Thông tưTHÔNG TƯ
CỦA BỘ GIÁO DỤC SỐ 31/TT NGÀY 3-9-1974 QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ,
CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN
CHUYÊN TRÁCH BỔ TÚC VĂN HOÁ Ở XÃ
Trong những năm qua, căn cứ vào các văn kiện của Đảng và Chính Phủ (chỉ thị 97-CT/TW ngày 18-5-1965 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, chỉ thị 110-CP ngày 13-7-1968 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 169-CT/TW ngày 14-2-1969 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, quyết định 86-TTg ngày 27-4-1970 của Hội đồng Chính phủ...) và yêu cầu thực tế, ngành Bổ túc văn hoá đã xây dựng được một đội ngũ giáo viên chuyên trách bổ túc văn hoá ở xã. Số giáo viên này tuy gặp nhiều khó khăn (lúc chiến tranh, không khí học tập...) nhưng về văn bản đã phát huy tác dụng tốt đối với phong trào bổ túc văn hoá nông thôn.
Tháng 3 năm 1971, nghị quyết của Trung ương lần thứ 19 lại nêu: "... nắm vững và tiếp tục đẩy mạnh ba cuộc cách mạng ở nông thôn, lấy cách mạng kỹ thuật làm then chốt, đồng thời thường xuyên coi trọng việc củng cố quan hệ sản xuất mới và nâng cao trình độ tư tưởng, văn hoá của nông dân và cán bộ..." và nêu việc học tập là một nghĩa vụ của mỗi người để xây dựng Tổ quốc; Nghị quyết 225 ngày 20-3-1973 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Nghị quyết 22 ngày 29-1-1974 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đề ra cho các ngành, các cấp phải đẩy mạnh công tác bổ túc văn hoá cho cán bộ và thanh niên ưu tú để góp phần bồi dưỡng và đào tạo cán bộ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.
Vậy để giúp cho việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết trên đưa sự nghiệp bổ túc văn hoá cho cán bộ và thanh niên từng bước tiến lên vững chắc, Bộ Giáo dục quy định nhiệm vụ công tác và chế độ, chính sách đối với giáo viên chuyên trách bổ túc văn hoá ở xã như sau:
I- TIÊU CHUẨN LỰA CHỌN VÀ HƯỚNG DẪN BỐ TRÍ
GIÁO VIÊN CHUYÊN TRÁCH BỔ TÚC VĂN HOÁ Ở XÃ
a) Tiêu chuẩn.
1. Là giáo viên cấp II hay cấp III trong biên chế Nhà nước được đào tạo ở các trường Sư Phạm (phổ thông hoặc bổ túc văn hoá). ở miền núi, tạm thời sử dụng giáo viên bán cấp, nếu không đủ giáo viên cấp II.
2. Có khả năng lãnh đạo quản lý chuyên môn một trường học, biết tổ chức và vận động quần chúng.
3. Có tư tưởng và phẩm chất đạo đức tốt, có nhiệt tình đối với công tác bổ túc văn hoá. 4. Có sức khoẻ tốt.
b) Hướng bố trí: bình quân mỗi xã một giáo viên chuyên trách, nhưng cách bố trí tuỳ từng nơi:
1. Mỗi xã bố trí một giáo viên;
2. Hoặc các xã trọng điểm, xã nằm trong mạng lưới tiên tiến, hoặc xã có từ 200 học viên trở lên bố trí thêm một giáo viên chuyên trách nữa.
Cách thứ hai dễ đem lại những kết quả thiết thực vì ở nơi có người học cần học thì ta cũng có đủ số người có khả năng dạy các môn khoa học tự nhiên và xã hội đáp ứng yêu cầu của việc học. Nhưng với cách bố trí này không có nghĩa là bỏ bẵng các xã khác mà cần tiếp tục vận động, khi phong trào học của quần chúng lên sẽ giải quyết tiếp, lúc đó nếu cần sẽ trở lại cách bố trí thứ nhất.
II - NHIỆM VỤ, NỘI DUNG CÔNG TÁC CỦA GIÁO VIÊN
CHUYÊN TRÁCH
a) Nhiệm vụ của giáo viên chuyên trách:
1. Làm tham mưu cho cấp uỷ Đảng và Uỷ ban hành chính xã.
2. Xây dựng tổ chức, quản lý nhà trường về công tác bổ túc văn hoá, về chuyên môn giảng dạy và các mặt công tác khác;
3. Lên lớp giảng dạy một số giờ.
b) Nội dung công tác:
1. Làm tham mưu cho cấp uỷ và Uỷ ban hành chính xã. Trên cơ sở điều tra nghiên cứu, nắm vững yêu cầu của xã, góp phần đặt quy hoạch bỗi dưỡng cán bộ về mặt văn hoá, xây dựng đội ngũ cán bộ xã.
- Hàng năm, tổ chức việc điều tra cơ bản, dự thảo chỉ tiêu kế hoạch và đề xuất những biện pháp để thực hiện kế hoạch bổ túc văn hoá về số lượng và chất lượng (nhất là đối với cán bộ chủ chốt và thanh niên ưu tú).
- Liên hệ với các đoàn thể và cơ sở sản xuất để phối hợp tổ chức cho học viên học tập có kết quả.
- Xây dựng phong trào bổ túc văn hoá thành đơn vị tiên tiến góp phần xây dựng xã có phong trào giáo dục toàn diện.
