THÔNG TƯ
Hướng dẫn về đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyếngiao dịch bảo đảm,
hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án
_____________________
Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 65/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Công ty cho thuê tài chính;
Căn cứ Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm;
Căn cứ Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Nhằm đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng các quy định về đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án, Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Thông tư này hướng dẫn về đăng ký lần đầu, đăng ký thay đổi, xoá đăng ký và cung cấp thông tin giao dịch bảo đảm, hợp đồng; thông báo việc kê biên tài sản thi hành án được thực hiện thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm của Bộ Tư pháp.
Điều 2. Các trường hợp đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm
1. Các giao dịch bảo đảm được đăng ký trực tuyến theo quy định tại Thông tư này bao gồm:
a) Thế chấp tài sản;
b) Cầm cố tài sản;
c) Đặt cọc, ký cược, ký quỹ;
d) Các trường hợp khác nếu pháp luật có quy định.
2. Tài sản bảo đảm thuộc các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Ô tô, xe máy, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khác; các phương tiện giao thông đường sắt;
b) Tàu cá; các phương tiện giao thông đường thủy nội địa;
c) Máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, các hàng hoá khác, kim khí quý, đá quý;
d) Tiền Việt Nam, ngoại tệ;
đ) Cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, chứng chỉ quỹ, séc và các loại giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch;
e) Quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; quyền đòi nợ, các quyền tài sản khác thuộc sở hữu của bên bảo đảm phát sinh từ hợp đồng hoặc từ các căn cứ pháp lý khác (trừ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở);
g) Quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp;
h) Quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, chi phí san lấp, giải tỏa, giải phóng mặt bằng được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật;
i) Lợi tức, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với tài sản bảo đảm hoặc các lợi ích khác thu được từ tài sản bảo đảm nêu tại khoản 2 Điều này;
k) Các động sản khác theo quy định tại khoản 2 Điều 174 của Bộ luật dân sự;
l) Các tài sản gắn liền với đất không thuộc thẩm quyền đăng ký của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh như: tài sản gắn liền với đất được xây dựng trên nhiều thửa đất (tài sản liên tuyến); nhà ở, công trình xây dựng làm bằng các vật liệu tạm thời (tranh, tre, nứa, lá, đất); các công trình phụ trợ như nhà để xe, nhà bếp, nhà thép tiền chế, khung nhà xưởng, nhà kho; giếng nước, giếng khoan; giàn khoan; bể nước; sân; tường rào; cột điện; trạm điện; trạm bơm; hệ thống phát, tải điện; hệ thống hoặc đường ống cấp thoát nước sinh hoạt, đường nội bộ và các công trình phụ trợ khác.
Điều 3. Các trường hợp đăng ký trực tuyến hợp đồng
Các hợp đồng được đăng ký trực tuyến theo quy định tại Thông tư này bao gồm:
1. Hợp đồng mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu của bên bán quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Nghị định số 163/2006/NĐ-CP);
2. Hợp đồng thuê tài sản có thời hạn từ một năm trở lên quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, bao gồm: hợp đồng có thời hạn thuê tài sản từ một năm trở lên, hợp đồng có thời hạn thuê tài sản dưới một năm, nhưng các bên giao kết hợp đồng thỏa thuận về việc gia hạn và tổng thời hạn thuê (bao gồm cả thời hạn gia hạn) từ một năm trở lên;
3. Hợp đồng cho thuê tài chính quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 65/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Công ty cho thuê tài chính;
4. Hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ, bao gồm quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng vay, hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng dịch vụ hoặc phát sinh từ các căn cứ hợp pháp khác;
5. Các trường hợp khác nếu pháp luật có quy định.
Điều 4. Thông báo trực tuyến việc kê biên tài sản thi hành án
Trong trường hợp kê biên một trong các loại tài sản nêu tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư này, ngoài phương thức trực tiếp, bưu điện, fax hoặc thư điện tử, Chấp hành viên có quyền thực hiện thông báo việc kê biên tài sản thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến.
Điều 5. Thời điểm đăng ký trực tuyến
1. Thời điểm đăng ký trực tuyến là thời điểm nội dung về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.
2. Trường hợp đăng ký thay đổi do sai sót về kê khai tài sản hoặc tên của bên bảo đảm, bên mua, bên thuê tài sản, bên thuê tài chính, bên chuyển giao quyền đòi nợ, người phải thi hành án (sau đây gọi là bên bảo đảm), số giấy tờ xác định tư cách pháp lý của bên bảo đảm thì thời điểm đăng ký được xác định theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm.
