THÔNG TƯ
Hướng dẫn kế toán thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động đi thuê tài chính
Trên cơ sở Thông tư số 49/1999/TT-BTC ngày 06/05/1999 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Luật Thuế GTGT đối với hoạt động cho thuê tài chính, Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động đi thuê tài chính như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG.
1. Thông tư này áp dụng đối với các doanh nghiệp có hoạt động đi thuê tài chính.
2. Thông tư này không áp dụng đối với:
Các doanh nghiệp có hoạt động cho thuê tài chính;
Hoạt động đi thuê tài chính của các tổ chức tín dụng hiện đang áp dụng hệ thống chế độ kế toán ngân hàng và tổ chức tín dụng;
Hoạt động thuê tài sản thông thường.
3. Thông tư này chỉ hướng dẫn những điểm sửa đổi, bổ sung. Những điểm không hướng dẫn trong Thông tư này thì thực hiện theo chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ.
1. Đối với đơn vị đi thuê tài chính (có tài sản cố định thuê tài chính) về dùng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế, khi nhận tài sản cố định thuê tài chính và hóa đơn dịch vụ cho thuê tài chính của bên cho thuê, kế toán ghi:
Khi nhận tài sản cố định thuê tài chính, kế toán căn cứ vào hợp đồng thuê tài chính và các chứng từ có liên quan phản ánh giá trị tài sản cố định thuê tài chính theo giá chưa có thuế GTGT đầu vào, thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 212 - TSCĐ thuê tài chính
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 342 - Nợ dài hạn
Cuối kỳ, kế toán căn cứ vào hóa đơn dịch vụ cho thuê tài chính và số thuế GTGT đầu vào, thuế GTGT đầu ra, tính xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ trong kỳ theo chế độ thuế quy định để xác định số thuế GTGT phải nộp trong kỳ, số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ trong kỳ, ghi:
Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311)
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ.
2. Đối với đơn vị có TSCĐ thuê tài chính về dùng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, hoặc không chịu thuế GTGT, khi nhận TSCĐ thuê tài chính, kế toán căn cứ vào hợp đồng thuê tài chính và các chứng từ liên quan phản ánh giá trị tài sản cố định thuê tài chính theo giá đã có thuế GTGT (thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ), ghi:
Nợ TK 212 - TSCĐ thuê tài chính
Có TK 342 - Nợ dài hạn.
3. Căn cứ vào hóa đơn dịch vụ cho thuê tài chính từng kỳ, kế toán xác định số tiền phải trả kỳ này cho bên cho thuê tài chính, trên cơ sở đó tính và xác định số lãi thuê phải trả kỳ này, công nợ dài hạn đã đến hạn trả, ghi:
Nợ TK 342 - Nợ dài hạn (Tổng số tiền thuê phải trả kỳ này trừ (-) lãi thuê phải trả)
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (Lãi thuê phải trả kỳ này)
Có TK 315 - Nợ dài hạn đến hạn trả (Tổng số tiền thuê phải trả kỳ này).
Khi trả tiền thuê TSCĐ cho bên cho thuê tài chính, ghi:
Nợ TK 315 - Nợ dài hạn đến hạn trả
Có TK 111, 112, ...
4. Phí cam kết sử dụng vốn phải trả cho bên cho thuê tài chính, ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 342 - Nợ dài hạn.
Có TK 111, 112.
5. Cuối kỳ, kế toán tính trích khấu hao TSCĐ thuê tài chính vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo chế độ quy định, ghi:
Nợ TK 627, 641, 642, ...
Có TK 2142 - Hao mòn TSCĐ đi thuê.
6. Khi trả lại TSCĐ thuê tài chính cho bên cho thuê, kế toán phản ánh giảm giá trị TSCĐ thuê tài chính, ghi:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ
Có TK 212 - TSCĐ thuê tài chính.
7. Trường hợp hợp đồng thuê tài chính quy định bên đi thuê chỉ thuê hết một phần giá trị tài sản, sau đó mua lại thì khi chuyển giao quyền sở hữu tài sản, kế toán phản ánh giảm TSCĐ thuê tài chính và ghi tăng TSCĐ hữu hình thuộc sở hữu của doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình
Có TK 212 - TSCĐ thuê tài chính
Đồng thời ghi chuyển giá trị hao mòn:
Nợ TK 2142 - Hao mòn TSCĐ đi thuê
Có TK 2141 - Hao mòn TSCĐ hữu hình.
8. Trường hợp phải chi tiền thêm để mua lại TSCĐ thì đồng thời với việc ghi chuyển TSCĐ thuê tài chính thành TSCĐ thuộc sở hữu của doanh nghiệp (bằng 2 bút toán trên), kế toán còn phải phản ánh giá trị tăng thêm của TSCĐ mua lại. Căn cứ vào hóa đơn dịch vụ cho thuê tài chính (lần cuối cùng) và các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình
Có TK 111, 112, ...
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư số 49/1999/TT-BTC ngày 06/05/1999 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành. Các quy định trước đây trái với quy định trong Thông tư này đều bị bãi bỏ.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.