Vai trò của thế hệ trẻ thực hiện chủ trương phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã tổng kết một số nội dung cơ bản nhất về thực tiễn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Bài viết là sự tái khẳng định quyết tâm, định hướng và mục tiêu phát triển của Việt Nam, trong đó khẳng định xã hội mà chúng ta đang hướng tới cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, đảm bảo gìn giữ các nguồn tài nguyên và môi trường sống cho các thế hệ hiện tại và tương lai cũng như nói không với việc tiêu dùng tài nguyên vô hạn. “Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” là một đề tài lý luận và thực tiễn rất cơ bản, quan trọng với nội dung rất rộng lớn, đòi hỏi nghiên cứu nghiêm túc, công phu. Do đó, chuyên đề này có mục tiêu làm rõ hơn vai trò và nhiệm vụ của thế hệ trẻ để hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển được xác định trong bài viết của đồng chí Tổng bí thư.

1. Một số điểm mới của chủ trương phát triển kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Để thực hiện được mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững, một trong những giải pháp đã được đồng chí Tổng Bí thư đặt ra là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với kinh tế tri thức đồng thời coi giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu để tập trung đầu tư, phát triển. Trên thực tế, tháng 9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% GDP, phát triển được một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đề xuất đột phá chiến lược“Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới; hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”. Vì vậy, việc triển khai thực hiện các giải pháp và nhiệm vụ đầy khó khăn thử thách này sẽ đòi hỏi sự đồng lòng và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó thế hệ trẻ sẽ đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt là ở nhiệm vụ phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chuyên đề này có mục tiêu làm rõ hơn vai trò và nhiệm vụ của thế hệ trẻ để hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển được xác định trong bài viết của Tổng Bí thư. Chuyên đề gồm 2 phần: phần 1 phân tích mối quan hệ giữa thế hệ trẻ và một nền kinh tế sốdựa trên kinh nghiệm quốc tế; phần 2 đánh giá cơ hộicủa thế hệ trẻ Việt Nam trong nền kinh tế số dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, và đưa ra một số khuyến nghị.

2. Thế hệ trẻ và nền kinh tế số, kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang mang lại nhiều sự thay đổi cơ bản về kinh tế, xã hội trên toàn cầu. Sự bùng nổ và phổ biến của internet và các công nghệ kỹ thuật số đã mang lại nhiều cơ hội cho giới trẻ để tham gia và kết nối vào thị trường kinh tế số, nơi mà các rào cản của thị trường là nhỏ hơn, với rất nhiều cơ hội để tiếp cận và chia sẻ thông tin, kiến thức với các cộng đồng có chung lợi ích và mang lại hợp tác trong các dự án sản xuất cùng nhau(1). Một số nghiên cứu đã thể hiện sự phong phú và đa dạng của các cơ hội cho giới trẻ khi tham gia và tương tác với nền kinh tế số, bao gồm các nội dung số, các nền tảng số cũng như các dịch vụ số (2). Một số hình thức việc làm mới xuất hiện đã bổ sung cho các hình thức sáng tạo nội dung truyền thống, có thể kể ra một số cơ hội việc làm của giới trẻ trong nền kinh tế số là:

Video blog: Đây là một trong những cơ hội phổ biến nhất, tận dụng sự phổ cập của internet, toàn cầu hóa cũng các nền tảng số toàn cầu như Youtube, Instagram, Facebook, giới trẻ với kiến thức về công nghệ và kỹ năng sáng tạo có thể thông qua đó xây dựng hình ảnh, thương hiệu và nội dung để tiếp cận một số lượng lớn khán giả, khách hàng và đối tác. Các nội dung có thể đa dạng từ lối sống (du lịch, ẩm thực, gia đình) đến  sức khỏe, làm đẹp, hay mang tính đặc thù hơn như hướng dẫn đầu tư, chơi game…Thông qua việc tiếp cận hàng nghìn và thậm chí là hàng triệu khán giả và người theo dõi, thế hệ trẻ đã và đang thông qua các nền tảng toàn cầu này thực hiện việc quảng cáo cho một bên thứ ba, hoặc hợp tác với các công ty để tạo ra các nội dung đặc thù, từ đó tạo ra giá trị và thu nhập cho xã hội.