3. Thời điểm đăng ký trực tuyến quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được xác định theo thời gian ghi nhận của hệ thống ứng dụng đăng ký trực tuyến.
Điều 6. Cấp tài khoản đăng ký trực tuyến cho khách hàng thường xuyên
1. Tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hồ sơ đề nghị cấp tài khoản đăng ký trực tuyến đến Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm. Hồ sơ đề nghị cấp tài khoản đăng ký trực tuyến gồm các giấy tờ sau đây:
a) Văn bản yêu cầu cấp tài khoản đăng ký trực tuyến (01 bản);
b) Bản sao có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn một trong các loại giấy tờ sau đây: Chứng minh nhân dân, Chứng minh sỹ quan, Chứng minh quân đội, Giấy chứng nhận cảnh sát nhân dân, Giấy chứng minh an ninh nhân dân hoặc Giấy chứng nhận công nhân, nhân viên trong lực lượng công an nhân dân (nếu người đề nghị cấp tài khoản là cá nhân); Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép đầu tư hoặc Quyết định thành lập (nếu người đề nghị cấp tài khoản là tổ chức).
Trong trường hợp Văn bản yêu cầu cấp tài khoản đăng ký trực tuyến được nộp trực tiếp tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thì tổ chức, cá nhân chỉ phải nộp bản sao không có chứng thực và xuất trình bản gốc một trong các loại giấy tờ xác định tư cách pháp lý nêu trên để đối chiếu.
2. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm xem xét, cấp tài khoản và thông báo kết quả cấp tài khoản cho các tổ chức, cá nhân bằng phương thức trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cấp tài khoản đăng ký trực tuyến hợp lệ.
3. Trong trường hợp thông tin trên giấy tờ nêu tại điểm b khoản 1 Điều này hoặc các thông tin khác đã đăng ký để được cấp tài khoản đăng ký trực tuyến có thay đổi thì tổ chức, cá nhân được cấp tài khoản đăng ký trực tuyến phải yêu cầu đăng ký thay đổi thông tin theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều này.
4. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm ban hành Quy chế cấp, quản lý, sử dụng mã số khách hàng thường xuyên và tài khoản đăng ký trực tuyến.
Điều 7. Sử dụng tài khoản đăng ký trực tuyến
1. Khách hàng thường xuyên sử dụng tài khoản đăng ký trực tuyến do Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cấp để đăng ký và tìm kiếm thông tin trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án.
2. Trường hợp khách hàng thường xuyên không sử dụng tài khoản đăng ký trực tuyến trong thời hạn 6 tháng thì Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm sẽ khoá tài khoản đăng ký trực tuyến. Trong trường hợp tài khoản đăng ký trực tuyến đã bị khoá, nếu khách hàng thường xuyên có nhu cầu sử dụng lại tài khoản đăng ký trực tuyến thì nộp Đơn yêu cầu kích hoạt lại tài khoản đến Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm theo một trong các phương thức quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này để được kích hoạt lại tài khoản ngay trong ngày làm việc.
3. Trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin hoặc không nộp phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí thì Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm sẽ tạm khoá tài khoản đăng ký trực tuyến. Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày tài khoản đăng ký trực tuyến bị tạm khoá, nếu khách hàng thường xuyên vẫn không thanh toán lệ phí, phí thì Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm sẽ khoá tài khoản đăng ký trực tuyến và chỉ kích hoạt lại tài khoản đăng ký trực tuyến khi khách hàng đã thanh toán đầy đủ lệ phí, phí.
Điều 8. Trường hợp đăng ký trực tuyến không có giá trị pháp lý
Việc đăng ký trực tuyến không có giá trị pháp lý trong trường hợp sau đây:
1. Không thuộc các trường hợp đăng ký được quy định tại Điều 2, Điều 3 và Điều 4 của Thông tư này;
2. Nội dung đăng ký vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.
Điều 9. Thanh toán lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên
1. Các hình thức thanh toán lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên áp dụng đối với khách hàng thường xuyên gồm:
a) Nộp trực tiếp tại một trong các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm của Bộ Tư pháp (sau đây gọi là Trung tâm Đăng ký);
b) Nộp tiền vào tài khoản của Trung tâm Đăng ký mở tại ngân hàng;
c) Thanh toán trực tuyến qua thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ trong trường hợp thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ được hệ thống đăng ký trực tuyến chấp nhận;
d) Thanh toán ủy nhiệm thu, thanh toán ủy nhiệm chi qua Kho bạc Nhà nước hoặc thanh toán từ số tiền tạm ứng đã nộp vào tài khoản của Trung tâm Đăng ký.
