NGHỊ ĐỊNH CỦA BỘ NỘI VỤ, BỘ TÀI CHÍNH VÀ BỘ Y TẾ
Đặt thể lệ cho công chức và gia đình công chức nằm điều trị tại bệnh viên,
cho công chức nghỉ dưỡng bệnh, nghỉ dài hạn vì mắc bệnh lao hay
bệnh phong và cho nữ công chức nghỉ hộ sản và cho con bú
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Chiểu Sắc lệnh số 76/SL ngày 20 tháng 5 năm 1950 đặt quy chế công chức Việt Nam, nhất là Điều 77;
Xét tình thế hiện thời.
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. - Nay đặt những thể lệ cho:
a) Công chức và gia đình công chức nằm điều trị tại bệnh viện;
b) Công chức nghỉ dưỡng bệnh, nghỉ dài hạn vì mắc bệnh lao hay bệnh phong;
c) Nữ công chức nghỉ hộ sản và nghỉ cho con bú.
Nằm điều trị ở bệnh viện
Điều 2. - Công chức chính ngạch, tuyển tạm hay tuyển theo hợp đồng và gia đình công chức được chữa bệnh và phát thuốc không mất tiền.
Điều 3. - Trong thời kỳ nằm điều trị hay có gia đình nằm điều trị ở bệnh viện, công chức được hưởng cả lương và các khoản phụ cấp, nhưng phải tự túc về ăn uống. Duy tại những bệnh viện có tổ chức việc ăn uống, riêng bản thân công chức được trừ một nửa tiền ăn.
Nghỉ dưỡng bệnh
Điều 4. - Công chức chính ngạch có thể được nghỉ dưỡng bệnh từ một ngày đến 12 tháng và hưởng:
1. ba tháng đầu, cả lương theo ngạch trật và cả phụ cấp gia đình;
2. ba tháng thứ hai, nửa lương và nửa phụ cấp gia đình;
3. ba tháng thứ ba và ba tháng cuối cùng, một phần tư lương và một phần tư phụ cấp gia đình.
Điều 5. - Công chức tuyển theo hợp đồng có thể được nghỉ dưỡng bệnh:
a) Từ một ngày đến 6 tháng, nếu đã làm việc được một năm trở lên, và hưởng:
1. hai tháng đầu cả lương định trong hợp đồng và cả phụ cấp gia đình;
2. hai tháng thứ hai, nửa lương và nửa phụ cấp gia đình;
3. hai tháng cuối cùng, một phần tư lương và một phần tư phụ cấp gia đình.
b) Từ một ngày đến hai tháng, nếu chưa làm việc được một năm, và hưởng cả lương và phụ cấp gia đình.
Điều 6. - Mỗi hạn nghỉ không được ấn định quá ba tháng đối với công chức chính ngạch, hai tháng đối với công chức tuyển theo hợp đồng.
Điều 7. - Công chức phải được Hội đồng Giám định Y khoa khám sức khoẻ và đề nghị mới được nghỉ dưỡng bệnh từ 1 tháng trở lên. Mỗi lần gia hạn nghỉ cũng phải do đề nghị của Hội đồng Giám định Y khoa.
Điều 8. - Sau khi nghỉ hết những hạn định trong điều 4 hay điều 5, nếu chưa khỏi, công chức chính ngạch hay tuyển theo hợp đồng sẽ được nghỉ dài hạn không lương hoặc sẽ phải thôi việc vì thiếu sức khoẻ.
Điều 9. - Thời gian nghỉ dưỡng bệnh cũng được tính vào thâm niên về phương diện thăng thưởng và hưu bổng.
Điều 10. - Thời gian nghỉ dưỡng bệnh không trừ vào thời hạn nghỉ phép hàng năm mà công chức được hưởng.
Nghỉ hộ sản - cho con bú
Điều 11. - Nữ công chức chính ngạch, tuyển tạm và tuyển theo hợp đồng được nghỉ một tháng trước khi đẻ và một tháng sau khi đẻ.
Điều 12. - Trong thời kỳ nghỉ hộ sản, nữ công chức được hưởng cả lương và các khoản phụ cấp.
Điều 13. - Khi xin phép nghỉ hộ sản, nữ công chức phải đính theo đơn giấy của y sĩ, công ước định ngày sinh nở.
Điều 14. - Trong hạn một năm kể từ ngày đẻ, nữ công chức có thể cho con bú tại cơ quan mình làm việc. Lúc cho con bú được nghỉ ba mươi phút trong giờ làm buổi sáng và ba mươi phút trong giờ làm buổi chiều.
Điều 15. - Thời gian nghỉ hộ sản và các giờ cho con bú không trừ vào thời hạn nghỉ phép hàng năm mà nữ công chức được hưởng.
Nghỉ dài hạn
Điều 16. - Công chức chính ngạch bị mắc bệnh lao hay bệnh phong, sau khi qua Hội đồng Giám định y khoa xét định được nghỉ dài hạn nhiều nhất là sáu mươi tháng, chia làm mười hạn, mỗi hạn sáu tháng.
Sau mỗi hạn, phải đưa ra Hội đồng Giám định Y khoa khám lại.
Điều 17. - Công chức nghỉ dài hạn được hưởng:
1. Trong sáu hạn đầu, cả lương theo ngạch trật và cả phụ cấp gia đình
2. Trong bốn hạn cuối, nửa lương và nửa phụ cấp gia đình;
Điều 18. - Trong thời gian nghỉ dài hạn, công chức đặt dưới quyền kiểm soát Y tế của vị Trưởng ty Y tế tỉnh nơi mình nghỉ điều dưỡng.
Điều 19. - Sau khi nghỉ hết mười hạn ấy, công chức nào đươc Hội đồng Giám định Y khoa chứng nhận đã khỏi hẳn bệnh có thể được gọi ra làm việc, hoặc phải nghỉ gia hạn không lương nếu chưa có chỗ bổ dụng.
Nếu chưa khỏi, công chức sẽ phải thôi việc và được hưởng khoản trợ cấp định ở Điều 84 Quy chế công chức.
Điều 20. - Thời gian nghỉ dài hạn vì mắc bệnh lao hay bệnh phong cũng được tính vào thâm niên về phương diện thăng thưởng và hưu bổng.
Điều 21. - Công chức tuyển theo hợp đồng vì mắc bệnh lao hay bệnh phong bắt buộc phải thôi việc và được hưởng khoản trợ cấp định ở Điều 84 Quy chế công chức.
Điều khoản chung
Điều 22. - Một thông tư liên bộ Nội vụ - Tài chính - Y tế sẽ ấn định chi tiết thi hành nghị định này.
Điều 23. - Các ông Đổng lý Văn phòng các Bộ Nội vụ - Tài chính và Y tế chiểu nghị định thi hành./.