-Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều lần bà đề cập đến công tác tuyên truyền pháp luật. Phải chăng công tác này còn nhiều hạn chế?
Tôi đã đi giám sát ở nhiều nơi, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa. Thực tế khả năng tiếp cận và hiểu biết pháp luật của người dân ở các vùng này rất khó khăn. Họ không biết pháp luật ở đâu để tìm hiểu. Lâu nay, một trong những cách thức tuyên truyền pháp luật của chúng ta là qua hệ thống loa truyền thanh nhưng lại là các vấn đề hết sức chung chung. Cho nên, điều tôi muốn nói là chúng ta phải quan tâm đến nội dung tuyên truyền. Ví dụ đối với người dân nông thôn, khi tuyên truyền Luật phòng chống bạo lực gia đình, ta phải làm cho người dân hiểu đánh đập vợ con là vi phạm. Hay Luật bình đẳng giới phải tuyên truyền cho họ hiểu quyền lợi, trách nhiệm của vợ/chồng trong nuôi dạy con cái, trong gây dựng tài sản. Thực tế, nhiều người con gái đi làm dâu mấy chục năm, khi vợ chồng có chuyện là ra đi tay trắng. Như vậy là quyền lợi của phụ nữ không được bảo đảm xuất phát một phần từ việc họ không hiểu pháp luật.
Tôi cũng lưu ý là việc tuyên truyền pháp luật phải lựa chọn những nội dung hết sức thiết thực, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Có khi 1 luật ta chỉ cần trích ra mấy điều để tuyên truyền chứ không phải cứ đem tất cả phát trên loa truyền thanh. Đọc như thế dân người ta không hiểu, cũng không có thời gian mà nghe nữa.
Bên cạnh đó, trước khi tuyên truyền chúng ta cũng phải tính toán là người dân thành thị thì tuyên truyền cách nào, người dân nông thôn tuyên truyền ra sao, cần nội dung gì. Ví dụ như ở Trà Vinh chúng tôi, vì có rất nhiều người Khơ me nên tỉnh đã dịch nhiều văn bản pháp luật dưới dạng hỏi đáp bằng tiếng dân tộc và hình thức này đem lại hiệu quả cao.
-Năm nay là năm thứ 2 cả nước thực hiện “Ngày Pháp luật”, từ thực tiễn địa phương mình bà nhận định thế thế nào về việc triển khai mô hình này?
Ngày Pháp luật lần đầu tiên được ghi nhận trong Luật phổ biến pháp luật, có hiệu lực từ 1/1/2013. Trà Vinh cũng có nhiều hoạt động hưởng ứng ngày này dưới nhiều hình thức khác nhau, thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan, công sở, trường học. Tuy nhiên, tôi cho rằng Ngày pháp luật là 1 ngày ghi nhớ, nhắc nhở người ta tìm hiểu, chấp hành pháp luật, nhưng Ngày Pháp luật không chỉ làm một ngày mà công tác tuyên truyền pháp luật nói chung phải làm thường xuyên, liên tục.
Trước đây, khi chưa có Luật phổ biến pháp luật, việc tuyên truyền pháp luật, Hội đồng ở địa phương và các cấp, ngành vẫn làm. Nhưng từ khi có Luật đến nay gần 2 năm, tôi rất muốn Chính phủ đánh giá xem hiệu quả của Luật đó vào cuộc sống như thế nào, người dân tiếp cận pháp luật đến đâu, hiểu biết pháp luật có được nâng cao không…
-Lại nói đến trách nhiệm của các cấp ngành, theo bà để Ngày Pháp luật trở thành hoạt động thường xuyên thì các ngành cần quan tâm đến vấn đề gì?
Để Ngày Pháp luật nói riêng và công tác tuyên truyền pháp luật nói chung được thực hiện một cách hiệu quả tôi cho rằng phải đầu tư nhiều hơn về cả công sức, tiền bạc, thời gian cho công tác này. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật không phải chỉ là trách nhiệm của ngành Tư pháp hay một ngành nào đó cụ thể mà là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có cả Đại biểu Quốc hội. Cần có kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên, từ việc tiếp cận pháp luật, hiểu biết pháp luật hay các hình thức, nội dung tuyên truyền. Bên cạnh đó, cần đánh giá xác thực việc tiếp cận pháp luật, nhận thức, hiểu biết pháp luật trong nhân dân để tránh tình trạng cứ tiếp tục tuyên truyền giáo dục pháp luật một cách chung chung. Ngoài ra, cũng cần đánh giá hiệu quả việc triển khai pháp luật và trách nhiệm của Quốc hội, đại biểu quốc hội đến đâu trong vấn đề này để có giải pháp phù hợp hơn.
- Xin cảm ơn bà!
Thu Hằng (thực hiện)