Ngày 11/10, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô số 39/2024/QH15. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 30 quận, huyện, thị xã, 579 xã, phường, thị trấn và điểm cầu các sở, ban, ngành của thành phố.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có đồng chí Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội; đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc và quán triệt triển khai thi hành Luật Thủ đô, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu rõ:
Ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và được Chủ tịch nước công bố tại Lệnh số 09/2024/L-CTN ngày 23/7/2024. Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, một số quy định có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Đây là đạo luật quan trọng, quy định rõ hơn vị trí, vai trò của Thủ đô, cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng, quản lý, khơi thông các nguồn lực, mở đường để phát triển “Thủ đô Hà Nội là Thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh cho biết ngay sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai Luật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Thủ đô…
Do Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và quy định mới nên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội mong muốn thông qua Hội nghị, các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của thành phố cũng như Nhân dân hiểu rõ và nắm vững quy định của Luật này đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc triển khai, thi hành Luật đảm bảo đồng bộ, kịp thời, hiệu quả theo đúng kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Hội nghị cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 và Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội quán triệt một số nội dung cơ bản của Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, Luật gồm 07 chương và 54 điều. Về nguyên tắc áp dụng, xác định ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi) trong trường hợp có quy định khác về cùng một vấn đề với luật, nghị quyết khác. Luật, nghị quyết ban hành sau ngày Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực, có quy định khác về cùng một vấn đề với Luật Thủ đô (sửa đổi), thì phải quy định cụ thể việc áp dụng pháp luật trong luật, nghị quyết đó; nếu không quy định nhưng xét thấy cần thiết thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Đồng chí Nguyễn Phương Thủy cũng giới thiệu chi tiết các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) về mô hình tổ chức chính quyền ở Hà Nội; nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền Thủ đô; chế độ công vụ, công chức của cơ quan, đơn vị ở thành phố xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô; đầu tư; liên kết, phát triển vùng; giám sát, kiểm tra, thanh tra và trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô…
Để triển khai thi hành Luật kịp thời, hiệu quả, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các hoạt động sau: Xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật và tổ chức hội nghị triển khai thi hành Luật; Xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, đảm bảo có hiệu lực đồng thời với Luật trừ một số trường hợp quy định tại Điều 53; Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới; Ban hành các văn bản quy định chi tiết được Luật Thủ đô (sửa đổi) giao theo thẩm quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương; Tổ chức phổ biến Luật Thủ đô (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết Luật ở các bộ, ngành và địa phương.
Nhân dịp này, UBND thành phố đã khen thưởng cho 36 tập thể, 79 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, xây dựng, ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi).
Bảo Ngọc