Hội thảo về chia sẻ thông tin kết quả rà soát bước đầu pháp luật tư pháp quốc tế về giao dịch thương mại và giới thiệu phần thứ 5 Bộ luật dân sự 2015

Ngày 01 tháng 03 năm 2016, trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Tư pháp và Dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam (Dự án NLD), Vụ Pháp luật quốc tế đã phối hợp với Dự án NLD tổ chức Hội thảo về chia sẻ thông tin kết quả rà soát bước đầu pháp luật tư pháp quốc tế tập trung vào giao dịch thương mại và giới thiệu các quy định mới của phần thứ 5 Bộ luật dân sự 2015. Hội thảo do Ông Bạch Quốc An – Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp và Ông Isabeau Vilandre - Giám đốc thường trú dự án NLD đồng chủ trì. Bên cạnh đó, Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ ngành: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công thương, Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học thương mại Hà Nội, Công ty Luật TNHH Vision, Công ty Luật Luật Allen Arthur Robinson và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Kết quả rà soát bước đầu pháp luật về tư pháp quốc tế tập trung vào giao dịch thương mại
Tiến sĩ Vũ Đức Long – Chuyên gia độc lập của Dự án NLD đã giới thiệu khái quát về kết quả rà soát pháp luật tư pháp quốc tế tập trung vào giao dịch thương mại,theo đó, (1) mục tiêu của báo cáo rà soát là nhằm phác họa bức tranh tổng thể về pháp luật tư pháp quốc tế Việt Nam trong giao dịch thương mại; (2) phạm vi của Báo cáo rà soát bao gồm các quy phạm xung đột trong lĩnh vực giao dịch thương mạitại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản pháp luật trong nước (Luật, Nghị định). Nội dung của Báo cáo gồm 3 phần chính gồm:
 
  1.  Kết quả rà soát
            Các quy định về tư pháp quốc tế Việt Nam hiện nay đã điều chỉnh được hầu hết các lĩnh vực cơ bản của giao dịch thương mại như: hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, đầu tư, hàng không dân dụng, hàng hải, chuyển giao công nghệ...tạo cơ sở pháp lý cho các bên tham gia các giao dịch thương mại. Tuy nhiên, các quy định của Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập:
  • Các quy định không mang tính hệ thống, chồng chéo, mâu thuẫn. Các quy định nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau dẫn tới khó tiếp cận và vấn đề giải thích các quy định này chưa thống nhất.
  • Các hệ thuộc được sử dụng để xác định pháp luật áp dụng đối với các loại giao dịch thương mại cụ thể cứng nhắc và chưa theo kịp sự phát triển của các quan hệ phát sinh trong giao dịch thương mại hiện nay, đồng thời, chưa phù hợp thông lệ quốc tế.
  • Mặc dù các quy định đã điều chỉnh cơ bản các giao dịch thương mại, tuy nhiên, vẫn còn nhiều lỗ hổng, chưa có quy định.Chẳng hạn: pháp luật áp dụng trong trường hợp các bên không lựa chọn pháp luật áp dụng đối với các loại hợp đồng đặc thù.
  1.  Kinh nghiệm quốc tế
Trong quá trình xây dựng Báo cáo, các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu các quy phạm xung đột pháp luật điều chỉnh lĩnh vực giao dịch thương mại của một số nước trên thế giới (Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Sỹ) và một số điều ước quốc tế (Quy tắc của Châu Âu về pháp luật áp dụng đối với nghĩa vụ hợp đồng (Quy tắc Rome I) và Bộ nguyên tắc của Hội nghị La Hay về lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế). Thông qua nghiên cứu pháp luật áp dụng đối với hợp đồng của các nước, có thể nhận thấy, tất cả các nước đều quy định nguyên tắc tự do lựa chọn pháp luật trong hợp đồng một cách rất rõ ràng, và về cơ bản, pháp luật của các nước về hợp đồng được cấu thành bởi 6 phần: (1) các quy định về năng lực chủ thể hợp đồng (2) Các quy định ghi nhận nguyên tắc tự do lựa chọn pháp luật áp dụng; (3) Các quy định về xác định pháp luật áp dụng khi các bên không lựa chọn; (4) Các quy định về hạn chế việc lựa chọn pháp luật áp dụng của các bên trong các trường hợp đặc biệt; (5) Hạn chế áp dụng pháp luật được chọn thông qua các quy định về bảo lưu trật tự công và quy phạm bắt buộc (6) pháp luật áp dụng đối với hình thức của hợp đồng.       
  1. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, trước mắt, cần tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật Việt Nam theo hướng phù hợp với chuẩn mực chung của thế giới để đáp ứng yêu cầu phát triển của các quan hệ phát sinh từ giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài.
Thứ hai, về lâu dài, Việt Nam cần thiết phải xây dựng một luật riêng về tư pháp quốc tế, trong đó tập hợp đầy đủ các quy phạm điều chỉnh giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài.Việc xây dựng Luật tư pháp quốc tế có nhiều ưu điểm: (1) các quy định tư phápquốc tế của Việt Nam sẽ dễ tiếp cận và dễ hiểu hơn, từ đó góp phần giảm chi phí giao dịch cho các chủ thể; (2) pháp điển hóa TPQT giúp loại bỏ mâu thuẫn và chồng chéo, tăng độ an toàn pháp lý, thúc đẩy giao lưu dân sự quốc tế; (3) tăng khả năng thích ứng của luật.[1](4) đáp ứng nhu cầu cần hoàn thiện pháp luật về TPQT phù hợp với chuẩn mực chung của quốc tế, thúc đẩy hội nhập nhất là trong bối cảnh hình thành Cộng đồng ASEAN, tham gia các Hiệp định thương mại tự do kiểu mới như TPP.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Hội thảo đã tích cực đóng góp ý kiến để hoàn thiện hơn nữa Báo cáo rà soát. Theo đó, các ý kiến góp ý đa số tập trung vào phần phạm vi Báo cáo cần bổ sung phần rà soát các quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015 cũng như các quy định của Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế mà Việt Nam mới gia nhập. Ngoài ra, báo cáo nên mở rộng phạm vi rà soát không chỉ trong lĩnh vực giao dịch thương mại mà nên mở rộng hơn nữa bao gồm hôn nhân- gia đình, lao động.
Về phổ biến các quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015
Tại Hội thảo, Bà Phạm Hồ Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế đã giới thiệu những quy định mới của Bộ Luật Dân sự 2015, trong đó, tập trung vào phạm vi áp dụng, khái niệm quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng so với Bộ luật Dân sự 2005 như: quy định về pháp luật áp dụng trong hợp đồng, thừa kế, quyền lựa chọn áp dụng tập quán quốc tế trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài, áp dụng pháp luật có mối quan hệ gắn bó nhất… Đặc biệt, Bà Phạm Hồ Hương cũng lưu ý về Điều 100 về Quyền miễn trừ của Nhà nước tham gia của Nhà nước vào các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Ngoài ra, Ông Ngô Quốc Chiến – Đại học Ngoại thương cũng trình bày về Những điểm mới về pháp luật áp dụng trong Hợp đồng theo Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, Bộ luật Dân sự 2015 đã có thay đổi lớn về pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trong đó, khẳng định quyền tự do lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng, quy định hệ thuộc mối quan hệ gắn bó nhất, quy định về pháp luật được xem là có mối quan hệ gắn bó nhất đối với một số loại hợp đồng như hợp đồng dịch vụ, hợp đồng lao động..., pháp luật áp dụng đối với hình thức của hợp đồng. Tuy nhiên, bên cạnh cũng điểm tiến bộ, Bộ luật Dân sự 2015 vẫn còn một số điểm hạn chế, chẳng hạn như chưa quy định về tính độc lập của thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng và các quy định khác trong hợp đồng; giá trị ưu tiên của hai hay nhiều điều ước quốc tế về quyền và nghĩa vụ cùng điều chỉnh một vấn đề; chưa quy định rõ phạm vi pháp luật được chọn.

