Thực tế cho thấy công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Hà Nam thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, trong đó phải kể đến việc tỉnh đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng thể chế KSTTHC. Theo đó, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành hàng loạt các Nghị quyết, Quyết định về: quy định trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Quy chế phối hợp trong việc công bố, niêm yết thủ tục hành chính và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị; mức chi thực hiện hoạt động KSTTHC và phê duyệt đầu mối thực hiện nhiệm vụ KSTTHC… Nhờ đó, chất lượng KSTTHC có bước chuyển rõ nét, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh có nội dung không còn phù hợp đã được chỉ đạo, tổ chức rà soát, có phương án trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ kịp thời.
Bên cạnh đó, thể chế KS TTHC cơ bản hoàn thiện cũng đã giúp cho các cơ quan tư pháp trên địa bàn có nhiều thuận lợi hơn trong việc tham mưu, phối hợp triển khai bảo đảm chất lượng, hiệu quả Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn (ban hành kèm theo Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 04/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ); tham mưu giúp UBND tỉnh công bố Bộ thủ tục hành chính chung áp dụng tại cấp xã, cấp huyện.
Hiện nay, tại tỉnh Hà Nam, Bộ TTHC chung áp dụng tại cấp xã gồm 253 thủ tục thuộc 16 lĩnh vực (trong đó: giữ nguyên 5 thủ tục; bãi bỏ 15 thủ tục; sửa đổi, bổ sung 74 thủ tục; ban hành mới 155 thủ tục; thay thế 22 thủ tục cũ bằng 19 TT mới; cắt giảm thời gian giải quyết đối với 157/253 TT thuộc 14/16 lĩnh vực với tổng số thời gian cắt giảm: 906 ngày so với quy định, giảm 56% thời gian giải quyết TTHC); Bộ TTHC chung áp dụng tại cấp huyện gồm 335 TT thuộc 16 lĩnh vực (trong đó: giữ nguyên 14 TT; bãi bỏ 45 TT; sửa đổi, bổ sung 63 TT; ban hành mới 225 TT; thay thế 42 TT cũ bằng 33 TT mới; cắt giảm thời gian giải quyết đối với 224/335 TT thuộc 14/16 lĩnh vực với tổng số thời gian cắt giảm: 1725 ngày so với quy định, giảm 57% thời gian giải quyết TTHC). Các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh cũng đã tăng cường kiểm soát chất lượng và trình UBND tỉnh công bố TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh. Năm 2014 và quý I/2015, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký 21 quyết định công bố của 17 sở, ban, ngành với 715 TT. Cơ bản, TTHC của các sở, ban, ngành đều rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định, nhất là TTHC thuộc lĩnh vực giải quyết của Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Xây dựng (giảm 50% thời gian giải quyết TTHC). Đến nay, 100% các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, huyện, xã được niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của đơn vị.
Trong quá trình triển khai thực hiện công tác KSTTHC của tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như: tại một số sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã, công tác KS TTHC chưa có sự vào cuộc của thủ trưởng đơn vị; đội ngũ cán bộ làm công tác đầu mối KS TTHC tại các sở, ngành, địa phương kiêm nhiệm nhiều việc nên thời gian dành cho nghiên cứu, tham mưu giúp thủ trưởng đơn vị triển khai KS TTHC còn hạn chế; việc đánh giá tác động TTHC trong dự thảo VBQPPL có quy định TTHC còn lúng túng, nhất là phần tính toán chi phí tuân thủ TTHC theo quy định tại Thông tư 07(24/2/2014) của Bộ Tư pháp.
Để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực KSTTHC thời gian tới, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh Hà Nam tập trung vào những nhóm giải pháp cụ thể là: (1) Đầu tư tăng cường cơ chế phối hợp, kiểm tra việc thực thi TTHC ở các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã; (2) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp, trách nhiệm trong giải quyết công vụ của cán bộ, công chức, kết hợp đẩy mạnh rà soát, đánh giá, phát hiện những bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo của các quy định TTHC hiện hành, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ; (3) Thiết lập bộ tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng, kỷ luật công vụ đối với cơ quan, đơn vị, CBCC, trong đó, tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ trong hoạt động kiểm soát TTHC là một trong những tiêu chí quan trọng để chấm điểm thi đua; (4) Đẩy mạnh truyền thông, huy động sự vào cuộc của hệ thống hành chính, từ cơ quan giải quyết tới các đối tượng chịu tác động của TTHC; (5) Tạo thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC, cắt giảm hành chính hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, sử dụng biện pháp xã hội hóa để đạt được mục tiêu quản lý nhà nước mà không tạo gánh nặng hành chính lên cá nhân, tổ chức.