Về cơ bản Kế hoạch này đã tuân thủ đúng các quy định của Thông tư số 25/2014/TT-BTP ngày 31/12/2014 của Bộ Tư pháp hướng dẫn kiểm tra việc thực hiệc hoạt động kiểm soát TTHC, có tính đến sự phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương.
Mục đích của Kế hoạch nhằm nắm bắt tình hình thực hiện để đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót để tham mưu, đề xuất hướng giải quyết có hiệu quả trong hoạt động kiểm soát TTHC; đồng thời ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp tự đặt ra TTHC, hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật, chậm trễ trong giải quyết TTHC, những hành vi gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện TTHC.
Kế hoạch đã xác định yêu cầu của công tác kiểm tra: phải thường xuyên, kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; đảm bảo các nội dung kiểm tra theo quy định; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đến công tác kiểm tra, tránh trùng lặp, chồng chéo trong kiểm tra.
Nội dung kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC gồm: công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC; việc thực hiện đánh giá tác động TTHC trong các văn bản quy phạm pháp luật và tiếp thu, giải trình nội dung tham gia ý kiến về quy định TTHC của cơ quan chủ trì soạn thảo; việc thực hiện công bố, công khai TTHC; việc rà soát, đánh giá TTHC; việc giải quyết TTHC; việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính; công tác truyền thông và việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát TTHC.
Các đơn vị được kiểm tra gồm: Sở Công thương, Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND huyên Kỳ Sơn, huyện Lương Sơn, TP. Hòa Bình; đối với UBND cấp xã sẽ được Đoàn kiểm tra phối hợp với UBND cấp huyện lựa chọn để kiểm tra; các cơ quan, đơn vị được kiểm tra đột xuất khác.
Thời gian dự kiến kiểm tra: Tháng 7/2015 (đối với các Sở), tháng 8/2015 (đối với cấp huyện, xã).
Kế hoạch cũng đã quy định rõ trách nhiệm của Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị được kiểm tra. Theo đó, Sở Tư pháp có trách nhiệm quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra và tiến hành kiểm tra theo Kế hoạch. Trên cơ sở kiểm tra kịp thời báo cáo kết quả kiểm tra với Chủ tịch UBND tỉnh và thông báo kết luận kiểm tra cho các cơ quan, đơn vị có liên quan biết, thực hiện; lập và lưu giữ hồ sơ, tài liệu kiểm tra. Kết thúc đợt kiểm tra Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Các cơ quan, đơn vị được kiểm tra có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc; phổ biến, quán triệt nội dung Kế hoạch đến cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan đơn vị mình và các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Trong quá trình kiểm tra phải phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra; cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra; tiếp thu và thực hiện các kiến nghị, yêu cầu, kết luận của Đoàn kiểm tra hoặc của cơ quan có thẩm quyền.
Đặc biệt để đảm bảo kết luận kiểm tra được thực hiện một cách nghiêm túc, Kế hoạch đã quy định “Chậm nhất sau 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết luận kiểm tra, cơ quan, đơn vị được kiểm tra phải có báo cáo bằng văn bản đến cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra về tình hình, kết quả thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại và xử lý hành chính vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra”. /.