Một số quy định pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm hành chính trên không gian mạng

Alternate Text

Thực hiện nhiệm vụ của Thành viên Ban chỉ đạo 35 của Bộ Tư pháp, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đã phối hợp với Cục Quản lý, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật xây dựng chuyên đề “Một số quy định pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm hành chính trên không gian mạng”.

Cùng với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì sự phát triển của công nghệ thông tin ngày càng trở lên mạnh mẽ tại Việt Nam. Một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là tình trạng các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi nhằm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước. Hiện nay, ở nước ta, người dùng sử dụng mạng internet và mạng xã hội là rất lớn. Với số lượng người dùng rất lớn, lượng thông tin sai sự thật về lãnh đạo, Đảng, Nhà nước trên không gian mạng ngày càng gia tăng và thu hút lượng lớn người theo dõi gây hoang mang, kích động trong nhân dân. Và cũng từ không gian mạng, hoạt động truyền thông được các thế lực thù địch tận dụng triệt để nhằm thông tin, tuyên truyền sai sự thật, xuyên tạc về chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, uy tín của lãnh đạo… tạo nên sự nhiễu loạn thông tin trong xã hội với âm mưu nhằm chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động nhân dân, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân dao động về tư tưởng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. 
Trước thực trạng trên, Nhà nước ta đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế các thông tin sai sự thật, xuyên tạc trên không gian mạng như: Quốc hội ban hành Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018. Theo quy định của Điều 8 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Điều 9 Luật An ninh mạng năm 2018, người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, có các loại chế tài khác nhau được xem xét áp dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, giả mạo trên không gian mạng, bao gồm chế tài hành chính, chế tài kỷ luật, chế tài hình sự và bồi thường thiệt hại. Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi và vụ việc cụ thể, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm có thể bị áp dụng các loại chế tài khác nhau đối với một hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại nếu gây thiệt hại. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội năm 2021  kết hợp với nhiều hình thức tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân…
Đối với chế tài hành chính, trên cơ sở các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm, Chính phủ đã ban hành các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng, cụ thể: 
+ Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi viết, phát tán, lưu hành tài liệu, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (điểm i khoản 4 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP).
Hành vi này ngoài bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với hành vi vi phạm.
+ Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử - được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2022 (Nghị định số 15/2020/NĐ-CP) quy định:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi Trang thông tin điện tử đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân (điểm a khoản 3 Điều 99).
Hành vi này ngoài bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: (i) Buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật; (ii) Buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền do thực hiện hành vi vi phạm.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: (i) Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; (ii) Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội; (iii) Chủ động lưu trữ, truyền đưa nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước (các điểm a, d và đ khoản 3 Điều 100).
Đối với các hành vi này, ngoài bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: (i) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; (ii) Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật; (iii) Buộc thu hồi tên miền.
Riêng đối với hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội và hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép thiết lập mạng xã hội từ 03 tháng đến 06 tháng.
Bên cạnh đó, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP cũng quy định xử phạt các hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội như:
(i) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội (các điểm a và d khoản 1 Điều 101).
(ii) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 101).
Đối với các hành vi này, ngoài bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
(iii) Liên quan đến các hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin, nếu cá nhân, tổ chức có hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (các điểm m và n khoản 3 Điều 102).
Bên cạnh đó, đối với các hành vi tuyên truyền, kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và Cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng (điểm a, b khoản 7 Điều 102). 
Các hành vi này, ngoài bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép thiết lập mạng xã hội từ 22 tháng đến 24 tháng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Cần lưu ý, mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền của cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Ngoài ra, hiện nay, nhằm tăng cường hơn nữa việc ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, trong đó có hành vi của các cá nhân, tổ chức, các thế lực thù địch lợi dụng để thông tin sai sự thật, xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, Bộ Công an cũng đang chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạnh
 Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính
Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text