THÔNG CÁO BÁO CHÍ KẾT QUẢ CÔNG TÁC TƯ PHÁP THÁNG 8 VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP THÁNG 9

30/08/2024
Trong tháng 8/2024, các đơn vị thuộc Bộ đã nỗ lực, đẩy nhanh việc triển khai các chương trình, kế hoạch công tác và đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
1. Về công tác triển khai Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu giải pháp triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VneID: Trên cơ sở kết quả thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID của thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 28/6/2024, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 267/BC-BTP về kết quả thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID tại thành phố Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên Huế và đề xuất mở rộng thí điểm trên toàn quốc. Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 656/TTg-KSTT ngày 24/8/2024 trong đó Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Tư pháp về việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc từ ngày 01/10/2024 đến hết ngày 30/6/2025; Phân quyền cho Sở Tư pháp khai thác, tra cứu tại CSDLLLTPQG để cấp Phiếu LLTP: Thực hiện thử nghiệm tính năng phân quyền, tính từ ngày 01/08/2024 - 15/08/2024, đã có 11.198 hồ sơ được tra cứu.
2. Trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Bộ Tư pháp tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Bộ, Ngành, tiêu biểu có một số nội dung: (i) Ban hành Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; (ii) Tiếp tục hỗ trợ các địa phương số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử và triển khai 02 Nhóm dịch vụ công liên thông; (iii) Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương chuẩn bị các điều kiện triển khai thí điểm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; (iv) Tổ chức triển khai thử nghiệm Hệ thống chuyển đổi giọng nói thành văn bản đối với một số cuộc họp của các đơn vị tại trụ sở Bộ; (v) Thực hiện cập nhật máy chủ và URL khai thác thông tin dân cư theo hướng dẫn tại Công văn số 1834/BCA-C06 ngày 29/5/2024 của Bộ Công an về việc chỉnh sửa hướng dẫn 761/VPCP-KSTT để đảm bảo an toàn thông tin trong việc kết nối, tích hợp, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; (vi) Tiếp tục cung cấp mã AuthKey chính thức cho Hệ thống Lý lịch tư pháp dùng chung cho các Sở Tư pháp đăng ký tham gia của các tỉnh; (vii) Chủ trì chuẩn bị các điều kiện liên quan để phục vụ việc Kiểm tra, đánh giá an ninh mạng, an toàn thông tin các hệ thống thông tin kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống Định danh và xác thực điện tử năm 2024 (đối với hệ thống dịch vụ công Bộ Tư pháp năm 2024); (viii) Tổ chức 02 lớp tập huấn cho cán bộ công chức, viên chức Bộ, ngành Tư pháp.
3. Công tác xây dựng văn bản, đề ántình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh
Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 văn bản được giao thêm là: (i) Quyết định số 762/QĐ-TTg ngày 02/8/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô; (ii) Quyết định số 916/QĐ-TTg ngày 27/8/2024 phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đến năm 2030.
Công tác xây dựng văn bản, đề án, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 văn bản được giao thêm là: (i) Quyết định số 762/QĐ-TTg ngày 02/8/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô; (ii) Quyết định số 916/QĐ-TTg ngày 27/8/2024 phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đến năm 2030.
Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có nhiều tiến triển. Đối với các luật, nghị quyết có hiệu lực từ 01/01/2024, các Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành 01 quyết định và 02 thông tư, còn lại 02 thông tư thuộc Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Với các luật, nghị quyết có hiệu lực từ 01/7/2024, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã trình ban hành 31 văn bản, còn lại 13 văn bản chưa được ban hành chi tiết cho các luật như Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Hợp tác xã, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông, và Luật Các tổ chức tín dụng. Đối với các luật, nghị quyết có hiệu lực từ 01/8/2024, đã trình ban hành 20 văn bản.
4. Trong công tác thẩm định đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản QPPL, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 04 đề nghị xây dựng văn bản QPPL (01 Nghị quyết của Quốc hội; 03 Luật); 12 dự án, dự thảo văn bản QPPL (04 Luật; 06 Nghị định, 02 Quyết định). Hoạt động thẩm định được tổ chức đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL (sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP), cơ bản bảo đảm đúng thời hạn.
