NGHị địNHNGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
Về việc chuyển một số doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 20 tháng 4 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương đổi mới doanh nghiệp và Bộ trưởng Bộ Tài chính,
-
NGHỊ ĐỊNH:
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Chuyển một số doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần (sau đây gọi tắt là cổ phần hoá) nhằm các mục tiêu sau:
1. Huy động vốn của công nhân viên chức trong doanh nghiệp; cá nhân, các tổ chức kinh tế trong nước và ngoài nước để đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển doanh nghiệp.
2. Tạo điều kiện để những người góp vốn và công nhân viên chức trong doanh nghiệp có cổ phần, nâng cao vai trò làm chủ thực sự, tạo thêm động lực thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả.
Điều 2. Đối tượng áp dụng Nghị định này là các doanh nghiệp ghi tại Điều 1 của Luật Doanh nghiệp nhà nước thuộc diện Nhà nước không cần tiếp tục nắm giữ 100% vốn đầu tư.
Điều 3. Các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân, các tổ chức xã hội được pháp luật công nhận, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đều có quyền mua cổ phiếu ở các doanh nghiệp cổ phần hoá.
Việc thí điểm bán cổ phiếu cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 4. Quyền sở hữu và mọi quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân mua cổ phiếu ở các doanh nghiệp cổ phần hoá được Nhà nước bảo hộ theo luật pháp hiện hành.
Điều 5. Cổ phiếu được bán công khai tại doanh nghiệp cổ phần hoá hoặc bán thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính được chỉ định. Số tiền thu từ bán cổ phiếu chỉ được sử dụng để đầu tư phát triển doanh nghiệp nhà nước.
Điều 6. Bộ Tài chính thống nhất quản lý việc phát hành cổ phiếu ở các doanh nghiệp cổ phần hoá.
CHƯƠNG II
NHỮNG NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP, ĐIỀU KIỆN
VÀ HÌNH THỨC CỔ PHẦN HOÁ
Điều 7.
Doanh nghiệp nhà nước được lựa chọn cổ phần hoá phải có đủ những điều kiện sau đây:
1. Có quy mô nhỏ và vừa (trừ những doanh nghiệp cổ phần hoá theo hình thức quy định tại Điểm 1, Điều 9 của Nghị định này);
2. Không thuộc diện những doanh nghiệp cần thiết giữ 100% vốn đầu tư của Nhà nước;
3. Có phương án kinh doanh hiệu quả.
Điều 8. Nguyên tắc xác định giá trị doanh nghiệp:
1. Giá trị của doanh nghiệp ở thời điểm cổ phần hoá là giá trị thực tế của doanh nghiệp mà người bán và người mua cổ phần đều chấp nhận được.
2. Căn cứ xác định giá trị thực tế của doanh nghiệp:
a. Số liệu trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm cổ phần hoá đã được cơ quan kiểm toán hợp pháp xác nhận.
b. Hệ số lợi thế của doanh nghiệp về vị trí địa lý, uy tín mặt hàng, hiệu quả kinh doanh thực tế của doanh nghiệp thể hiện qua tỷ suất lợi nhuận tính trên vốn kinh doanh bình quân trong 3 năm cuối của doanh nghiệp trước khi cổ phần hoá.
c. Giá trị quyền sử dụng đất tính theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều 9. Cổ phần hoá được tiến hành theo các hình thức sau đây:
1. Giữ nguyên giá trị hiện có của doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu theo quy định nhằm thu hút thêm vốn để phát triển doanh nghiệp.
2. Bán một phần giá trị hiện có của doanh nghiệp.
3. Tách một bộ phận của doanh nghiệp đủ điều kiện để cổ phần hoá.
CHƯƠNG III
NHỮNG ƯU ĐÃI DỐI VỚI DOANH NGHIỆP VÀ CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC
TRONG DOANH NGHIỆP CỔ PHẦN HOÁ
Điều 10.
Doanh nghiệp cổ phần hoá được hưởng những ưu đãi như sau:
1. Được giảm thuế lợi tức 50% trong 2 năm liên tiếp kể từ sau khi chuyển sang hoạt động theo Luật Công ty.
Trường hợp những doanh nghiệp cổ phần hoá thoả mãn những điều kiện ghi tại Điều 15 của Nghị định số 29/CP ngày 12 tháng 5 năm 1995 của Chính phủ "Về quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước" thì chỉ được hưởng bằng các mức ưu đãi về thuế ghi tại các điều 16, 17, 18, 19, 20, 21 và 22 của Nghị định đó.
2. Được miễn lệ phí trước bạ đối với việc chuyển những tài sản thuộc quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá thành sở hữu của công ty cổ phần.
3. Được tiếp tục vay vốn tại ngân hàng thương mại của Nhà nước theo cơ chế và lãi suất đã áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước.
4. Được tiếp tục xuất nhập khẩu hàng hoá theo các chế độ quy định của Nhà nước.
