Dấu ấn trong nhiều đạo luật liên quan y tế
Ông Nguyễn Huy Quang sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tuổi thơ gắn liền với những ngôi trường nổi tiếng như Chu Văn An; Việt Nam - Cu Ba; Phan Đình Phùng. Những hình ảnh Lăng Bác, vườn hoa Thanh Niên, sân vận động Quán Thánh, Hồ Tây… và tiếng tàu điện leng keng sớm khuya thời bao cấp đã đi sâu vào từng giấc ngủ, nuôi lớn tâm hồn, bồi đắp ước mơ trở thành nhà báo của chàng trai trẻ.
Nhưng nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề. Nguyễn Huy Quang trúng tuyển Khoa Luật Quốc tế (ĐH Pháp lý – nay là ĐH Luật). Tốt nghiệp ĐH năm 1984, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông nhập ngũ với mong muốn được tôi luyện ý chí và cũng chính môi trường quân đội đã góp phần rèn giũa lên một công chức pháp chế mạnh mẽ, quyết đoán, đầy bản lĩnh sau này.
Sau khi xuất ngũ vào năm 1987, ông Quang được nhận vào làm việc ở Phòng Pháp chế, Văn phòng Bộ Y tế. Năm 1997, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế được thành lập thì năm 2002, ông được đề bạt Vụ phó, rồi Vụ trưởng vào 2012 cho tới ngày nghỉ hưu.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đã chủ trì xây dựng rất nhiều đạo luật, điển hình phải kể đến Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989. Đây là đạo luật về y tế đầu tiên của Việt Nam đặt nền móng cho phát triển tư duy quản lý Nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực y tế.
Tiếp theo đó là một loạt các luật khác do Vụ Pháp chế chủ trì, TS. Nguyễn Huy Quang làm Tổ trưởng Tổ biên tập như: Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KBCB); Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL); Luật Phòng, chống tác hại rượu bia (PCTHRB); Luật Chuyển đổi giới tính… và nhiều nghị định, văn bản dưới luật khác…
TS Quang còn là Tổ phó Tổ biên tập Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo hiểm y tế, Pháp lệnh Dân số...
Trong số văn bản luật do TS Quang làm Tổ trưởng Tổ biên tập, Luật Phòng, chống HIV/AIDS là đạo luật được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá rất cao về sự tiến bộ so với các nước khác. Từ cơ sở pháp lý này, góp phần giúp Việt Nam khống chế thành công căn bệnh thế kỷ, bảo đảm quyền của người nhiễm HIV. Đạo luật này được đánh giá có các chế định mang tính đón đầu như dự phòng lây nhiễm, điều trị nghiện bằng thuốc thay thế… Có một số đạo luật khác cũng rất ý nghĩa và gây tiếng vang lớn trong nước và quốc tế đó là Luật PCTHTL và Luật PCTHRB.
TS Quang cũng tham gia xây dựng, cho ra đời nhiều quy định pháp luật chuyên sâu trong lĩnh vực y tế như thụ tinh trong ống nghiệm; mang thai hộ; xác định lại giới tính... Đây được đánh giá là những quy định rất nhân văn, mang lại hạnh phúc cho các cặp vợ chồng vô sinh hay những người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính...
TS Quang còn được cộng đồng những người chuyển giới vinh danh khi tích cực tham gia “đấu tranh” đưa quyền được chuyển đổi giới tính vào một số đạo luật, là quyền nhân thân mang tính nhân văn rất cao, khiến nhiều quốc gia, trong đó có cả các quốc gia phát triển, phải nể phục.
Một đạo luật mà TS Quang trăn trở và dành nhiều tâm huyết xây dựng nhất là Luật KBCB. Các quy định của Luật KBCB đã hướng tới phục vụ người bệnh, đáp ứng nhu cầu KBCB đa dạng của người dân, nâng cao kỹ năng thực hành y khoa, nâng cao y đức thông qua các tiêu chuẩn khắt khe để cấp chứng chỉ hành nghề cho nhân viên y tế, quy định các cơ sở KBCB phải đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để được cấp phép...
Cũng từ Luật này, chúng ta có cơ sở pháp lý để tiếp cận sớm với những phương pháp mới, kỹ thuật mới trong KBCB, nhờ đó mà các tiến bộ khoa học công nghệ về y tế trên thế giới đã về Việt Nam rất nhanh. Luật KBCB cũng có các thiết chế để bảo đảm công bằng cho người bệnh, bảo vệ người thầy thuốc trên cơ sở hình thành hệ thống y tế tư nhân, cùng với y tế Nhà nước chăm lo sức khỏe nhân dân...