Việc nộp lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin theo phương thức ủy nhiệm thu hoặc ủy nhiệm chi được thực hiện theo thông báo thanh toán định kỳ hàng tháng. Khách hàng phải thanh toán đầy đủ lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin hàng tháng chậm nhất vào ngày 20 của tháng kế tiếp.
2. Khách hàng không thường xuyên thực hiện việc thanh toán lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin theo phương thức quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.
Điều 10. Trách nhiệm, nghĩa vụ của người yêu cầu đăng ký trực tuyến
1. Người yêu cầu đăng ký phải kê khai nội dung đăng ký chính xác, đúng sự thật, đúng thỏa thuận của các bên về giao dịch bảo đảm, hợp đồng.
2. Người yêu cầu đăng ký không được kê khai nội dung đăng ký vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội, không được sử dụng các giao diện của hệ thống đăng ký vào mục đích trái quy định của pháp luật.
3. Trường hợp người yêu cầu đăng ký kê khai các nội dung không chính xác, không đúng sự thật, không đúng thỏa thuận của các bên về giao dịch bảo đảm, hợp đồng hoặc kê khai nội dung đăng ký vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại và bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Trách nhiệm duy trì hoạt động, đảm bảo an toàn và an ninh thông tin của hệ thống đăng ký trực tuyến
1. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Tư pháp thực hiện việc duy trì hoạt động, đảm bảo an toàn và an ninh thông tin của hệ thống đăng ký trực tuyến theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp hệ thống đăng ký trực tuyến phải tạm ngừng hoạt động để bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp hoặc vì những lý do khác thì Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm phải thông báo công khai, kịp thời về lý do và thời gian dự kiến cho hệ thống hoạt động trở lại.
Chương II
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN GIAO DỊCH BẢO ĐẢM, HỢP ĐỒNG,
THÔNG BÁO VIỆC KÊ BIÊN TÀI SẢN THI HÀNH ÁN
Điều 12. Truy cập hệ thống đăng ký trực tuyến để thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án
1. Trường hợp tổ chức, cá nhân là khách hàng thường xuyên thì sử dụng tài khoản đăng ký trực tuyến đã được cấp để truy cập hệ thống đăng ký trực tuyến.
2. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phải là khách hàng thường xuyên thì việc truy cập hệ thống đăng ký trực tuyến được thực hiện như sau:
a) Nếu tổ chức, cá nhân lựa chọn thanh toán theo phương thức quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều 9 của Thông tư này thì sử dụng số biên lai nộp tiền để truy cập vào hệ thống đăng ký trực tuyến;
b) Nếu tổ chức, cá nhân lựa chọn thanh toán theo phương thức quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 của Thông tư này thì sử dụng số thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng để truy cập vào hệ thống đăng ký trực tuyến.
Điều 13. Trách nhiệm kê khai nội dung yêu cầu đăng ký, thông báo việc kê biên trực tuyến
Khi có yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án, người yêu cầu đăng ký, chấp hành viên thực hiện việc thông báo về kê biên tài sản thi hành án kê khai nội dung đăng ký, thông báo việc kê biên theo mẫu trên giao diện của hệ thống đăng ký trực tuyến phù hợp với yêu cầu đăng ký, thông báo.
Việc kê khai nội dung yêu cầu đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 14, Điều 15 của Thông tư này.
Điều 14. Kê khai thông tin về các bên tham gia giao dịch bảo đảm, hợp đồng, chấp hành viên thực hiện việc thông báo và người phải thi hành án
Người yêu cầu đăng ký, chấp hành viên thực hiện việc thông báo về kê biên tài sản thi hành án kê khai tên, số giấy tờ xác định tư cách pháp lý của các bên tham gia giao dịch bảo đảm, hợp đồng, người phải thi hành án theo hướng dẫn dưới đây:
1. Thông tin về bên bảo đảm được kê khai như sau:
a) Đối với cá nhân là công dân Việt Nam thì phải kê khai đầy đủ họ và tên, số Chứng minh nhân dân theo đúng nội dung ghi trên Chứng minh nhân dân.
