Hiện nay kim loại ở dạng phế liệu, phế thải trong nước ta còn hàng chục vạn tấn nằm rải rác ở khắp các địa phương, tập trung nhiều nhất trong quân đội và trong ngành giao thông vận tải như:
Kim loại mầu gồm các loại đồng, chì, nhôm... ở trong động cơ điện, biến thế điện, các chi tiết xe, máy, tàu thuyền nhẹ, bình ắc quy hỏng, vỏ đạn các loại, xác máy bay.
Kim loại đen ở các loại máy, các loại pháo, xe tăng, tàu, thuyền, cầu cống hư nát, trong đó có một khối lượng lớn thép không rỉ, hợp kim có độ bền vật liệu cao,v.v...
Nếu thu hồi, phân loại, chế biến tốt các kim loại nói trên sẽ tạo ra một khối lượng hàng hoá khá lớn phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nhân dân; ngoài ra, có thể thu được hàng chục vạn tấn nguyên liệu cho ngành luyện kim; tạo điều kiện cho hàng vạn lao động có công ăn việc làm và có thể xuất khẩu được hàng chục triệu đô-la.
Để khai thác và huy động khối lượng kim loại ở dạng phế liệu, phế thải phục vụ sản xuất, xây dựng, chế biến hoặc xuất khẩu lấy ngoại tệ, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng chỉ thị:
1. Bộ Quốc phòng tổ chức thu hồi, phân loại, tháo gỡ, khai thác lấy kim loại trong số thiết bị, phương tiện trang bị cho quân đội chiến đấu đã hư hỏng và đã có quyết định cho thanh lý; chỉ đạo các binh chủng sửa chữa, tháo gỡ, chế biến thành sản phẩm để ưu tiên phục vụ nhu cầu chiến đấu, sản xuất, sửa chữa, xây dựng trong quân đội; nếu quân đội sử dụng không hết thì giao các công ty kim khí phế liệu thuộc Bộ Vật tư để cung ứng cho các nhu cầu kinh tế, tổ chức gia công hàng tiêu dùng, hoặc cho xuất khẩu (loại kim khí phế liệu trong nước không sử dụng được).
2. Bộ Giao thông vận tải tổ chức thu hồi, phân loại, tháo gỡ, chế biến toàn bộ kim loại phế thải hiện có trong các đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải quản lý (Các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở, Ty giao thông vận tải địa phương), bao gồm tất cả các loại tàu, thuyền, xe cộ, cầu cống, máy móc, v.v... Khi Bộ có quyết định cho thanh lý thì các đơn vị trong ngành được tận dụng chế biến những bộ phận có thể phục vụ sửa chữa, đóng mới của ngành giao thông vận tải và phục vụ sản xuất của các ngành và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Đối với những phương tiện lớn như tàu biển loại từ 1000 đến 10000 tấn trở lên mà hiện nay không sửa chữa được nữa thì Bộ Giao thông vận tải có thể cho xuất khẩu để lấy ngoại tệ. Toàn bộ số thép, gang, kim loại đen, thép vụn, Bộ có trách nhiệm tổ chức thu gom, vận chuyển để bán cho các công ty gang thép. Nếu công ty gang thép không nhận thì có thể xuất khẩu.
Tổng cục Hàng không dân dụng có trách nhiệm thu hồi phế thải kim loại trong các sân bay, thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của Tổng cục và được sử dụng vật liệu thu hồi như quy định đối với Bộ quốc phòng.
3. Các Bộ, các ngành khác (trừ Bộ Cơ khí và luyện kim), nếu có các kim loại phế liệu, phế phẩm nói trên mà Công ty kim khí phế liệu thuộc Bộ Vật tư chưa tổ chức thu hồi, để ứ đọng, hư hỏng ... thì vật liệu ở địa phương nào giao hết cho địa phương đó tổ chức thu hồi, phân loại, chế biến. Mỗi tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương cử đồng chí phó chủ tịch phụ trách công nghiệp trực tiếp chỉ đạo việc thu hồi. Chế độ thu hồi và việc sử dụng được áp dụng như quy định đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải.
4. Các loại thép vụn đều tạm thời bán theo giá sắt thép phế liệu cho ngành cơ khí luyện kim và nhà máy cán thép. Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch vận chuyển, Tất cả các vật liệu, phụ kiện, cấu kiện chế biến đều được bán theo giá khuyến khích, thanh toán qua ngân hàng, và nộp một khoản cho ngân sách Nhà nước do Bộ Tài chính quy định, nhưng không quá 20% giá bán và được chi một phần để phục vụ cho nhu cầu này.