5. Trước khi cổ phần hoá được chủ động sử dụng số dư quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi (bằng tiền) chia cho công nhân viên chức đang làm việc để mua cổ phiếu.
Được duy trì và phát triển quỹ phúc lợi dưới dạng hiện vật, các công trình văn hoá, câu lạc bộ, bệnh xá, nhà điều dưỡng để bảo đảm phúc lợi cho người lao động trong công ty cổ phần những tài sản này thuộc sở hữu của tập thể người lao động công ty cổ phần và do công đoàn của công ty quản lý.
6. Các khoản chi phí thực tế hợp lý và cần thiết cho quá trình chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần được tính vào giá trị doanh nghiệp do Bộ Tài chính quy định.
Điều 11. Người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hoá được hưởng những ưu đãi như sau:
1. Ưu đãi về tài chính:
a. Được Nhà nước cấp một số cổ phiếu tuỳ theo thâm niên và chất lượng công tác của từng người. Đối với số cổ phiếu này, người lao động được hưởng cổ tức, được quyền thừa kế cho con làm việc tại công ty cổ phần nhưng không được chuyển nhượng. Những cổ phiếu này thuộc sở hữu Nhà nước tại công ty cổ phần.
Trị giá cổ phiếu cấp cho mỗi người không quá 6 tháng lương cấp bậc, chức vụ theo hệ thống thang bảng lương nhà nước ban hành; tổng số cổ phiếu được cấp không quá 10% giá trị doanh nghiệp.
b. Được mua chịu một số cổ phiếu trả chậm trong 5 năm với lãi suất là 4% năm; tổng mức mua chịu không quá 15% giá trị doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có vốn tự tích luỹ từ 40% giá trị doanh nghiệp trở lên thì mức mua chịu không quá 20% giá trị doanh nghiệp.
2. Được tiếp tục làm việc tại công ty cổ phần (nếu họ có nhu cầu) theo quy định tại Điều 31 của Bộ Luật lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994. Sau 12 tháng kể từ khi doanh nghiệp nhà nước chuyến thành công ty cổ phần, nếu do nhu cầu tổ chức lại hoạt động kinh doanh mà phải thay đổi cơ cấu công nghệ dẫn đến người lao động mất việc làm thì chính sách đối với những người lao động này được giải quyết theo Điều 17 của Bộ luật Lao động và Nghị định số 72/CP ngày 31 tháng 10 năm 1995 của Chính phủ.
CHƯƠNG IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12.
Căn cứ các điều kiện nêu tại Điều 7 Nghị định này, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ trưởng các Bộ), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi có sự nhất trí của ban cán sự Đảng hoặc tỉnh uỷ (thành uỷ) quyết định danh sách một số doanh nghiệp nhà nước để cổ phần hoá từ nay đến hết năm 1997 và gửi về Ban Chỉ đạo trung ương cổ phần hoá, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi (như mẫu phụ lục kèm theo Nghị định này).
Hội đồng quản trị của các tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, sau khi có sự nhất trí của ban cán sự (nếu có) hoặc Đảng uỷ tổng công ty lập danh sách doanh nghiệp cổ phần hoá báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng thời gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi.
Điều 13. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị xác định giá trị doanh nghiệp, Bộ Tài chính (hệ thống Tổng cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp) có trách nhiệm thẩm tra và quyết định giá trị doanh nghiệp sau khi có văn bản thoả thuận của Bộ Quản lý ngành hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan. Sau khi có quyết định chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, doanh nghiệp tổ chức phát hành cổ phiếu, bảo đảm các cổ đông nhận được cổ phiếu chậm nhất là 30 ngày kể từ khi kết thúc thời hạn phát hành.
Điều 14. Thẩm quyền thực hiện cổ phần hoá:
1. Đối với những doanh nghiệp có vốn nhà nước (gồm vốn ngân sách cấp, vốn có nguồn gốc từ ngân sách và vốn do doanh nghiệp tự tích luỹ) trên ba tỷ đồng, Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng phương án cổ phần hoá gửi về Ban Chỉ đạo trung ương cổ phần hoá để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép thực hiện theo Điều 19 của Nghị định này.
2. Đối với những doanh nghiệp có vốn nhà nước từ ba tỷ đồng trở xuống, Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện cổ phần hoá trên cơ sở Nghị định này và hướng dẫn, kiểm tra các Bộ có liên quan. Các văn bản về cổ phần hoá của Bộ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải gửi về ban Chỉ đạo Trung ương cổ phần hoá và Bộ Tài chính để theo dõi.
3. Đối với việc cổ phần hoá doanh nghiệp thành viên của tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, Hội đồng quản trị xây dựng phương án cổ phần hoá gửi về Ban Chỉ đạo trung ương cổ phần hoá để thực hiện theo Điều 19 của Nghị định này.
Điều 15. Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần như Điều 14 của Nghị định này quy định, thay thế cho giấy phép thành lập công ty cổ phần nói tại Điều 16 của Luật Công ty.