Vì mục tiêu sức khỏe của người dân
Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, TS Quang còn lãnh đạo Vụ Pháp chế thực hiện tốt công tác pháp chế y tế khác như: Theo dõi thi hành pháp luật; Rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hóa hệ thống pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; Cải cách thể chế và thủ tục hành chính; Rà soát các điều kiện kinh doanh để cắt bỏ những thủ tục rườm rà, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN), cá nhân hoạt động hiệu quả…
Trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật về y tế, không ít văn bản pháp luật có sự xung đột giữa lợi ích sức khỏe và lợi ích kinh tế, TS Quang cũng như các cộng sự của mình phải đối diện với những phản ứng trái chiều từ các DN hoặc từ nhiều phía lợi ích khác nhau như: Nghị định về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; Nghị định đưa vi chất vào thực phẩm; Luật PCTHTL; Luật PCTHRB...
Nhưng với kinh nghiệm, bản lĩnh cùng khả năng lập luận sắc bén, cung cấp các bằng chứng khoa học và thực tế sống động, qua các đánh giá tác động kinh tế - xã hội, kể cả bảo vệ môi trường, bảo vệ các nhóm yếu thế trong xã hội... nhiều quan điểm Bộ Y tế đưa ra đã được chấp nhận.
“Điều quan trọng nhất đối với những nhà làm luật là phải kiên trì đấu tranh, phải đưa ra được các bằng chứng xác đáng, thuyết phục. Bởi mình không đấu tranh cho mình mà đấu tranh cho sức khỏe của người dân, đấu tranh để bảo vệ tương lai nòi giống của dân tộc. Khi ai cũng hiểu điều này, sẽ tạo nên sức thuyết phục, sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng, xã hội…”, ông Quang chia sẻ.
Theo TS Quang: “Để một văn bản pháp luật mang tính khả thi cao, nhà làm luật phải đắm mình vào thực tiễn sinh động của cuộc sống. Từ đó nghiên cứu, tìm ra bằng chứng cụ thể để minh chứng cho các luận cứ của mình. Đó cũng là yếu tố đánh giá tính hiệu quả của các điều luật”.
Ông Quang tâm sự: “Cái gì cũng phải có nền tảng”. Với kiến thức uyên thâm, sâu rộng, cộng với khả năng thuyết trình, hùng biện… và sự trau dồi, rèn luyện, không ngừng học hỏi, ông đã chủ trì thành công rất nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm lớn mang tính quốc gia, khu vực, quốc tế…
Một trong những sự kiện tạo tiếng vang lớn là hội thảo bàn về việc ban hành một thông tư sửa nhiều thông tư nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN dược, thực phẩm, trang thiết bị y tế trong đại dịch COVID-19. Thông tư này được ban hành đã giúp các DN thực hiện quy trình với hồ sơ, thủ tục thông thoáng, thuận lợi góp phần phòng chống đại dịch…
Sau cả cuộc đời công chức đóng góp cho ngành y tế, hiện TS Quang đã nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục cống hiến cho xã hội, cộng đồng khi làm cố vấn pháp lý cao cấp về các chính sách y tế công cộng, đặc biệt là phòng chống các bệnh không lây nhiễm cho Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không khói thuốc lá (CTFK); Tư vấn pháp lý cho một số BV, tổ chức liên quan y tế. Ông cũng đang làm chuyên gia giúp Bộ Y tế xây dựng Dự thảo Chiến lược tổng thể ứng phó có hiệu quả với đại dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.
Với những nỗ lực, đóng góp cho ngành y tế và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, TS Nguyễn Huy Quang đã nhận được nhiều bằng khen, danh hiệu cao quý: Danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở” các năm 2016, 2017, 2018 và 2020; “Chiến sỹ thi đua toàn quốc” năm 2015; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế về thành tích thực hiện công tác Y tế năm 2019; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế về thành tích trong phong trào thi đua "Ngành Y tế chung tay phòng, chống dịch COVID-19"… Năm 2017, ông vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
TS Quang còn được biết đến nhiều khi thường xuyên đại diện cho Bộ Y tế tham gia vào những vụ án lớn, chấn động liên quan đến ngành y tế, điển hình phải kể đến vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường; vụ án chạy thận nhân tạo tại BVĐK Hòa Bình; vụ án “động lắc ma túy” tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương… Khi tham gia các vụ việc, ông luôn thể hiện rõ ràng quan điểm; Chỉ ra nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến các sai phạm, trên tinh thần xử lý nghiêm khắc với người có tội, bảo vệ người vô tội, để mang lại công bằng cho xã hội…