Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (sau đây gọi tắt là Hội nghị La Hay) là một tổ chức quốc tế liên Chính phủ hàng đầu về tư pháp quốc tế với 72 thành viên trên các châu lục. Hội nghị đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều quốc gia trên thế giới với số lượng xin gia nhập cũng ngày một tăng. Riêng ở Châu Á đã có khoảng 20 quốc gia là thành viên của Hội nghị, trong đó có 2 nước là thành viên của ASEAN là Malaysia và Philippin. Trong khuôn khổ của Hội nghị, đã có 38 Công ước được xây dựng nhằm giải quyết 3 nhóm lĩnh vực của tư pháp quốc tế là: 1) Bảo vệ trẻ em, hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài, các quan hệ về tài sản gia đình; 2) Hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tố tụng; và 3) Luật thương mại quốc tế và tài chính quốc tế.
Việc nghiên cứu gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế được Bộ Tư pháp khởi xướng từ năm 2008 sau khi tổ chức thành công Diễn đàn Pháp luật ASEAN lần thứ 4 về tăng cường công tác tương trợ tư pháp với sự tham dự của 10 nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, các chuyên gia pháp luật cao cấp đến từ Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế và một số nước thành viên của Hội nghị này như Úc, Trung Quốc, Ma Cao, Hồng Kông... Tại diễn đàn này, các thành viên ASEAN đã tập trung vào việc đánh giá Hội nghị La Hay và các Công ước của Hội nghị, những khả năng hợp tác của các nước ASEAN với Hội nghị La Hay và gia nhập các Công ước của Hội nghị.
Kể từ năm 2008 đến năm 2011, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tích cực triển khai các hoạt động nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong trong khuôn khổ Hội nghị La Hay cũng như tìm hiểu về các Công ước của Hội nghị. Ngày 19/4/2012, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Nghiên cứu về khả năng gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam (Đề án), trong đó đề xuất Việt Nam cần sớm tiến hành các thủ tục để gia nhập Hội nghị. Việc gia nhập Hội nghị La Hay không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển nội tại của các quan hệ dân sự, kinh tế có yếu tố nước ngoài của Việt Nam, hiện thực hóa chủ trương hội nhập một cách toàn diện của Đảng, Nhà nước ta mà còn góp phần nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam trong việc tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện các nền tảng pháp lý quốc tế. Các Bộ, ngành tham gia góp ý Đề án đều nhất trí cao với đề xuất này. Ngày 08/06/2012, Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4130/VPCP-QHQT đã phê duyệt Đề án. Bộ Tư pháp đã khẩn trương phối hợp với các Bộ ngành xây dựng bộ hồ sơ trình Chính phủ gia nhập Hội nghị La Hay. Theo quy định tại Điều 19 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 và Quy chế thẩm định điều ước quốc tế ban hành kèm theo quyết định số 06/2006/QĐ-BTP ngày 24/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, việc gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế cần được thẩm định theo cơ chế thành lập Hội đồng
Tại phiên họp thẩm định, Hội đồng đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Hội nghị La Hay cũng như đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, bài bản của Bộ Tư pháp đối với hồ sơ đề xuất gia nhập Hội nghị này. Thứ trưởng Lê Thành Long - Chủ tịch Hội đồng khẳng định đây chính là thời điểm chín muồi để Việt Nam gia nhập Hội nghị, một tổ chức có lịch sử trăm năm về tư pháp quốc tế, văn minh của nền văn hóa pháp lý thế giới. Thứ trưởng nhấn mạnh việc gia nhập Hội nghị La Hay sẽ đánh dấu khả năng hội nhập của ngành tư pháp Việt Nam ra thế giới. Chính vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu cần phải kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ đảm bảo theo đúng quy trình của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, khẩn trương hoàn tất các thủ tục này để Việt Nam có thể gia nhập Hội nghịvào cuối năm nay.
Phòng Tương trợ tư pháp – Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp