I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ CHỈ SỐ CCHC
Nhằm xây dựng, hoàn
thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo môi
trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, minh bạch tạo thuận lợi cho người dân,
doanh nghiệp; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới
cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ;
xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất năng lực và trình
độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ sự phát triển của nhân dân và đất nước…, ngày
08/11/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP ban hành Chương trình
tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và Nghị quyết số
76/NQ-CP ngày 13/6/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 30c/NQ-CP,
Nghị quyết đã xác định 6 nhiệm vụ cơ bản của Chương trình tổng thể CCHC nhà
nước giai đoạn 2011-2020 là: (1) Cải cách thể chế, trong đó nhiệm vụ quan trọng
hàng đầu là: xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở Hiến pháp năm
1992 đã được sửa đổi, bổ sung; (2) Cải cách thủ tục hành chính, trong đó nhiệm
vụ quan trọng hàng đầu là: cắt giảm và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính
trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là thủ tục hành chính liên
quan tới người dân, doanh nghiệp; (3) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà
nước; (4) Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;
(5) Cải cách tài chính công; (6) Hiện đại hóa hành chính.
Triển khai thực hiện
Nghị quyết 30c/NQ-CP, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 1294/QĐ-BNV ngày
03/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án "Xác định chỉ số cải
cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương" với mục tiêu: Xác định Chỉ số CCHC để theo dõi,
đánh giá một cách thực chất, khác quan, công bằng kết quả CCHC hàng năm của các
Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá
trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn
2011-2020.
Đối với Chỉ số CCHC
cấp Bộ: Chỉ số CCHC cấp Bộ được xác định trên 7 lĩnh vực, 31 tiêu chí và 89
tiêu chí thành phần, cụ thể là: (1) Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC: 6 tiêu
chí và 18 tiêu chí thành phần; (2) Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc
phạm vi quản lý nhà nước của Bộ: 6 tiêu chí và 17 tiêu chí thành phần; (3) Cải
cách thủ tục hành chính: 3 tiêu chí và 11 tiêu chí thành phần; (4) Cải cách tổ
chức bộ máy hành chính nhà nước: 5 tiêu chí và 8 tiêu chí thành phần; (5) Xây
dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức: 5 tiêu chí và 17 tiêu
chí thành phần; (6) Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn
vị sự nghiệp công lập: 3 tiêu chí và 6 tiêu chí thành phần; (7) Hiện đại hóa
hành chính: 3 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần.
Chỉ số CCHC cấp Bộ
được đánh giá trên thang điểm 100, trong đó: điểm đánh giá qua điều tra xã hội
học là 40/100 (do Bộ Nội vụ thực hiện) và điểm Bộ Nội vụ đánh giá (trên cơ sở
điểm tự đánh giá của các bộ).
II. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ
1294/QĐ-BNV TẠI BỘ TƯ PHÁP
1. Xác định chỉ số CCHC năm 2012: Năm 2013, thực hiện ý
kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng, Văn phòng Bộ đã chủ trì, phối hợp với các
đơn vị thuộc Bộ có liên quan thực hiện tự chấm điểm tiêu chí, tiêu chí thành
phần Chỉ số CCHC năm 2012 của Bộ Tư pháp, trình Lãnh đạo Bộ Tư pháp ban hành
Báo cáo số 107/BC-BTP ngày 21/5/2013 gửi Bộ Nội vụ, theo đó, kết quả tự đánh giá, chấm điểm tiêu chí, tiêu chí
thành phần Chỉ số cải cách hành chính năm 2012 của Bộ Tư pháp đạt 54,85/60 điểm
(đạt tỷ lệ 91,4%), thấp hơn so với thang điểm do Bộ Nội vụ ban hành là 5,15 điểm. Các tiêu chí, tiêu chí thành
phần năm 2012 không đạt điểm tối đa của Bộ Tư pháp là:
1.1. Tiêu chí thành phần
"Ban hành Kế hoạch CCHC năm kịp thời" (tiêu chí 1.1.1, Bảng số 1,
Quyết định số 1294/QĐ-BNV) đạt 0,25/0,5 điểm. Lý do: ban hành không đúng thời
hạn theo yêu cầu của Bộ Nội vụ tại Quyết định số 1294/QĐ-BNV. Theo Quyết định
trên, việc ban hành Kế hoạch CCHC hàng năm phải được thực hiện trong Quý IV năm
trước năm liền kề năm kế hoạch.
