Đứng trong hàng ngũ của Đảng từ năm 19 tuổi
Sinh ra trong một gia đình thuần nông nhưng thay vì phải nghỉ học để phụ giúp công việc gia đình như nhiều người bạn cùng trang lứa, cô bé Đặng Thị Phúc khi đó đã may mắn được bố mẹ ủng hộ cho đi học lớp văn hóa dành riêng cho người dân tộc thiểu số tại huyện Bảo Thắng.
Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, bà vừa học tập vừa tham gia sản xuất, tham gia huấn luyện dân quân tự vệ và phục vụ chiến đấu. Tích cực tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương, năm 19 tuổi bà vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Là đảng viên trẻ tuổi, bà tiên phong trong việc xóa bỏ những hủ tục về ma chay, cưới xin trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Sau giải phóng, bà cùng một số ít hộ gia đình người Dao khác xung phong đi xây dựng kinh tế tại thôn Làng Ẻn - một thôn vùng sâu, vùng xa của xã Trì Quang (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) với 100% là người dân tộc thiểu số. Ngày ấy, làng Ẻn là một vùng đất hoang vu, sự hiểu biết của nhân dân còn thấp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất còn manh mún. Tỷ lệ đói nghèo còn cao. Từ làng Ẻn muốn về trung tâm thị trấn huyện là cả một ngày đường đi bộ trắc trở.
Cùng con dao quắm và chút gạo muối để dành, bà Phúc cùng những người thân trong gia đình bắt đầu những ngày tháng làm quên thời gian trên vạt rừng tạp với những thiếu thốn trăm bề. Suốt một thời gian dài đổ mồ hôi và cả máu, mảnh vườn khai hoang cũng dần thành hình hài. Bà lại cần mẫn từng ngày gánh đất, chở phân bón từng gốc cây mỡ, cây quế cho bén rễ, nảy mầm trên vùng đất mới. Để tận dụng, tăng hiệu quả sử dụng đất, dưới tán rừng khép tán, bà Phúc trồng thêm cây dược liệu, làm khu chăn nuôi gia cầm, gia súc. Nguồn chất thải có từ chăn nuôi lại quay vòng bồi bổ cho cây, cho đất.
“Tôi tận dụng hết, chả phí thứ gì. Ngày đó, dân đây quen việc chăn nuôi thả rông nên khi thấy tôi làm chuồng, làm trại thì cứ ngạc nhiên không biết để làm gì cơ”- bà cười vui khi nhớ lại thời điểm hàng chục năm trước.
Thấm thoát thời gian trôi qua, mái tóc xanh nay đã bạc hết, thành quả của bà bây giờ là 10ha cây quế, mỡ và các nhiều loại cây khác; đàn gia cầm trên 3.000 con và hơn 1ha ao nuôi cá cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu.
Lối sống, đạo đức, cách làm kinh tế bài bản của người phụ nữ dân tộc Dao này được bà con thôn xóm ngưỡng mộ, tin cậy.
|
Ngoài việc tham gia công tác đoàn thể, chính quyền, bà Đặng Thị Phúc còn tích cực chăn nuôi, phát triển kinh tế.
|
Cánh tay nối dài của Đảng bộ, chính quyền địa phương
Từng trải qua nhiều cương vị như: Bí thư Chi bộ thôn, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ, Chi hội phó Chi Hội nông dân, Chi hội trưởng Chi Hội người cao tuổi, Phó Chủ tịch HĐND xã, nhưng dù ở chức vụ nào, bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nhận trách nhiệm của bà con tin tưởng, ủy thác, bà Phúc luôn trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn, cơ sở vật chất ngày càng khang trang, sạch đẹp. Xuất phát từ vấn đề đó, bà đã thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của bà con để kịp thời tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Trì Quang có những chủ trương, giải pháp chỉ đạo phù hợp.
Bản thân bà luôn cố gắng, tích cực tham gia các hoạt động của chi bộ, thôn, xã, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hoạt động tín ngưỡng tại thôn, tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân trong thôn phát triển sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng rừng… Qua đây, bà cùng địa phương đã tìm ra những hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho bà con, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Từ chính kinh nghiệm lao động của mình, bà đã tận tình giúp đỡ các hộ dân thoát nghèo thông qua việc trồng trọt (quế, mỡ, ngô,…), chăn nuôi (gà, vịt, trâu…) đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương. Với những hộ thiếu vốn, bà còn hướng dẫn tiếp cận chính sách vay vốn, chính sách phát triển của Nhà nước dành cho người nghèo…
Hơn 40 năm qua, từ thôn đơn sơ, đến nay làng Ẻn có sự thay đổi không ngờ. Đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, trạm y tế, nhà văn hóa, sân vân động trở thành nơi tụ họp, sinh hoạt văn hóa của nhân dân mỗi ngày. Năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo là 32/78 hộ chiếm 41% đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 8/92 hộ chiếm 8,7%, trong đó có 72/92 hộ dân có nhà ở kiên cố.
Trong bức tranh thay đổi đó, bà Phúc đã tham gia giúp đỡ cho hàng chục hộ thoát nghèo, với trên 40 lao động có thu nhập ổn định mỗi năm vài chục triệu. Tỷ lệ hộ nghèo trong thôn đã giảm mạnh nhờ có mô hình trồng trọt, chăn nuôi và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân của Nhà nước. Khi cuộc sống người dân khá lên, bằng sự tận tâm của mình, bà Phúc còn tích cực vận động các hộ dân trong thôn tham gia xây dựng nông thôn mới cải tạo diện mạo nông thôn tại địa phương. Từ năm 2016 đến nay, bà đã vận động người dân trong thôn hiến trên 5000m2 đất và ủng hộ trên 120 triệu đồng để xây dựng 2,7 km đường giao thông nông thôn và nhà văn hóa của thôn.
Song song với việc giúp bà con phát triển kinh tế, bà Phúc còn là một đảng viên gương mẫu chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận, đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con trong thôn phát huy và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; thường xuyên cung cấp thông tin, vận động người dân không nghe kẻ xấu.
Với những nỗ lực, cống hiến của mình, bà Phúc đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; được Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen và được tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai năm 2020.
Đón nhận phần thưởng trên, bà Phúc tiếp tục tâm niệm, phải không ngừng nỗ lực và hành động theo tấm gương đạo đức của Bác, từ việc nhỏ đến việc lớn, trong công việc chung của địa phương cũng như trong đời sống hàng ngày, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, xứng danh người đảng viên ở một địa bàn vùng núi khó khăn.