​​​​​​​​​​​​​​​

Họp Nhóm rà soát quy định pháp luật về bổ trợ tư pháp, tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp

16/07/2020
Họp Nhóm rà soát quy định pháp luật về bổ trợ tư pháp, tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp
Chiều ngày 15/7/2020, ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp (Trưởng nhóm) đã chủ trì cuộc họp Nhóm rà soát quy định pháp luật về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp (Nhóm rà soát số 8). Tham dự gồm các thành viên của Nhóm theo Quyết định số 823/QĐ-TCT ngày 10/4/2020 của Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có liên quan.
     Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản và Cục Bổ trợ tư pháp (hai đơn vị được giao đầu mối giúp Nhóm thực hiện rà soát) báo cáo về tình hình và kết quả rà soát. Theo đó, về tình hình thực hiện rà soát, Nhóm rà soát số 8 đã thực hiện rà soát và xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả rà soát quy định pháp luật về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp. Cụ thể: (1.) Xác định phạm vi và lập Danh mục các văn bản về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp (tổng 104 văn bản), bao gồm: các văn bản QPPL có quy định liên quan đến lĩnh vực luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản, thừa phát lại (vì đây là các lĩnh vực trọng tâm, có liên quan nhiều nhất đến doanh nghiệp và dịch vụ) và các quy định liên quan đến việc tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp. (2) Thực hiện rà soát văn bản theo quy định; tổng hợp kiến nghị, vướng mắc từ nhiều nguồn khác nhau (báo cáo hàng năm; phản ánh, kiến nghị của các địa phương, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức hành nghề trong một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp, doanh nghiệp…). (3) Tổ chức các cuộc họp, Hội thảo, Tọa đàm với các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn liên quan để trao đổi, thảo luận về những vướng mắc thực tiễn và các quy định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp, bất cập trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp. (4) Gửi lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến các quy định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp, bất cập trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp và tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp. (5.) Xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả rà soát quy định pháp luật về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp.
 

     Về kết quả rà soát, Nhóm đã thực hiện rà soát đối với 104 văn bản gồm 70 văn bản liên quan đến luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản, thừa phát lại (25 Bộ luật, Luật, 01 Nghị quyết của Quốc hội, 22 Nghị đinh, 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 22 thông tư) và 34 văn bản liên quan đến việc tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp. Về cơ bản, hệ thống văn bản QPPL quy định về các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi. Các quy định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản cấp trên không nhiều (01 văn bản); mà chủ yếu là các quy định có nội dung bất cập, không phù hợp với thực tiễn (17 văn bản) và văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo do cùng một cơ quan ban hành (10 văn bản - do ban hành văn bản sau nhưng chưa xử lý văn bản ban hành trước - các quy định trong trường hợp này không ảnh hưởng nhiều đến việc áp dụng, thực thi pháp luật).
 

     Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận để thống nhất về các quy định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; phân tích, đánh giá về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề xuất hướng xử lý, thời hạn xử lý cụ thể đối với các văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch và khả thi của hệ thống pháp luật; góp ý hoàn thiện Báo cáo kết quả rà soát quy định pháp luật về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp.
     Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chỉ đạo nhóm rà soát tiếp thu các ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo trước khi Trưởng nhóm ký ban hành gửi về Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Phùng Thị Hương

Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL


Các tin khác