Không chỉ làm mỗi thời gian cao điểm
* Được biết Ngày Pháp luật Tài chính đã được Bộ Tài chính triển khai trong những năm gần đây và được Bộ Tư pháp đánh giá là một mô hình hiệu quả trong hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật. Song song với việc duy trì và triển khai Ngày Pháp luật Tài chính thì trong 1 năm qua, Bộ Tài chính đã tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam như thế nào?
- Triển khai Ngày Pháp luật Tài chính và Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật của ngành Tài chính. Năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1982/QĐ-BTC ngày 13/8/2014 về Kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam và Ngày Pháp luật Tài chính. Theo đó, thực hiện lồng ghép để triển khai các hoạt động liên quan đến phổ biến giáo dục pháp luật; đồng thời phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị thuộc Bộ.
Mục tiêu xuyên suốt trong việc triển khai Ngày Pháp luật là hướng tới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về tài chính. Do đó, trong thời gian triển khai Ngày Pháp luật luôn đẩy mạnh và tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động soạn thảo, tổ chức thi hành VBQPPL trong toàn ngành Tài chính từ trung ương đến địa phương; đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời tổ chức nhiều đợt tập huấn, hội thảo, tọa đàm… để phổ biến lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng về các chính sách, văn bản pháp luật tài chính.
3 nội dung trọng tâm của Ngày Pháp luật 2014
* Ông vừa chia sẻ là Bộ đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam và Ngày Pháp luật Tài chính năm 2014, vậy Kế hoạch năm nay chú trọng những nội dung nào?
- Theo Kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật Tài chính và Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1982/QĐ-BTC ngày 13/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, nội dung trọng tâm là rà soát các chương trình xây dựng VBQPPL để đẩy nhanh tiến độ soạn thảo và bảo đảm hoàn thành tiến độ đối với các văn bản thuộc chương trình năm 2014, bao gồm các Luật phải trình Quốc hội trong năm (Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Đồng thời đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành chương trình xây dựng VBQPPL thuộc chương trình công tác của Chính phủ, nhất là các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh.
Thứ đến là tiếp tục phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013; Tập trung phổ biến, tuyên truyền về các luật mới được ban hành, có liên quan trực tiếp đến đời sống dân sự, kinh tế hoặc các văn bản thuộc lĩnh vực tài chính như Luật Đất đai (sửa đổi) và các Nghị định hướng dẫn thi hành; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân gia đình Luật Hải quan (sửa đổi); Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp... Ngoài ra, chúng tôi đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó chú trọng việc đối thoại giải đáp chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện văn bản QPPL tài chính; hỗ trợ người nộp thuế, người khai hải quan thực hiện thủ tục hành chính thuế, hải quan.
Cuối cùng, chúng tôi quyết liệt cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, thực hiện rà soát và kiến nghị các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan để phấn đấu cắt giảm tối đa thời gian nộp thuế, thời gian thực hiện thủ tục xuất - nhập khẩu theo Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, tăng cường phổ biến, tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tạo đồng thuận trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, phổ biến quán triệt đến cán bộ, công chức trong ngành để nắm vững, triển khai hoàn thành tốt nhiệm vụ.
* Đây là năm thứ 2 Ngày Pháp luật được tổ chức trên quy mô toàn quốc, trong vai trò tham mưu Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính đã rút được những kinh nghiệm gì để triển khai Ngày Pháp luật những năm tiếp theo thiết thực, hiệu quả hơn nữa?
- Từ thực tiễn tổ chức triển khai Ngày Pháp luật Tài chính và Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thời gian qua, trong vai trò tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính tổ chức triển khai nhiệm vụ này, chúng tôi thấy sự quan tâm, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, sự quyết liệt vào cuộc của các Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ là yếu tố quyết định hiệu quả và sự thành công của việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật.
Mặt khác, phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ và thế mạnh của từng đơn vị thuộc Bộ cũng như căn cứ nhiệm vụ trọng tâm của ngành để cụ thể hóa thành các nội dung cụ thể gắn với các hình thức triển khai phù hợp. Trên cơ sở đó thực hiện lồng ghép triển khai hiệu quả, theo đó từ kết quả đạt được ban đầu trong triển khai Ngày Pháp luật Tài chính để tổ chức các hoạt động đỉnh cao trong Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Bên cạnh đó là chỉ đạo các cơ quan tài chính tại địa phương (Cục Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Dự trữ Nhà nước) tích cực tham gia Ngày Pháp luật trên địa bàn.
* Xin cảm ơn ông!
Cẩm Vân (thực hiện)