Dấu ấn Ngày Pháp luật

11/02/2021
Dấu ấn Ngày Pháp luật
Năm 2020 đi qua với khó khăn chồng chất khó khăn, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, trong đó có cả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, biến khó khăn thành động lực, ngành Tư pháp đã chủ động, nỗ lực đổi mới các hình thức tuyên truyền, trong đó Ngày Pháp luật đã để lại những dấu ấn khó phai.
Mỗi đơn vị một sáng kiến
Là địa phương có nhiều cách làm hay, sáng kiến mới trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), đặc biệt trong bối cảnh 2020 là năm dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, tuy nhiên, nhiều mô hình mới Ngày pháp luật (NPL)  đã được tổ chức trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội như tổ chức ngày hội pháp luật; tư vấn pháp luật, thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là vụ việc tham gia tố tụng.

Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền qua tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động; tạo nhóm zalo trao đổi các thông tin về các văn bản pháp luật, tăng cường ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo chuyên đề, tuyên truyền lưu động tại các địa bàn trọng điểm, xây dựng tổ dân phố, thôn điện tử tuyên truyền về pháp luật, mô hình thi đua “4 ngày, 5 tốt” trong các nhà trường, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật qua sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, “nhóm nòng cốt”, phổ biến, giáo dục pháp luật qua các loại hình văn hóa, văn nghệ, nhiều đơn vị tổ chức sinh hoạt Ngày Pháp luật hàng tháng, hàng quý...

Trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật hướng tới các đối tượng đặc thù như đồng bào dân tộc thiểu số, người dân miền núi, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật cho người lao động trong các khu công nghiệp, học viên tại các cơ sở cai nghiện, phạm nhân.

Thành phố cũng đẩy mạnh việc phối hợp với kênh tuyên truyền trên các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương như: VOV giao thông, VOVTV. Thành phố đẩy mạnh hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam qua sóng phát thanh 90MHZ, chương trình phát sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Cổng thông tin điện tử của thành phố, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở.

Đặc biệt, nhân Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2020, Hà Nội đã tổ chức thành công 2 cuộc thi “Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyển viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng”, “Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và quy tắc ứng xử gắn với việc bảo vệ môi trường” thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, tạo sức lan tỏa lớn trong công tác PBGDPL.

Còn đối với Đại học Luật Hà Nội, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, nhà trường đã tổ chức Chung kết Cuộc thi Sprit of Law Sáng tác tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật. 
 
Theo Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên, để chào mừng Ngày Pháp luật Việt Nam, Ngày truyền thống Đại học Luật Hà Nội và Ngày nhà giáo Việt Nam, Trường đã tổ chức chuỗi các hoạt động hưởng ứng và tập trung vào một số hoạt động như phát động Cuộc thi sáng tác tiểu phẩm về tuyên truyền, PBGDPL; phát động tất cả sinh viên toàn trường hưởng ứng Cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến cũng như phát động các phong trào sinh viên, các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên nhấn mạnh hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam thông qua các tiểu phẩm PBGDPL dưới hình thức sân khấu hoá là một sáng kiến hay. Qua đó, Hiệu trưởng bày tỏ mong muốn các đội thi được lựa chọn vào đêm Chung kết sẽ thể hiện tốt phần thi của mình, gửi gắm những thông điệp pháp luật đầy tính nhân văn, thời sự đến với khán giả.

Phát biểu tại đêm Chung kết cuộc thi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định đây là một Cuộc thi vô cùng ý nghĩa. Với những thông điệp pháp luật đầy tính nhân văn, thời sự, Thứ trưởng đề nghị Đại học Luật Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp để mở rộng Cuộc thi sáng tác tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật nhằm tạo ra một sân chơi mới không chỉ dành riêng cho sinh viên các trường đại học luật mà còn dành cho tất cả các học sinh, sinh viên cả nước.

Còn tại Nghệ An, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật được chú trọng triển khai tập trung vào tuần lễ cao điểm tháng 11/2020 với nhiều hình thức như hội nghị, hội thảo, tọa đàm, truyền thanh lưu động, sinh hoạt các câu lạc bộ thời sự pháp luật, sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu về pháp luật… Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật gắn với tổng kết, đánh giá công tác PBGDPL và tổng kết 05 năm thực hiện các đề án về PBGDPL.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi Rung chuông vàng về chủ đề an toàn giao thông tại các trường THPT và THCS trên địa bàn tỉnh.  Bên cạnh đó, Ngày Pháp luật hàng tháng tiếp tục được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, có chất lượng... Các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thành, thị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương chủ động lựa chọn các hình thức phù hợp để triển khai, phổ biến các văn bản pháp luật thuộc phạm vi quản lý, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị…

Tại Tuyên Quang, tham dự Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2020 có trên 450 đại biểu là thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh; Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Đảng ủy khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, các sở, ban, ngành, các cơ quan, doanh nghiệp Trung ương đóng tại địa phương, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, Trường Chính trị, các trường chuyên nghiệp; UBND, thành phố; báo cáo viên pháp luật tỉnh; đoàn viên Đoàn khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; sinh viên Trường Đại học Tân trào…

Ngay sau lễ hưởng ứng, Hội thi “Tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật” đã diễn ra sôi nổi với 06 tiểu phẩm dự thi của 06 đội thi đại diện cho 06 cụm thi đua thuộc Đoàn khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.

Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhất cho Đội Cụm thi đua số 5; 2 giải Nhì cho Đội Cụm thi đua số 1 và Đội Cụm thi đua số 3; 3 giải Ba cho Đội Cụm thi đua số 2, Đội Cụm thi đua số 4 và Đội Cụm thi đua số 7.

Nhiều địa phương cũng sáng tạo trong việc triển khai Ngày Pháp luật. Đơn cử mô hình Ngày hội pháp luật được tổ chức thường xuyên, định kỳ trong tuần lễ cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật để tư vấn, giải đáp kiến thức pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động thông qua các tình huống, vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của người lao động (thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, thanh niên, chiến sỹ lực lượng vũ trang tham dự; Bình Dương thu hút hơn 3.000 cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; Đồng Nai; Vĩnh Phúc...).
 
Thông qua các mô hình trên đã huy động được các chuyên gia, những người hành nghề pháp luật trực tiếp tham gia tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật theo nhu cầu, gắn với các chủ đề, tình huống, vụ việc vướng mắc pháp luật cụ thể cho đông đảo người dân tham dự, qua đó giúp người dân hiểu biết sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn các quy định pháp luật.

Cùng với các địa phương, các bộ, ngành cũng tích cực tham gia hưởng ứng Ngày Pháp luật với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tổ chức mít tinh, toạ đàm, sinh hoạt chuyên đề…

Tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật
Ngày 20/6/2020 Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. 

Theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW, Ngày Pháp luật Việt Nam không chỉ có mục tiêu rất quan trọng là tuyên truyền, phổ biến pháp luật mà sâu xa hơn là đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng, chấp hành pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; lối sống văn hoá, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Để việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư có hiệu quả, bảo đảm chất lượng, ngoài việc tiếp tục quán triệt, phổ biến nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của pháp luật trong đời sống thì việc đổi mới, nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật cũng là vấn đề quan trọng.

Thực tế những năm qua cho thấy, bên cạnh những địa phương năng động, sáng tạo trong tổ chức Ngày Pháp luật thì cũng có những ngành, địa phương các hoạt động này vẫn còn hình thức, chưa thực sự lan tỏa trong cộng đồng xã hội dẫn đến lãng phí nhân lực, vật lực…

Ngày Pháp luật Việt Nam bên cạnh việc hướng đến đội ngũ cán bộ công chức thì dành nhiều ưu tiên hơn cho người dân ở cơ sở đặc biệt người dân ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa nơi việc học tập pháp luật còn nhiều hạn chế.

Việc phổ biến pháp luật có thể thông qua nhiều hình thức như cấp phát sách báo miễn, phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông, báo chí, các thiết chế văn hóa, thông tin cơ sở, cổ động trực quan; tăng cường vai trò của già làng, trưởng bản, tổ chức các chuyến trợ giúp pháp lý lưu động...

Cùng với đó, Ngày Pháp luật không chỉ tổ chức vào tuần lễ hay tháng cao điểm mà cần được các cấp, ngành xác định là việc làm thường xuyên, liên tục. Qua việc tổ chức Ngày Pháp luật hàng năm để nhìn nhận, xem xét, đánh giá những việc đã làm, chia sẻ các bài học kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm hiệu quả; từ đó đề ra các nhiệm vụ tiếp theo; bên cạnh đó cũng cần quan tâm khen thưởng, tôn vinh những tấm gương sáng, điển hình trong xây dựng pháp luật, tuyên truyền, PBGDPL, tổ chức thi hành pháp luật. 

Đồng thời cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng, công tác PBGDPL nói chung; phát huy các sáng kiến trong việc triển khai, xây dựng và phát triển các mô hình hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm, tạo thành phong trào xã hội rộng lớn. 

Năm 2020 các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam đã triển khai rộng khắp, được các bộ, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, địa phương tích cực tham gia với nhiều hình thức phong phú, có điểm nhấn như: Tổ chức Lễ mít tinh (Bộ Công an, TP Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh…); Chương trình tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên dưới hình thức sân khấu hoá (Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia); thi, giao lưu pháp luật và tổng kết các cuộc thi tìm hiểu pháp luật (Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ…); Ngày hội pháp luật gắn với tư vấn pháp luật cho người dân (TP Hồ Chí Minh…); tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội nghị về phổ biến, giáo dục pháp luật (tỉnh Hà Nam, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Lào Cai, tỉnh Hà Giang, tỉnh Hòa Bình, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Trà Vinh…);  tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật (tỉnh Hải Dương…); tổ chức các phiên tòa giả định…
Nguồn: baophapluat.vn


  • Alternate Text
  • Alternate Text
  • Alternate Text