Tuyên truyền sâu rộng để thực thi sáng tạo, hiệu quả Luật Thủ đô

07/11/2024
Tuyên truyền sâu rộng để thực thi sáng tạo, hiệu quả Luật Thủ đô
Luật Thủ đô sẽ tạo ra sức bật đưa Thủ đô Hà Nội vươn tầm cao mới. Tuy nhiên, "Luật nằm trên giấy, việc thực thi Luật nằm trong dân", nên với bất kỳ Luật nào việc tuyên truyền cũng có vai trò vô cùng quan trọng, nhằm để giúp cán bộ và người dân thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm trong vận dụng; đem lại sự sáng tạo, hiệu quả trong thực thi Luật.
Yêu cầu được đặt lên hàng đầu
Những ngày cuối tháng 10 năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tập huấn báo cáo viên pháp luật quý III/2024 với chuyên đề: Những nội dung cơ bản của Luật Thủ đô (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết: Nhằm phát huy vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân, đưa Luật Thủ đô thực sự đi vào cuộc sống, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 105/KH-BTV ngày 10/10/2024 về tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành trong các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội.
Theo đó, Thành hội yêu cầu các cấp Hội bám sát sự chỉ đạo của Trung ương; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp thực hiện tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng địa phương, nhóm phụ nữ; tập trung tuyên truyền cho cán bộ, hội viên và phụ nữ xa trung tâm thành phố, nữ lao động nhập cư, phụ nữ tôn giáo, dân tộc thiểu số và miền núi…
Cùng thời điểm này, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền về Luật Thủ đô cho hơn 300 cán bộ, phóng viên, biên tập viên thuộc khối báo chí - xuất bản TP với mục tiêu giúp các phóng viên, biên tập viên báo chí của TP sẽ có thêm kiến thức, thông tin để nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí tuyên truyền về Luật Thủ đô đã được Quốc hội khóa XV thông qua.
Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, công tác tuyên truyền sẽ tập trung trong năm 2024 và các năm tiếp theo; trong đó, cao điểm tuyên truyền, tập huấn vào quý III, quý IV/2024 và quý I, II/ 2025.
Trên thực tế, công tác tuyên truyền về Luật Thủ đô đã được TP Hà Nội đẩy mạnh trong suốt quá trình xây dựng dự thảo Luật tới khi trình lên Quốc hội.
Theo đó, từ năm 2021, Hà Nội đã tiến hành việc tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) - sau này gọi là Luật Thủ đô. Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo; UBND TP đã thành lập Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ tổng kết thi hành luật, xây dựng hồ sơ dự thảo Luật.
 
"Sau khi xây dựng dự thảo Luật, TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo TP, các chuyên gia, nhà khoa học, cử tri và Nhân dân Thủ đô đối với toàn bộ dự thảo Luật.
Điều này không chỉ giúp Tổ công tác xây dựng Luật tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp quý báu để hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô mà còn duy trì một tinh thần, quyết tâm to lớn, sự đồng lòng, nhất trí trong cả hệ thống về một bộ Luật được kỳ vọng mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Hà Nội."

Sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã giao nhiệm vụ, từ tháng 9/2024 phải có sự chuyển động của toàn TP trong tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô; đồng thời nhấn mạnh, TP cần chuẩn bị thật tốt đội ngũ báo cáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai tuyên truyền Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn Luật.
Ngay sau đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 249/KH-UBND tổ chức phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Thủ đô đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở nhằm tạo khí thế sôi nổi, thu hút sự tham gia tích cực và thúc đẩy các mô hình sáng kiến, sáng tạo trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô.
UBND TP cũng ban hành kế hoạch số 254/KH-UBND về tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành; trong đó yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức và tập huấn thi hành phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật…

Tuyên truyền rộng rãi, bài bản, kỹ lưỡng
Theo PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ tri thức Hà Nội, trong triển khai Luật Thủ đô, quan trọng là cán bộ các cấp phải hiểu được một cách đầy đủ cặn kẽ các điều khoản của Luật để vận dụng vào cho Hà Nội ở từng lĩnh vực một, từ đó mới có những kiến nghị, sáng tạo cách làm vận dụng Luật vào cuộc sống. Nếu không hiểu, không nắm chắc sẽ máy móc, cứng nhắc, dẫn tới Luật Thủ đô không phát huy hiệu quả, mất đi những “cơ hội vàng” đã được thông qua.
Do đó, ngay từ khâu tuyên truyền TP phải chú trọng thực hiện rộng rãi, bài bản, kỹ lưỡng. Trước mắt, TP nên đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tới Nhân dân Thủ đô, để mỗi người dân nâng cao nhận thức về Luật; đồng thời theo dõi, giám sát lại quá trình thực hiện Luật. Cũng qua đó, giúp cán bộ và người dân thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm, trong vận dụng, đem lại sự sáng tạo, hiệu quả trong thực thi Luật.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết: Hiện nay các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tham mưu xây dựng các văn bản đang tiến hành thực hiện hoàn thành trước ngày 1/1/2025 để bảo đảm hiệu lực thi hành Luật Thủ đô.
Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật TP Hà Nội đã hoàn tất tài liệu tuyên truyền về Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (trừ 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025).
Để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, bà Hương nhấn mạnh: Cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến một cách đầy đủ, kịp thời các quy định của Luật Thủ đô và truyền thông dự thảo các văn bản QPPL thực thi Luật Thủ đô trên cơ quan báo, đài Trung ương và TP; Cổng/Trang thông tin điện tử; trên mạng xã hội và các hình thức khác đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn Thủ đô.
Qua đó, để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của TP cũng như Nhân dân hiểu rõ và nắm vững quy định của Luật Thủ đô đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc triển khai, thi hành Luật đảm bảo đồng bộ, kịp thời, hiệu quả theo đúng kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và TP.
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Nguyễn Huy Cường: Hệ thống tuyên giáo quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc sẽ tập trung cao điểm tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành đến đông đảo cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân; định hướng các cơ quan thông tin, truyền hình, báo chí của TP tổ chức thực hiện các chuyên mục, chương trình, tin, bài phổ biến và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật tới từng đối tượng cụ thể...
Việc truyền thông các dự thảo chính sách sẽ góp phần quan trọng đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách; từ đó thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong triển khai thực hiện, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Với quan điểm đó, TP Hà Nội huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền Luật Thủ đô, với mục tiêu các các cấp, ngành, mỗi cán bộ, công chức, viên chức của TP sẽ phải là người nắm Luật Thủ đô rõ nhất, cụ thể nhất để thực thi Luật một cách sáng tạo và hiệu quả.