1.2. Tiêu chí "Xác
định cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm" (tiêu chí 5.1), Bộ
Tư pháp đạt 0/3 điểm. Lý do: ngày 22/4/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số
36/2013/NĐ-CP về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, do vậy tất cả các
bộ, ngành đều chưa triển khai thực hiện được nhiệm vụ trên theo yêu cầu tại
Quyết định số 1294/QĐ-BNV.
1.3. Tiêu chí thành phần
"Mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến" (tiêu chí thành phần
7.1.6), Bộ Tư pháp đạt 0,6/1 điểm. Lý do: Qua theo dõi, Bộ Tư pháp đã và đang
thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2 và 3, năm 2012, Bộ
Tư pháp chưa thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4, do vậy
không đạt điểm tối đa theo yêu cầu tại Quyết định số 1294/QĐ-BNV (phải có từ 2
dịch vụ công cung cấp ở mức độ 4 thì mới đạt điểm tối đa là 1 điểm)
1.4. Tiêu chí thành phần
"Tỷ lệ cơ quan hành chính thuộc Bộ được cấp chứng chỉ ISO" (tiêu chí
thành phần 7.3.2), Bộ Tư pháp đạt 0/1 điểm. Lý do: ngày 16/4/2012, Bộ trưởng Bộ
Tư pháp đã ký Quyết định số 634/QĐ-BTP về việc phê duyệt và đưa vào áp dụng Hệ
thống văn bản, quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 901:2008
vào hoạt động của cơ quan Bộ Tư pháp, tuy nhiên qua theo dõi, năm 2012 không có
cơ quan hành chính nào thuộc Bộ Tư pháp được cấp chứng chỉ ISO.
1.5. Tiêu chí thành phần
"Tỷ lệ cơ quan thực hiện đúng quy định ISO trong hoạt động" (tiêu chí
thành phần số 7.3.3), Bộ Tư pháp đạt 0,5/1 điểm. Lý do: qua theo dõi, năm 2012 chỉ
có từ 50-70% số cơ quan thuộc Bộ Tư pháp thực hiện đúng quy trình ISO trong
hoạt động.
Trên cơ sở kết quả tự
chấm điểm của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ đã có sự rà soát, đánh giá, công nhận điểm
tự đánh giá của Bộ Tư pháp đạt 52,35/54,85
điểm (do Bộ Tư pháp tự đánh giá). Một số tiêu chí, tiêu chí thành phần Bộ Nội
vụ trừ điểm là: (1) Tiêu chí thành phần"Ban hành kế hoạch kiểm tra tình
hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ" (tiêu chí
thành phần số 4.3.1) có số điểm là 0,5
điểm; (2) Tiêu chí thành phần "Tỷ lệ cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực
hiện bố trí công chức theo đúng quy định của vị trí việc làm và ngạch công chức
(tiêu chí thành phần số 5.2.3) có số điểm là 1 điểm; (3) tiêu chí thành phần "Tỷ lệ đơn vị sự nghiệp công
lập thuộc Bộ thực hiện bố trí viên chức theo đúng quy định của vị trí việc làm
và chức danh nghề nghiệp" (tiêu chí thành phần số 5.2.4) có số điểm là 1 điểm. Như vậy, tổng số điểm Bộ Nội vụ
trừ là 2,5 điểm.
Ngày 09/01/2014, Bộ Nội
vụ đã có Báo cáo về kết quả xác định Chỉ số CCHC năm 2012 của các Bộ, cơ quan
ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo đó,
Bộ Tư pháp đứng thứ nhất trong số
các Bộ, ngành với 82,47 điểm; đứng
thứ hai là Bộ Công thương với 81,18 điểm, Bộ Y tế xếp cuối với 64,78 điểm.
Đối với các địa phương,
thành phố Đà Nẵng có chỉ số CCHC năm 2012 đứng đầu các địa phương với 87,14
điểm, đứng thứ hai là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với 86,14 điểm; tỉnh Điện Biên có
Chỉ số CCHC đứng cuối với 62,58 điểm.
2. Xác định Chỉ số CCHC năm 2013: Năm 2014, triển khai
thực hiện Quyết định số 1294/QĐ-BNV, ngay từ đầu năm, Văn phòng Bộ đã phối hợp
với các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện việc tự đánh giá, chấm điểm tiêu
chí, tiêu chí thành phần Chỉ số CCHC năm 2013 để gửi về Bộ Nội vụ theo đúng quy
định (trước ngày 15/02 hàng năm), trên cơ sở đánh giá của các đơn vị thuộc Bộ
và rà soát của Văn phòng Bộ về các nhiệm vụ Bộ Tư pháp đã triển khai thực hiện
trong năm 2013, đối chiếu với các tiêu chí, tiêu chí thành phần chỉ số CCHC, Văn
phòng Bộ đã tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành Báo cáo số 34/BC-BTP ngày 14/2/2014
về việc tự đánh giá, chấm điểm tiêu chí, tiêu chí thành phần Chỉ số CCHC năm
2013 của Bộ Tư pháp, gửi Bộ Nội vụ, theo đó: kết quả tự đánh giá, chấm điểm tiêu chí, tiêu chí thành phần Chỉ số cải cách hành
chính năm 2013 của Bộ Tư pháp đạt 55,25/60 điểm (đạt tỷ lệ 92,08%), thấp
hơn so với thang điểm do Bộ Nội vụ ban hành là 4,15 điểm, nhưng cao hơn điểm tự chấm của Bộ năm 2012 là 0,4 điểm (năm 2012 điểm tự chấm là
54,85 điểm). Các tiêu chí, tiêu chí thành phần năm 2013 không đạt điểm tối đa
của Bộ Tư pháp năm 2013 về cơ bản không có nhiều thay đổi so với năm 2012, trong
đó:
2.1. Các tiêu chí, tiêu
chí thành phần năm 2013 không đạt điểm tối đa của Bộ Tư pháp là:
- Ban hành Kế hoạch CCHC năm kịp thời (tiêu chí 1.1.1) đạt 0,25/0,5 điểm. Đây
là tiêu chí năm 2012 cũng không đạt điểm tối đa. Lý do: theo Quyết định số
1294/QĐ-BNV, việc ban hành Kế hoạch CCHC hàng năm phải được thực hiện trong Quý
IV năm trước năm liền kề năm kế hoạch, đây là tiêu chí khó đảm bảo thực hiện vì
Kế hoạch CCHC hàng năm phải phù hợp với Kế hoạch, chương trình công tác của Bộ,
ngành (thường được ban hành trong Quý I của năm công tác).
- Tất cả các báo cáo được gửi đúng
thời hạn quy định (tiêu chí 1.2.3): Năm 2012, Bộ Tư pháp đạt 0,5/0,5 điểm, tuy
nhiên trong năm 2013, một số Báo cáo về CCHC của Bộ hoàn thành chậm so với yêu
cầu của Bộ Nội vụ (Báo cáo CCHC năm 2013), do vậy đạt 0/0,5 điểm (giảm 0,5
điểm).
- Về tiêu chí xác định cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm
(tiêu chí 5.1), Bộ Tư pháp đạt 0/3 điểm, không tăng so với năm 2012.
- Về tiêu chí tỷ lệ cơ quan hành chính thuộc Bộ được cấp chứng chỉ ISO
(tiêu chí thành phần 7.3.2), Bộ Tư pháp đạt 0/1 điểm, không tăng so với năm
2012.
2.2. Các tiêu chí, tiêu
chí thành phần tăng điểm so với năm 2012 là:
- Về tiêu chí ban hành Kế hoạch kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của
các cơ quan, đơn vị (tiêu chí 4.3.1): Năm 2012, Bộ Tư pháp tự chấm đạt 0,5/05
điểm, tuy nhiên, qua chấm điểm về tiêu chí thành phần này, Bộ Nội vụ chấm 0/0,5
điểm do Bộ Tư pháp không ban hành Kế hoạch. Năm 2013, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế
hoạch theo yêu cầu của Bộ Nội vụ, do vậy, điểm tự chấm đạt 0,5/0,5 điểm (tăng
0,5 điểm so với năm 2012).
- Về tiêu chí tỷ lệ cơ quan thực hiện đúng quy định ISO trong hoạt động
(tiêu chí thành phần số 7.3.3). Năm 2012, Bộ Tư pháp đạt 0,5/1 điểm. Năm 2013,
qua theo dõi, đánh giá, Bộ Tư pháp có từ 50-70% số cơ quan thuộc Bộ thực hiện
đúng quy trình ISO trong hoạt động, do vậy, điểm tự chấm đạt 1/1 điểm, tăng 0,5
điểm so với năm 2012.
2.3. Một số tiêu chí,
tiêu chí thành phần, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song chưa bền
vững (cảnh báo cáo các đơn vị)
- Việc ban hành các kế hoạch: Kế hoạch cải cách hành chính (tiêu chí thành
phần 1.1.1); Kế hoạch rà soát, hệ thống hóa VBQPPL (tiêu chí thành phần 2.2.1);
Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện VBQPPL (tiêu chí thành phần 2.3.1); Kế hoạch
tuyên truyền, PBGDPL (tiêu chí thành phần 2.4.1); Kế hoạch thanh tra việc thực
hiện chính sách pháp luật (tiêu chí thành phần 2.5.1); Kế hoạch rà soát, đánh
giá thủ tục hành chính của Bộ (tiêu chí thành phần 3.1.1); Kế hoạch đào tạo,
bồi dưỡng công chức hàng năm (tiêu chí thành phần 5.3.1); Kế hoạch ứng dụng
công nghệ thông tin (tiêu chí thành phần 7.1.1), theo yêu cầu của Bộ Nội vụ,
việc ban hành các Kế hoạch này phải được thực hiện trong quý IV, năm trước năm
liền kề năm kế hoạch.
- Chất lượng triển khai thực hiện một
số nhiệm vụ còn chưa mang tính bền vững: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật,
công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác tuyên truyền CCHC;
- Một số nhiệm vụ còn chậm được đẩy
mạnh hoặc hiệu quả chưa rõ rệt: rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp
luật, thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật, ứng dụng công nghệ thông
tin…
- Một số nhiệm vụ chuyên môn còn chậm được triển khai thực hiện: việc xác
định cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm của Bộ các các đơn vị
thuộc Bộ; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc hoàn thiện
hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ ISO cho một số đơn vị thuộc Bộ...
III. NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN MỘT SỐ TIÊU CHÍ, TIÊU CHÍ THÀNH PHẦN CHỈ SỐ CCHC
CỦA BỘ TƯ PHÁP CHƯA ĐẠT ĐIỂM CHUẨN
1. Đơn vị đầu mối chưa
chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ
về CCHC; Bên cạnh đó, do bên cạnh công tác đầu mối về CCHC, đơn vị đầu mối còn
thực hiện nhiệm vụ công tác tham mưu, tổng hợp của Bộ với khối lượng công việc
lớn do vậy đã ảnh hưởng đến việc công tác tham mưu triển khai thực hiện nhiệm
vụ CCHC của Bộ.
