Thông cáo báo chí về Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025

17/12/2024
Ngày 17/12/2024, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cùng các đồng chí Lãnh đạo Bộ Tư pháp.
Để phục vụ các cơ quan báo chí đưa tin về Hội nghị, Bộ Tư pháp tóm lược thông tin về kết quả chủ yếu công tác tư pháp năm 2024 và một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2025, cụ thể như sau:
I. Kết quả chủ yếu công tác tư pháp năm 2024
1. Công tác xây dựng pháp luật ngày càng chủ động, tích cực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực để phát triển.
Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực để tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng.
Năm 2024, Bộ Tư pháp, cùng các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 luật, 05 nghị quyết quy phạm. Riêng tại Bộ Tư pháp đã chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 03 luật, 01 nghị quyết. Bên cạnh đó, toàn ngành đã tham mưu xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 832 VBQPPL; cơ quan tư pháp tại địa phương đã phối hợp tham mưu ban hành 4.832 VBQPPL cấp tỉnh, 2.144 VBQPPL cấp huyện và 2.629 VBQPPL cấp xã.
Công tác thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL được chú trọng, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp được đánh giá cao, là cơ sở quan trọng để quyết định ban hành văn bản.
 Năm 2024, Bộ Tư pháp đã thẩm định 209 đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL; tổ chức Pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định 692 văn bản; các địa phương đã thẩm định đối với 365 đề nghị xây dựng VBQPPL và 8.058 dự thảo VBQPPL.
Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn và gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật
Bộ Tư pháp đã tham mưu triển khai hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL[1] nhằm khẩn trương rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật. Từ kết quả rà soát đã đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, ban hành 03 luật sửa đổi 13 luật trong lĩnh vực tài chính, kế hoạch đầu tư để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển. Năm 2024, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 6.099 VBQPPL. Riêng tại Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 3.040 văn bản[2]. Các địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 5.195 VBQPPL.
2. Công tác tổ chức thi hành pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật
Công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn các bộ, ngành xây dựng.
Công tác theo dõi thi hành pháp luật nói chung và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành có nhiều đổi mới, mang lại hiệu quả tích cực, nhất là hoạt động kiểm tra và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác này được tăng cường.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tiếp tục được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đạt được nhiều kết quả nổi bật, như: Tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2024-2030”; Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”[3]; các hoạt động PBGDPL triển khai với nhiều mô hình mới, tăng cường truyền thông, phổ biến chính sách qua mạng xã hội; các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 được tổ chức rộng rãi từ trung ương đến cơ sở, truyền tải mạnh mẽ thông điệp thượng tôn Hiến pháp và pháp luật đến toàn dân.
3. Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, với trên 621 nghìn việc được thi hành xong, thu được trên 117 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 45 nghìn việc và tăng hơn 27 nghìn tỷ đồng so với năm 2023). Trong đó, đã thi hành xong 6.252 việc, thu được hơn 30 nghìn tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng; thi hành xong 9.211 việc, thu được trên 22 nghìn tỷ đồng đối với các khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng (đặc biệt vụ Tân Hoàng Minh với tổng số bị hại là 6.630 người; cơ quan THADS đã xử lý chi trả cho 6.492 bị hại với số tiền hơn 8.600 tỷ đồng). Việc theo dõi thi hành án hành chính ngày càng hiệu quả hơn. Các cơ quan đã thi hành xong 896 bản án, quyết định hành chính (tăng 314 so với năm 2023).        
4. Công tác hành chính tư pháp  
Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được đổi mới, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Để tiến tới mục tiêu thực hiện nhiều hơn các thủ tục hành chính về nhân thân trên môi trường điện tử, các địa phương đã tích cực số hóa sổ hộ tịch, nhiều nơi đã “về đích sớm” như Hà Tĩnh, Bình Thuận, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Khánh Hoà... Đến nay, đã số hóa hơn 3 triệu sổ với 95,8 triệu dữ liệu, trong đó, đã cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trên 79,3 triệu dữ liệu và được kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Năm 2024, toàn ngành Tư pháp đã thực hiện đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân cho hơn 1.179.776 trẻ em. Toàn quốc đã triển khai cung cấp các dịch vụ công liên thông về đăng ký khai sinh, cấp thẻ thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ mai táng phí, giúp giảm giấy tờ, công sức, thời gian đi lại cho người dân.
Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (LLTP) đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố đã triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID và được người dân đón nhận tích cực. Trong gần 02 tháng thực hiện thí điểm, đã cấp 70.000 Phiếu LLTP điện tử (chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng số hồ sơ cấp Phiếu LLTP trên toàn quốc), đặc biệt là các địa phương như Hà Nội, Huế có số lượng yêu cầu cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID lớn (chiếm tỷ lệ 90% tổng số yêu cầu cấp Phiếu LLTP), chấm dứt tình trạng người dân phải xếp hàng chờ cấp Phiếu LLTP.
Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm tiếp tục dẫn đầu trong nhóm thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình được ưa thích, với tỷ lệ thực hiện trực tuyến chiếm 87%. Năm 2024, hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam ở hạng mục chuyển đổi số xuất sắc.
Công tác quản lý nhà nước về con nuôi, phối hợp liên ngành trong giải quyết việc nuôi con nuôi được triển khai đồng bộ. Toàn ngành đã giải quyết 3.257 trường hợp nuôi con nuôi trong nước và 225 trường hợp nuôi con nuôi nước ngoài, góp phần chia sẻ, giúp đỡ các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được sống trong mái ấm gia đình.
Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bồi thường nhà nước ngày càng chuyên sâu; nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài được giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân; tạo lập niềm tin của người dân vào công lý, pháp luật, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức trong thi hành công vụ.