2. Xây dựng, tổ chức, quản lý nhà trường bổ túc văn hoá về chuyên môn giảng dạy và các mặt công tác khác (theo Quy chế "Trường bổ túc văn hoá tại chức ở nông thôn" của Bộ đã ban hành số 1251 - QĐ ngày 3-12-1973).
Dù làm hiệu trưởng hoặc hiệu phó trường bổ túc văn hoá hay không giữ các chức vụ đó, giáo viên chuyên trách vẫn phải giúp cấp uỷ, uỷ ban hành chính xã lãnh đạo trường bổ túc văn hoá ở cơ sở, đặc biệt là tổ chức quản lý, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ.
Cục thể là:
- Xây dựng kế hoạch nhà trường, tạo các điều kiện đảm bảo chất lượng như xây dựng đội ngũ giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị, lập tủ sách giáo khoa phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, xây dựng ba nền nếp trong nhà trường (quản lý, giảng dạy, học tập).
- Chỉ đạo thực hiện chương trình, cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập theo yêu cầu đã quy định.
- Xây dựng các tổ chức chuyên môn trong nhà trường, tổ chức việc thăm lớp, dự giờ.
- Xây dựng đội ngũ giáo viên bổ túc văn hoá nghiệp dư và bồi dưỡng cho họ về mọi mặt, nhất là về kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy, làm kế hoạch giảng dạy, kế hoạch học tập, phân công, liên lạc bảo đảm giáo viên đều dạy đúng thời khoá biểu.
- Chuẩn bị và thực hiện các công tác sơ kết học kỳ, chuẩn bị cho học sinh thi cử (lên hồ sơ, học bạ ...)
- Tham gia các công việc của trường theo nghị quyết của hội đồng giáo viên và sự phân công của ban giám hiệu nhà trường bổ túc văn hoá.
3. Lên lớp giảng dạy bao gồm các khâu công tác sau đây:
- Soạn bài, giảng bài, chấm bài;
- Tự mình làm và hướng dẫn học viên làm đồ dùng giảng dạy và học tập;
- Phụ đạo và tổ chức ngoại khoá, tổ chức thực hành cho học viên;
- Quản lý và theo dõi, giúp đỡ việc học tập của học viên.
Trường hợp một xã bố trí 2 giáo viên chuyên trách thì Phòng Giáo dục huyện sẽ cử một người làm tổ trưởng giáo viên.
III- CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA GIÁO VIÊN CHUYÊN TRÁCH
a) Vấn đề quản lý giáo viên:
Uỷ ban hành chính huyện (Phòng giáo dục), Uỷ ban hành chính xã, ban giám hiệu trường bổ túc văn hoá (hoặc phổ thông) có trách nhiệm quản lý giáo viên chuyên trách (sinh hoạt, đời sống, tư tưởng, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, sử dụng điều động, thuyên chuyển...), nhưng để giúp cho việc quản lý được chặt chẽ, sâu sát, phải có sự phân công như sau:
- Uỷ ban hành chính huyện chấp hành, chỉ đạo và tổ chức thực hiện mọi chế độ, chính sách đối với giáo viên chuyên trách bổ túc văn hoá;
- Uỷ ban hành chính xã quản lý về mặt sinh hoạt tư tưởng chính trị;
- Ban giám hiệu trường bổ túc văn hoá quản lý về chuyên môn. Nếu địa phương nào tạm thời bố trí giáo viên chuyên trách bổ túc văn hoá nằm trong trường phổ thông thì ban giám hiệu trường phổ thông cũng chỉ quản lý về mặt kỷ luật lao động, tham gia ý kiến về nội dung công tác và huy động nhà trường phổ thông tham gia công tác bổ túc văn hoá.
b) Chế độ lao động của giáo viên chuyên trách:
1. Nguyên tắc:
- Một tuần giáo viên làm việc đủ 48 tiếng;
- Giáo viên phải hoàn thành các khâu công tác sau đây:
+ Công tác tham mưu cho cấp uỷ về chỉ tiêu kế hoạch phát triển phong trào bổ túc văn hoá;
+ Tổ chức quản lý phong trào bổ túc văn hoá, chuyên môn bổ túc văn hoá;
+ Giảng dạy và giáo dục học viên:
+ Sinh hoạt chuyên môn tập thể; họp hội đồng, họp tổ, nhóm, kiến tập, thực tập;
+ Học tập văn hoá, nghiệp vụ:
+ Tham gia lao động sản xuất.
2. Số giờ lên lớp giảng dạy của một giáo viên chuyên trách bổ túc văn hoá xã hàng tuần được quy định như sau:
- Giáo viên bổ túc văn hoá cấp I lên lớp dạy 10 giờ;
- Giáo viên bổ túc văn hoá cấp II, III lên lớp dạy 7 giờ.
IV - CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN CHUYÊN TRÁCH
a) Quyền lợi về tinh thần:
Giáo viên chuyên trách bổ túc văn hoá xã được đảm bảo quyền lợi về học tập và bỗi dưỡng về thời sự, chính trị, nghiệp vụ như giáo viên phổ thông.
b) Quyền lợi về vật chất:
Giáo viên chuyên trách bổ túc văn hoá ở xã được hưởng các chế độ tiền lương, phụ cấp chức vụ và mọi quyền lợi khác (bồi dưỡng chuyên môn, chữa bệnh nghỉ ngơi, .v.v.) như giáo viên phổ thông cùng trình độ, cùng công trình đào tạo do Bộ Giáo dục đã quy định,
Các địa phương cần tích cực thi hành những quy định trên về nhiệm vụ công tác và chế độ, chính sách đối với giáo viên chuyên trách bổ túc văn hoá ở xã.