NGHị địNHNGHỊ ĐỊNH
Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ máy Bộ công nghiệp
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị quyết kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá IX ngày 21 tháng 10 năm 1995;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1.
Bộ Công nghiệp là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ngành công nghiệp: cơ khí; luyện kim, điện tử tin học; hoá chất; địa chất; tài nguyên khoáng sản; mỏ (bao gồm: than, dầu mỏ, khí đốt và đá quý); điện và công nghiệp tiêu dùng trong phạm vi cả nước.
Điều 2. Bộ Công nghiệp có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý Nhà nước quy định tại chương IV Luật Tổ chức Chính phủ và tại Nghị định số 15/CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ, Bộ có nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau đây:
1. Trình Chính phủ các dự án Luật, Pháp lệnh, các văn bản pháp quy, đối với ngành công nghiệp do Bộ phụ trách.
2. Trình Chính phủ quyết định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển tổng thể ngành công nghiệp do Bộ quản lý trong phạm vi cả nước và tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện sau khi được Chính phủ phê duyệt.
3. Ban hành theo thẩm quyền các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật đối với ngành công nghiệp do Bộ quản lý.
4. Cấp giấy phép khai thác tài nguyên khoáng sản, giấy phép sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và các loại giấy phép khác thuộc thẩm quyền của Bộ theo quy định của pháp luật. Tham gia ý kiến với Bộ thương mại về kế hoạch và giấy phép xuất nhập khẩu các loại sản phẩm, nguyên vật liệu, thiết bị và công nghệ liên quan đến ngành công nghiệp do bộ quản lý.
5. Tổ chức quản lý chất lượng sản phẩm công nghiệp và an toàn công nghiệp (an toàn nồi hơi, an toàn mỏ, an toàn vật liệu nổ, an toàn điện...) trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.
6. Tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong Ngành công nghiệp do Bộ phụ trách.
7. Xét duyệt hoặc tham gia xét duyệt các dự án đầu tư, các luận chứng kinh tế kỹ thuật, thiết kế, dự toán và các dự án hợp tác liên doanh với nước ngoài có liên quan đến ngành công nghiệp do Bộ phụ trách theo quy định của Chính phủ.
8. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp do Bộ quản lý theo Luật doanh nghiệp Nhà nước và các quy định của Chính phủ về phân cấp hoặc uỷ quyền cho Bộ.
9. Tổ chức quản lý việc hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc Bộ phụ trách.
10. Quản lý về tổ chức và công chức theo quy định của pháp luật và phân cấp của Chính phủ.
11. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Bộ công nghiệp gồm:
1. Các cơ quan giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước:
a) Các Vụ:
Vụ Kế hoạch và Đầu tư.
Vụ Tài chính kế toán.
Vụ Quản lý công nghệ và chất lượng sản phẩm.
Vụ Tổ chức Cán bộ.
Vụ Hợp tác quốc tế.
b) Thanh tra Bộ
c) Văn phòng Bộ
d) Các Cục quản lý Nhà nước chuyên ngành:
Cục Quản lý tài nguyên khoáng sản
Cục Địa chất Việt Nam
Cục Kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quy định chức năng, nhiệm vụ của các Vụ, Văn phòng và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chức năng, nhiệm vụ của các Cục Quản lý Nhà nước chuyên ngành.
2. Các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Bộ:
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp cùng với Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ sắp xếp các đơn vị nghiên cứu khoa học, các trường đào tạo, các cơ sở y tế thuộc các Bộ: Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Năng lượng trước đây trình Thủ tướng Chính phủ có quyết định riêng.
Điều 4. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành, các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 5. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.