Điều 16. Đăng ký kinh doanh của công ty cổ phần:
1. Doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hoá sẽ hoạt động theo Luật Công ty và phải đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ dăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho công ty cổ phần.
3. Hồ sơ đăng ký kinh doanh gồm:
a. Quyết định chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần của cấp có thẩm quyền;
b. Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty cổ phần đã được đại hội cổ đông thông qua;
c. Biên bản bầu Hội đồng quản trị và cử Giám đốc điều hành;
d. Giấy xác nhận hợp pháp quyền sử dụng trụ sở chính của doanh nghiệp.
Điều 17. Quản lý vốn nhà nước tại công ty cổ phần:
1. Chuyển toàn bộ doanh nghiệp độc lập thành công ty cổ phần:
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp cử người trực tiếp quản lý vốn của Nhà nước tại công ty cổ phần, sau khi thoả thuận với Bộ trưởng Bộ quản lý ngành hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan.
2. Chuyển một bộ phận của doanh nghiệp nhà nước độc lập (tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp độc lập có Hội đồng quản trị và không có Hội đồng quản trị) thành công ty cổ phần:
Hội đồng quản trị các doanh nghiệp nhà nước có Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc doanh nghiệp nhà nước không có Hội đồng quản trị cử người trực tiếp quản lý phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần được thành lập từ cổ phần hoá một bộ phận của doanh nghiệp mình.
3. Người trực tiếp quản lý phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định tại Điều 50 và Điều 54 của Luật Doanh nghiệp nhà nước.
4. Lợi nhuận từ phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần nói trên thuộc sở hữu nhà nước, chỉ sử dụng để đầu tư phát triển doanh nghiệp nhà nước và thu nộp về:
a. Ngân sách nhà nước đối với trường hợp nói tại khoản 1, Điều 17 của Nghị định này.
b. Doanh nghiệp quản lý phần vốn nhà nước trong công ty cổ phần đối với trường hợp nói tại khoản 2, Điều 17 của Nghị định này.
Điều 18. Thành lập Ban Chỉ đạo trung ương cổ phần hoá do Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo trung ương đổi mới doanh nghiệp làm trưởng ban, một Thứ trưởng Bộ Tài chính làm phó trưởng ban thường trực, một Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và mời một Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam làm uỷ viên. Ban cổ phần hoá của Tổng cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp là bộ phận thường trực. Ban Chỉ đạo trung ương cổ phần hoá có quyền đề nghị các Bộ có liên quan (nếu cần thiết) điều động biệt phái một số chuyên viên vào bộ phận thường trực này.
Điều 19. Ban Chỉ đạo trung ương cổ phần hoá có trách nhịêm phân công tổ chức thực hiện và ban hành quy trình tiến hành cổ phần hoá, trực tiếp cùng các Bộ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tổ chức thực hiện ở những doanh nghiệp có vốn nhà nước trên ba tỷ đồng và các doanh nghiệp thành viên tổng công ty nói trên; hướng dẫn, theo dõi và giám sát các Bộ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện cổ phần hoá ở những doanh nghiệp đã được phân cấp; báo cáo kịp thời những vấn đề phát sinh lên Thủ tướng Chính phủ để xử lý nhằm thực hiện tốt chủ trương cổ phần hoá. Cuối quý II năm 1998, Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tổng kết chung trình Thủ tướng Chính phủ.
CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 20.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây về cổ phần hoá trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 21. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ trưởng khác và Thủ trưởng các ngành có liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
Điều 22. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị các Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
PHỤ LỤC
(Kèm theo Nghị định số 28/CP ngày 7 tháng 5 năm 1996 của Chính phủ)
MẪU BÁO CÁO VỀ KẾ HOẠCH CỔ PHẦN HOÁ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
THUỘC BỘ, NGÀNH, TỈNH, THÀNH PHỐ
1. Danh sách các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá.
Tên doanh nghiệp Chỉ tiêu | (1) | (2) | (3) | ... |
Địa điểm chính (Fax, Tel) | | | | |
Dịên tích đất đai đang sử dụng (m2). | | | | |
Tổng số lao động. | | | | |
Ngành nghề chủ yếu. | | | | |
Tổng số vốn (tính đến thời điểm đưa ra cổ phần hoá). | | | | |
Trong đó: | | | | |
+ Vốn cố định. | | | | |
+ Vốn lưu động. | | | | |
+ Vốn xây dựng cơ bản. | | | | |
+ Quỹ phát triển sản xuất. | | | | |
Dự kiến cơ cấu cổ phần (%). | | | | |
Nhà nước: | | | | |
(Trong đó: Cổ phiếu cấp cho người lao động trong doanh nghiệp hưởng cổ tức). | | | | |
Cổ phần của người lao động trong doanh nghiệp: | | | | |
Cổ phần ngoài doanh nghiệp: | | | | |
2. Những kiến nghị cụ thể.