5. Công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, xử lý vi phạm hành chính
Năm 2024, thể chế pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được hoàn thiện với việc Bộ, ngành Tư pháp tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản và Luật Công chứng (sửa đổi). Các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Hiện cả nước có 6.024 tổ chức hành nghề luật sư, 1.469 tổ chức hành nghề công chứng, 491 tổ chức đấu giá tài sản, 719 tổ chức giám định tư pháp, 207 Văn phòng Thừa phát lại và hơn 86 doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Công tác trợ giúp pháp lý đóng vai trò tích cực trong an sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2024, cả nước đã thụ lý 63.361 vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó có 56.034 vụ việc tham gia tố tụng. Hầu hết các vụ việc được thẩm định và đánh giá đều đạt chất lượng từ tốt trở lên.
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước đổi mới, tháo gỡ vướng mắc, phòng ngừa rủi ro và nâng cao nhận thức pháp luật của doanh nghiệp. Năm 2024, Bộ Tư pháp tham mưu Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức thành công Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”, kết nối trực tiếp và trực tuyến với 63 tỉnh, thành, thu hút sự chú ý và đánh giá cao từ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính được tăng cường thông qua việc tích cực rà soát, sửa đổi và bổ sung nhiều Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cụ thể; công tác hướng dẫn, tập huấn và kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được tập trung thực hiện.
6. Công tác pháp luật quốc tế và hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp
Công tác pháp luật quốc tế ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong hội nhập của đất nước. Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện vai trò đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các tranh chấp đầu tư quốc tế và phối hợp với các bộ, ngành xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh. Trong năm 2024, Bộ Tư pháp đã thẩm định 42 điều ước quốc tế; góp ý 228 điều ước và thoả thuận quốc tế; tiếp nhận và chuyển giao 3.020 hồ sơ tương trợ tư pháp cho các cơ quan nước ngoài và 1.215 hồ sơ về ủy thác tư pháp cho cơ quan trong nước.
Hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp được thúc đẩy mạnh mẽ trên cả 3 bình diện: toàn cầu, khu vực và song phương, bám sát định hướng của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp. Nổi bật là ký kết hợp tác với Bộ Tư pháp Trung Quốc, tổ chức Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc, ký kết chương trình hợp tác và tiếp xúc cấp Lãnh đạo Bộ nhân các chuyến thăm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới Lào, Campuchia và các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất,…
7. Công tác xây dựng Ngành và đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp tiếp tục thực hiện theo tinh thần các Nghị quyết Trung ương và chỉ đạo của Chính phủ về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bộ Tư pháp đã tích cực triển khai kế hoạch tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ: “không làm không được, khó mấy cũng phải làm”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “gác lại lợi ích riêng, vì lợi ích chung”. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức tiếp tục được nâng cao. Công tác đào tạo chức danh tư pháp và nguồn nhân lực có kiến thức pháp luật cho xã hội được quan tâm thường xuyên, mở rộng về quy mô và chất lượng. Công tác nghiên cứu khoa học pháp lý đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần hoàn thiện tư duy và nhận thức lý luận về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
II. Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2025
1. Trong công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật
Thực hiện yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.
Bộ Tư pháp sẽ tham mưu, giúp Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) (dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV). Dự thảo Luật được xây dựng nhằm cụ thể hóa yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; cải tiến quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghiệp hơn, khoa học hơn, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thi hành pháp luật để bảo đảm sức sống của pháp luật thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật.
Cùng với đó, trong năm 2025, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì tham mưu xây dựng một số dự án luật khác như: Luật THADS (sửa đổi); Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Giám định tư pháp (sửa đổi). Các dự án luật này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, hỗ trợ tối đa cho việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính và thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài; khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong hoạt động giám định tư pháp, qua đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu của hoạt động tố tụng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới.
Đặc biệt, tham gia vào cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ, kịp thời để xây dựng các VBQPPL phục vụ sắp xếp tổ chức, bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo hành lang pháp lý để hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần “tinh, gọn, mạnh”.
2. Thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ và sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp theo tinh thần “không làm không được, khó mấy cũng phải làm”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “gác lại lợi ích riêng, vì lợi ích chung”. Cơ cấu, tổ chức mới của Bộ Tư pháp đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
3. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong các lĩnh vực của Bộ, ngành, trong đó từng bước nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, trợ lý ảo phục vụ xây dựng và rà soát pháp luật; chú trọng xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện và kết nối, chia sẻ các hệ thống, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành Tư pháp.
4. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS được Quốc hội, Chính phủ giao. Tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đẩy mạnh thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
5. Tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
6. Chú trọng phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế về pháp luật. Tổ chức thành công Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ nhất.
7. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch thanh tra năm 2025, đồng thời chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất, thanh, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, các vụ việc được dư luận xã hội quan tâm.
8. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam, trọng tâm là Lễ Kỷ niệm và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI.
Trên đây là Thông cáo báo chí về Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025, Bộ Tư pháp xin thông tin tới các cơ quan thông tấn, báo chí./.
 
[1]Bộ Tư pháp đã tham mưu Ban Chỉ đạo họp 03 Phiên; kiến nghị xử lý đối với 71 nhóm nội dung tại 13 luật. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tư pháp, Ban Chỉ đạo đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng 03 luật sửa đổi, bổ sung 13 luật. 03 dự án luật trên đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu, phân loại 153 kiến nghị từ kết quả rà soát đối với 43 luật, xem xét, đánh giá các vướng mắc, bất cập cần xử lý đối với 05 luật với 07 nội dung…
[2]Gồm: 247 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 2.793 văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
[3]Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ.