Sau ngày vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên mất, theo ý nguyện của Ông, người con rể của Ông là Nguyễn Hữu Nghĩa gọi điện thoại cho tôi về Hải phòng nhận giúp Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc di vật là toàn bộ tài liệu về pháp luật, tư pháp mà cả cuộc đời nguyên Bộ trưởng thu thập, ghi chép, tích góp được, trong đó có cuốn Hồi ký viết tay ghi vắn tắt về cuộc đời mình, về những kỷ niệm, suy nghĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Vũ Trọng Khánh sinh ngày 13 tháng 3 năm 1913 tại thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ. Năm 1932 đỗ xong tú tài, Ông theo học luật tại Trường Đại học luật Hà Nội do các giáo sư, thạc sỹ từ Paris sang thỉnh giảng. Năm 1936 sau khi đỗ cử nhân luật, do không ưa làm tri huyện, tri phủ, nên năm 1938 Ông về Hải Phòng xin làm thư ký cho Văn phòng luật sư Laubies. Tuy chức trách của thư ký chỉ lo thu xếp, giữ gìn giấy tờ nhưng Ông chủ động tranh thủ nghiên cứu hồ sơ các vụ kiện, trao đổi nội dung với khách, dự thảo văn bản bào chữa để sẵn trong hồ sơ, dần dần được Chủ nhiệm Văn phòng, ông Laubies tín nhiệm nhận cho làm luật sư tập sự. Sau khi tuyên thệ Luật sư trước Tòa thượng thẩm ngày 26 tháng 12 năm 1941, trở thành người điều khiển Văn phòng luật sư, danh tiếng của Ông là luật sư người Việt giỏi chuyên môn, thành thạo tiếng Pháp lan đi trong giới luật sư, được các luật sư, thẩm phán người Pháp nể trọng.
Từ năm 1943, khi đang làm luật sư, Ông đã có liên hệ với cách mạng thông qua người em ruột là Vũ Trọng Tống. Theo Ông kể, mấy tháng trước Khởi nghĩa, Ông đã lên Hà Nội tìm người quen để liên hệ xin đi chiến khu nhưng không thành. Tháng 7 năm 1945 ông nhận lời làm Thị trưởng Hải Phòng với dụng tâm giúp đỡ cách mạng, bảo vệ Việt Minh. Trên thực tế, Ông đã chỉ đạo chiếm lĩnh ngân hàng và các công sở của Pháp, cử người Việt Nam quản lý, thả nhóm cán bộ Việt Minh in và rải truyền đơn, liên hệ với Việt Minh chống Pháp đổ bộ, gặp tướng Nguyễn Bình bàn kế hoạch phối hợp đánh tàu chiến Pháp, vận động nhân dân chống lại việc Nhật thả tù binh Pháp… Ngày 23 tháng 8 năm 1945 tại cuộc mít tinh tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng Hải Phòng, Ông được cử giữ chức vụ Ủy viên hành chính.
Tham gia cướp chính quyền ở Hải Phòng xong, Ông được mời lên Hà Nội, nhận chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 26 tháng 8 năm 1945. Trong tình hình rối ren, phức tạp lúc bấy giờ, Ông bắt tay vào việc xây dựng Bộ Tư pháp, kịp thời xây dựng 4 sắc lệnh về tổ chức tư pháp nhằm góp phần dựng lên một chính quyền mới, mang dấu ấn lịch sử và có giá trị về mặt khoa học pháp lý.
Tháng 7 năm 1946 Ông được cử sang Pháp mang tài liệu trình Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham dự Hội nghị Phontainebbleau trong Phái đoàn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông nhận chức Giám đốc Tư pháp khu 10 gồm 6 tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái từ năm 1946 đến 1948, tích cực tìm kiếm, đào tạo, bồi dưỡng anh em trí thức, công chức cũ, người dân tộc ít người để thành lập Tòa án tỉnh, huyện, xử lý tốt quan hệ giữa hành chính và tư pháp, không để xảy ra xung đột nghiêm trọng. Từ năm 1949 đến năm 1954 ông được chuyển về Bộ Tư pháp làm Trưởng ban nghiên cứu pháp lý, rồi Giám đốc vụ Hành chính tư pháp. Nhớ lại những ngày tháng này, ông viết trong Hồi ký của mình: “Tôi bước đi kháng chiến không chút do dự và trải qua những năm kháng chiến không lúc nào dao động có ý tưởng bỏ hàng ngũ”. Điều này không dễ một chút nào đối với người trí thức, luật sư có tiếng tăm trong xã hội. Đó là một sự “dấn thân” cho pháp luật, cho công tác tư pháp như Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc - bây giờ cũng đã thành nguyên Bộ trưởng - mong muốn ở mỗi cán bộ tư pháp chúng ta.
Sau khi hòa bình lập lại, như ông viết, “vì ham muốn hoạt động trong thực tế thiết thực”, Ông tình nguyện về Hải Phòng tham gia công tác chính quyền, mặt trận, luật sư, luật gia, khoa học, tham gia nghiên cứu đổi mới tư duy trong pháp luật phục vụ công cuộc đổi mới, phục vụ quản lý kinh tế, xã hội, hành chính, đưa pháp luật xuống cơ sở xã, phường, xí nghiệp.
Ông đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, trong đó có Huân Chương Hồ Chí Minh cao quý. Với cuộc đời trong sáng, không màng danh lợi, chỉ ham muốn đóng góp cho sự phát triển pháp luật, tư pháp của chế độ mới, Ông là tấm gương sáng cho những người cán bộ tư pháp noi theo. Thật xúc động khi đọc những dòng Ông viết:
“Cuối đời, tôi ngẫm lại đức tính mình trong cuộc sống đã trải qua, ở gia đình và ngoài xã hội. Tôi không ham mê quyền lợi riêng tư, danh vọng, địa vị trong xã hội Việt Nam mình, càng không thể nghĩ đến danh tiếng ra ngoài nước, không ham vơ vét cho mình nhất là lại làm hại người khác. Tôi sẵn sàng sống nhường nhịn, nhũn nhặn, ẩn lánh.
Điều tôi mong muốn là làm được việc tốt, có ích cho đời sống của gia đình mình, của Nước mình và đóng góp cho xã hội loài người nếu có thể.
Từ nhỏ tôi đã chuộng lẽ phải, say mê khoa học, kỹ thuật, văn học, ham tiến bộ cho mình, cho Nước nhà, cho thế giới. Cho nên tôi có hứng thú trau dồi kiến thức khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội, tán thành ngay chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, góp sức đấu tranh cho tiến bộ loài người. Tôi lấy làm hạnh phúc được sống trong thời đại có những chủ nghĩa, những phong trào mưu cầu chính nghĩa, mưu cầu hạnh phúc cho quốc gia, cho toàn cầu.
Tôi đã vượt nhiều khó khăn để ra làm luật sư, một nghề tự do đòi hỏi trình độ thật sự và bản lĩnh tự tôn, tự trọng. Nghề tự do, tự chủ đó giúp tôi có điều kiện tìm và theo phong trào cách mạng chân chính cho đến ngày nay”.
Nghe tin Ông mất, ngày 25 tháng 1 năm 1995, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Thư chia buồn cùng gia đình:
“Tôi rất xúc động nhận được tin đột ngột luật sư Vũ Trọng Khánh từ trần.
Anh là một người trí thức yêu nước, có tâm huyết đối với vận mệnh của Tổ quốc, đã từng có đóng góp xứng đáng trong Chính phủ lâm thời đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong suốt những thập kỷ kháng chiến và những năm tiếp theo, anh đã hết lòng phục vụ nhân dân, có cống hiến xứng đáng đối với sự nghiệp đoàn kết toàn dân và xây dựng nền luật học của nước ta.
Là một người bạn của anh Khánh từ trước ngày cách mạng thành công, tôi xin gửi đến toàn thể gia quyến và bạn bè thân thuộc của anh lời chia buồn thống thiết nhất”.
Xin thắp nén hương ngưỡng vọng và đọc thêm một lần lời của Đại tướng để thêm tự hào về người Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của chúng ta.
Nguyễn Đức
Rút từ Tập “Tư pháp - Ở đời - Làm người” -(Sắp xuất bản)