- Sau khi dự án kế hoạch đã được bộ trưởng hoặc chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thông qua (đối với xí nghiệp địa phương) và sau khi đã tận dụng mọi thiết bị hiện có của ngành và địa phương mà vẫn chưa đủ để tiến hành việc thu hồi thì được phép vay vốn của ngân hàng như đối với sản xuất chính để mua sắm thiết bị, trả lương cho cán bộ, công nhân.
- Tuỳ theo điều kiện cụ thể, các Bộ Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tổng cục Hàng không dân dụng ... và các địa phương tổ chức việc thu hồi kim khí phế liệu nhanh gọn phù hợp với khả năng của từng nơi, dựa vào bộ máy sẵn có và không tăng thêm biên chế. Thứ phế liệu nào thấy có thể giao cho công ty vật tư (thuộc Bộ Vật tư) tổ chức thu hồi thì giao cho ngành vật tư thu hồi.
5. Đối với kim khí phế liệu, phế thải có chủ, khi thu hồi, đơn vị thu hồi phải thanh toán cho chủ có phế liệu, theo giá thép phế liệu hiện hành. Trường hợp chưa có giá trị tạm thanh toán theo giá thép phế liệu do ngành cơ khí hoặc xí nghiệp luyện cán thép (thuộc Bộ Cơ khí và luyện kim) quy định. Các loại phụ kiện, cấu kiện, vật tư ... có thể dùng để sửa chữa, chế biến thành sản phẩm được thì thanh toán theo giá bán buôn vật tư. Đối với tàu thuyền, xác máy bay phế thải xuất khẩu thì do Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải phụ trách, theo sự hướng dẫn của Bộ Ngoại thương.
6. Bộ Vật tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Ngoại thương giúp đỡ, hướng dẫn các Bộ Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tổng cục Hàng không dân dụng ... các tỉnh, thành phố và các đơn vị tổ chức thu hồi kim khí phế liệu, phế thải thực hiện các nguyên tắc về quản lý vật tư, tài chính, ngoại tệ:
a) Các thiết bị, phương tiện đã hư hỏng cần thanh lý mà chưa có quyết định, thì các Bộ cần ra quyết định cho thanh lý, rồi mới thu hồi phế liệu. Kim khí phế liệu thu hồi được ưu tiên sử dụng cho nhu cầu trong nước, nếu trong nước không tận dụng được thì mới xuất khẩu. Việc xuất khẩu phế liệu kim khí và việc nhập thiết bị, nguyên liệu bằng nguồn ngoại tệ tư bản do xuất khẩu phế liệu, phế thải kim loại thu được phải tập trung thống nhất để Bộ Ngoại thương thực hiện. Các đơn vị có phế liệu, kim loại xuất khẩu được hưởng chế độ khuyến khích xuất khẩu hiện hành.
b) Hướng dẫn và giúp đỡ các Bộ Quốc phòng, Giao thông vận tải ... và các đơn vị thu hồi phế thải thực hiện chế độ thu, chi tài chính; chế độ khen thưởng thoả đáng cho cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ ... Riêng đối với quốc phòng thì được miễn khoản nộp ngân sách Nhà nước (20%). Số tiền thu được về bán phế liệu kim khí Bộ Quốc phòng sử dụng vào các việc:
- Chi phí cho tháo gỡ, thu gom, chế biến, v.v... và khen thưởng cho cán bộ, chiến sĩ ... từ 30% đến 50%; còn lại 50% đến 70% sẽ tính vào ngân sách quốc phòng để giảm một phần cấp phát của ngân sách Nhà nước cho quốc phòng.
- Về chi phí tổ chức thu hồi, chế biến ... Bộ Quốc phòng tạm ứng trong ngân sách quốc phòng; sau khi các đơn vị bán phế thải, phế liệu ... sẽ hoàn lại ngân sách của Bộ.
Các Bộ Vật tư, Tài chính và Tổng cục Thống kê, trong phạm vi nhiệm vụ, chức năng của mình có trách nhiệm tổ chức việc theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện tổng hợp và định kỳ báo cáo kết quả với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; phát hiện những kinh nghiệm tốt để phổ biến những lệch lạc cần uốn nắn và kiến nghị các biện pháp cụ thể để xử lý kịp thời.