Bình dị một con người
Câu chuyện của bà cứ lặng lẽ chảy, như dòng sông Ba quê bà. Cảnh nhà của bà cũng chẳng khác gì những nhà dân xung quanh. Thu hút ánh nhìn là mấy bức tranh và những tấm bằng khen, huy chương của một thời oanh liệt treo trên bốn bức tường gỗ cũ.
Bà kể: “Ban đầu xã muốn mình hiến đất xây chợ gần nhà, nhưng chồng mình bảo mình chỉ hiến đất xây trường học với nhà sinh hoạt cộng đồng thôi. Chồng mình vốn là thầy giáo, nên ông ấy muốn các cháu ở buôn làng được đến trường, muốn buôn làng có nơi sinh hoạt để gắn kết với nhau”. Cái cách bà nói về việc hiến gần như cả một gia tài nó nhẹ lắm, nhẹ như suy nghĩ người nông dân sau một ngày lên rẫy trở về.
Bà nhớ lại, bà lấy chồng, cả hai đều sinh ra và lớn lên trong gia đình cách mạng. Rồi sòn sòn 7 con trai ra đời, ông tiếp tục học để trở thành một ông giáo trường làng, rồi làm chủ tịch, bí thư xã. Bà một mình lo nương rẫy, một tay chăm sóc 7 người con. Nói với bà, nuôi con chăm con vất vả quá. Bà cười, nụ cười nhẹ thênh. Bà bảo: Chả vất vả gì, chúng nó cứ như cây lúa, cây mì ở rẫy.
Năm 2004, chồng bà mất vì bạo bệnh. Hơn một năm ngược xuôi đưa chồng từ Gia Lai - TP HCM chữa bệnh, bà gần như kiệt sức. Người phụ nữ vừa chăm sóc chữa trị bệnh cho chồng, vừa nuôi 7 con ăn học. Thời điểm này, bà còn nuôi bố mẹ già. Bà tần tảo chăn nuôi, làm nương rẫy. Lúc rảnh ai thuê gì làm nấy, miễn là có tiền phụ cho các con ăn học.
Thế nhưng, khi kể chuyện, bà tuyệt nhiên không một lời than vãn. Cả 7 người con của bà đều được ăn học đến nơi đến chốn. Hiện nay các con bà người làm công an huyện, người là sĩ quan quân đội, người đang công tác tại bệnh viện. Bà bảo: “Ngày ấy, mình phải bán hết các trâu, bò, gà, lợn trong nhà để chữa bệnh cho ông ấy, để nuôi các con ăn học. Khổ cực đấy nhưng mà mình muốn các con có cái chữ để con thành người có ích cho xã hội”.
Hiến cả ngàn m2 đất theo ý nguyện của chồng
Xã muốn làm một nhà sinh hoạt cộng đồng và trường mầm non, tính đi tính lại quỹ đất ngày càng hạn hẹp. Ai cũng biết hoàn cảnh của nhà bà lúc đó, chồng mất, các con thì đông, cả 7 người con đều chưa có nhà riêng để ở. Dù ai cũng hiểu tâm nguyện trước đó của ông nhưng chẳng ai dám mở lời với bà.
Thế nhưng, bà đã xung phong hiến đất để xây trường, làm nhà văn hóa. Bà chia sẻ: “Mình chỉ làm theo ước nguyện của chồng mình thôi. Lúc sống, ông ấy muốn gì thì mình sẽ thay ông ấy làm như vậy”. Bà còn hiến cả đất để xã làm bể chứa nước sạch cho làng, vận động người dân góp công sức làm các đường bê tông hóa vào từng thôn bản.
Khi được hỏi tại sao bà không chia đất cho các con?. Bà cười: "Các con đã được cho cái chữ. Được Đảng và Nhà nước nuôi có công ăn việc làm, có đồng lương rồi thì cần gì phải cho đất. Mình để cho các con cái chữ, cái công việc mới là quý".
Chị Ksor H’Rin, cán bộ Tư pháp xã Ia R’tô cho biết: “Đối với người dân xã Ia R’tô nói chung, cộng đồng người Gia Rai nói riêng ở đây, bà Ksor H’Kah là tấm gương điển hình để mọi người noi theo. Bà không chỉ là một người phụ nữ chu toàn với chồng con, mà bất cứ khi có đường lối chính sách nào của Đảng và Nhà nước, bà không chỉ hưởng ứng mà còn vận động người dân làm theo. Những người dân nơi đây nhìn vào những đóng góp của bà, sự thành đạt của 7 người con để rồi cùng nhau học hỏi và cố gắng”.