Chỉ thị của UBND tỉnh Nghệ An số 44/1998/CT-UB ngày 29/12/1998 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH NGHỆ AN
Về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Thực hiện Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đàng lần thứ 4 (Khóa VII) về chính sách dân số - KHHGĐ và chiến lược dân số - KHHGĐ quốc gia đến năm 2000, ngày 06/11/1995 UBND tỉnh đã có Quyết định số 2803/QĐUB về chiến lược dân số - KHHGĐ tỉnh Nghệ An thời kỳ 1995-2010. Để thực hiện có hiệu quả chiến lược dân số - KHHGĐ của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 3181/QĐUB ngày 05/8/1997 quy định một số chính sách dân số - KHHGĐ. Trong những năm qua công tác triển khai thực hiện chiến lược dân số - KHHGĐ ở tỉnh ta đã có sự chuyển biến tích cực, mạng mẽ, tỷ lệ sinh đã giảm nhanh so với nhiều năm trước đây. Tuy nhiên kết quả đạt được chưa thực sự vững chắc và đồng đều giữa các vùng trong tỉnh. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao nhất là những vùng nông thôn, miền núi, miền biển. Số phụ nữ nằm trong độ tuổi sinh đẻ hiện đang còn rất lớn, tỷ lệ chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai mới đạt trên 70%. bên cạnh đó ở một số địa phương đã có biểu hiện tự bằng lòng, thỏa mãn trong một bộ phận cán bộ đảng viên những kết quả ban đầu của chương trình dân số - KHHGĐ.
Vì vậy công tác dân số - KHHGĐ của tỉnh nhà tiếp tục đạt được những kết quả cao hơn nữa, tạo thuận lợi cho việc thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị, các tổ chức đoàn thể trong tình hình thực hiện tốt các nội dung sau đây:
1. Tập trung nỗ lực phấn đấu đạt được phương án giảm nhanh tỷ lệ sinh, đặc biệt là giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, phấn đấu đến năm 2000 tỷ lệ phát triển dân số ở tỉnh ta dưới mức 1,60%; để đạt mức sinh thay thế (bình quân toàn tỉnh mỗi cặp vợ chồng có 2 con) chậm nhất vào năm 2005; tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý.
Các ngành các cấp phải coi việc thực hiện mục tiêu này là một trong những nhiệm vụ của ngành, cấp mình, coi việc thực hiện KHHGĐ là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá thi đua đối với các tập thể và cá nhân hàng năm; tăng cường chỉ đạo đối với cán bộ Đảng viên, Đoàn viên, Hội viên và toàn thể nhân dân thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ.
2. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức làm công tác dân số - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức hoạt động trong hệ thống. Quan tâm đến đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số - KHHGĐ xã, phường, thị trấn và cộng tác viên dân số - KHHGĐ ở thôn, xóm, khối bản để đội ngũ này làm tốt nhiệm vụ theo dõi biến động dân số, tuyên truyền vận động và phân phối các phương tiện tránh thai phi lâm sàng đến tận đối tượng KHHGĐ.
3. Tiếp tục thực hiện cơ chế phân bổ công khai toàn bộ kinh phí cho công tác dân số - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở. Cùng với nguồn kinh phí được trung ương cân đối, các ngành, các cấp cần có kế hoạch bổ sung thêm kinh phí để nâng cao, mở rộng chương trình dân số - KHHGĐ; tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức Quốc tế và sự đóng góp của cộng đồng phục vụ cho hoạt động dân số - KHHGĐ, đồng thời phát động phong trào xây dựng quỹ dân số ở các cơ sở tạo thêm nguồn lực trực tiếp ở từng địa phương.
4. Yăng cường công tác truyền thông dân số - KHHGĐ qua các phương tiện thông tin đại chúng, Đài phát thanh, truyền hình tỉnh, báo Nghệ An cần tiếp tục duy trì, cải tiến nâng cao chất lượng các chương trình truyền thông về dân số - KHHGĐ. UBND các huyện, thành, thị cần chỉ đạo đài phát thanh truyền hình địa phương xây dựng chương trình tuyên truyền về dân số - KHHGĐ của địa phương, đồng thời tiếp phát chương trình dân số - phát triển của Đài trung ương và đài tỉnh.
Các cấp, các ngành, các đoàn thể và tổ chức xã hội từ tỉnh đến cơ sở cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông trực tiếp đến tạn đối tượng kết hợp giữa truyền thông thường xuyên với việc tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ KHHGĐ tạo sự chuyển biến trong việc thực hiện chương trình dân số - KHHGĐ, tập trung chú trọng ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều giáo dân.
Sở văn hóa - thông tin cần tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ lồng ghép nội dung dân số - KHHGĐ, tổ chức nhiều đội tuyên truyền lưu động đưa thông tin về dân số - KHHGĐ đến tận các cơ sở, đồng thời tiếp tục triển khai sâu rộng cuộc vận động gia đình văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh.
Sở Giáo dục - Đào tạo cần tiến hành các hình thức giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản trong nhà trường, từng bước hình thành và nâng cao nhận thức cho lớp trẻ về đan số - phát triển.
5. Sở y tế cần tập trung chỉ đạo, tạo mọi điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đối với các biện pháp tránh thai lâm sàng, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho các đối tượng thực hiện KHHGĐ nhất là đồng bào ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc ít người.
Mở rộng phương thức cấp phát các phương tiện tránh thai phi lâm sàng (bao cao su, viên uống tránh thai...) thông qua hệ thống cộng tác viên dân số - KHHGĐ đến từng hộ gia đình. Từng bước thực hiện chương trình tiếp thị xã hội (bán với giá thấp) một số loại phương tiện tránh thai vừa để nâng cao ý thức sử dụng phương tiện tránh thai của người dân, vừa góp phần thúc đẩy xu thế xã hội công tác dân số - KHHGĐ. Đồng thời cần tổ chức lồng ghép có hiệu quả hơn nữa giữa công tác bảo vệ SKBMTE, sức khỏe sinh sản với KHHGĐ và các chương trình y tế khác.
6. Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, xã, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức kinh tế cần tổ chức thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Quyết định 3181/QĐUB ngày 05/8/1997 của UBND tỉnh Nghệ An về việc quy định một số chế độ chính sách dân số - KHHGĐ.
7. Cần phối hợp lồng ghép chương trình dân số - KHHGĐ với các cuộc vận động khác của các ngành, các đoàn thể xã hội.
8. Ủy ban dân số - KHHGĐ tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn việc thực hiện chỉ thị này; thực hiện chế độ khen thưởng theo quy định của Nhà nước đối với các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân số - KHHGĐ.
Nhận được chỉ thị này yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, xã, các tổ chức đoàn thể xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tốt các nội dung trên. Ủy ban dân số - KHHGĐ tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình kết quả thực hiện và định kỳ báo cáo về UBND tỉnh./.