Viết blog: Hình  thức này đã phổ biến với giới trẻ từ lâu thông qua các nền tảng toàn cầu như Tumblr, tuy nhiên gần đây nó có sự thay đổi để phù hợp với xu hướng công nghệ khi thường đi kèm với cả hệ sinh thái truyền thông bao gồm Youtube, Instangram, Facebook. Chủ đề thông dụng thường là thời trang,ẩm thực, du lịch, khi những người viết cố gắng tạo ra một lượng người đọc có chung một sở thích hẹp với họ, qua đó dẫn dắt xu hướng, mở rộng sự kết nối với lượng người đọc này. Giới trẻ có thể kiếm tiền thông qua quảng cáo, hoặc tiền tài trợ từ các thương hiệu  muốn hợp tác với những người dẫn dắt xu hướng này.

Nhiếp ảnh, nghệ thuật, thiết kế: Các nền tảng số toàn cầu đã tạo điều kiện cho giới trẻ đam mê và khao khát nghệ thuật có thể đóng góp cho việc sáng tạo các nội dung nghệ thuật trên các nền tảng này. Họ có thể đăng các ảnh chụp, thiết kế, phản ánh các đam mê và sự sáng tạo của mình lên mạng xã hội, thông qua đó xây dựng một lượng khán giả và những người theo dõi. Các đối tác kinh doanh như doanh nghiệp hay người dùng cũng có thể thông qua các nền tảng này để cùng hợp tác để tạo ra giá trị.

Âm nhạc: Lĩnh vực sáng tạo này đã chứng kiến nhiều nghệ sĩ trẻ giới thiệu âm nhạc của mình đến công chúng nhanh chóng và thành công thông qua các nền tảng toàn cầu như Youtube hay SoundCloud. Thế hệ trẻ còn có thể thông qua nền kinh tế số và các công cụ số để tìm kiếm các cơ hội trong việc phân phối, trình diễn các sản phẩm của mình, thậm chí họ còn có thể kêu gọi đầu tư và tài trợ để sản xuất các sản phẩm âm nhạc.

Trò chơi điện tử: Một bộ phận thế hệ trẻ với đầy đủ sự đào tạo và giáo dục về công nghệ và kỹ năng còn có thể tham gia vào nền kinh tế số thông qua các trò chơi điện tử. Các nền tảng trò chơi trực tuyến cho số đông (MMOGs) như Roblox đã và đang cung cấp những thế giới ảo cho rất nhiều người chơi trực tuyến công cụ và địa điểm để họ tự thiết kế, tạo ra nội dung và thương mại hóa các trò chơi của mình. Cơ hội còn đến từ việc thay đổi cấu trúc trò chơi (modding), phát triển và sáng tạo các trò chơi thương mại hiện tại để bán cho người tiêu dùng, từ đó xây dựng kỹ năng và thương hiệu của bản thân để trở thành các nhà thiết kế trò chơi chuyên nghiệp, khi đó học có thể hợp tác với các công ty chuyên nghiệp trong lĩnh vực trò chơi điện tử.

Kinh doanh, khởi nghiệp: Thế giới có thể được thay đổi bởi một ý tưởng, thế hệ trẻ đã chứng minh điều này là khả thi, sự thành công của những công ty khởi nghiệp sáng tạo như Facebook là bằng chứng rõ ràng. Nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đang mang đến các cơ hội để thế hệ trẻ khởi nghiệp bằng cách giải quyết các vấn đề của xã hội phát sinh trong quá trình phát triển thông qua việc kết hợp các kỹ năng và tận dụng các nguồn lực sẵn có và mọi lợi thế của công nghệ.

Ở một mặt khác, việc tham gia và tận dụng nền kinh tế số cũng đang tồn tại nhiều thách thức và khó khăn cho thế hệ trẻ(3), đặc biệt là việc chuyển đổi số sẽ làm gia tăng các bất bình đẳng hiện hữu trong xã hội (4). Sự ngăn cách và bất bình đẳngkỹ thuật số được phân chia thành 3 lớp, theo thứ tự từ 1 đến 3 (1) bao gồm: sự tiếp cận không đồng đều với công nghệ; sự phát triển không bình đẳng các kỹ năng cần thiết để thành công trong nền kinh tế số; sự phân phối không công bằng các lợi ích từ việc sử dụng công nghệ dựa trên các yếu tố về kinh tế xã hội (5).

