Thông cáo báo chí về kết quả tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2025 của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam

13/06/2024
Trong năm 2024, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam đã tập trung triển khai kế hoach công tác năm, cơ bản đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ đã đề ra và đạt được một số kết quả nổi bật như sau:
Công tác củng cố tổ chức, ổn định bộ máy của Hiệp hội cơ bản đã được xác định rõ. Chủ tịch Hiệp hội đã bổ nhiệm chức danh Phó Chánh văn phòng, Phó Tổng thư ký và 02 thư ký chủ tịch để đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ. TÍnh đến hết năm 2024, Ban Thường vụ Hiệp hội đã ban hành được 06 quy chế, 01 quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hiệp hội. Về phía các địa phương, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Hội công chứng viên; 51/63 Hội công chứng viên đã hoàn thành các thủ tục gia hạn nhiệm kỳ phù hợp với thời hạn nhiệm kỳ của Hiệp hội theo Điều lệ.
Về hoạt động chuyên môn, Hiệp hộiđã tham gia góp ý, xây dựng và phản biện chính sách; khảo sát, tập hợp các vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ và quá trình hành nghề của công chứng viên tại các địa phương; bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp; xây dựng và triển khai thực hiện Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng...
Hoạt động theo dõi và đôn đốc việc thu nộp phí hội viên; xây dựng và ban hành các quy định chi tiết về định mức thu chi tài chính của Hiệp hội, cơ chế hạch toán tài chính được Hiệp hội chú trọng triển khai thực hiện. Tính đến ngày 15/12/2024, đã có 54/63 Hội công chứng viên hoàn thành việc thu và trích nộp phí hội viên về Hiệp hội với tổng số phí trích nộp là 3.354.490.000đ. Có 09/63 Hội đã trích nộp phí gia nhập (35%) theo chính sách mới do Hội đồng công chứng viên toàn quốc thông qua ngày 16/06/2024.
Trong năm 2024, có 25 Hội công chứng viên chủ động thực hiện công tác giám sát tuân thủ và xử lý vi phạm. Đến 15/12/2024, theo báo cáo của các Hội công chứng viên cả nước có 42 trường hợp công chứng viên bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề, 10 trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại các địa phương Bình Thuận, Cà mau, Hậu Giang, Kon Tum, Lai Châu, Nam Định, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Thanh Hóa. Hiệp hội đã có công văn trả lời đối với 05 trường hợp có đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Hoạt động quản lý hội viên được thực hiện theo quy định mới của Điều lệ Hiệp hội nhằm tăng cường vai trò tự quản của Hiệp hội. Theo thống kê, đến ngày 13/12/2024, số lượng hội viên của Hiệp hội là 3457 hội viên, trong đó có 63 hội viên là tổ chức (các Hội Công chứng viên của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và 3394 hội viên là cá nhân (bao gồm các công chứng viên đang hành nghề). Hiệp hội đã giải quyết 269 hồ sơ chuyển hội, trong đó gồm 182 hồ sơ chuyển hội được giải quyết theo văn bản hướng dẫn số 123 (từ ngày 01/01-31/7/2024) và 87 hồ sơ chuyển hội theo Quy chế số 444 (Quy định thủ tục gia nhập rút tên).
Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, trong năm 2024, Hiệp hội tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế. Hiệp hội đã tổ chức các hội thảo quốc tế với những quốc gia có nền công chứng phát triển để học hỏi kinh nghiệm phục vụ cho việc xây dựng chính sách, quản lý vận hành, xây dựng quỹ bồi thường và chuyển đổi số hoạt động công chứng ở Việt Nam; tổ chức thành công Hội thảo với Liên đoàn công chứng Liên Bang Nga; tổ chức hội thảo và ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội công chứng Cộng hòa Liên bang Đức; cử đại diện tham dự họp thường niên CAAs vào tháng 9/2024 tại Uzbekistan; đăng cai hỗ trợ UINL tổ chức họp ban lãnh đạo vào tháng 2/2025. Với hơn 10 sự kiện về đối ngoại với UINL, CAAs và các Hội công chứng viên là thành viên của UINL như Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Hiệp hội công chứng viên Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và ghi dấu ấn là thành viên tích cực của UINL.
Bên cạnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp về việc ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) gây ra, với tinh thần “Đoàn kết, tương thân, tương ái”, Hiệp hội đã phát động phong trào quyên góp từ các Hội công chứng viên địa phương, đồng thời trích quỹ của Hiệp hội để ủng hộ công tác khắc phục hậu quả thiên tai với tổng số tiền là 1.064.736.000 đồng. Các Hội công chứng viên cũng tích cực đóng góp và hỗ trợ trực tiếp cho các khu vực bị ảnh hưởng, phù hợp với khả năng tài chính của từng đơn vị.
Trong năm 2025, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể sau đây:
 (1) Duy trì các nhiệm vụ thường xuyên của Hiệp hội: Bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chứng viên; hỗ trợ công chứng viên giải quyết các vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ trong hoạt động công chứng; huy trì và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát luân phiên tại các địa phương, giải quyết việc khen thưởng, kỷ luật kịp thời; hiểm soát chặt chẽ biến động của công chứng viên về số lượng; hảo vệ kịp thời quyền lợi của hội viên trong hoạt động tố tụng và hoạt động hành nghề; tham gia xây dựng và phản biện chính sách; huy trì và tăng cường hoạt động đối ngoại; huy trì sự phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc tổ chức các kỳ kiểm tra kết thúc tập sự công chứng viên.
(2) Tham gia tích cực, chủ động và hiệu quả vào việc triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2024, cụ thể như sau:
- Tổ chức các hoạt động truyền thông phục vụ việc triển khai thi hành Luật Công chứng (sửa đổi) thông qua các kênh website, fanpage, truyền hình, báo chí; phối hợp với tạp chí uy tín xuất bản chuyên san về Luật Công chứng (sửa đổi); yổ chức hội thảo (ít nhất 3 cuộc hội thảo) tại 3 miền Bắc, Trung, Nam để phổ biến các nội dung của Luật Công chứng (sửa đổi);
-  Thành lập Tổ nghiên cứu; lên kế hoạch triển khai Luật Công chứng năm 2024, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025 chậm nhất trong tháng 1 năm 2025.
- Phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Công chứng (sửa đổi).
(3) Đánh giá lại hoạt động của các Ban chuyên môn của Hội đồng công chứng viên toàn quốc, sắp xếp lại nhân sự để có hoạt động đồng đều và hiệu quả.
(4) Thích ứng với phương thức quản lý mới của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương xuống địa phương, đảm bảo thực hiện đúng Nghị quyết 27. Nghiên cứu tinh giản bộ máy, tăng cường tính chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và đáp ứng nhu cầu của xã hội.
(5) Tham khảo kinh nghiệm trong và ngoài nước để xây dựng đề án Quỹ bồi thường thiệt hại công chứng viên; tiến hành các thủ tục thành lập Quỹ.
(6) Chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan, xây dựng và triển khai các công việc liên quan đến hoạt động chuyển đổi số công chứng.
(7) Tổ chức thành công hội nghị Ban lãnh đạo Liên minh công chứng quốc tế UINL tại Việt Nam; triển khai các hoạt động hợp tác đã ký kết giữa Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và Công chứng các quốc gia Pháp, Đức, và các quốc gia khác.
(8) Tập hợp các khó khăn vướng mắc trong hoạt động hành nghề công chứng, đề nghị và phối hợp với các cơ quan có liên quan (Tòa án nhân dân, Công an, Tài nguyên và môi trường, Thuế, Ngân hàng, Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp…) tổ chức các cuộc họp nhằm tìm giải pháp phối hợp thống nhất áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
(9) Có giải pháp xử lý đối với các trường hợp công chứng viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức, thực hiện các hành vi công chứng treo, công chứng chờ.
(10) Nghiên cứu, đề xuất Tòa án nhân dân Tối cao ban hành một số án lệ liên quan đến hoạt động công chứng.
(11) Tổ chức Lễ kỷ niệm ngày truyền thống công chứng viên Việt Nam (Dự kiến lấy ngày 01/10/1945 làm ngày truyền thống Công chứng viên Việt Nam).
(12) Nghiên cứu phương án đầu tư, huy động nguồn lực để trang bị trụ sở làm việc và cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu phát triển và thực hiện các nhiệm vụ lâu dài của Hiệp hội.
Trên đây là Thông cáo báo chí về kết quả tổng kết công tác năm 2024 và triển khai Kế hoạch hoạt động năm 2025 của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Bộ Tư pháp xin thông báo./.