5. Công tác kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản QPPL; pháp điển QPPL được thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả cao, qua đó, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại đối với 239 văn bản của cơ quan cấp Bộ và của chính quyền cấp tỉnh, đồng thời tổ chức kiểm tra văn bản theo địa bàn tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả xử lý các thông tư, thông tư liên tịch thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 và tình hình rà soát, xử lý vướng mắc của các thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ 06 tháng đầu năm 2024. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Kế hoạch của Bộ Tư pháp thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL, Bộ đã đề nghị một số Bộ, ngành, các đơn vị thuộc Bộ cập nhật kết quả xử lý văn bản QPPL do Tổ công tác và các Bộ, ngành thực hiện từ năm 2020 đến năm 2024. Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản QPPL, Bộ đã tổ chức Hội nghị với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp để trao đổi, thảo luận, cho ý kiến với các vướng mắc pháp lý; tổ chức các Phiên họp của Ban Chỉ đạo để cho ý kiến về các nội dung vướng mắc, bất cập; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý kịp thời đối với 13 luật có vướng mắc, bất cập.
Trong công tác pháp điển, quản lý, duy trì, cập nhật Cơ sở Dữ liệu quốc gia về pháp luật, Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công Hội nghị tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ Pháp điển tại tỉnh Bình Dương; phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành triển khai thực hiện Quyết định số 143/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ Pháp điển”; thực hiện cập nhật văn bản QPPL, văn bản hợp nhất thuộc trách nhiệm của Bộ trên Cơ sở Dữ liệu quốc gia về pháp luật bảo đảm đúng hạn, chính xác, đầy đủ...
6. Trong công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã: (i) Phối hợp với Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; (ii) Trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; (iii) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh; (iv) Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại tỉnh Bạc Liêu và Tây Ninh; Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024 tại TP. Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế…
7. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được quan tâm, triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác sát sao, Bộ Tư pháp đã tổng kết 05 năm thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật; sơ kết 02 năm triển khai Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”; ban hành các Quyết định công nhận, miễn nhiệm Báo cáo viên pháp luật Trung ương; thực hiện rà soát báo cáo viên pháp luật Trung ương tại các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; chuẩn bị các điều kiện tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024; tổ chức các hoạt động khảo sát, đánh giá tác động phục vụ đề xuất, sửa đổi bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;… Bên cạnh đó, Bộ đã tổ chức Đoàn kiểm tra của Hội đồng tại các tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, Bộ Công an; chuẩn bị điều kiện tổ chức Đoàn kiểm tra Hội đồng tại các tỉnh Đồng Nai và Long An; lấy ý kiến thành viên Hội đồng và Tổ Thư ký đối với dự thảo báo cáo tình hình hoạt động của Hội đồng phối hợp các cấp 7 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ các tháng cuối năm; hướng dẫn phổ biến luật, nghị quyết mới được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV và tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật một số vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
8. Công tác THADS, theo dõi thi hành án hành chính đạt hiệu quả cao, cụ thể kết quả công tác thi hành án như sau:
          Đối với kết quả chung thi hành án 10 tháng năm 2024 (01/10/2023-31/7/2024): Về việc: Thụ lý mới 586.474 việc, tăng 11,30% so với cùng kỳ; Tổng số phải thi hành 912.891 việc. Đã thi hành xong 465.462 việc, tăng 31.752 việc (tăng 7,32%,) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỉ lệ 69,27%. Số việc chuyển kỳ sau là 447.429 việc; Về tiền: Thụ lý mới trên 211.685 tỷ, tăng 41,88% so với cùng kỳ. Tổng số phải thi hành là trên 481.223 tỷ. Đã thi hành xong trên 87.210 tỷ, tăng trên 10.077 tỷ (13,06%) so với cùng kỳ; đạt tỉ lệ 31,69%. Số tiền chuyển kỳ sau trên 394.012 tỷ
Đối với kết quả thi hành án tham nhũng, kinh tế 10 tháng năm 2024: Về việc: Tổng số phải thi hành 6.750 việc, tăng 2.210 việc (tăng 48,68%) so với cùng kỳ. Có điều kiện thi hành 5.215 việc, chiếm 77,26%. Thi hành xong 3.015 việc, tăng 1.312 việc (tăng 77,04%) so với cùng kỳ; đạt tỉ lệ 57,81%; Về tiền: Tổng số phải thi hành trên 95.570 tỷ đồng, có điều kiện thi hành trên 50.580 tỷ đồng, chiếm 52,92%. Thi hành xong trên 12.156 tỷ đồng.
