Thông tưTHÔNG TƯ
LIÊN NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO, BỘ NỘI VỤ VÀ BỘ TƯ PHÁP SỐ 05/TTLN NGÀY 22 THÁNG 12 NĂM 1982 VỀ VIỆC ĐIỀU TRA, TRUY TỐ VÀ XÉT XỬ SƠ THẨM ĐỒNG THỜI CHUNG THẨM MỘT SỐ VỤ ÁN ĐẶC BIỆT NGHIÊM TRỌNG
Kính gửi: Các đồng chí Chánh án Toà án nhân dân
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
Giám đốc công an và Giám đốc tư pháp tỉnh thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương
Hiện nay kẻ địch đang ráo riết tiến hành chiến tranh phá hoại nhiều mặt chống phá nước ta. Bốn tội phạm hình sự, bọn lưu manh côn đồ, bọn đầu cơ, buôn lậu làm hàng giả, đang hoạt động hết sức trắng trợn, có nơi chúng sử dụng cả vũ khí để giết người cướp của. Hoạt động của bọn chúng đã gây tác hại hết sức nghiêm trọng đến an ninh chính trị, đến tài sản của Nhà nước, đến tính mạng và tài sản của công dân, tình hình nói trên đòi hỏi phải kịp thời và kiên quyết trừng trị thật nghiêm khắc bọn phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhằm đảm bảo an ninh chính trị, kinh tế và trật tự an toàn xã hội.
Điều 21 Luật Tổ chức toà án nhân dân đã quy định là Toà án nhân dân tối cao có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm "những vụ án đặc biệt nghiêm trọng"... Vì vậy Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp ra thông tư hướng dẫn việc điều tra truy tố, xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng như sau:
I- NHỮNG VỤ ÁN CẦN ĐƯỢC XÉT XỬ SƠ THẨM ĐỒNG THỜI CHUNG THẨM
Khi Toà án nhân dân tối cao xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm thì bản án không được kháng cáo kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, vì vậy, cần phải xem xét, thận trọng khi quyết định những vụ án được xét xử theo thủ tục này.
Những vụ án mà Toà án nhân dân tối cao xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm phải có đầy đủ 4 điều kiện sau đây:
1- Bị cáo phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm an ninh chính trị, tài sản xã hội chủ nghĩa hoặc tài sản riêng của công dân, sức khoẻ tính mạng của công dân, làm cho Nhân dân rất căm phẫn và yêu cầu chính trị của địa phương là phải trừng trị nghiêm khắc và kịp thời thí dụ: Những hoạt động phản cách mạng rất nguy hiểm; đầu cơ buôn lậu; làm hàng giả với số lượng rất lớn hoặc có tính chất phá hoại kinh tế; tham ô rất nghiêm trọng; giết người cướp của; giết cán bộ nhân viên Nhà nước để chống lại việc kiểm soát hoặc điều tra v.v...
2- Bị cáo là những tên phản cách mạng, lưu manh côn đồ, những tên làm ăn phi pháp, những cán bộ nhân viên thoái biến chất.
3- Trong vụ án không có quá nhiều bị cáo và chứng cứ đã rõ ràng đầy đủ, không có nghi vấn gì về tội phạm.
4- Mức độ tội phạm của một hoặc một số bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, cần phải trừng trị bằng hình thức cao nhất.
Đối với những vụ án không đủ 4 điều kiện nói trên, thì dù là nghiêm trọng, các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đặc khu vẫn truy tố xét xử theo thủ tục thông thường.
ở thành phố Hồ Chí Minh, Toà án nhân dân đặc biệt được thành lập theo quyết định số 38/QHK6 ngày 24-11-1976 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội vẫn được xét xử những vụ án đặc biệt nghiêm trọng về trật tự xã hội theo thẩm quyền đã được pháp luật quy định.
II- VIỆC ĐIỀU TRA, LẬP HỒ SƠ, TRUY TỐ XÉT XỬ
1- Ngay sau khi vụ án xảy ra, nếu qua công tác điều tra bước đầu, công an tỉnh, thành phố đặc khu thấy vụ án đặc biệt nghiêm trọng thì thông báo ngay cho Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân tối cao cùng cấp biết. Các tỉnh thành ở Nam bộ cũ phải gửi thêm một bản sao cho đồng chí đại diện của ngành thường trực ở thành phố Hồ Chí Minh.
ở Trung ương, Bộ nội vụ sẽ kịp thời thông báo ngay cho Viện kiểm sát tối cao biết những vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở các địa phương đến 3 cơ quan kịp thời trao đổi về những vụ án cần được xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm và chủ động chỉ đạo điều tra truy tố xét xử.
2- Ba cơ quan ở tỉnh, thành phố, đặc khu cần trao đổi phối hợp công tác chặt chẽ để nhanh chóng hoàn thành hồ sơ trao đổi xem vụ án có thuộc loại cần xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm không và báo cáo xin ý kiến cấp uỷ địa phương, nếu cấp uỷ nhất trí là vụ án cần xét xử sơ chung thẩm thì mỗi cơ quan gửi báo cáo kèm theo bản kết luận điều tra của cơ quan Công an lên ngành dọc cấp trên ở Trung ương.
Nếu khi xây dựng hồ sơ hoặc trao đổi về chủ trương xử lý mà thấy có vấn đề vướng mắc hoặc không nhất trí thì các cơ quan ở địa phương phải báo cáo ngay để tranh thủ sự chỉ đạo của các cơ quan Trung ương. Ngược lại nếu xét thấy cần thiết các cơ quan ở Trung ương cũng sẽ chủ động hướng dẫn ngay các cơ quan địa phương về chủ trương hoặc các biện pháp công tác.
3- Việc đưa ra xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm phải được ba ngành ở Trung ương và cấp uỷ địa phương thống nhất ý kiến, sau đó tuỳ theo khu vực xảy ra vụ án. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao công tác tại Hà Nội, Đà Nẵng, hoặc thành phố Hồ Chí Minh giữ quyền công tố trước Toà án nhân danh Viện kiểm sát nhân dân tối cao Cơ quan Công an tỉnh thành phố đặc khu gửi hồ sơ và bản kết luận điều tra cho đơn vị kiểm sát được giao giữ quyền công tố. Đơn vị đó có nhiệm vụ làm cáo trạng.
4- Chánh án Toà án nhân dân tối cao có thể phân công thẩm phán Toà án nhân dân tối cao công tác tại Hà Nội, Đà Nẵng hoặc thành phố Hồ Chí Minh làm chủ toạ phiên toà. Vụ án xảy ra ở khu vực nào thì Hội thẩm nhân dân ở khu vực ấy tham gia xét xử. Hội đồng xét xử này nhân danh Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao.
Sau phiên toà, hồ sơ và bản án phải được gửi ngay về Toà án nhân dân tối cao đồng thời sao bản án phải gửi ngay về Viện kiểm sát nhân dân tối cao để nếu kẻ bị án có đơn xin ân giảm án tử hình thì Chánh án Toà án nhân dân tối cao làm Tờ trình và Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng báo cáo ý kiến của mình lên Hội đồng Nhà nước xét.