Ngày Pháp luật: Ngày để mỗi người thấy tự hào vì mình là người thượng tôn pháp luật

29/10/2013
Từ nay, ngày 9/11 hằng năm sẽ là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Làm mới cách phổ biến giáo dục pháp luật

Cách đây 7 năm, từ quyết tâm làm mới công tác tuyên truyền pháp luật, Sở tư pháp Hà Tây (cũ) đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), trong đó có quy định mỗi tháng các Sở ban, ngành quận huyện phải dành một ngày để phổ biến pháp luật. Từ hiệu quả của mô hình này, sau khi sáp nhập, Ngày pháp luật tiếp tục được thực hiện trên địa bàn Hà Nội

Bà Trương Thị Nga, khi ấy là Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tây, sau này là Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, nay đã nghỉ hưu cho biết, điều khiến những người làm công tác PBGDPL luôn trăn trở làm sao đổi mới được hình thức tuyên truyền cho sinh động, hấp dẫn, không chỉ với người dân mà ngay cả với các cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước.

Thực tế, nhiều cán bộ khi giải quyết công việc, nhất là công việc liên quan đến người dân còn lúng túng. Nguyên nhân là nhiều quy định pháp luật liên quan đến chính các lĩnh vực chuyên môn của ngành mình nhưng cán bộ thụ lý cũng chưa hiểu hoặc hiểu chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, trong khi chính sách pháp luật thay đổi thường xuyên thì việc cập nhật các văn bản mới cho cán bộ công chức là việc làm rất cần thiết.

Mạnh dạn tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác PBGDPL, trong đó ý tưởng về “Ngày pháp luật” đã được đưa vào làm “điểm nhấn”. Được Tỉnh ủy phê duyệt, “Ngày pháp luật” bắt đầu thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tây từ năm 2007. Mặc dù thể hiện trong văn bản chỉ vẻn vẹn hai dòng nhưng “Ngày Pháp luật” đã được các Sở, ngành, quận huyện, trường học...thực hiện nghiêm túc.

Sau Hà Tây (cũ), “Ngày Phổ biến văn bản pháp luật” đã xuất hiện ở Tiền Giang. Điều mà khi ấy lãnh đạo Sở Tư pháp nhận ra sau nhiều nỗ lực PBGDPL không mang lại hiệu quả như mong đợi là người dân rất ít quan tâm đến các kiến thức về luật pháp. Ông Phạm Văn Chính, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tiền Giang cho biết: “Do cuộc sống mưu sinh vất vả, khó khăn, người dân, nhất là nông dân và người buôn bán nhỏ, coi pháp luật là một chuyện gì đó ở đâu  đó rất xa xôi. Có tổ chức tuyên truyền luật thì hầu như không bao giờ người dân có mặt đầy đủ, chủ yếu mỗi nhà cử một người đại diện, mà thường là các em nhỏ đi thay, sau đó về… đâu lại vào đấy”.

Thực tế trên kéo dài nhiều năm, gây bao trăn trở cho các lãnh đạo Tư pháp tỉnh. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm cách làm mới, Tư pháp Tiền Giang nhận ra rằng, muốn để người dân hiểu biết về pháp luật, thì trước hết cán bộ phải nắm vững luật. Và thế là “Ngày phổ biến văn bản pháp luật” ra đời. Đối tượng đầu tiên của “Ngày phổ biến văn bản pháp luật” là tất cả cán bộ thuộc mọi cơ quan hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điều bất ngờ là cách làm này đã mang lại nhiều hiệu quả hơn mong đợi. Mỗi cán bộ tham gia “Ngày phổ biến văn bản pháp luật” đã trở thành một “Tuyên truyền viên” nhiệt tình, năng nổ. Người dân, doanh nghiệp cũng thấy thoải mái hơn với cách làm mới này.

Cứ thế, Ngày Pháp luật dần trở thành một cách làm hay được nhiều địa phương áp dụng.

PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Tư pháp, người đã có nhiều năm gắn bó với công tác PBGDPL cho biết, ngay khi đọc được thông tin về “Ngày pháp luật” trên Báo Pháp luật Việt Nam, ông đã hiểu ngay rằng, đây chính là một một hiện tượng pháp luật, một sáng kiến hay, góp phần đa dạng hoá các hình thức PBGDPL, nâng cao ý thức pháp luật và văn hoá pháp luật của cán bộ và nhân dân.

Khẳng định vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội

Ngày 9/11 là ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 - đạo luật cơ bản đầu tiên của Nhà nước ta. Từ sáng kiến của các địa phương, năm 2010, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ đã hướng dẫn việc nhân rộng Ngày Pháp luật trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hầu hết các Bộ, ngành đã triển khai thực hiện mô hình này. Đánh giá bước đầu của Bộ Tư pháp cho thấy, việc thực hiện Ngày Pháp luật ở các Bộ, ngành, địa phương đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Đặc biệt, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013 đã dành hẳn 1 Điều (Điều 8) để quy định về Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.

Để việc thực hiện Ngày Pháp luật được thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước, ngày 4/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ 27/5/2013.

Nghị định nêu rõ, Ngày Pháp luật được tổ chức với các nội dung: “Khẳng định trí, vai trò của  Hiến pháp, pháp luật trong quản lý Nhà nước và đời sống xã hội”, “Giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật, lợi ích của việc chấp hành pháp luật”, “Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị”, “Vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật”. Ngày Pháp luật cũng là ngày “Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu  trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt việc tốt trong thực hiện pháp luật”.

Ngày pháp luật có thể được tổ chức dưới các hình thức như Mít tinh, hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật.

Hàng năm, Bộ Tư pháp sẽ hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày pháp luật trong phạm vi cả nước. Trên cơ sở hướng dẫn tổ chức Ngày Pháp luật của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan  ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật; UBTW MTTQ Việt Nam hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật cho các tổ chức thành viên.

Tin rằng, khi cả xã hội chung tay cùng công tác PBGDPL, khi mỗi người dân thấy tự hào rằng mình là người “Sống, làm việc theo Hiếp pháp và pháp luật” thì pháp luật sẽ luôn được thượng tôn.

Lan Phương


Hồng Thúy (3 trang)


  • Alternate Text
  • Alternate Text
  • Alternate Text