“Bài toán khó” để nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến ở các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn Khánh Hòa

Tin tức

“Bài toán khó” để nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến ở các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn Khánh Hòa

Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều nỗ lực trong công tác cải cách chành chính (CCHC) với nội dung chính là "Nâng cao chất lượng hoạt động mô hình một cửa hiện đại; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện trả hồ sơ theo địa chỉ yêu cầu". Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác CCHC mà trọng tâm là ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã từng bước được đưa vào thực hiện...

Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức công bố danh mục TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trực tuyến qua mạng Internet ở mức độ 3 tại Quyết định số 1375/QĐ-UBND ngày 4/6/2014 của UBND tỉnh.

Theo đó, danh mục bao gồm 109 thủ tục hành chính được thực hiện ở 12 cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh; 06 UBND cấp huyện (trừ UBND huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và Trường Sa); 14 đơn vị cấp xã trên các lĩnh vực: thông tin và truyền thông (báo chí, xuất bản, phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử, bưu chính chuyển phát); công thương (điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, lưu thông hàng hóa trong nước, công nghiệp tiêu dùng, thương mại quốc tế); giao thông - vận tải (cấp phép thi công trên đường bộ đang khai thác); xây dựng; văn hóa, thể thao, du lịch; tư pháp; tài nguyên và môi trường; nội vụ (thi đua, khen thưởng, tôn giáo, hội, tổ chức phi Chính phủ); lao động, thương binh, xã hội (đào tạo - dạy nghề, người có công); y tế (hành nghề dược)...

Triển khai các dịch vụ công trực tuyến có nghĩa là công dân, doanh nghiệp có thể giao tiếp với chính quyền 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Như vậy, công dân, tổ chức chỉ phải đến duy nhất 1 lần để thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại Bộ phận “một cửa” của cơ quan, đơn vị.

Việc áp dụng dịch vụ công điện tử giúp cơ quan Nhà nước giảm tải được áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện, khoa học hơn. Qua đó, người dân được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đăng ký, làm các thủ tục hành chính. Đặc biệt là tránh được tệ nạn nhũng nhiều, quan liêu, phiền hà… từ những cán bộ công quyền.

Tuy nhiên, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 còn gặp một số khó khăn nhất định. Hiện chưa có thống kê mới nhất để cập nhật số lượng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở các cơ quan, đơn vị. Hiện có thực tế đáng ngại là tại nhiều nơi, dù các cơ quan nhà nước, địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến online nhưng người dân vẫn không “mặn mà”“chung thuỷ” với thói quen sử dụng văn bản thủ công.

Trong khi đó, để đầu tư xây dựng một dịch vụ công trực tuyến, nhất là những dịch vụ mức độ 3 việc đầu tư cho các dịch vụ này rất tốn kém chi phí, thời gian và công sức.

Vậy, chúng ta cần cùng nhau đi tìm nguyên nhân vì sao mà người dân còn chưa mặn mà với dịch vụ công này. Theo tìm hiểu thì có 1 số nguyên nhân chính như: Nhiều người dân chưa từng tiếp xúc công nghệ thông tin, mà ở đây là máy vi tính, chưa biết máy vi tính, Internet là gì. Một khi không có máy móc, thiết bị thì rất khó nói đến chuyện dùng dịch vụ công trực tuyến. Mặt khác một bộ phận dân cư là người dân lao động, nông dân, khả năng sử dụng, cập nhật Internet còn thấp nên đây là một trong những khó khăn, trở ngại nhất khi triển khai dịch vụ này đến người dân. Bên cạnh đó, hệ thống mạng đôi khi còn gặp trục trặc trong việc truyền tải dữ liệu nên đôi khi việc đăng ký hay cập nhật cũng còn gặp khó.

 Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như: tâm lý lo ngại về sự không thuận tiện, mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nên đa số người dân vẫn lựa chọn cách truyền thống, đến trực tiếp cơ quan chức năng để thực hiện TTHC. Một nguyên nhân cần được nói tới ở đây là việc tuyên truyền, phổ biến về lợi ích dịch vụ công này vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều người dân vẫn còn chưa biết các cơ quan, nhà nước ở Khánh Hòa sử dụng dịch vụ này. Nhiều người khác không biết phải tìm các dịch vụ công trực tuyến ở đâu, chỉ nghe mang máng là có dịch vụ như thế.

Để việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3 hay mức độ 4 ở các cơ quan Nhà nước trên địa bàn Khánh Hòa mang lại hiệu quả cao nhất, tăng mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công, thiết nghĩ các cơ quan chức năng ở Khánh Hòa cần nghiên cứu kỹ để có nhiều biện pháp thiết thực, phù hợp hơn nữa để gia tăng số lượng người sử dụng dịch vụ công trực tuyến này./.