. Điều kiện “cần” ở đây là sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, cơ chế tài chính đảm bảo, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các ngành; dội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở có năng lực và tâm huyết với công tác này. Điều kiện “đủ” là các yếu tố về văn hóa ở cơ sở đảm bảo hoạt động hiệu quả.
“Bài toán PBGDPL ở vùng sâu, vùng xa sẽ không còn là khó giải nếu như có sự quan tâm kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhất là cấp cơ sở và khả năng xã hội hóa công tác PBGDPL ở cơ sở cũng như trách nhiệm của mỗi sở, ngành chức năng để PBGDPL theo ngành dọc. Mặc dù với mảnh đất nơi đây, ngành Tư pháp hiện còn khó khăn vô cùng, nhưng từ những khó khăn đấy mới thể hiện được rõ nhất ý chí vươn lên, biến những khó khăn thành động lực”, ông Tuân nói.
Nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, ông còn kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét. Bên cạnh đó, ông thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp, hộ tịch, chứng thực, chứng nhận và theo dõi về quốc tịch trên địa bàn cấp xã theo quy định của pháp luật,
Ông còn phối hợp với công chức Văn hóa - xã hội hướng dẫn xây dựng hương ước quy ước ở thôn, tổ dân phố và công tác giáo dục tại địa bàn cấp xã; Chủ trì, phối hợp với công chức khác thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; Tổ chức quản lý tủ sách pháp luật, tổ chức phục vụ nhân dân nghiên cứu pháp luật và tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn cấp xã trong việc tham gia xây dựng pháp luật.
Hành trình phấn đấu của công chức Tư pháp - hộ tịch Xa Hồng Tuân tại địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tuyên truyền, PBGDPL đến đồng bào vùng sâu, vùng xa. Nhưng chính trong những khó khăn, người cán bộ địa phương này mỗi ngày vẫn cần mẫn cùng đồng nghiệp “trèo đèo, lội suối” mang pháp luật đến từng bản làng…