Một số sáng kiến nổi bật trong triển khai công tác cải cách hành chính của Bộ Tư pháp trong năm 2019

Tin tức

Một số sáng kiến nổi bật trong triển khai công tác cải cách hành chính của Bộ Tư pháp trong năm 2019

Trong năm 2019, công tác cải cách hành chính tiếp tục được Bộ Tư pháp quan tâm chỉ đạo thực hiện sát sao. Với vai trò là thanh viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng đã có một số sáng kiến nổi bật trong việc thực hiện công tác cải cách thể chể, cụ thể như sau:

1. Để quan hệ về họ, hụi, biêu, phường thực sự là nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân[1]; định hướng hành vi để các bên tham gia tự kiểm soát lẫn nhau, tăng cường ý thức tự bảo vệ quyền dân sự; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các bên tham gia, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 về họ, hụi, biêu, phường (thay thế Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2016). Theo đó, bố cục của Nghị định gồm 05 Chương và 28 Điều với những quy định có tính can thiệp ở mức độ nhất định của Nhà nước như quy định về điều kiện làm chủ họ, điều kiện làm thành viên, hình thức thỏa thuận về họ, việc thông báo về dây họ cho Ủy ban nhân dân cấp xã để đảm bảo quan hệ về họ được lành mạnh, tránh sự lạm dụng, biến tướng; đồng thời, có các quy định về lãi suất trong giao dịch về họ để đảm bảo tính tương thích với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, cũng như đảm bảo phù hợp với đặc thù của giao dịch này.
2. Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi. Theo đó, Nghị định số 24/2019/NĐ-CP quy định chặt chẽ hơn về  quy trình nhận con nuôi đối với người nhận nuôi là người nước ngoài – đây là cơ sở pháp lý quan trọng, nhằm phòng ngừa tình trạng các đối tượng lợi dụng việc xin con nuôi để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như buôn người, tổ chức đưa người trái phép qua biên giới, lợi dụng xâm phạm tình dục… Cũng trên tinh thần trên, Nghị định số 24/2019/NĐ-CP đã quy định rõ khi hỗ trợ nhân đạo, cá nhân, tổ chức không được yêu cầu cơ sở nuôi dưỡng cho trẻ em làm con nuôi và cơ sở nuôi dưỡng không được cam kết cho trẻ em làm con nuôi vì lý do đã nhận hỗ trợ nhân đạo…
3. Để quy định chi tiết các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức khác và cá nhân có liên quan trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là việc bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện các hoạt động xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Nghị định đã quy định rõ trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời quy định quyền lợi của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thụ hưởng những chính sách hỗ trợ pháp lý, một trong số đó là việc doanh nghiệp nhỏ và vừa được quyền tiếp cận mạng lưới tư vấn viên pháp luật theo lĩnh vực quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ thông qua danh sách tư vấn viên pháp luật được đăng tải trên cổng thông tin của bộ, cơ quan ngang bộ và được hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật.
4. Để bố trí hợp lý nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, đồng bộ, tạo đột phá trong quản lý, từng bước xóa bỏ sự can thiệp và bao cấp của Nhà nước đối với hoạt động của đơn vị sự nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; tăng cường phân cấp, thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính, có tính đến đặc điểm từng loại đơn vị, khả năng, nhu cầu thị trường và trình độ quản lý nhằm thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công phát triển lành mạnh, bền vững; nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1030/QĐ-BTP ngày 16/8/2019 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp đến năm 2021, định hướng đến năm 2030. Theo đó, quy hoạch chia thành 3 giai đoạn (gồm quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp đến năm 2021, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025, giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030), và 04 nhóm giải pháp để thực hiện quy hoạch bao gồm: (i) Nhóm giải pháp quản lý nhà nước; (ii) Nhóm giải pháp về tài chính; (iii) Nhóm giải pháp về nhân lực; (iv) Nhóm giải pháp về tổ chức.
 
 
[1] Quy định tại khoản 2 Điều 471 Bộ luật dân sự.