Đối với kết quả thi hành án tín dụng, ngân hàng: tổng số phải thi hành là 46.562 việc, tương ứng trên 193.858 tỷ đồng (chiếm 5,11% về việc và 40,66 % về tiền so với tổng số việc/tiền phải thi hành toàn Hệ thống). Có điều kiện thi hành là 28.432 việc, tương ứng trên 128.923 tỷ đồng (chiếm 61,06% về việc, 66,50% về tiền so với tổng số phải thi hành). Đã thi hành xong 4.513 việc, tương ứng trên 24.211 tỷ (đạt tỷ lệ 15,87% về việc, 18,78% về tiền). So với cùng kỳ, tăng 7.039 việc và tăng trên 39.406 tỷ đồng (tăng tỷ lệ 0,94% về việc, 1,82% về tiền).
9. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp, nhất là trong những lĩnh vực gắn chặt với người dân, doanh nghiệp như hộ tịch, quốc tịch; lý lịch tư pháp; nuôi con nuôi; bồi thường nhà nước; đăng ký biện pháp bảo đảm; bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý,… được Bộ Tư pháp quan tâm thực hiện.
Trong công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp đang tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai Dự án đầu tư công “Xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch” theo Kế hoạch đề ra; Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai đồng bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra, nhất là việc số hóa sổ hộ tịch, theo đó đến nay trên toàn quốc đã số hóa được hơn 2.524.892 sổ với hơn 60 triệu dữ liệu, trong đó, đã cập nhật vào Cơ sở dữ liệu Hộ tịch điện tử trên 50 triệu dữ liệu và tiếp tục thực hiện liên thông 02 nhóm TTHC: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí; Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tổng kết Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024; Tổ chức Đoàn công tác khảo sát, đánh giá tình hình triển khai thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP; Nghị định số 104/2022/NĐ-CP; Thông tư số 01/2022/TT-BTP; Thông tư số 03/2023/TT-BTP; Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” tại một số đơn vị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn để kịp thời hướng dẫn tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn; xây dựng dự thảo trình Thủ tướng chính phủ về giải pháp khắc phục tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực từ bản chính khi thực hiện TTHC… Bên cạnh đó, Bộ đã phát hành 28 Công văn hướng dẫn nghiệp vụ địa phương, đề nghị các đơn vị có liên quan xác minh, phối hợp, thông báo xử lý và trả lời kiến nghị của người dân liên quan đến lĩnh vực hộ tịch; Tiếp công dân tại trụ sở Bộ Tư pháp (02 lượt), tiếp tục thực hiện trao đổi hướng dẫn nghiệp vụ đối với công chức làm công tác hộ tịch tại các địa phương; Trả lời kết quả tra cứu quốc tịch Việt Nam đối với 512 trường hợp làm cơ sở cho việc cấp Hộ chiếu/Giấy xác nhận quốc tịch Việt Nam.
