CHỉ THịCHỈ THỊ
CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
- Về tăng cường công tác phòng cháy và chữa cháy
Trong những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy, nhưng do công tác quản lí và đôn đốc kiểm tra thực hiện chưa tốt nên ở nhiều địa phương, ngành và đơn vị cơ sở vẫn để xảy ra nhiều vụ cháy nhà ở, trụ sở làm việc, kho tàng, nhà xưởng, đường ống dẫn xăng dầu và cháy rừng, trong đó có nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Để chủ động ngăn chặn, không để xảy ra các vụ cháy và dập tắt kịp thời các vụ cháy, nhất là những vụ cháy lớn, bảo đảm an toàn về tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:
1. Các cấp, các ngành phải tăng cường nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy; rà soát, bổ sung các văn bản pháp quy đã có về vấn đề này và tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Phải xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy, hoặc do thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra cháy, gây thiệt hại về người và tài sản. Những cá nhân, tập thể, cơ quan do không chấp hành đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy để gây ra cháy phải bồi thường mọi thiệt hại do cháy gây ra và phải thanh toán mọi khoản chi phí cho việc chữa cháy, trường hợp nghiêm trọng hoặc do cố ý phải bị truy tố trước pháp luật.
2. Trong việc quy hoạch xây dựng đô thị phải xem xét tới mặt bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất lớn phải bố trí đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống đường ống, trụ nước chữa cháy công cộng và vị trí đơn vị chữa cháy bảo đảm cho công tác chữa cháy được thuận lợi, nhanh chóng, an toàn và khi có sự cố cháy, nổ không gây ô nhiễm môi trường cho các vùng dân cư lân cận.
3. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ tài chính, Bộ Thương nghiệp, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu cân đối ngân sách trích một phần kinh phí để mua sắm phương tiện chữa cháy cần thiết tối thiểu trang bị cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đủ sức dập tắt các đám cháy xảy ra ở địa phương. Các ngành, các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn có nhiều chất cháy, nổ cần đầu tư kinh phí mua sắm các phương tiện chữa cháy để chủ động cứu chữa các vụ cháy xảy ra trong ngành và cơ sở của mình.
4. Các cấp, các ngành, các địa phương cần tổ chức tổng kết việc thi hành Pháp lệnh "Quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy" do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố ngày 4-10-1961 và các văn bản pháp quy khác của Nhà nước về vấn đề này; khen thưởng thích đáng cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy và đề ra kế hoạch triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này. Để phát động phong trào toàn dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy, lấy tháng 10-1991 là tháng cả nước đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (gọi tắt là tháng an toàn phòng cháy, chữa cháy) và lấy ngày 4-10 hàng năm là ngày truyền thống "toàn dân phòng cháy, chữa cháy".
5. Bộ Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Chỉ thị này.