b) Đối với cá nhân là người nước ngoài thì phải kê khai đầy đủ họ và tên, số hộ chiếu theo đúng nội dung ghi trên Hộ chiếu.
c) Đối với cá nhân là người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam thì phải kê khai đầy đủ họ và tên, số Thẻ thường trú theo đúng nội dung ghi trên Thẻ thường trú.
d) Đối với tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam có đăng ký kinh doanh, nhà đầu tư nước ngoài thì phải kê khai tên và mã số thuế do cơ quan thuế cấp. Đối với tổ chức không có đăng ký kinh doanh thì kê khai tên đã đăng ký theo quy định của pháp luật.
đ) Đối với tổ chức được thành lập, hoạt động theo pháp luật nước ngoài thì kê khai tên được đăng ký tại cơ quan nước ngoài có thẩm quyền. Trong trường hợp tên được đăng ký của tổ chức không viết bằng chữ Latinh thì kê khai tên giao dịch bằng tiếng Anh.
2. Thông tin về bên nhận bảo đảm, bên bán, bên cho thuê tài sản, bên cho thuê tài chính, bên nhận chuyển giao quyền đòi nợ, chấp hành viên thực hiện việc thông báo (sau đây gọi là bên nhận bảo đảm) được kê khai như sau:
a) Tên của bên nhận bảo đảm;
b) Địa chỉ của bên nhận bảo đảm.
Điều 15. Mô tả tài sản
1. Người yêu cầu đăng ký, chấp hành viên thực hiện việc thông báo về kê biên tài sản thi hành án mô tả tài sản theo hướng dẫn trên giao diện của đơn yêu cầu đăng ký, văn bản thông báo việc kê biên tài sản thi hành án trực tuyến hoặc gửi bản ghi điện tử kèm theo Đơn yêu cầu đăng ký, Văn bản thông báo việc kê biên đó.
2. Trường hợp tài sản là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và tài sản này không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc tài sản hình thành trong tương lai thì người yêu cầu đăng ký, chấp hành viên thực hiện việc thông báo kê biên tài sản thi hành án mô tả chính xác số khung của phương tiện giao thông cơ giới đó theo hướng dẫn trên giao diện của Đơn yêu cầu đăng ký trực tuyến.
Điều 16. Xác nhận kết quả đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án
1. Hệ thống đăng ký trực tuyến xác nhận kết quả đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án cho người yêu cầu đăng ký, chấp hành viên có trách nhiệm thông báo việc kê biên tài sản tại màn hình giao dịch.
2. Một (01) bản chứng nhận kết quả đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án (có chữ ký, con dấu) được một trong các Trung tâm Đăng ký gửi đến người yêu cầu đăng ký, chấp hành viên khi có yêu cầu theo phương thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
3. Trong trường hợp có yêu cầu cung cấp bản sao văn bản chứng nhận kết quả đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án thì người yêu cầu đăng ký phải nộp phí cấp bản sao theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp yêu cầu cấp bản sao của chấp hành viên.
4. Văn bản chứng nhận hoặc bản sao văn bản chứng nhận kết quả đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án do một trong các Trung tâm Đăng ký cấp có giá trị pháp lý như nhau.
Điều 17. Đăng ký thay đổi, xoá đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án
1. Hệ thống đăng ký trực tuyến cấp mã cá nhân cho người yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, chấp hành viên thông báo việc kê biên tài sản thi hành án để thực hiện việc đăng ký thay đổi, xoá đăng ký trực tuyến đối với giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên đã được đăng ký. Người được cấp mã cá nhân có trách nhiệm bảo mật thông tin về mã cá nhân đó.
2. Trường hợp giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án được đăng ký theo phương thức trực tiếp, qua đường bưu điện, qua fax hoặc qua thư điện tử thì người yêu cầu đăng ký, chấp hành viên có quyền yêu cầu Trung tâm Đăng ký (nơi đã thực hiện đăng ký) phải cung cấp mã cá nhân để thực hiện đăng ký thay đổi, xoá đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên.
Điều 18. Xử lý trường hợp đăng ký trực tuyến không có giá trị pháp lý
1. Trong trường hợp nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 của Thông tư này thì người giám sát hệ thống đăng ký trực tuyến có trách nhiệm báo cáo Giám đốc Trung tâm Đăng ký xem xét, quyết định hủy bỏ nội dung đăng ký, thông báo việc kê biên.
