Kiên Giang: Đóng góp dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

19/09/2024
Kiên Giang: Đóng góp dự án Luật Công chứng (sửa đổi)
Chiều 18-9, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang tổ chức cuộc họp đóng góp dự án Luật Công chứng (sửa đổi) để làm cơ sở cho đoàn tham gia đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu thống nhất việc cần ban hành Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoạt động công chứng.
Đại biểu đánh giá dự thảo luật được soạn thảo trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Công chứng hiện hành. Dự thảo luật kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục hạn chế, vướng mắc trong việc thi hành pháp luật về công chứng; bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiệu quả của hoạt động công chứng phù hợp tính chất là dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện, góp phần bảo đảm sự an toàn trong các giao dịch dân sự, kinh tế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bền vững, hạn chế tranh chấp, khiếu kiện.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật tại Điều 1, cơ quan soạn thảo đề ra 2 phương hướng, đại biểu thống nhất chọn phương án 1 “Luật này quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng”.
Điều 20 về văn phòng công chứng, dự thảo luật đề ra 2 phương hướng, có ý kiến đại biểu tán thành phương án 2. Theo phương án 2, văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh; tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ, văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. 
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng việc quy định văn phòng công chứng phải có từ 2 thành viên hợp danh trở lên còn dẫn đến tình trạng hợp danh hình thức, gây bức xúc trong thời gian qua, có địa phương số việc công chứng không nhiều, chỉ cần 1 công chứng viên hành nghề có thể đáp ứng được.
 

Trưởng Phòng Tư pháp huyện Châu Thành (Kiên Giang) Trần Phiêu đóng góp dự án Luật Công chứng (sửa đổi).


Có ý kiến đại biểu tán thành với quy định tại Điều 72 dự thảo luật: Về thẩm quyền UBND cấp tỉnh trong việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực giao dịch từ phòng tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng tại những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng. Đại biểu tán thành quy định này vì góp phần phát triển hoạt động công chứng chuyên nghiệp hơn; bảo đảm mức độ an toàn cao hơn cho người dân đối với giao dịch được công chứng, giúp giảm tải đáng kể công việc chứng thực cho các cơ quan tư pháp địa phương, tạo điều kiện các cơ quan này tập trung nguồn lực để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ quản lý nhà nước. 
Đại biểu đánh giá quy định tại Điều 72 không gây khó khăn, phiền hà cho người dân, tổ chức vì dự thảo luật quy định rõ chỉ chuyển giao đối với các địa bàn đã phát triển được hoạt động công chứng đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân, nghĩa là với địa bàn mà hoạt động công chứng chưa phát triển đáp ứng yêu cầu thì vẫn duy trì cả hai cơ chế là công chứng hoặc chứng thực giao dịch.