2. Theo quy định của Quyết định số
1294/QĐ-BTP ngày 03/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì việc ban hành một số kế
hoạch: Kế hoạch cải cách hành chính; Kế hoạch rà soát, hệ thống hóa; Kế hoạch
kiểm tra việc thực hiện VBQPPL; Kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL; Kế hoạch thanh
tra việc thực hiện chính sách pháp luật; Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục
hành chính của Bộ; Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức hàng năm; Kế hoạch ứng
dụng công nghệ thông tin phải được ban hành trong quý IV năm trước năm liền kề
năm kế hoạch; việc ban hành các kế hoạch trên trong năm kế hoạch được coi là
không kịp thời. Đây là quy định khó thực hiện và không mang tính khả thi và
không phù hợp với thực tiễn công tác của Chính phủ và các Bộ, ngành, bởi vì:
Nghị quyết 01/NQ-CP về điều hành kinh tế - xã hội hàng năm của Chính phủ thường
được ban hành trong Quý I của năm công tác, do vậy, Chương trình, Kế hoạch công
tác của các Bộ, ngành không thể ban hành trước Chương trình, Kế hoạch công tác
của Chính phủ và các Kế hoạch chuyên ngành khác của các Bộ, ngành cũng phải
được ban hành sau để phù hợp với Chương trình, Kế hoạch công tác chung của Bộ,
ngành, do vậy, không thể ban hành trong Quý IV của năm liền kề trước năm kế
hoạch (trong Báo cáo gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp đã có kiến nghị về nội dung
này).
3. Một số nhiệm vụ mới
triển khai thực hiện, do vậy không tránh khỏi sự lúng túng, chậm chễ trong việc
triển khai thực hiện: xác định cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm
của Bộ các các đơn vị thuộc Bộ; hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ ISO; tự
chấm điểm chi số CCHC...
IV. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CẦN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỂ NÂNG CAO CHỈ SỐ CCHC CỦA BỘ
TƯ PHÁP
Để công tác CCHC năm
2014 và các năm tiếp theo của Bộ Tư pháp có nhiều chuyển biến hơn nữa, Thủ
trưởng các đơn vị thuộc Bộ cần:
1. Triển khai thực hiện
kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ về CCHC đã được xác định tại Kế hoạch công
tác CCHC năm 2014 của Bộ Tư pháp (Ban hành kèm theo Quyết định số 3198/QĐ-BTP
ngày 31/12/2013).
2. Tiếp tục quán triệt
việc thực hiện nhiệm vụ về CCHC đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức đơn
vị; coi việc hoàn thành các nhiệm vụ về CCHC là tiêu chí để xét thi đua, khen
thưởng của từng đơn vị.
3. Đổi mới hình thức,
cách thức thực hiện một số nhiệm vụ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các măt
công tác này: công tác tuyên truyền CCHC, thanh tra việc thực hiện chính sách
pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử
của Bộ và trên Báo Pháp luật Việt Nam tại sự lan tỏa đến các cán bộ, công chức,
viên chức của Bộ, ngành Tư pháp về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm
thực hiện CCHC
4. Tiếp tục phối hợp
chặt chẽ với Bộ Nội vụ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm xác định Chỉ
số CCHC năm 2013 của các Bộ, ngành, địa phương. Đối với các đơn vị thuộc Bộ có
điểm tiêu chí, tiêu chí thành phần năm 2012 và 2013 thấp hơn điểm chuẩn theo
quy định của Bộ Nội vụ tại Quyết định số 1294/QĐ-BNV cần có giải pháp để nâng
cao điểm số thành phần, qua đó góp phần nâng cao chỉ số CCHC chung của Bộ trong
năm 2914 và các năm tiếp theo.
5. Đẩy mạnh việc ứng
dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chỉ đạo điều hành của các đơn vị
thuộc Bộ và của Bộ, nhất là trong việc sử dụng mạng nội bộ (LAN) để trao đổi
công việc; tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức các
Hội nghị, hội thảo, các cuộc họp của Bộ.
6. Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị
thuộc Bộ với Văn phòng Bộ để triển khai thực hiện kịp thời các nhiệm vụ được
giao; đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ bố trí công chức, phòng, ban làm
đầu mối thực hiện công tác CCHC của đơn vị; đối với các đơn vị sự nghiệp công
lập, cần bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ CCHC của đơn vị mình./.