Trong công tác lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp đã tham mưu xây dựng trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; tiếp tục hoàn thiện Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực lý lịch tư pháp và Thông tư quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với chức danh lý lịch tư pháp; xây dựng Đề án đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia từ nay đến năm 2030; tiếp tục hoàn thiện các tính năng tra cứu và thực hiện phân quyền chính thức cho Sở Tư pháp khai thác, tra cứu tại CSDLLLTPQG để cấp Phiếu LLTP. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, thực hiện giải pháp triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID tại Thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế từ ngày 22/4/2024 theo đúng Quy trình số 9118/QLHC-TTLLTPQG. Ngày 28/6/2024, Bộ Tư pháp có Báo cáo số 267/BC-BTP trình Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID tại thành phố Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên Huế và đề xuất mở rộng thí điểm cấp Phiếu LLTP trên toàn quốc. Từ ngày 01/8/2024 - 15/8/2024, Bộ Tư pháp đã thực hiện tiếp nhận 23.285 thông tin LLTP (tăng 312,63% so với cùng kỳ năm 2023). Trên cơ sở thông tin đã nhận được, Bộ Tư pháp đã xử lý và tạo lập, tích hợp vào Cơ sở dữ liệu: 16.388 thông tin (tăng 51,5 % so với cùng kỳ năm 2023). Phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp nhận và cấp 23 Phiếu LLTP. Việc cấp Phiếu đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Trung tâm đã tra cứu 41.100 hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP (giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước) bao gồm 40.165 hồ sơ đúng hạn chiếm 97,73% và  935 hồ sơ trễ hạn chiếm 2,27%.
Trong công tác nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP; nghiên cứu xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2011/TT-BTP ngày 21/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc quản lý Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam và Thông tư số 11/2021/TT-BTP ngày 28/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2011/TT-BTP; tổ chức Hội nghị tập huấn về phòng chống mua bán người trong lĩnh vực nuôi con nuôi tại Quảng Ninh; tổ chức các đoàn công tác đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi trong nước của UBND cấp xã và tập huấn nghiệp vụ nuôi con nuôi để phòng ngừa tình trạng nuôi con nuôi trái pháp luật tại hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum... Đồng thời, Bộ đã giải quyết 06 trường hợp con nuôi nước ngoài; tiếp nhận 01 đề nghị hỗ trợ tìm hiểu thông tin về nguồn gốc của trẻ em đã được giải quyết làm con nuôi nước ngoài do Cơ quan Trung ương về con nuôi của Pháp gửi đến; tiếp nhận 03 đề nghị hỗ trợ cung cấp thông tin về nguồn gốc; thực hiện các thủ tục cần thiết để chuẩn bị Đoàn công tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế tại Tây Ban Nha và Hoa Kỳ...
Trong công tác bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác bồi thường và tổ chức đoàn kiểm tra định kỳ, kiểm tra liên ngành tại các địa phương; tổ chức “Toạ đàm lấy ý kiến góp ý đề xuất hoàn thiện pháp luật vể trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” tại Thành phố Hà Nội. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện công tác bồi thường nhà nước đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Tiếp nhận 14 lượt kiến nghị của 14 trường hợp (trong đó, tiếp nhận mới 08 trường hợp), đã giải quyết 07/14 kiến nghị của 07/14 trường hợp, ban hành 09 văn bản, phối hợp trả lời; còn 07 trường hợp đang nghiên cứu, giải quyết. Theo đó, công tác hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc pháp luật, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường được bảo đảm đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu của cơ quan, cá nhân, tổ chức.
          Trong công tác đăng ký biện pháp bảo đảm, Bộ Tư pháp đã ký ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BTP ngày 02/8/2024 về bãi bỏ các Thông tư liên tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên tịch ban hành về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm; Tiếp tục xây dựng dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với chức danh Đăng ký biện pháp bảo đảm và dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2018/TT-BTP ngày 20/8/2018 và Thông tư số 06/2020/TT-BTP ngày 17/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2018/TT-BTP; Triển khai Kế hoạch kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất năm 2024; Tổ chức Tọa đàm nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về đăng ký biện pháp bảo đảm để phù hợp xu hướng vận động, phát triển của khoa học công nghệ, của xây dựng kinh tế số, xã hội số trong khuôn khổ dự án JICA. Phát hành 158 văn bản cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền theo quy định; 189 trường hợp đề nghị cấp mới và đề nghị thay đổi thông tin về mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm cho các cá nhân, tổ chức...
