Không gian mạng là một miền mới, rộng lớn, được đánh giá ngang hàng với không gian lãnh thổ, vùng biển, vùng trời và không gian vũ trụ. Ở đó, con người có thể tương tác, tập hợp thành cộng đồng, sinh ra lợi ích và cũng phải đối mặt với nguy cơ, thách thức không hề nhỏ. Pháp luật về an ninh mạng là công cụ pháp lý để lực lượng an ninh mạng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Xây dựng pháp luật về an ninh mạng là bước đi đầu tiên cần làm trên không gian mạng và Đại úy Đào Đức Triệu - cán bộ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục A05), Bộ Công an vinh dự được là một trong những thành viên tham gia soạn thảo nhiều văn bản pháp luật về an ninh mạng, trong đó có Luật An ninh mạng.
Sống cuộc đời có ý nghĩa nhất
Đại úy Đào Đức Triệu sinh năm 1988, là một người con của đất học Kinh Bắc. Ảnh hưởng truyền thống gia đình, nhiều thế hệ đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, Đại úy Đào Đức Triệu đã nuôi ước mơ được cống hiến cho đất nước từ nhỏ nên anh luôn cố gắng học tập, rèn luyện. Năm 2011, anh tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân và về công tác tại Cục A05, Bộ Công an.
Với phương châm: “Mỗi người chỉ có một khoảng thời gian để sống, hãy sống làm sao để cuộc đời có ý nghĩa nhất”, Đại úy Đào Đức Triệu luôn suy nghĩ và hành động sao để cuộc sống của mình có ý nghĩa nhất. Chỉ sau 10 năm công tác tại Cục A05, với những nỗ lực hết mình, Đại úy Đào Đức Triệu đã gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận trong sự nghiệp bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân và an ninh cho nước nhà.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, Đại úy Đào Đức Triệu tâm niệm, con người là trung tâm của mọi hoạt động, con người tốt mới tạo nên tập thể tốt, tập thể tốt mới tạo nên xã hội tốt. Do đó, anh Triệu luôn tu dưỡng, rèn luyện theo 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, tuân thủ Điều lệnh Công an nhân dân. Trong quá trình thực hiện công việc, anh luôn cố gắng hoàn thiện bản thân mình, với nâng cao kinh nghiệm, bổ sung thêm kiến thức, hoàn thiện bản thân.
Trách nhiệm trong công việc là yếu tố được Đại úy Đào Đức Triệu đặt lên hàng đầu, với tinh thần cầu thị, không giấu dốt, không ngại khó, ngại khổ. Đại úy Đào Đức Triệu cũng nhấn mạnh, kinh nghiệm, sự chỉ bảo, hướng dẫn của các thế hệ đi trước, các đồng chí lãnh đạo là điều rất quý báu nhất và phải làm sao học hỏi được nhiều kinh nghiệm nhất, được hướng dẫn nhiều nhất để hoàn thiện bản thân mình hơn.
An ninh mạng - mỗi bước đi đều là bước đi mở đường
Về an ninh mạng, theo Đại úy Đào Đức Triệu: “Đây là một lĩnh vực rất mới, phạm vi bao phủ rộng, chính sách, pháp luật là nền tảng, đặt nền móng vững chắc cho việc triển khai các nhiệm vụ về an ninh mạng”.
Anh giải thích, an ninh mạng là một vấn đề khó, phạm vi rộng, bao gồm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Sự việc xảy ra trên không gian mạng là bất kể ngày đêm, vị trí địa lý, giới hạn lãnh thổ.
Công tác bảo vệ an ninh mạng đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhiều nội hàm, lý luận, biện pháp bảo vệ, khung tiêu chuẩn pháp lý, trong khi nhiều vấn đề rất mới, không có khuôn mẫu, tiền lệ. Mỗi bước đi đều là bước đi mở đường.
Tuy nhiên, không phải vì mới, khó, chưa có tiền lệ, chưa có người mở đường mà chỉ coi trọng yếu tố kỹ thuật, phương tiện hay thành tựu công nghệ, mặc dù đây là những yếu tố quan trọng tác động tới công tác bảo vệ an ninh mạng. Trong xây dựng pháp luật về an ninh mạng, con người đóng vai trò rất quan trọng, thể hiện ở nhiều khía cạnh.
Trước hết, người tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật về an ninh mạng phải là những người giỏi nhất về các lĩnh vực chuyên môn như pháp luật, công nghệ, đấu tranh phòng, chống tội phạm, chính trị, nghiệp vụ. Xây dựng được mối quan hệ và huy động được trí tuệ của những chuyên gia giỏi trong nước và thế giới tham gia xây dựng, góp ý hoàn thiện pháp luật về an ninh mạng là việc làm tiên quyết và bắt buộc để bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh đó, pháp luật về an ninh mạng là phục vụ con người. Dưới góc độ cá nhân, pháp luật về an ninh mạng bảo đảm cho quyền và lợi ích hợp pháp của con người khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.
Dưới góc độ tập thể, pháp luật về an ninh mạng bảo vệ những cái to lớn hơn, trừu tượng hơn, như: chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Dù dưới khía cạnh nào, pháp luật về an ninh mạng vẫn phải lấy con người làm trung tâm, lấy mục đích bảo vệ con người là chính.
Nói riêng về quá trình xây dựng Luật An ninh mạng, Đại úy Đào Đức Triệu chia sẻ về kỷ niệm ấn tượng: “Có những bài toán phải huy động trí tuệ tập thể, sức sáng tạo để tìm ra lời giải phù hợp”.
Bài toán đầu tiên mà các anh phải giải là thực tiễn an ninh mạng ở Việt Nam như thế nào và định hướng quy phạm những vấn đề thực tiễn đòi hỏi đó ra sao. Được sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, anh và các đồng nghiệp đã thực hiện hàng loạt khảo sát thực tiễn để tìm ra vấn đề cần thiết nhất, phù hợp nhất để xác định các vấn đề pháp luật cần điều chỉnh.
Tiếp đến là bài toán về sự hài hòa với pháp luật của các quốc gia trên thế giới về an ninh mạng. Chúng ta đi sau về ban hành pháp luật so với các quốc gia trên thế giới rất nhiều. Khi Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng Luật An ninh mạng thì đã có hơn 80 quốc gia trên thế giới ban hành luật về vấn đề này. Để giải quyết bài toán này, Cục A05 đã phải tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài bằng nhiều cách khác nhau như thảo luận, trao đổi, tọa đàm, góp ý bằng văn bản với nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Còn về tính mới của an ninh mạng thì có thể thấy khi xây dựng Luật An ninh mạng, có rất nhiều vấn đề mới được thảo luận, từ khái niệm an ninh mạng tới các nội dung quy định. Để có cách hiểu thống nhất về vấn đề này, anh Triệu và các đồng nghiệp đã tham mưu xây dựng hàng loạt bộ tài liệu về các chủ đề khác nhau, thực hiện nhiều video ngắn để giải thích, minh họa về nội dung Luật An ninh mạng, đồng thời sử dụng những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, gẫn gũi với đời sống để nội dung Luật An ninh mạng dễ tiếp cận hơn.
Bên cạnh đó là bài toán về huy động trí tuệ tập thể, nhất là các chuyên gia giỏi. Cục đã tham mưu cho lãnh đạo các cấp tham vấn những chuyên gia hàng đầu về pháp luật, chính trị, an ninh mạng, công nghệ thông tin ở trong và ngoài nước. Nhiều chuyên gia tâm huyết, nhiệt tình với an ninh mạng ở Mỹ, Úc, Singapore, Nhật Bản, Đức đã trao đổi về nội dung Luật An ninh mạng. Cục cũng tham mưu cho lãnh đạo các cấp gửi văn bản xin ý kiến nhiều chuyên gia trong quá trình lấy ý kiến nhân dân. Hiệu quả của việc xin ý kiến tập thể là rất lớn, nhiều nội dung quan trọng đã đạt được sự đồng thuận cao.
Cuối cùng là việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia góp ý dự thảo Luật An ninh mạng. Đây là bài toán đem lại cách nhìn đa chiều nhất và nhanh trưởng thành nhất. Từ lúc xây dựng cho đến khi Luật An ninh mạng được ban hành, Cục A05 đã tham mưu thực hiện hàng nghìn lượt tiếp đón, giải thích, trao đổi, tọa đàm về nội dung Luật An ninh mạng.
Trong quá trình giải các “bài toán” này, Đại úy Đào Đức Triệu đã học hỏi được rất nhiều kiến thức thực tiễn và tự hào đã đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào quá trình xây dựng Luật An ninh mạng.
Được biết, Đại úy Đào Đức Triệu không chỉ có thành tích trong xây dựng pháp luật về an ninh mạng, mà còn có nhiều thành tích trong tham mưu đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm về an ninh mạng, tham mưu xây dựng nhiều kế hoạch, chiến lược, chủ trương, chính sách, pháp luật về an ninh mạng để góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Từ năm 2015 đến nay, Đại úy Đào Đức Triệu nhận 12 Bằng khen Bộ trưởng Bộ Công an, Danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân (2019), Danh hiệu điển hình tiên tiến của Bộ Công an trong Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2019); nhiều năm liền đạt danh hiệu “ Chiến sỹ thi đua cơ sở”.
Năm 2020, Đại úy Đào Đức Triệu được bình chọn và nhận Danh hiệu Điển hình tiên tiến toàn lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện phong trào Vì An ninh Tổ quốc (giai đoạn 2015-2020). Đồng thời, là 1 trong 400 thanh thiếu niên xuất sắc, tiêu biểu trên mọi lĩnh vực ở trong và ngoài nước được nhận giải thưởng tại Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III, giai đoạn 2015-2020.