Người dân không đi đăng ký khai tử và những hệ lụy
Mỗi công dân từ khi sinh ra đến khi chết đi đều phải thực hiện nhiều thủ tục với các cơ quan Nhà nước để thực hiện quyền nhân thân của mình. Khi sinh ra, công dân phải thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh và khi chết đi, thân nhân của người chết hoặc người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật phải đi đăng ký khai tử. Các thủ tục hành chính này (TTHC) cần được thực hiện nhằm xác định tình trạng nhân thân của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và thực hiện quản lý dân cư, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo quy định tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 25/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch thì thủ tục đăng ký khai tử trong nước được thực hiện như sau:
- Thẩm quyền đăng ký khai tử:
+ Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.
+ Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó chết thực hiện việc đăng ký khai tử.
- Thời hạn đi khai tử và trách nhiệm khai tử:
+ Thời hạn đi khai tử là 15 ngày, kể từ ngày chết.
+ Thân nhân của người chết có trách nhiệm đi khai tử; nếu người chết không có thân nhân, thì chủ nhà hoặc người có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, nơi người đó cư trú hoặc công tác trước khi chết đi khai tử.
- Hồ sơ đăng ký khai tử: Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay cho Giấy báo tử theo quy định.
Nghị định số 158/2005/NĐ-CP nêu trên cũng quy định cụ thể về trình tự thực hiện, thời hạn giải quyết, kết quả giải quyết đối với thủ tục này.
Quy định về đăng ký khai tử nêu trên đã tạo thuận lợi phần nào cho người dân thực hiện thủ tục.
Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế tại một số địa phương được Đoàn công tác Bộ Tư pháp thực hiện trong tháng 6/2014 thì việc đăng ký khai tử của người dân còn hạn chế. Có địa phương cấp xã còn không có hồ sơ về đăng ký khai tử theo quy định, chỉ có Sổ Đăng ký khai tử với số trường hợp đăng ký rất ít so với số người chết trong năm. Các thông tin ghi chép trong Sổ Đăng ký khai tử đều do cán bộ tư pháp – hộ tịch của Ủy ban nhân dân xã tự cập nhật và thống kê. Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do người dân vẫn còn quan niệm “chết là hết chuyện” nên khi người thân qua đời nhiều người đã không đến cơ quan nhà nước để đăng ký khai tử theo quy định, chỉ đến khi phát sinh quyền, nghĩa vụ có liên quan đến người chết họ mới thực hiện đăng ký khai tử (đăng ký khai tử quá hạn); đồng thời, công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân về đăng ký hộ tịch nói chung và đăng ký khai tử nói riêng chưa được quan tâm thực hiện.
Sự kiện một người chết (cái chết tự nhiên hoặc do Tòa án tuyên bố chết) là sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quan hệ pháp luật của người tham gia với tư cách là một công dân, một con người như quan hệ về hôn nhân và gia đình, thừa kế, hộ khẩu, hộ tịch, bảo hiểm xã hội…Theo đó, nếu người có nghĩa vụ không thực hiện đăng ký khai tử theo quy định thì sẽ ảnh hưởng đến chính quyền lợi của họ, đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như thất thoát tiền của nhà nước.
Thân nhân của người chết sẽ không được hưởng thanh toán chế độ tử tuất của bảo hiểm xã hội nếu trong hồ sơ bảo hiểm không có giấy chứng tử hoặc giấy tờ thay thế giấy chứng tử theo quy định; một người không thể kết hôn với người khác nếu không có giấy tờ chứng minh vợ hoặc chồng của mình đã chết, làm cơ sở chấm dứt quan hệ hôn nhân theo quy định của pháp luật; việc phân chia di sản thừa kế không thể thực hiện được nếu không thể chứng minh người để lại di sản đã chết; thanh toán các khoản nợ của người chết như thế nào…Như vậy, sẽ có rất nhiều tranh chấp xảy ra, gây tốn kém về thời gian, tiền của, công sức của người dân khi một trong hai bên tham gia quan hệ pháp luật bị chết nhưng không được thông báo và được nhà nước xác nhận thông qua thủ tục đăng ký khai tử.
Đó là những khó khăn, vướng mắc cho người dân. Vậy, còn về phía cơ quan nhà nước thì như thế nào. Người dân không thực hiện đăng ký khai tử sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý hộ tịch, quản lý dân số, quản lý hộ khẩu, thực hiện chính sách về an sinh xã hội... Sẽ vẫn còn trường hợp người chết vẫn được phát thẻ cử tri đi bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; người chết vẫn được trả lương hưu trong nhiều năm; người chết vẫn được hưởng trợ cấp hàng tháng…Như vậy, việc không nắm bắt đầy đủ thông tin về người chết sẽ ảnh hưởng đến công tác hoạch định chính sách về dân số nói riêng và chính sách phát triển kinh tế-xã hội nói chung.
Để giải quyết triệt để vấn đề nêu trên, nhằm đưa hoạt động đăng ký khai tử vào nề nếp, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về dân cư thì các cơ quan nhà nước cần tích cực, chủ động tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức trong việc thực hiện thủ tục đăng ký khai tử theo đúng quy định. Có thể thông qua sự chủ động của cán bộ tư pháp – hộ tịch, tổ trưởng dân phố, các già làng, trưởng bản để nắm thông tin về người chết và vận động gia đình đi đăng ký. Thực hiện cải cách thủ tục đăng ký khai tử theo hướng đơn giản nhất để người dân dễ dàng thực hiện. Cải cách các TTHC có liên quan đến khai tử để tạo thuận lợi cho người dân cũng như phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước như liên thông thủ tục đăng ký khai tử với thủ tục xóa đăng ký thường trú, liên thông thủ tục đăng ký khai tử với thủ tục về bảo hiểm xã hội./.