Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Sáng 4/11, thực hiện Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Kế hoạch của Bộ Tư pháp về việc triển khai góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng”. Ông Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp; TS. Đào Văn Hội, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) chủ trì Tọa đàm.

Đợt sinh hoạt chính trị vô cùng quan trọng
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS Đào Văn Hội - Tổng Biên tập Báo PLVN cho biết, để triển khai lấy ý kiến toàn dân góp ý văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Báo PLVN đã mở chuyên mục góp ý văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng và ghi nhận nhiều ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân, bạn đọc.
Tọa đàm “Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng” do Đảng ủy Báo PLVN tổ chức là một hoạt động thiết thực để ghi nhận trí tuệ, ý kiến sáng tạo, tâm huyết của các chuyên gia trong và ngoài ngành Tư pháp, góp ý hoàn thiện văn kiện hết sức quan trọng của Đảng và Nhà nước trong nhiệm kỳ 5 năm và thời gian tới.
Các đại biểu tham gia Tọa đàm là các chuyên gia trong ngành Tư pháp, là các đối tác, cộng tác viên của Báo PLVN trong công tác truyền thông pháp luật. Tổng Biên tập Báo PLVN hy vọng, qua Tọa đàm, những người làm báo PLVN sẽ được kết thân hơn nữa với các chuyên gia trong và ngoài ngành Tư pháp trong những chương trình, sự kiện mang nhiều ý nghĩa về pháp lý, xây dựng pháp luật, Nhà nước pháp quyền của Báo PLVN.
Dẫn đề Tọa đàm, ông Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp khẳng định, các chuyên gia tham gia Tọa đàm đến từ nhiều lĩnh vực hoạt động sẽ có những ý kiến đa dạng, toàn diện để góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng.
Văn kiện trình Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng gồm Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. 
Ông Nguyễn Kim Tinh đề nghị các đại biểu góp ý vào những điểm chính, cốt lõi của văn kiện, làm sáng tỏ các vấn đề nhằm hoàn thiện văn kiện trước khi trình Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng.
Sau khi nghiên cứu 4 bản dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, ông Hoàng Thế Liên – nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp cho rằng, dự thảo tiếp cận rất trúng trong nhiều vấn đề đặt ra. "Chúng ta đã chú trọng nhiều việc xây dựng văn kiện để đánh giá đúng những gì đã diễn ra, vị trí chúng ta hiện nay và những gì cần giải quyết trong thời gian tới. Trước thềm Đại hội, rất hoan nghênh Đảng ta đã dành thời gian cho toàn dân tham gia góp ý văn kiện, tôi tin sẽ là đợt sinh hoạt chính trị vô cùng quan trọng. Có thể thấy rằng so với các văn kiện khác, chất lượng văn kiện lần này cao hơn, có tính toàn diện hơn, sắc nét hơn", nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp nói. 
Nhiều ý kiến sâu sắc về Nhà nước pháp quyền XHCN
Ông Hoàng Thế Liên góp ý một số nội dung sau: Thứ nhất, chủ trương lớn công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước là quan điểm đúng, nhưng công nghiệp hóa phải trên đặc trưng thế mạnh của dân tộc mình, vì thế nên đặt trọng tâm công nghiệp hóa vào nông nghiệp. "Nếu chúng ta hướng công nghiệp hóa vào hiện đại hóa và công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam thì chúng ta sẽ đạt nhiều thành tựu đáng kể, sẽ không còn nông dân canh tác manh mún, bán nông sản thô. Công nghiệp hóa nông nghiêp có thể chậm nhưng tôi tin chắc sẽ mang lại hiệu quả cao", ông Liên nêu quan điểm.
Về Nhà nước pháp quyền, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp nhận định, đây là một tư tưởng lớn, đã được chúng ta đề cập trong Hiến pháp 1992 và khẳng định hệ nguyên tắc Nhà nước pháp quyền tại Hiến pháp 2013. Theo ông Liên, giữa hai giá trị phổ biến và đặc thù, cần phải được xử lý phù hợp để tạo thành hệ các nguyên tắc, không đề cao quá mức giá trị phổ biến hoặc đặc thù.
Đánh giá về xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN, dự thảo báo cáo Chính trị khẳng định: “Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản…”; “Hoạt động của Quốc hội trong xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả được nâng cao”… Tuy nhiên, theo PGS.TS Phan Hữu Tích (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), khi đánh giá về hạn chế, thiếu sót lại có phần lệch so với ưu điểm, thành tựu đã nêu trước đó.
Nêu một số dẫn chứng trên, ông Tích cho rằng, nội dung về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam cần được rà soát, bổ sung để nêu rõ hơn, thể hiện đầy đủ hơn. Dự thảo cũng chưa nêu rõ hoạt động của Nhà nước trong thể chế hóa chủ trương của Đảng thành cơ chế, chính sách pháp luật-một trong những hoạt động rất cơ bản của Nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng lãnh đạo.
Từ góc độ của người làm công tác nghiên cứu, tham mưu hoạch định chính sách trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật, TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp nhận thấy, dự thảo đã thể hiện rất sắc nét các nội dung viết về Nhà nước pháp quyền XHCN và đi cùng với đó là một tầm nhìn mang tính chiến lược về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp trong giai đoạn 2021-2030.
Tiếp tục hoàn thiện nội dung về Nhà nước pháp quyền, TS. Nguyễn Văn Cương góp ý, Bộ Tư pháp có thể kết hợp giữa nội dung thể hiện trong Dự thảo Báo cáo chính trị với Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội để hình thành nên cách diễn đạt đầy đủ và toàn diện hơn.
H.Thư
Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text