Sự tiếp cận đối với internet là rào cản thứ nhất, tỉ lệ dân số được tiếp cận với mạng internet có sự khác nhau rất lớn tùy theo vào khu vực địa lý. Trong khi tại các quốc gia phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ, tỉ lệ người dân được tiếp cận với internet là rất cao, lần lượt là 91% tại EU-27 quốc gia và 90.8% tại Bắc Mỹ(6), tuy nhiên hơn một nửa dân số trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận với mạng internet, chủ yếu là người dân sống ở châu Phi và khu vực châu Á Thái Bình Dương(7). Ngoài ra, còn có sự chênh lệch trong tiếp cận internet và chất lượng mạng internet giữa các khu vực nông thôn và thành thị trong cùng một quốc gia hay khu vực.

Ở cấp độ thứ 2, các rào cản trong nền kinh tế số đối với thế hệ trẻ đến từ việc thiếu các kỹ năng để thành công khi làm việc trực tuyến và mức độ thành thạo của kỹ năng này không phải có được ngẫu nhiên giữa tất cả các người dùng mà được quyết định bởi nhiều yếu tố trong đó có xuất thân, hoàn cảnh, giới tính và giáo dục (8). Lấy ví dụ, một người có ảnh hưởng thành công trên mạng xã hội sẽ cần kết hợp rất nhiều kỹ năng bao gồm thiết kế, sáng tạo cũng như làm chủ các thuật toán để tối ưu hóa số lượng người ảnh hưởng. Việc có một trình độ giáo dục cơ bản, cũng như điều kiện để tiếp cận các nguồn lực và cơ sở hạ tầng khác (như tiền bạc, quan hệ cá nhân) sẽ làm gia tăng khả năng thành công. Ở một trường hợp tương tự nhưng nếu thiếu các yếu tố về hạ tầng, nguồn lực sẽ khó đạt cùng hiệu quả (1).

Ở cấp độ cuối cùng, có sự phân hóa về lợi ích khi tham gia thị trường kinh tế số giữa các cá nhân với điều kiện kinh tế xã hội khác nhau. Trong đó các cá nhân có điều kiện kinh tế xã hội tốt hơn sẽ có nhiều lợi ích hơn (9). Ngoài ra các yếu tố quyết định điều này còn bao gồm chủng tộc và giới tính của người sử dụng khi tham gia vào kinh tế số: thế hệ trẻ tại các quốc gia thu nhập thấp sử dụng internet ít hơn các quốc gia thu nhập cao và ít được hưởng lợi từ kinh tế số hơn. Ngoài ra, ở một số quốc gia có thu nhập thấp có hiện tượng nam giới sử dụng internet nhiều hơn nữ giới và sự chênh lệch này có chiều hướng gia tăng (1).

Ngoài các rào cản và thách thức trên, nền kinh tế số còn mang tới nhiều vấn đề khác cần phải cân nhắc đối với thế hệ trẻ khi tham gia. Một trong những vấn đề lớn nhất là nhận thức của thế hệ trẻ về mối quan hệ với các nền tảng toàn cầu đang được sử dụng, đặc biệt khi một số lượng lớn các nền tảng này (ví dụ như Facebook, Instagram, Youtube…) kiếm doanh thu từ quảng cáo và việc sử dụng số lượng lớn dữ liệu cá nhân người dùng. Người dùng trẻ và dữ liệu cá nhân của họ đã bị sử dụng để bán cho các nhà quảng cáo để cải thiện hiệu quả và dịch vụ của họ (10). Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất nhiều người trẻ chưa ý thức được đầy đủ mức độ mà dữ liệu cá nhân của họ đã và đang bị sử dụng bởi các nền tảng này cũng như quá quan tâm về các chiến lược quảng cáo và marketing được hình thành dựa trên dữ liệu cá nhân của họ (2). Cuối cùng, việc các nền tảng này được hưởng lợi rất nhiều từ sự tham gia và dữ liệu cá nhân của người trẻ, tuy nhiên lợi ích và lợi nhuận từ các hoạt động này chưa được chia sẻ một cách công bằng. Một số học giả còn cho rằng đây là một dạng bóc lột thương mại từ các nền tảng này và nhiều người dùng chưa ý thức được việc hành động và dữ liệu của họ là động lực trực tiếp cho sự phát triển của nền kinh tế số (11).

Vấn đề sở hữu trí tuệ cũng là một thách thức lớn trong nền kinh tế số, thế hệ trẻ nếu không được trang bị kiến thức và kĩ năng sẽ có nguy cơ vi phạm các pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ, đồng thời không bảo vệ được tài sản trí tuệ của mình và bị xâm phạm đến lợi ích chính đáng của bản thân(12).

Cuối cùng, các nền tảng toàn cầu này lại là một kênh thông tin thuận lợi cho việc truyền bá các luồng thông tin xấu, độc hại, giới trẻ khi tiếp xúc trực tiếp với các luồng thông tin này sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng về nhận thức, hành động. Đặc biệt việc các thế lực thù địch có thể lợi dụng công cụ này, lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, thổi phồng các vấn đề kinh tế xã hội trong nước để kích động diễn biến hòa bình hay âm mưu cách mạng màu, bài học của “mùa xuân Ả rập” vẫn còn nguyên tính chất thời sự (13).

3. Vai trò của thanh niên Việt Nam trong nền kinh tế số dựa trên đổi mới sáng tạo

Theo thống kê năm 2020, thanh niên Việt Nam từ 16 - 30 tuổi có khoảng 22,609 triệu người, chiếm khoảng 23,2% dân số cả nước (14). Vai trò của lực lượng này đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, cụ thể nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát huy thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”.

Việc được Đảng và nhà nước tạo mọi điều kiện ổn định để phát triển, học tập và rèn luyện là cơ hội tốt để thanh niên Việt Nam chuẩn bị và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tận dụng tốt cơ hội từ nền kinh tế số dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Như đã phân tích ở trên, thanh niên Việt Nam cũng như thanh niên trên thế giới đang đứng trước một sự chuyển đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ và điều kiện kinh tế xã hội. Để có thể thành công tận dụng các cơ hội của kinh tế số cũng như khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết đại hội XIII của Đảng cũng như mục tiêu đề ra trong bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, thanh niên Việt Nam cần nhận thức một cách đầy đủ về cơ hội thách thức, điểm mạnh điểm yếu của nền kinh tế số cũng như đặc điểm của Việt Nam và bản thân, từ đó có các kế hoạch và hành động phù hợp. Bài viết này đưa ra một số suy nghĩ cá nhân mang tính khuyến nghị giải pháp như sau:

Một là, thanh niên Việt Nam cần được định hướng trong lựa chọn nghề nghiệp, học tập phù hợp với năng lực và sở trường để tránh tình trạng làm việc không đúng chuyên môn được đào tạo, gây lãng phí về thời gian và nguồn lực của xã hội. Thanh niên có đam mê và yêu thích các lĩnh vực công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được nhà nước ưu tiên phát triển như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, thực tế ảo/thực tế tăng cường, chuỗi khối, in ba chiều hay các lĩnh vực về khoa học-công nghệ-kỹ thuật-toán học, kinh doanh, doanh nghiệp (STEAM) cần nghiêm túc tìm hiểu, xác định ngành nghề và kiên trì theo đuổi để đóng góp cho sự phát triển của nước nhà. Ngoài ra cần mạnh dạn kiến nghị, đề xuất với Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư để giải phóng năng lực tuổi trẻ, cống hiến, vì sự hưng thịnh của quốc gia, dân tộc nhờ vào phát triển kinh tế số và khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo.

Hai là, thanh niên Việt Nam cần liên tục cập nhật, trang bị kiến thức và hiểu biết về cách thức vận hành, luật lệ của nền kinh tế số (ví dụ như các vấn đề liên quan đến mối quan hệ khách hàng-nhà cung cấp với các nền tảng toàn cầu), sở hữu trí tuệ,  để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, ngoài ra tránh việc vô ý vi phạm pháp luật do thiếu kiến thức, đặc biệt khi có sự khác biệt về pháp luật giữa quốc gia nơi mà nhà cung cấp dịch vụ ở và quốc gia nơi mà người dùng sử dụng dịch vụ.