Bên cạnh hai nội dung chính của Hội thảo, các chuyên gia tham dự Hội thảo cũng đã trình bày tham luận về kinh nghiệm quốc tế trong pháp luật tư pháp quốc tế nói chung và trong lĩnh vực hợp đồng nói riêng (Bỉ, Trung Quốc, Thụy sỹ, Nhật Bản, Canada). Đồng thời, các đại biểu tham dự cũng cho ý kiến về đề xuất xây dựng Luật tư pháp quốc tế. Đa số các ý kiến đều cho rằng, việc xây dựng một Luật riêng về tư pháp quốc tế là hết sức cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập hóa sâu rộng như hiện nay. Tuy nhiên, để xây dựng Luật riêng về tư pháp quốc tế, Việt Nam cần phải có những bước chuẩn bị kỹ càng để đề xuất xây dựng Luật tư pháp quốc tế có tính khả thi, tránh chồng lấn phạm vi quy định với các đạo luật khác nhất là trong bối cảnh Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 vừa được ban hành.
Những nội dung được chuyên gia, đại biểu tham dự chia sẻ, thảo luận tại Hội thảo là những thông tin hết sức thiết thực giúp Việt Nam nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật tư pháp quốc tế./.
 
 
[1]Khi có một đạo luật riêng về TPQT thì sự sửa đổi, bổ sung các quy phạm của TPQT cũng được thực hiện dễ dàng hơn.  Trong thời gian qua, việc sửa đổi, bổ sung các quy phạm của TPQT trong từng văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành một cách riêng rẽ. Chẳng hạn nếu tiến hành sửa đổi quy phạm xung đột trong lĩnh vực thương mại phải sửa đổi Luật Thương mại.Trong khi đó, các quy phạm xung đột chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ trong các đạo luật chuyên ngành nên rất khó để thể tiến hành sửa đổi một đạo luật vì sự bất cập của một hay một vài quy phạm xung đột. Vì vậy, nếu có một đạo luật tập trung các quy phạm xung đột của TPQT thì không chỉ nâng cao hiệu quả của việc điều chỉnh pháp luật, của thực tiễn áp dụng pháp luật mà còn sẽ dễ dàng hơn cho việc sửa đổi, bổ sung khi cần thiết.
 
Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text