I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC TƯ PHÁP THÁNG 4
Trong tháng 4/2024, các đơn vị thuộc Bộ đã nỗ lực, đẩy nhanh việc triển khai các chương trình, kế hoạch công tác và đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
Về công tác xây dựng văn bản, đề án, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 03 văn vản do Bộ Tư pháp trình là: (i) Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 4/4/20224 phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024 - 2030”; (ii) Quyết định số 299/QĐ-TTg ngày 10/4/2024 ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Đất đai được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm; (iii) Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17/4/2024 phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”. Trong tháng 4, các đơn vị thuộc bộ được giao ban hành 08 văn bản, đề án thuộc thẩm quyền trong đó có 02 văn bản, đề án từ tháng trước chuyển sang và 06 văn bản, đề án có hạn trong tháng 4.
Hoạt động thẩm định được tổ chức đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP); cơ bản bảo đảm đúng thời hạn.
Trong kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), pháp điển quy phạm pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã tiếp nhận để kiểm tra theo thẩm quyền 207 văn bản; đôn đốc cơ quan ban hành hoàn thành việc xử lý đối với 10 văn bản có quy định trái pháp luật đã được Cục kết luận trong năm 2023.
Đối với công tác xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật,Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật tiếp chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã để báo cáo Lãnh đạo Bộ, báo cáo Chính phủ; xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã tham mưu Lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 02 Đề án: (i) “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2024-2030” ; (ii) “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” . Cục tiếp tục xây dựng dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 1723/QĐ-TTg của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Hướng dẫn tiêu chí, chỉ tiêu “tiếp cận pháp luật” thuộc các Bộ tiêu chí quốc gia về xã, huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL”; Đề án xây dựng Trung tâm Truyền thông và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;...
Công tác thi hành án dân sự trong thời gian qua cũng đã đạt được những kết quả tích cực. Thụ lý mới hơn 130.564 tỷ đồng, tăng 34,06% so với cùng kỳ; Tổng số phải thi hành hơn 411.117 tỷ đồng, tăng 19,52% so với cùng kỳ, trong đó: Có điều kiện thi hành 234.793 tỷ đồng, tăng 37.465 tỷ đồng (tăng 18,99% so với cùng kỳ), chiếm 57,11% trong tổng số phải thi hành; Thi hành xong 47.595 tỷ, đạt tỉ lệ 20,27% (giảm 6,20% so với cùng kỳ).
Về công tác quốc tịch, hộ tịch, chứng thực, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2020/TT-BTP ngày 08/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, hướng dẫn sử dụng, quản lý mẫu sổ quốc tịch và mẫu giấy tờ về quốc tịch và Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch;…
Trong công lý lịch tư pháp, Trung tâm LLTP quốc gia đã thực hiện vào sổ tiếp nhận 73.622 thông tin LLTP (tăng gấp 2,73 lần so với cùng kỳ năm 2023) ; đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp nhận và cấp 39 Phiếu LLTP (gồm: 7 Phiếu LLTP số 1 và 32 Phiếu LLTP số 2). Việc cấp Phiếu đảm bảo đúng quy định của pháp luật; đã phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ - V06, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ - Công an cấp tỉnh hỗ trợ các Sở Tư pháp tra cứu, xác minh thông tin LLTP về án tích theo Quy chế số 02/QCPH-TTLLTPQG-C53 cho 68.904 hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP (giảm 8,09% so với cùng kỳ năm 2023) trong đó có 67.201 hồ sơ đúng hạn chiếm 97,53% và 1.703 hồ sơ trễ hạn chiếm 2,47%.
Về công tác nuôi con nuôi, Vụ Con nuôi đang tiếp tục xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi; Thông tư hướng dẫn về nghiệp vụ công tác xã hội trong giải quyết nuôi con nuôi; đã tổ chức các đoàn công tác đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi trong nước của Ủy ban nhân dân cấp xã và tập huấn nghiệp vụ nuôi con nuôi để phòng ngừa tình trạng nuôi con nuôi trái pháp luật tại 04 địa phương.
Trong tháng 4/2024, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đang tiếp tục xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2018/TT-BTP ngày 20/8/2018 và Thông tư số 06/2020/TT-BTP; dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và Thông tư quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với chức danh Đăng ký biện pháp bảo đảm.
Về công tác bổ trợ tư pháp, Cục đang nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Giám định tư pháp; dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp. Cục đã có Báo cáo số 189/BC-BTTP ngày 12/4/2024 trình Bộ trưởng về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.
Trong lĩnh vực công chứng, Cục đang tiếp tục xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi): Ngày 01/4/2024, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật và Tổng Thư ký Quốc hội đã có Thông báo số 3477/TB-TTKQH ngày 05/4/2024 về Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật.
Trong lĩnh vực đấu giá tài sản, Cục đã phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội rà soát, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Hiện nay, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đang hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật để gửi lấy ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tổ chức có liên quan, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7.
Trong lĩnh vực giám định tư pháp, Cục đang nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Giám định tư pháp; dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp. Cục đã có Báo cáo số 189/BC-BTTP ngày 12/4/2024 trình Bộ trưởng về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Trong tháng 4/2024, cả nước đã thụ lý: 1123 vụ việc TGPL tham gia tố tụng (trong đó 744 vụ việc bào chữa 379 vụ việc bảo vệ), và có 410 vụ việc kết thúc (trong đó 309 vụ việc bào chữa, 101 vụ việc bảo vệ). Tất cả các vụ việc thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng khá trở lên. Số vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công là: 81 vụ việc (68 vụ việc bào chữa, 13 vụ việc bảo vệ).
Trong công tác trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ công an và các bộ, ngành hữu quan hoàn thiện Dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy; tiếp tục xây dựng dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý; tham mưu Lãnh đạo Bộ ký ban hành Quyết định số 502/QĐ-BTP ngày 28/3/2024 về việc phê duyệt kết quả kiểm tra kết quả tập sự TGPL năm 2023;...
Trong công tác pháp luật quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế đã phối hợp với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật chuẩn bị nội dung phiên họp của Ủy ban Tư pháp, Quốc hội và Phiên họp thứ 52 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội, trong đó có đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và đưa vào Chương trình dây dưng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội.
Về công tác hợp tác quốc tế về pháp luật, Vụ Hợp tác quốc tế tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng, hoàn thiện thể chế; tổ chức triển khai các văn bản, nghị quyết của Đảng và các hoạt động đối ngoại, quản lý, điều phối các chương trình, dự án. Thực hiện tốt các nhiệm vụ, công tác đón đoàn vào, đoàn ra, đặc biệt là tổ chức thành công việc tiếp đón Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc Hạ Vinh thăm và làm việc tại Việt Nam từ 18 - 21/4/2024 và hoàn thành việc ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Tư pháp nước CHDCND Trung Hoa về tổ chức Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ nhất; đã phối hợp với Bộ Tư pháp Nhật Bản, JICA Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn cấp cao lần thứ nhất trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam” giai đoạn 2021 -2025.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP THÁNG 5 NĂM 2024
1. Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời các ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; các Chương trình, Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; Chương trình hành động của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Chuẩn bị kỹ nội dung và tổ chức tốt Hội nghị của Ban cán sự đảng về công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật năm 2024.
2. Chuẩn bị chu đáo, đảm bảo chất lượng tài liệu, nội dung phục vụ Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng tham dự các cuộc họp của Trung ương, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV; các Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ… Tiếp tục tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết để trình Quốc hội cho ý kiến hoặc thông qua và các Báo cáo của Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
3. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; chú trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật gắn với thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý văn bản.
4. Tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2024; thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế.
5. Tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bồi thường nhà nước; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký biện pháp bảo đảm; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
6. Tích cực, chủ động tham mưu, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chủ trì, tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật; công tác phòng ngừa, ngăn chặn lợi dụng hợp tác quốc tế để hướng lái, tác động, can thiệp vào nhiệm vụ xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, nhất là hoàn thiện, trình Ban Bí thư ban hành và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
7. Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ của công tác cán bộ; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và công tác đào tạo tại các cơ sở đào tạo của Bộ. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng Đề án vị trí việc làm, thực hiện sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ của các đơn vị thuộc Bộ.
8. Tổ chức thực hiện kiểm tra ngân sách, tài sản một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tư pháp theo kế hoạch; Hoàn thành hướng dẫn các đơn vị xây dựng dự toán NSNN năm 2025 và kế hoạch - tài chính ngân sách giai đoạn 2025-2027; tiếp tục thực hiện Kết luận của Kiểm toán Nhà nước về việc Kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các dự án đầu tư của Bộ Tư pháp; Tiếp tục rà soát, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đối với các cơ sở nhà, đất thuộc Bộ Tư pháp quản lý, báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Thực hiện các giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành kế hoạch vốn năm 2024.
9. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật. Thực hiện tốt các nhiệm vụ về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số gắn với bảo đảm an toàn thông tin mạng.
10. Ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch của Ban cán sự đảng thực hiện Kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương về kết luận giám sát đối với Ban cán sự đảng; đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng và các đồng chí ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
11. Hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm, triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2024.
Tổ chức triển khai tuyển sinh năm học mới của các trường Đại học, Cao đẳng luật thuộc Bộ.
12. Tăng cường kỷ luật kỷ cương, thực hiện nghiêm Quy chế làm việc, Quy chế văn hóa công sở của Bộ.
Trên đây là Thông cáo báo chí về kết quả công tác tư pháp tháng 4/2024 và nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp tháng 5/2024. Bộ Tư pháp xin thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí./.
Toàn văn Thông cáo báo chí có tại bản đính kèm: file:///D:/(Thanh%20toán)%20THÔNG%20CÁO%20BÁO%20CHÍ/THÁNG%204/TCBC%20T4.pdf