2. Việc hủy bỏ nội dung đăng ký, thông báo việc kê biên phải được thông báo kịp thời theo đường bưu điện đến địa chỉ của người yêu cầu đăng ký, chấp hành viên được lưu trong Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.
Chương III
CUNG CẤP THÔNG TIN THÔNG QUA HỆ THỐNG ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN
Điều 19. Phương thức tìm hiểu thông tin thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến
Các phương thức tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến bao gồm:
1. Tự tra cứu thông tin;
2. Yêu cầu cung cấp thông tin có xác nhận của Trung tâm Đăng ký để làm căn cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình liên quan đến tài sản là động sản.
Điều 20. Tiêu chí tìm kiếm thông tin thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến
1. Thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên được tìm kiếm theo giấy tờ xác định tư cách pháp lý của bên bảo đảm:
a) Trường hợp bên bảo đảm là công dân Việt Nam, thì tiêu chí tìm kiếm thông tin là họ và tên, số Chứng minh nhân dân.
b) Trường hợp bên bảo đảm là tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam có đăng ký kinh doanh hoặc nhà đầu tư nước ngoài, thì tiêu chí tìm kiếm thông tin là mã số thuế của tổ chức hoặc nhà đầu tư nước ngoài đó.
c) Trường hợp bên bảo đảm là cá nhân nước ngoài, thì tiêu chí tìm kiếm là họ tên, số hộ chiếu; người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, thì tiêu chí tìm kiếm thông tin là họ tên, số Thẻ thường trú của người đó.
d) Trường hợp bên bảo đảm là tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam không có đăng ký kinh doanh, thì tiêu chí tìm kiếm thông tin là tên đã được đăng ký theo quy định của pháp luật của tổ chức đó.
đ) Trường hợp bên bảo đảm là tổ chức được thành lập, hoạt động theo pháp luật nước ngoài, thì tiêu chí tìm kiếm thông tin là tên đã được đăng ký tại cơ quan nước ngoài có thẩm quyền của tổ chức đó.
2. Thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên được tìm kiếm theo số khung của phương tiện giao thông cơ giới.
3. Thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên được tìm kiếm theo số đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án.
Điều 21. Tự tra cứu thông tin thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến
1. Mọi tổ chức, cá nhân có quyền tự tra cứu thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến.
2. Thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên do tổ chức, cá nhân tự tra cứu thì không có xác nhận của Trung tâm Đăng ký và không phải nộp phí cung cấp thông tin.
Điều 22. Yêu cầu cung cấp thông tin thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến
1. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên thì Trung tâm Đăng ký có trách nhiệm gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện văn bản cung cấp thông tin có xác nhận (chữ ký, con dấu) cho người yêu cầu cung cấp thông tin.
2. Việc yêu cầu cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, tài sản kê biên nêu tại khoản 1 Điều này phải nộp phí cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 3 năm 2011.
Điều 24. Điều khoản chuyển tiếp
1. Việc cấp tài khoản đăng ký trực tuyến cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện đồng thời với việc công nhận tư cách khách hàng thường xuyên. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm có trách nhiệm ban hành Quy chế cấp, quản lý, sử dụng mã số khách hàng thường xuyên và tài khoản đăng ký trực tuyến.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã được công nhận là khách hàng thường xuyên trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm có trách nhiệm rà soát, cấp và thông báo tài khoản đăng ký trực tuyến cho khách hàng để thực hiện việc đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án.
2. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu đăng ký thay đổi, xoá đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án đã được đăng ký trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tổ chức, cá nhân đó được lựa chọn một trong các phương thức đăng ký là trực tiếp, qua đường bưu điện, qua fax, qua thư điện tử hoặc thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến theo hướng dẫn tại Thông tư này.
3. Đối với địa phương được lựa chọn thí điểm tổ chức, hoạt động thừa phát lại thì trình tự, thủ tục thông báo việc kê biên tài sản và tìm hiểu thông tin về tài sản kê biên của Thừa phát lại cũng được thực hiện theo các quy định tại Thông tư này.
Điều 25. Trách nhiệm thi hành
1. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm có trách nhiệm hướng dẫn việc đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên tài sản thi hành án theo quy định tại Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cá nhân, tổ chức phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp để nghiên cứu, giải quyết./.