Ba là, trong một môi trường đầy biến động và đa chiều của nền kinh tế số, thanh niên Việt Nam cần nâng cao bản lĩnh chính trị, tự trang bị cho mình kiến thức để có “vắc xin” với các luồng thông tin độc hại, chưa rõ tính xác thực, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ mắc phải những sai phạm về đạo đức, tiêu cực và tệ nạn xã hội, hoặc bị lợi dụng, kích động lôi kéo vào các hành vi gây rối, vi phạm pháp luật. Đặc biệt cần cảnh giác trước nhiều luồng thông tin xấu của các thế lực thù địch, lợi dụng các vấn đề kinh tế xã hội trong nước kích động lôi kéo, lợi dụng tinh thần yêu nước của người dân để tiến hành các hoạt động chống phá, âm mưu thực hiện diễn biến hòa bình và cách mạng màu tại Việt Nam.

Bốn là, tiếp tục phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đóng với vai trò hạt nhân chính trị quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết, xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, cổ vũ thanh niên thi đua học tập, khởi nghiệp, lao động sáng tạo trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm góp phần tạo nên những thành tựu mới to lớn và có ý nghĩa cho nước nhà như lời Bác dạy “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.

4.  Tài liệu tham khảo

1.    Lombana-Bermudez A, Cortesi SC, Fieseler C, Gasser U, Hasse A, Newlands G, et al. Youth and the Digital Economy: Exploring Youth Practices, Motivations, Skills, Pathways, and Value Creation. SSRN Electron J. 2020;

2.    Palfrey, J., & Gasser U. Born digital: How children grow up in a digital age. New York, NY: Basic Books; 2016.

3.    Jenkins H. Confronting the Challenges of Participatory Culture. Confronting Challenges Particip Cult. 2018 Dec 14;

4.    Warschauer M. Reconceptualizing the digital divide. firstmonday.org [Internet]. 2002 [cited 2021 Aug 8]; Available from: http://firstmonday.org/ojs/index.php/fm/article/view/967

5.    Pearce KE, Rice RE. Somewhat separate and unequal: Digital divides, social networking sites, and capital-enhancing activities. Soc Media Soc [Internet]. 2017 Jun 21 [cited 2021 Aug 8];3(2). Available from: https://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/2056305117716272

6.    Statista. Internet usage in the United States - statistics & facts  [Internet]. [cited 2021 Aug 8]. Available from: https://www.statista.com/topics/2237/internet-usage-in-the-united-states/

7.    Individuals using the Internet (% of population) | Data [Internet]. [cited 2021 Aug 8]. Available from: https://data.worldbank.org/indicator/IT.NET.USER.ZS

8.    Hargittai E. Digital Na(t)ives? Variation in Internet Skills and Uses among Members of the “Net Generation”*. Sociol Inq [Internet]. 2010 Feb 1 [cited 2021 Aug 8];80(1):92–113. Available from: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/j.1475-682X.2009.00317.x

9.    van Deursen AJAM, Helsper EJ. The Third-Level Digital Divide: Who Benefits Most from Being Online? In Emerald Group Publishing Limited; 2015. p. 29–52.

10. Couldry N, Mejias UA. Data Colonialism: Rethinking Big Data’s Relation to the Contemporary Subject. Telev New Media [Internet]. 2019 Sep 2 [cited 2021 Aug 8];20(4):336–49. Available from: https://journals.sagepub.com/doi/abs/10.1177/1527476418796632

11. Posner, E., & Weyl G. Radical markets: Uprooting capitalism and democracy for a just society. Princeton, NJ: Princeton University Press; 2018.

12. Tuyengiao.vn. Sở hữu trí tuệ: Thách thức cho doanh nghiệp Việt | Tạp chí Tuyên giáo [Internet]. [cited 2021 Aug 9]. Available from: https://tuyengiao.vn/kinh-te/so-huu-tri-tue-thach-thuc-cho-doanh-nghiep-viet-53188

13. Qdnd.vn. Bài 5: Mạng xã hội, “điểm nóng” và cái giá hòa bình, độc lập [Internet]. [cited 2021 Aug 9]. Available from: https://www.qdnd.vn/da-phuong-tien/longform/bai-5-mang-xa-hoi-diem-nong-va-cai-gia-hoa-binh-doc-lap-648127

14. General Statistics Office of Vietnam [Internet]. [cited 2021 Aug 8]. Available from: https://www.gso.gov.vn/en/homepage/

 
Lê Duy Anh BA (Dunelm) MPhi, PhD (Cantab)

Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội