Cùng dự có đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; các đồng chí Uỷ viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Đặng Hoàng Oanh, Mai Lương Khôi,
Trần Tiến Dũng và đại diện các đơn vị: Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Bộ Nội vụ. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh (trái) và Thứ trưởng Mai Lương Khôi (phải).
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng (phải).
Xác định công tác cán bộ là khâu "then chốt" trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, ngành Tư pháp. Cụ thể: Phát triển nhân lực tư pháp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý; nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực tư pháp; rà soát, sắp xếp hợp lý các cơ sở đào tạo cử nhân luật; xác định rõ hệ tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, kinh tế, xã hội và kinh nghiệm thực tiễn đối với từng chức danh, nhân lực tư pháp.
Tại Bộ Tư pháp, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ đã có nhiều chỉ đạo và nỗ lực trong việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức; không ngừng nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ. Từ đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được đào tạo, bồi dưỡng tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng, bước đầu đã hình thành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, trình độ quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tại Hội nghị hôm nay, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị có tham luận trình bày ngắn gọn nội dung tham luận, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp, đưa ra các đề xuất phù hợp, trách nhiệm, khả thi.
Các đơn vị tham dự cần đánh giá một cách trung thực, khách quan về công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, ngành Tư pháp trong thời gian qua; từ đó nhận diện đầy đủ những khó khăn, các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân cụ thể trong công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cũng như việc chọn, cử công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng, hiến kế các giải pháp, định hướng thúc đẩy được vai trò, sức mạnh của công tác đào tạo, bồi dưỡng trong công cuộc xây dựng và phát triển Bộ, ngành.
Đối với các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tư pháp, ngoài những kết quả đã được ghi nhận trong thời gian qua, Thứ trưởng đề nghị các cơ sở đào tạo đưa ra được các giải pháp cụ thể, mang tính dài hạn và các kiến nghị, đề xuất để nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò và đưa ra định hướng phát triển trong thời gian tới
Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, phản ứng nhanh trước các chủ trương, định hướng về đào tạo, bồi dưỡng; kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác đào tạo, bồi dưỡng trong tổng thể xây dựng và phát triển ngành Tư pháp. Vụ cũng cần tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự đảng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ban cán sự đảng về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2024 – 2030, báo cáo Ban cán sự đảng xem xét, quyết định.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Đỗ Kiên cho biết, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho 04 nhóm đối tượng: đội ngũ công chức, viên chức trực tiếp quản lý; đội ngũ cán bộ pháp luật; các chức danh tư pháp và giáo dục nghề nghiệp. Các đơn vị thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đã tích cực tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch triển khai của Bộ và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, b
ên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức còn một số hạn chế, đòi hỏi cần sớm đề ra được các giải pháp, định hướng nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác này.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Đỗ Kiên báo cáo tình hình thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Tư pháp từ năm 2020 đến nay.
Tiếp đó, các đại biểu tham dự đã được nghe đại diện một số đơn vị thuộc Bộ thông tin các kết quả đào tạo, bồi dưỡng tại đơn vị mình; đồng thời cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác này. Cụ thể, đồng chí Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, trong những năm vừa qua, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) luôn chú trọng đào tạo bồi dưỡng theo tiêu chuẩn bắt buộc cho công chức hệ thống THADS; đảm bảo 100% công chức đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn khi đang giữ ngạch. Bên cạnh đó, hàng năm, Tổng cục THADS tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu và trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực thi công vụ dưới nhiều hình thức mới, hiệu quả hơn. Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò cho mỗi cán bộ, công chức và đa dạng hoá nguồn tài chính cho công tác này.
Đồng chí Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự phát biểu tại Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thu, Giám đốc Học viện Tư pháp cho biết, hoạt động bồi dưỡng của Học viện Tư pháp trong những năm gần đây đã phát triển mạnh, đạt được những kết quả, thành công lớn; số lượng, đối tượng được bồi dưỡng tăng mạnh, nội dung bồi dưỡng được mở rộng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, kết quả trên, công tác bồi dưỡng của Học viện Tư pháp vẫn còn một số bất cập, tồn tại, hạn chế nhất định. Vì vậy, để công tác bồi dưỡng nói chung và công tác bồi dưỡng cho công chức, viên chức của Bộ, ngành Tư pháp trong thời gian tới phát triển mạnh, bền vững, đồng chí đề nghị cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: tiếp tục xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Tư pháp đến năm 2030; đổi mới phương thức, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; các đơn vị chủ động đề xuất nội dung, nhu cầu kiến thức cần được bồi dưỡng; hoàn thiện quy trình tổ chức lớp bồi dưỡng, quy trình đánh giá chất lượng công tác bồi dưỡng.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thu, Giám đốc Học viện Tư pháp phát biểu tại Hội nghị.
Cần đề cao tính tự giác, chủ động trong đào tạo, bồi dưỡng
Phát biểu kết luận, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong thời gian qua, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ luôn quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng; thể hiện qua việc ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, các nghị quyết, quy định, quy chế về công tác này. Điểm lại một số kết quả nổi bật, Bộ trưởng khẳng định vai trò, vị thế của cán bộ Tư pháp đã ngày càng được nâng lên; qua đó đóng góp tích cực vào công tác tham mưu xây dựng hệ thống pháp luật và xử lý các vấn đề khó khăn của đất nước.
Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu kết luận Hội nghị.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các cấp lãnh đạo trong Bộ, ngành Tư pháp kết hợp hiệu quả, khéo léo giữa lãnh đạo, chỉ đạo với các biện pháp hành chính; tạo điều kiện cho cán bộ, công chức của đơn vị tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là phải chú trọng việc đào tạo "tại chỗ". Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần nghiên cứu biện pháp để tối ưu hóa nguồn kinh phí, đa dạng hóa các nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này… Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cũng cần nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường việc tự đọc, nghiên cứu tài liệu.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý một số nội dung cụ thể đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ như: Trường Đại học Luật Hà Nội cần triển khai hiệu quả các đề án được giao để nâng cao vị thế của Trường trong khu vực và quốc tế; các Trường Cao đẳng luật chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc sắp xếp cơ cấu, tổ chức bộ máy; Vụ Tổ chức cán bộ tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh báo cáo, đánh giá một cách toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, ngành.
Một số kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Tư pháp:
- Về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức, Vụ Tổ chức cán bộ đã:
+ Tổ chức 94 lớp cho 9.320 học viên về các nội dung quốc phòng và an ninh, bồi dưỡng chuyên ngành, vị trí việc làm, tiếng Anh.
+ Chọn, cử 1.648 lượt công chức đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ ở trong nước và nước ngoài.
- Về đào tạo đội ngũ cán bộ pháp luật,Trường Đại học Luật Hà Nội đã:
+ Đào tạo trên 15.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, đạt tỷ lệ 85% so với chỉ tiêu của Đề án đặt ra cho giai đoạn 2022-2025.
+ Hoàn thành đánh giá 04 chương trình đào tạo trình độ đại học.
+ Ban hành 07 quyết định thành lập Hội đồng tự đánh giá 07 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ định hướng nghiên cứu.
- Về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, Học viện Tư pháp đã:
+ Tuyển sinh, đào tạo được 18.819 học viên các lớp đào tạo chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp.
+ Xét và cấp Chứng chỉ/Giấy chứng nhận tốt nghiệp cho 13.987 học viên.
+ Tổ chức các lớp bồi dưỡng cho hơn 23.000 học viên.
- Về đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, các Trường Cao đẳng luật miền Bắc, Trung, Nam đã:
+ Tuyển sinh 2.471 học sinh, sinh viên.
+ Tổ chức bồi dưỡng, chuẩn hoá chuyên môn, nghiệp vụ cho 6.771 học viên. |
Anh Thư - Trung tâm Thông tin