          Bộ Tư pháp đã giải quyết 115.868 Phiếu đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên; Phiếu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để thi hành án dân sự và Phiếu yêu cầu thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông. Tỷ lệ Phiếu trực tuyến chiếm 87% trên tổng số Phiếu đăng ký và Phiếu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản đã thực hiện nghiêm túc việc giảm 20% phí cho các cá nhân, tổ chức khi yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản theo quy định tại Thông tư số 43/2024/TT-BTC ngày 28/6/2024 của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, theo đó, trong tháng 8/2024, đã giảm được khoảng 933.653.400 đồng cho các cá nhân, tổ chức đến yêu cầu cung cấp dịch vụ công về đăng ký biện pháp bảo đảm.
          Trong công tác bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo dự án Luật Công chứng (sửa đổi) theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình tại Hội nghị đại biểu chuyên trách trước khi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV; Chỉnh lý, hoàn thiện Báo cáo thẩm định xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi); Tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Giám định tư pháp; Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Quyết định sửa đổi Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp; Tiếp tục hoàn thiện dự thảo một số văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó (theo kỳ báo cáo thống kê), Bộ đã cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư cho 326 trường hợp; cấp, gia hạn Giấy phép hành nghề cho 04 luật sư nước ngoài tại Việt Nam, cấp Giấy phép thành lập cho 01 Công ty Luật nước ngoài tại Việt Nam; bổ nhiệm công chứng viên cho 01 trường hợp; cấp Chứng chỉ hành nghề quản tài viên đối với 12 trường hợp.
          Trong công tác trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý; tổ chức Hội thảo góp ý về Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao vai trò, hiện đại hóa, phát triển trợ giúp pháp lý đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vào ngày 22/8/2024; tham mưu và trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành các văn bản: (i) Quyết định số 1337/QĐ-BTP ngày 16/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt một số nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện hoạt động TGPL năm 2025; (ii) Công văn số 4139/BTP-TGPL ngày 24/7/2024 về việc đánh giá thực hiện kế hoạch năm 2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc lĩnh vực hình sự đối với 26 vụ việc; thực hiện việc theo dõi, đôn đốc, giám sát chất lượng, số lượng TGPL của các Trung tâm TGPL nhà nước trong toàn quốc thông qua những vụ việc địa phương cập nhật lên Hệ thống Quản lý tổ chức và hoạt động TGPL... Theo cập nhật trên Hệ thống Quản lý tổ chức và hoạt động TGPL, cả nước đã thụ lý 1.990 vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng (trong đó 1.365 vụ việc bào chữa, 625 vụ việc bảo vệ), và có 1.026 vụ việc kết thúc (trong đó 711 vụ việc bào chữa, 315 vụ việc bảo vệ). Số vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công là 278 vụ việc (225 vụ việc bào chữa, 53 vụ việc bảo vệ).
          10. Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật đã thực hiện hiệu quả. Theo đó: trong công tác pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã: (i) Tham mưu Lãnh đạo Bộ ký ban hành Kế hoạch soạn thảo Dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, theo Kế hoạch đề ra, Vụ đã tổ chức các cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Dự án Luật; xây dựng dự thảo 1 của Dự án Luật theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020); (ii) Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản; (iii) Tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; (iv) Tổ chức Lớp tập huấn về phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo pháp luật, cam kết quốc tế của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế. Bên cạnh đó, Vụ tiếp tục tham mưu Lãnh đạo Bộ thực hiện thực hiện tốt vai trò là đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các tranh chấp đầu tư quốc tế trên cơ sở Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg ngày 08/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, trong nhiều vụ tranh chấp do các Bộ, ngành, địa phương chủ trì tại trọng tài quốc tế; tham gia góp ý, thẩm định các điều ước quốc tế bảo đảm theo quy định pháp luật...
          Trong công tác hợp tác quốc tế về pháp luật, Bộ Tư pháp đã hoàn thiện và trình ban hành: (i) Kế hoạch hành động của Ban cán sự Bộ Tư pháp nhằm triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng; (ii) Kế hoạch thực hiện Nghị định số 26/2024/NĐ-CP ngày 01/3/2024 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp thay thế Nghị định số 113/2014/NĐ-CP của Chính phủ; Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ liên quan đến tham mưu quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, kịp thời cho ý kiến đối với các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật của các Bộ, ngành và các đơn vị thuộc Bộ theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng và quy định pháp luật có liên quan; Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện việc kiểm tra một số bộ, ngành về tình hình thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 09/12/2009; Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp; Tổng kết, đánh giá và xây dựng báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 98-KL/TW ngày 28/6/2014 của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về công tác phi chính phủ nước ngoài; Hoạt động hợp tác song phương tiếp tục được tăng cường, thúc đẩy, trên cơ sở các Bản ghi nhớ, hợp tác, kế hoạch hoạt động đã ký kết; Cung cấp thông tin về tình hình hợp tác pháp luật với các đối tác nước ngoài theo đề nghị của các cơ quan để phục vụ các đoàn công tác cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ hoặc các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo cấp cao của ta với người đồng cấp phía nước ngoài; chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ buổi Lãnh đạo Bộ tiếp một số đối tác quốc tế; Tiếp tục thực hiện các hoạt động hợp tác đa phương với ASEAN, EU, và tổ chức IDLO; Tiếp tục triển khai các hoạt động đối ngoại nhân quyền, chủ động triển khai các nhiệm vụ liên quan đến thực hiện công ước ICCPR. Bên cạnh đó, các hoạt động đối ngoại như tổ chức đoàn ra, đón đoàn vào được chuẩn bị chu đáo, theo đúng các kế hoạch được phê duyệt; Quản lý, điều phối các chương trình, dự án theo đúng quy định pháp luật, hỗ trợ nguồn nhân lực cho các đơn vị triển khai các nhiệm vụ chuyên môn theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
          11. Trong tháng 9/2024, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục tập trung, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác, các nhiệm vụ được giao thêm, trong đó tập trung vào số nhiệm vụ cụ thể như sau:
11.1. Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng tài liệu phục vụ Lãnh đạo Bộ tham dự các Phiên họp của Đảng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Phiên họp thứ 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá XV, trong đó có dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và các Báo cáo của Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
11.2. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tập trung tổ chức truyền thông chính sách, nhất là chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong hoạt động thẩm định.
11.3. Tiếp tục và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, như: (i) Hoàn thành nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Nghị định để phục vụ triển khai Đề án 06 và các phương án đơn giản hóa theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; (ii) tiếp tục triển khai các dịch vụ công thiết yếu, như: triển khai đồng bộ có hiệu quả việc cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử phục vụ liên thông 02 nhóm TTHC liên quan đến đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử trên phạm vi cả nước; Hoàn thành nhiệm vụ triển khai chính thức trên toàn quốc đối với nhóm TTHC “Đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân”…; Triển khai Dịch vụ công thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng DVC Quốc gia” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chính thức mở rộng triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID trên toàn quốc từ ngày 01/10/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; (iii) Làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Công an để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu/Phần mềm của ngành Tư pháp; Hoàn thành việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước theo quy định...
11.4. Chuẩn bị tốt nội dung, các điều kiện cần thiết để tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật.
11.5. Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các nội dung, điều kiện cần thiết phục vụ Đoàn công tác của Lãnh đạo Bộ tại Nhật bản và Canada. Tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch của Chính phủ, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về triển thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư liên quan đến công tác phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
11.6. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2024, nhất là nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
11.7. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bồi thường nhà nước; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký biện pháp bảo đảm; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
11.8. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Bộ Tư pháp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Trên đây là Thông cáo báo chí về kết quả công tác tư pháp tháng 8/2024 và nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp tháng 9/2024. Bộ Tư pháp xin thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí./.