Tăng cường công tác quản lý đảng viên trong Đảng bộ Bộ Tư pháp: Thực trạng và giải pháp

Alternate Text

Trong công tác xây dựng đảng, công tác quản lý đảng viên có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Thực hiện có hiệu quả công tác này không chỉ nâng cao chất lượng, phát huy đầy đủ trách nhiệm, vai trò tiền phong, gương mẫu, ý thức nêu gương của đảng viên, phòng ngừa đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước mà quan trọng hơn còn góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Chế độ. Nội dung công tác quản lý đảng viên rất rộng, trọng tâm là: i) Tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống của đảng viên; ii) Kết quả thực hiện nhiệm vụ đảng viên theo Điều lệ và các chức trách được tổ chức đảng giao ở các vị trí công tác; iii) Mối quan hệ với nhân dân, khả năng thu hút, tập hợp, vận động quần chúng thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, tham gia xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị...

1. Thực trạng công tác quản lý đảng viên trong Đảng bộ Bộ Tư pháp
Đảng bộ Bộ Tư pháp là Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo Quy định số 215-QĐ/TW ngày 05/12/2013 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương. Đảng Bộ hiện có 1.066 đảng viên sinh hoạt tại 34 tổ chức đảng trực thuộc, bao gồm 06 Đảng bộ cơ sở (với 57 chi bộ trực thuộc), 15 Chi bộ cơ sở và 13 Chi bộ trực thuộc. Nhiều năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ Bộ Tư pháp luôn coi trọng công tác quản lý đảng viên và đạt nhiều kết quả tích cực, cụ thể là:
Thứ nhất, Đã chú trọng việc phổ biến, quán triệt các quy định, hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy cấp trên về tăng cường công tác quản lý đảng viên đến toàn thể các đảng viên trong Đảng Bộ dưới nhiều hình thức  phong phú, đa dạng như: Sao gửi các chỉ thị, quy định, hướng dẫn để chi bộ tổ chức quán triệt, phổ biến, học tập tại các kỳ sinh hoạt định kỳ hoặc chuyên đề; đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để đảng viên tự học tập, nghiên cứu, tìm hiểu và vận dụng. Các văn bản được tập trung quán triệt, phổ biến là Điều lệ Đảng, Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25/7/20016, Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 20/9/2016 về thi hành Điều lệ Đảng; nhất là Chỉ thị 28-CT/TW ngày 21/01/2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp Đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những Đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng; các Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương: Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 05/6/2017 về nghiệp vụ công tác đảng viên; Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW ngày 26/3/2009 về việc miễn công tác và sinh hoạt đảng đối với đảng viên; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016; các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; các quy định, hướng dẫn về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm... Nhờ vậy, đến nay, hầu hết cấp ủy đảng và đảng viên đều nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vị trí, vai trò và nhiệm vụ của đảng viên cũng như mục tiêu, yêu cầu và nội dung công tác quản lý đảng viên; chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đảng viên được được nâng lên rõ rệt.
Thứ hai, Đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện các văn bản, hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy cấp trên để tăng cường công tác quản lý đảng viên trong Đảng Bộ, bao gồm: Hướng dẫn số 05-HD/ĐU ngày 03/5/2018 về quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên và công nhận đảng viên chính thức trong Đảng bộ Bộ Tư pháp; Hướng dẫn số 08-HD/ĐU ngày 25/4/2019 phân công công tác, nhiệm vụ cho đảng viên; Kế hoạch số 11-KH/ĐU ngày 25/3/2021 triển khai “Năm tăng cường công tác quản lý đảng viên”; Công văn số 60-CV/ĐU ngày 05/4/2019 hướng dẫn việc cử, cho phép, quản lý cán bộ, đảng viên đi nước ngoài về việc riêng; Công văn số 66-CV/ĐU ngày 11/4/2019 hướng dẫn chế độ sinh hoạt đảng đối với đảng viên nghỉ công tác không hưởng lương; Công văn số 80-CV/ĐU ngày 25/4/2019 về quán triệt nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Hằng năm, trong Chương trình, Kế hoạch công tác hằng năm của Đảng ủy Bộ và các cấp ủy trực thuộc đều xác định tăng cường quản lý đảng viên là một nhiệm vụ trọng tâm mà cấp ủy, đảng viên phải tập trung thực hiện, đồng thời là một nội dung quan trọng trong chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát hằng năm và trong các Đoàn kiểm tra, giám sát của Đảng ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng Bộ. Đây còn là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ tu dưỡng, rèn luyện và hoàn thành nhiệm vụ cũng như thi đua, khen thưởng hằng năm của cấp ủy, tổ chức đảng và từng đảng viên.
Thứ ba, Việc nắm bắt, đánh giá tình hình tu dưỡng, rèn luyện của đảng viên về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, về ý thức trách nhiệm nêu gương được cấp ủy, tổ chức đảng coi trọng hơn, qua đó kịp thời tháo gỡ, giải tỏa những vướng mắc về tư tưởng, uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện, hành vi lệch lạc, nhận thức không đúng hoặc không đầy đủ. Việc quản lý, đánh giá đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tham gia sinh hoạt chi bộ, đi nước ngoài về việc riêng, bảo vệ chính trị nội bộ, duy trì mối quan hệ với cấp ủy, nhân dân ở nơi cư trú cũng như thực hiện các thủ tục chuyển sinh hoạt đảng được chú trọng và đẩy mạnh hơn trước; công tác lập, quản lý và lưu trữ, cập nhật bổ sung hồ sơ đảng viên được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của Trung ương và hướng dẫn của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương…
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp trên đến nay công tác quản lý đảng viên trong Đảng Bộ đã từng bước đi vào nền nếp; chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ đảng viên được nâng lên rõ rệt. Hầu hết cán bộ, đảng viên đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, yên tâm công tác và gắn bó với Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, góp phần vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Hằng năm, Đảng Bộ đều được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 100% các tổ chức đảng trực thuộc đều được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ trở lên, trong đó năm 2019 và 2020 Đảng Bộ và Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ được Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và biểu dương tiêu biểu, xuất sắc. Các nguyên tắc sinh hoạt đảng được giữ vững và thực hiện nghiêm túc, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng, quy chế chất vấn trong Đảng, quy định những điều đảng viên không được làm; kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được giữ vững; phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng từng bước được đổi mới, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu được nâng cao…
Bên cạnh đó, hằng năm, trong Đảng Bộ vẫn còn tình trạng đảng viên bị xử lý kỷ luật do vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình (sinh con thứ ba); chưa khắc phục triệt để tình trạng chậm chuyển sinh hoạt đảng sau khi công chức nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc đảng viên vắng mặt trong các buổi sinh hoạt Chi bộ định kỳ. Việc bổ sung, cập nhật thông tin, tài liệu trong hồ sơ đảng viên hằng năm cũng như việc thực hiện chế độ báo cáo sau khi đi nước ngoài về việc riêng hoặc có quan hệ có yếu tố nước ngoài của đảng viên còn chậm. 
2. Giải pháp tăng cường công tác quản lý đảng viên trong thời gian tới
Kế thừa những thành tựu, kết quả đã đạt được, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đảng viên, tới đây, Đảng bộ Bộ Tư pháp cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp sau đây:
Một là, Tiếp tục quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức để cấp ủy, đảng viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về vị trí, vai trò, ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu và nội dung công tác quản lý đảng viên theo Điều lệ Đảng, các quy định của Trung ương và hướng dẫn của cấp ủy cấp trên tại Đảng Bộ, nhất là các văn bản, hướng dẫn của Đảng ủy Bộ về công tác quản lý đảng viên. Gắn triển khai công tác quản lý đảng viên với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp trong Đảng bộ Bộ Tư pháp liên quan đến đảng viên và công tác quản lý đảng viên góp phần hoàn thành mục tiêu về công tác quản lý, phát triển đảng viên đề ra trong các Nghị quyết, trực tiếp là thực hiện và hoàn thành mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đề ra là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Hai là, nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; thường xuyên rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 28-CT/TW ngày 21/01/2019 của Ban Bí thư. Chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cấp ủy, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách và năng lực tổ chức, triển khai thực hiện để hoàn thành có chất lượng và hiệu quả các nhiệm vụ được giao gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn đảng và các quy định về trách nhiệm nêu gương. Các cấp ủy cần chủ động triển khai thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch số 08-KH/ĐUK ngày 18/01/2021 của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương triển khai “Năm tăng cường công tác quản lý đảng viên” và Kế hoạch số 11-KH/ĐU ngày 25/3/2021 của Đảng ủy Bộ Tư pháp triển khai “Năm tăng cường công tác quản lý đảng viên”. Từng cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu, học tập và quán triệt đầy đủ nội dung, tinh thần trong các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng để biến thành hành động cụ thể; phải thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối và chính sách của Đảng, tôn trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng"[1]; “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”[2]; “Đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp”[3]; và “Gắn bó mật thiết với nhân dân”…
Ba là, Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác quản lý đảng viên cho đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, bảo đảm triển khai thực hiện đầy đủ, toàn diện các nội dung trong công tác quản lý đảng viên sát với điều kiện thực tiễn của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đối với tổ chức đảng và đảng viên, nhất là trong thực hiện các nội dung của công tác quản lý đảng viên và thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt đảng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, của cấp ủy, cán bộ lãnh đạo quản lý và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ. Cấp ủy phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ cơ sở tại cơ quan, đơn vị; khai thác và sử dụng có hiệu quả các kênh thông tin để nắm chắc và toàn diện tình hình đội ngũ đảng viên; giải quyết kịp thời các vướng mắc ngay tại cơ sở, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đơn thư nặc danh, vượt cấp gây phức tạp trong nội bộ. Phát huy đầy đủ vai trò các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác quản lý đảng viên. Quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, quần chúng đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của cơ quan, đơn vị; nhất là trong giám sát đảng viên; định kỳ tổ chức lấy ý kiến của đoàn thể, quần chúng đóng góp ý kiến cho tổ chức đảng, đảng viên. Coi trọng quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên qua các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội, thiện nguyện của cơ quan, tổ chức. Thực hành dân chủ rộng rãi; tích cực trao đổi thông tin, đảm bảo việc quản lý đảng viên được tiến hành thường xuyên, với sự tham gia của các tổ chức trong cơ quan, đơn vị, ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi lĩnh vực, nhiệm vụ.
Bốn là, Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và có hiệu quả các quy định về quản lý đảng viên, trọng tâm là: Định kỳ rà soát, hoàn thiện, bổ sung đầy đủ hồ sơ đảng viên, bảo đảm hồ sơ phản ánh liên tục, chính xác lịch sử, các mối quan hệ và quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần lập đầy đủ các loại sổ nghiệp vụ công tác đảng viên; ghi chép, bổ sung các nội dung chính xác, đầy đủ theo đúng hướng dẫn của cấp trên; thực hiện việc bảo quản, lưu trữ sổ theo đúng quy định. Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các thủ tục về giới thiệu sinh hoạt Đảng cho đảng viên, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp kết nạp vào Đảng sai quy định. Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định tiến tới thực hiện việc phân công, phân cấp cho cấp ủy trong công tác quản lý đảng viên; thực hiện nghiêm việc phân công, giao nhiệm vụ cho đảng viên gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị hằng năm và vị trí công tác mà đảng viên đảm trách. Thường xuyên nắm bắt tình hình, đánh giá đầy đủ, thực chất công tác quản lý đảng viên trong các kỳ sinh hoạt của chi bộ. Thực hiện việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên, cấp ủy, tổ chức đảng hằng năm theo đúng quy định và hướng dẫn của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, bảo đảm toàn diện, khách quan và thực chất. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên, nhất là trong chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các quy định về những điều đảng viên không được làm và việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở dữ liệu đảng viên và các nội dung khác của công tác quản lý đảng; từng bước số hóa tiến tới xây dựng và vận hành thống nhất, đồng bộ cơ sở dữ liệu đảng viên phục vụ công tác quản lý đảng viên.
Năm là, Đảng ủy Bộ, các cấp ủy trực thuộc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy nơi cư trú để tăng cường quản lý đảng viên tham gia sinh hoạt tại nơi cư trú, từ việc giới thiệu đảng viên về tham gia sinh hoạt nơi cư trú theo Quy định số 213-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của đảng viên tại nơi cư trú. Theo dõi, nắm chắc số lượng và tình hình đảng viên tham gia sinh hoạt tại khu dân cư; kịp thời thông báo khi có thay đổi để cấp ủy nơi cư trú biết. Giao trách nhiệm cụ thể cho từng cấp ủy viên trong việc thường xuyên nắm tình hình giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú của đảng viên ở từng khu dân cư. Hằng năm, cấp ủy nơi đảng viên công tác giữ mối quan hệ thường xuyên với cấp ủy, chi bộ nơi đảng viên cư trú để trao đổi, nắm tình hình về đảng viên./.
TS. Đỗ Xuân Lân, Đảng ủy Bộ Tư pháp
 
 
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1995, tập 11, tr.23;
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.622;
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 10, tr.67;
Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text