Kính gửi : Các ông Giám đốc, Trưởng Ty,
Trưởng Phòng các Sở, Ty, Phòng Lao động.
Theo kết quả những cuộc đàm phán giữa ta và Thái Lan, giữa ta và Tổng đại diện Pháp ở Hà Nội thì kể từ tháng 1-1960 cho đến gần hết 3 năm tới sẽ có trên 7 vạn Việt kiều ở Thái Lan, Tân Đảo,Tân Thế Giới và Nam Mỹ về nước.
Việt kiều phần lớn đều là nhân dân lao động vì bị áp bức, bóc lột và buộc phải xa quê hương, xa Tổ quốc nên rất mong nước nhà độc lập để về góp phần xây dựng đất nước: mặc dầu sống xa Tổ quốc nhưng Việt kiều luôn luôn đoàn kết chặt chẽ, có tinh thần đấu tranh anh dũng, hết lòng ủng hộ cách mạng và đã góp nhiều công sức vào công cuộc kháng chiến của dân tộc ta.
Nguyện vọng trở về xây dựng Tổ quốc của Việt kiều rất chính đáng, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta có nhiệm vụ đón tiếp Việt kiều về nước một cách nồng hậu, nhiệt tình.
Vấn đề này rất quan trọng, có ảnh hưởng đến nhiều mặt ở trong nước và ngoài nước. Hội đồng Chính phủ đã ra nghị quyết về chính sách đón tiếp Việt kiều và giao nhiệm vụ cho tất cả các cấp, các ngành.
Về mặt tổ chức, Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Việt kiều Trung ương, Bộ Lao động là một uỷ viên trong Ban.
địa phương thì Uỷ ban hành chính khu, thành phố , tỉnh phụ trách toàn bộ công tác đón tiếp Việt kiều. Căn cứ vào nhiệm vụ đón tiếp của địa phương, Uỷ ban hành chính sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan Lao động.Trong toàn bộ công tác đón tiếp thì vấn đề giải quyết việc làm ổn định sinh hoạt cho Việt kiều là vấn đề quan trọng nhất, có nhiều khó khăn và phức tạp.
Riêng ngành Lao động, để thi hành nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, Bộ ra chỉ thị sau đây hướng dẫn một số điểm để các Sở, Ty, Phòng Lao động căn cứ vào đấy để thực hiện:
1. Giúp Uỷ ban tập họp yêu cầu thợ và lao động, khả năng thu nhận Việt kiều của các ngành, giúp đỡ, đôn đốc, kiểm tra các cơ sở, các xí nghiệp, công trường, chuẩn bị kế hoạch đón tiếp, sắp xếp công tác và giải quyết việc làm cho Việc kiều. Kiểm tra việc sử dụng và thi hành các chính sách của Chính phủ đối với Việt kiều.
2. Cơ quan Lao động địa phương có nhiệm vụ giúp Uỷ ban sắp xếp công tác Việt kiều có nghề chuyên môn do các ngành đọc đưa về bố trí trong các đơn vị và người có nghề xin về địa phương mà cơ quan Lao động nghiên cứu bố trí cho thích hợp; giảiquyết việc làm cho Việt kiều được phân phối về địa phương.
3. Theo dõi số Việt kiều được phân phối về địa phương. Cần nắm số lượng Việt kiều về mỗi cơ sở, việc làm ăn sinh sống, việc sử dụng của các ngành, tình hình tư tưởng của Việt kiều để kịp thời phản ánh những khó khăn trong sinh hoạt, xem sử dụng hợp lý không, báo cáo với Uỷ ban giải quyết và phản ánh về Bộ.
Cần kịp thời rút kinh nghiệm trong mỗi đợt phân phối và phản ánh về Bộ để rút kinh nghiệm chung.
4. Về mặt tổ chức cần phân công cán bộ phụ trách công tác này, theo dõi được từ đầu tới cuối, không nên thay đổi cán bộ luôn làm cho cán bộ không theo dõi được liên tục.
Trên đây là một số điểm về nhiệm vụ của cơ quan Lao động địa phương. Còn kế hoạch tiến hành chuẩn bị đón tiếp và gảii quyết việc làm cho Việt kiều sẽ do Uỷ ban căn cứ vào đường lối, chính sách của Chính phủ và kế hoạch chung của Ban Việt kiềuTrung Ương để bố trí kế hoạch. Vì vậy cơ quan Lao động căn cứ vào kế hoạch công tác của Uỷ ban để tiến hành nhiệm vụ. Về phần nghiệp vụ của ngành Lao động sau này có gì cần thiết Bộ sẽ có công văn hướng dẫn.
Vấn đề đón tiếp Việt kiều, đặc biệt là vấn đề giải quyết công việc làm, ổn định sinh hoạt cho kiều bào có một ý nghĩa rất lớn. Bộ mong các ông giám đốc, trưởng ty, trưởng phòng lao động các địa phương nhận rõ tầm quan trọng của vấn đề nghiên cứu đặt kế hoạch giúp Uỷ ban thực hiện chu đáo chủ trương, kế hoạch của Chính phủ.