Nghị quyết NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 154/HĐBT NGÀY 14-12-1983 VỀ VIỆC HOÀN CHỈNH CÔNG TÁC KHOÁN SẢN PHẨM CUỐI CÙNG ĐẾN NHÓM LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG HỢP TÁC XÃ VÀ TẬP ĐOÀN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH Thi hành chỉ thị số 100-CT/TƯ ngày 13-1-1981 của Ban Bí thư, đến nay có khoản 90% số hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp thực hiện khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động đối với cây lúa và dần dần mở rộng đối với các cây trồng khác, chăn nuôi và ngành, nghề. Việc thực hiện rộng rãi hình thức khoán mới đã phát huy mạnh mẽ tính tích cực, tự giác của xã viên, tập đoàn viên, lôi cuốn mọi người bỏ thêm công sức, tận dụng đất đai, phân bón, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất, tận thu mùa màng, v.v... đưa đến tăng năng xuất, sản lượng thu hoạch, nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập của xã viên, tăng tích luỹ của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, thực hiện tốt hơn nghĩa vụ đối với Nhà nước. Mặt khác việc thực hiện rộng rãi hình thức khoán mới đã có tác dụng tích cực trong việc củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, đẩy nhanh tốc độ cải tạo nông nghiệp ở miền Nam, nhiều nơi thúc đẩy việc tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật trong hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tốt là chủ yếu, một số không ít hợp tác xã và tập đoàn sản xuất còn có những khuyết điểm, liên lạc. - Việc xác định các định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở cho việc cải tiến tổ chức sản xuất và quản lý của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và việc xác định mức sản lượng giao khoán chưa thật sát, nhiều nơi định mức sản lượng giao khoán còn thấp. - Việc giao khoán ruộng đất nhiều nơi còn manh mún, chưa đúng đối tượng. Một số tập đoàn sản xuất mới thành lập ở Nam-bộ chưa tập thể hoá ruộng đất mà còn tình trạng đất nhà ai nấy làm. - Việc phân công, hiệp tác và điều hành các khâu trong quá trình sản xuất thiếu chặt chẽ, không chú ý củng cố các đội, tổ chuyên khâu để làm những công việc quan trọng, đòi hỏi kỹ thuật gắn với cơ sở vật chất kỹ thuật chung. - Việc sắp xếp sử dụng một số cơ sở vật chất - kỹ thuật đã xây dựng, nhất là chuồng trại, sân phơi, nhà kho... không được chú ý đầy đủ, để lãng phí, hư hỏng. - Việc phân phối thu nhập trong hợp tác xã chưa hợp lý, thu nhập theo ngày công của xã viên, tập đoàn viên nhiều nơi giảm; việc trả công cho lao động làm ở các đội, tổ chuyên khâu chưa gắn chặt với sản phẩm cuối cùng và phân phối cho lao động làm ở các ngành nghề khác chưa thật thoả đáng; việc trả thù lao cho cán bộ quản lý chưa gắn với trách nhiệm và kết quả điều hành sản xuất, nên ở nhiều nơi cán bộ đã dồn sức làm ruộng khoán, lơi lỏng công tác quản lý. - Nhiều hợp tác xã, tập đoàn sản xuất chưa có kế hoạch mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề để sử dụng hết số lao động dôi ra, chưa biết liên kết kinh doanh với hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng để tăng thu nhập, phục vụ sản xuất và đời sống tốt hơn. Chưa kết hợp chặt cải tạo nông nghiệp với cải tạo công, thương nghiệp. Nguyên nhân của những khuyết điểm, lệch lạc ở trên chủ yếu là do các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất chưa quán triệt và nắm vững mục đích, nguyên tắc và phương hướng cải tiến công tác khoán và còn thiếu kinh nghiệm. Mặt khác do các cấp , các ngành thiếu kiểm tra, hướng dẫn chặt chẽ để kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. II. HOÀN CHỈNH CÔNG TÁC KHOÁN SẢN PHẨM ĐẾN NHÓM LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG Để kịp thời phát huy những ưu điểm, khắc phục những khuyết điểm, lệch lạc trong công tác khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã và tập đoàn sản xuất, bảo đảm thực hiện đúng mục đích, nguyên tắc, phương hướng cải tiến công tác khoán đề ra trong chỉ thị số 100-CT/TƯ ngày 13-1-1981 của Ban Bí thư và để phù hợp với tình hình phát triển sản xuất, Hội đồng bộ trưởng yêu cầu các ngành, các cấp chấp hành tốt những quy định sau đây: 1. Chấn chỉnh lại việc định mức sản lượng giao khoán cho hợp lý. Định mức sản lượng khoán phải vừa bảo đảm được lợi ích của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, vừa bảo đảm lợi ích của người lao động, nâng cao thu nhập của xã viên bằng cách tăng sản lượng và tăng giá trị ngày công là chủ yếu, khắc phục khuynh hướng định sản lượng thấp để tăng thu nhập của xã viên bằng thưởng vượt khoán. Hợp tác xã, tập đoàn sản xuất phải không ngừng cố gắng tăng thêm đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới để phát triển sản xuất và có điều kiện nâng cao sản lượng khoán. 2. Chấn chỉnh lại việc giao khoán ruộng đất cho người lao động. Chỉ giao khoán cho người lao động trồng trọt. Những người được phân công làm những công việc khác của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất thì làm những việc đó là chính, không giao ruộng khoán, trừ những người mà công làm của họ trong năm còn thấp do không đủ việc làm thì có thể xét giao một phần. Không giao ruộng khoán theo bình quân nhân khẩu, theo định xuất ăn hoặc theo bình quân lao động chung của toàn hợp tác xã, tập đoàn sản xuất. Đối với các tập đoàn sản xuất mới thành lập ở Nam-bộ, phải tiến hành tập thể hoá ruộng đất rồi mới giao khoán. Khi giao ruộng khoán cần chiếu cố những hộ có nhiều nhân khẩu ăn theo và chú ý cân đối lao động để các hộ đều làm tốt cả ruộng khoán và đất vườn. Phải điều chỉnh các định mức giao khoán cho từng loại ruộng hợp lý để giao ruộng khoán cho xã viên được gọn, thuận tiện cho việc sử dụng các cơ sở vật chất-kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và bảo đảm thực hiện quy hoạch , kế hoạch sản xuất. Khi diện tích giao khoán cho từng người lao động đã được hợp lý, thì cần ổn định trong một thời gian để xã viên yên tâm thâm canh trên diện tích đó. 3. Tổ chức tốt việc phân công, hiệp tác lao động và quản lý, điều hành sản xuất trong hợp tác xã và tập đoàn sản xuất. Việc tổ chức phân công hiệp tác lao động làm ở các khâu phải căn cứ vào từng đối tượng sản xuất ; điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật và công cụ sản xuất, điều kiện địa dư và dân cư, quy mô tổ chức của từng đơn vị. Nhưng hợp tác xã, đội sản xuất, tập đoàn sản xuất nhất thiết phải quản lý, điều hành chặt chẽ tất cả các khâu, có kế hoạch, quy trình, định mức và có hướng dẫn , kiểm tra, nghiệm thu từng khâu, từng việc chặt chẽ, không được khoán trắng cho xã viên. Những việc đòi hỏi kỹ thuật phức tạp gắn với việc sử dụng máy móc và cơ sở vật chất - kỹ thuật chung, thì nhất thiết phải tổ chức, củng cố các đội, tổ chuyên để làm; còn những việc chưa có cơ sở vật chất - kỹ thuật chung và lao động thủ công, sử dụng công cụ thông thường có thể làm được thì nên giao cho xã viên nhận khoán thực hiện, gắn trách nhiệm với sản phẩm cuối cùng. Nghiêm cấm việc các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất giao ruộng đất, trâu bò cho xã viên làm từ đầu cho đến cuối, tập thể chỉ thu một số sản phẩm để đóng thuế và lập quỹ chung theo kiểu phát canh thu tô. 4. Đối với chăn nuôi tập thể: Ở những hợp tác xã, tập đoàn có cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, cần củng cố lại chuồng trại, có kế hoạch giải quyết giống, cân đối thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật và chế độ quản lý thích hợp, bảo đảm chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, trên cơ sở đó mở rộng quy mô chăn nuôi vững chắc; cần chú trọng nuôi lợn nái để sản xuất con giống cung cấp cho xã viên. Thực hiện giao khoán cho mỗi lao động phụ trách một số lợn cùng loại để nuôi dưỡng theo định mức khoán, hợp tác xã bảo đảm cung cấp đủ thức ăn, các chi phí vật chất cần thiết và trả công điểm cho hợp lý cho người chăn nuôi theo sản phẩm giao nộp; nếu hoàn thành vượt mức kế hoạch khoán, người chăn nuôi được thưởng thích đáng, nếu không đạt kế hoạch và thiếu trách nhiệm thì phải phạt. Việc giao khoán cho gia đình xã viên cho chăn nuôi lợn cho tập thể thì phải căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật để xây dựng hợp đồng khoán chặt chẽ, hợp tác xã, tập đoàn bảo đảm cung cấp giống, thức ăn tinh, các chi phí vật chất khác và trả công điểm, xã viên chăn nuôi và nộp sản phẩm cho tập thể theo định mức; vượt mức khoán thì được hưởng, thiếu thì phải bù. Cũng có thể giao đất khoán cho gia đình xã viên sản xuất thức ăn rồi giao con giống và các chi phí khác, khoán cho họ nuôi lợn cho tập thể, nhưng phải có định mức và quản lý chặt chẽ, bảo đảm số đầu lợn và sản lượng thịt thật sự tăng lên.Đối với trâu bò, cần giao khoán cho gia đình xã viên chăn nuôi trâu bò cầy kéo. Hợp tác xã, tập đoàn sản xuất phải có nội quy bảo đảm cho từng con trâu bò làm việc vừa sức và được chăm sóc chu đáo. Những gia đình xã viên nhận nuôi, ngoài việc được trả công theo định mức, nếu nuôi tốt, trâu bò lên loại kéo hoặc kéo dài thời gian sử dụng thì được hưởng 100% phần giá trị tăng; bê nghé sinh ra được hưởng 80% giá trị theo giá thoả thuận; nuôi không tốt, thì phải chịu phạt tuỳ theo mức độ trách nhiệm của họ. 5. Về khoán đồi, rừng ở trung du và miền núi, hợp tác xã và tập đoàn có thể giao cho mỗi hộ một số diện tích đồi, rừng thích hợp để làm khoán cho tập thể. Núi đồi, rừng ở xa, địa hình phức tạp không giao khoán được cho từng nhà thì giao khoán cho từng nhóm lao động. Phải tuỳ từng loại đồi, rừng mà áp dụng cách thức và các chỉ tiêu khoán cho hợp lý. Đối với rừng cây có sẵn, thì chọn một số loại cây chính giao cho xã viên chăm sóc, bảo vệ, khai thác và nộp sản phẩm theo mức quy định hàng năm, còn các cây phụ, cành cây làm củi thì xã viên được sử dụng hết hay một phần do tập thể xã viên bàn bạc quyết định. Đối với rừng mới trồng thì giao cho xã viên chăm sóc, bảo vệ cho đến khi có khả năng thu sản phẩm mới nghiệm thu, thanh toán, nhưng hàng năm hợp tác xã và tập đoàn sản xuất có trích trả một số công và chi phí theo định mức chăm sóc và bảo vệ. Đối với nơi trồng cây mới thì khoán cho xã viên trồng, đến khi chắc chắn cây sống được mới nghiệm thu, thanh toán, rồi sau đó lại khoán tiếp cho xã viên chăm sóc, bảo vệ như đối với rừng mới trồng. Trong thời gian mới trồng, cây còn nhỏ, các gia đình xã viên hoặc nhóm lao động nhận khoán được trồng xen ghép một số cây hàng năm theo sự hướng dẫn của hợp tác xã và tập đoàn sản xuất và được hưởng hết số sản phẩm của các cây trồng xen ghép đó. 6. Đối với các ngành nghề phải căn cứ vào đặc điểm của từng ngành nghề mà tổ chức lao động và thực hiện khoán cho phù hợp. Những nghề cần có những lao động có kỹ thuật nhất định làm chuyên thì cần tổ chức các đội, tổ làm chuyên, khoán sản phẩm đến đội, tổ và đội, tổ khoán đến từng nhóm, từng người lao động. Những nghề có thể sử dụng lao động và kỹ thuật cá nhân, nơi làm việc không cần tập trung, thì định mức nguyên liệu và quy cách, phẩm chất sản phẩm rồi khoán cho xã viên làm, hợp tác xã và tập đoàn sản xuất trả công cho họ bằng tiền hay bằng công điểm theo sản phẩm làm ra. Đối với những nghề dịch vụ, hợp tác xã và tập đoàn định giá công hợp lý rồi phân công người biết nghề làm và nộp lãi cho tập thể; tập thể phân phối lương thực cho họ, v.v.... 7. Về thanh toán khoán và thưởng phạt. Hợp tác xã, tập đoàn sản xuất phải có nội quy thu nộp sản phẩm cụ thể và giải quyết sớm những vấn đề xảy ra trong quá trình sản xuất đối với từng xã viên, từng thửa ruộng để bảo đảm việc thu nộp sản phẩm cho tập thể được đầy đủ và nhanh gọn; xử lý nghiêm minh và kịp thời những trường hợp dây dưa không chịu nộp sản phẩm cho tập thể theo mức khoán. Đối với những người nhận khoán, cần thực hiện thưởng hoặc phạt 100% số sản phẩm tăng hoặc hụt so với mức khoán. Đối với cán bộ quản lý hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, cán bộ đội và những xã viên ở các đội, tổ lao động làm chuyên hoàn thành tốt trách nhiệm được giao thực sự góp phần vào việc hoàn thành kế hoạch của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, kế hoạch của đội sản xuất và đối với những xã viên ở những đội sản xuất đạt kế hoạch giao nộp sản phẩm cho hợp tác xã, thì được hợp tác xã, tập đoàn sản xuất trích không quá 20% số lãi trong kế hoạch để thưởng cho họ; phần thưởng này có thể được trích bằng hiện vật. Bộ Nông nghiệp cần quy định cụ thể mức trích thưởng ở các đội sản xuất, các ngành nghề gắn với mức độ hoàn thành kế hoạch và hướng dẫn việc chia thưởng cho các đối tượng trên. Đối với đội sản xuất không đạt mức giao nộp sản phẩm cho hợp tác xã, thì những người nhận khoán không nộp đủ sản phẩm đã phải chịu phạt nên không phạt chung tập thể đội, nhưng cán bộ đội thì phải phạt bằng cách trừ bớt công thù lao của mỗi cán bộ; nếu hợp tác xã, tập đoàn sản xuất không hoàn thành kế hoạch thu nhập, thì cán bộ quản lý hợp tác xã, tập đoàn sản xuất cũng phải chịu phạt như đối với cán bộ đội sản xuất. 8. Về hạch toán và phân phối: - Hợp tác xã, tập đoàn sản xuất phải đi mạnh vào hạch toán kinh tế, coi trọng hạch toán theo ngành, theo từng cây, con, từng sản phẩm ngành nghề. Tính toán đầy đủ các khoản thu, chi, xác định đúng đắn giá trị ngày công kế hoạch và mức lãi cho từng ngành và chung toàn hợp tác xã, tập đoàn sản xuất. Xây dựng giá tiêu thụ nội bộ hợp lý để bảo đảm cho hợp tác xã, tập đoàn sản xuất kinh doanh có lãi. Luôn luôn tìm ra các biện pháp nâng cao mức lãi và giá trị ngày công của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, làm cho phần tích luỹ để tái sản xuất mở rộng, phần dùng cho phúc lợi tập thể và phần thu từ ngày công của xã viên đều ngày càng tăng lên, từ đó tạo ra động lực mạnh mẽ để thúc đẩy mọi người hăng hái lao động sản xuất. - Phải làm tốt việc phân phối thu nhập của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động kết hợp với tăng cường phúc lợi tập thể, bảo đảm đúng đắn mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng, kết hợp chặt chẽ phân phối bằng tiền với phân phối bằng hiện vật (chủ yếu là lương thực) khắc phục dần tình trạng bao cấp, giảm bỏ những chi phí chung mà hợp tác xã, tập đoàn phải gánh chịu ngoài chính sách Nhà nước đã qui định; hết sức tiết kiệm tiền vốn, vật tư, lương thực, chống lãng phí, tham ô. Đối với phân phối lương thực, phải bảo đảm hài hoà ba lợi ích, bảo đảm hợp lý giữa thu nhập lương thực của người làm trồng trọt và những người làm ngành nghề và công tác khác, bảo đảm điều hoà lương thực cho những đối tượng thiếu ăn cần ưu tiên giúp đỡ. Đối với phân phối bằng tiền phải bảo đảm phân phối cho ngày công của xã viên theo giá trị ngày công kế hoạch và phân phối hợp lý số lãi, khoảng 40 - 50% để quỹ tích luỹ, khoảng 20 - 30% để quỹ công ích, khoảng 10% để quỹ dự trữ và khoảng 20% để quỹ thưởng. Ở những hợp tác xã, tập đoàn sản xuất giỏi, thu nhập cao, tuỳ theo kết quả thu nhập của từng vụ, từng năm có thể trích một phần thu nhập để lập quỹ bảo hiểm xã hội, tiến tới thực hiện trợ cấp hưu trí cho những cán bộ và xã viên hết tuổi lao động.- Cần cải tiến chế độ thù lao đối với cán bộ quản lý hợp tác xã, đội sản xuất, tập đoàn sản xuất theo hướng gắn với kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình, nhằm bảo đảm cho cán bộ tập trung tâm trí, năng lực vào công tác quản lý và điều hành công việc chung. III. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN 1. Đi đôi với việc hoàn chỉnh công tác khoán sản phẩm theo yêu cầu và những nội dung trên đây, các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất phải ra sức cải tiến các mặt tổ chức sản xuất và quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công tác khoán. Phải không ngừng mở rộng sản xuất theo hướng kết hợp nông, lâm, ngư nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, sản xuất, chế biến và phân phối lưu thông; kết hợp củng cố xây dựng hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp với củng cố, xây dựng hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng; tăng cường liên kết, liên doanh giữa các đơn vị sản xuất, giữa quốc doanh, tập thể và kinh tế gia đình, nhằm phát huy tốt nhất mọi tiềm năng của địa phương. Phải ra sức tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất đi vào thâm canh và các cơ sở phúc lợi tập thể, bằng vốn đầu tư của tập thể; đồng thời sắp xếp lại những cơ sở vật chất - kỹ thuật đã có, hướng vào phục vụ sản xuất và đời sống thiết thực và có hiệu quả hơn. Phải hoàn thiện và nâng cao các định mức kinh tế - kỹ thuật và quy trình sản xuất làm cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, lao động, kỹ thuật, tài chính, phân phối hàng năm và từng vụ; phát huy mạnh mẽ quyền tự chịu trách nhiệm kinh doanh, hạch toán và quyền làm chủ tập thể của hợp tác xã, tập đoàn trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch. Phải kiện toàn bộ máy quản lý hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, bảo đảm điều hành sản xuất, quản lý kinh tế và các mặt hoạt động có hiệu lực, nhưng phải thật gọn nhẹ; cần có quy hoạch lựa chọn những thanh niên có trình độ văn hoá trong các hợp tác xã, tập đoàn để đào tạo thành những cán bộ có phẩm chất chính trị, nắm vững khoa học kỹ thuật và nghiệp vụ quản lý kinh tế để tiếp bước các cán bộ cao tuổi và chưa được đào tạo. 2. Hoàn chỉnh công tác khoán cũng như hoàn thiện và cải tiến các mặt tổ chức sản xuất, quản lý trong các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất không thể tách rời các chính sách kinh tế của Nhà nước và phương thức quản lý của các ngành kinh tế. Vì vậy, các ngành của Nhà nước cần căn cứ vào nghị quyết này và phạm vi trách nhiệm của mình sớm nghiên cứu hoàn chỉnh các chính sách kinh tế, nhất là chính sách thu mua, giá cả, chính sách đầu tư... nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Phải củng cố các tổ chức dịch vụ phục vụ nông nghiệp, trước hết là trên địa bàn huyện như trạm máy kéo, trạm vật tư, trạm thuỷ nông, trạm bảo vệ thực vật, trạm thú y, v.v. không ngừng cải tiến phương thức phục vụ của các trạm này, trên cơ sở bảo đảm thực hiện tốt hợp đồng giữa hai bên, gắn kết quả kinh doanh phục vụ của các trạm trại, công ty với sản phẩm cuối cùng của hợp tác xã và tập đoàn sản xuất. Trong quan hệ kinh tế giữa các cơ quan kinh tế Nhà nước với các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất, phải bảo đảm thật sự bình đẳng, tôn trọng quyền làm chủ tập thể của quần chúng và phải thông qua ký kết các hợp đồng hai chiều. Nhà nước chỉ giao chỉ tiêu pháp lệnh cho các hợp tác xã và tập đoàn về số lượng nông sản thực phẩm chủ yếu phải sản xuất và nộp bán cho Nhà nước theo nghĩa vụ và hợp đồng hai chiều; số lao động Nhà nước huy động cung cấp cho các ngành hoặc theo yêu cầu phân bố lại lao động và chỉ tiêu pháp lệnh về các tư liệu sản xuất và vật tư kỹ thuật mà các cơ quan của Nhà nước phải bảo đảm cung ứng cho hợp tác xã, tập đoàn sản xuất theo hợp đồng hai chiều. Hàng năm, hàng vụ, Uỷ ban nhân dân huyện, Uỷ ban nhân dân xã giao, duyệt kế hoạch cho hợp tác xã, tập đoàn sản xuất chủ yếu là giao, duyệt các chỉ tiêu pháp lệnh nói trên, còn các chỉ tiêu khác chỉ là hướng dẫn. Uỷ ban nhân dân huyện cần giám sát, kiểm tra và đôn đốc các hợp tác xã và tập đoàn cũng như các cơ quan kinh tế của Nhà nước chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ tiêu pháp lệnh nói trên và các hợp đồng hai chiều đã ký, nếu bên nào vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho bên kia thì phải xử lý nghiêm minh và bắt bồi thường. 3. Bộ Nông nghiệp là cơ quan chủ quản giúp Hội đồng bộ trưởng tổ chức chỉ đạo thực hiện nghị quyết này. Bộ phải phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu ban hành những quy định cụ thể nhằm hướng dẫn thi hành những vấn đề nêu trong nghị quyết này để chỉ đạo các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất thực hiện. Phải tăng cường công tác kiểm tra, nắm chắc tình hình từ cơ sở, kịp thời phát huy những nơi, những việc làm tốt, uốn nắn những nơi, những việc làm sai và phải rất chú trọng việc bồi dưỡng đào tạo cán bộ cho các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất. 4. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện nghị quyết này trong địa phương mình. Qua mỗi vụ, mỗi năm sản xuất, từ hợp tác xã, tập đoàn sản xuất lên các cấp xã, huyện, tỉnh phải tiến hành sơ kết việc thực hiện công tác khoán, để đánh giá đúng những kết quả và phát hiện những vấn đề mới cần giải quyết, rút ra những bài học thực tế ở mỗi đơn vị, mỗi địa phương, đề ra kế hoạch và biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, không ngừng hoàn chỉnh công tác khoán. Đặc biệt cần đẩy mạnh công tác xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện, nâng cao trình độ năng lực chỉ đạo của cấp huyện để giúp các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất thực hiện tốt cơ chế quản lý mới. 5. Các đoàn thể quần chúng, các cơ quan thông tấn, báo chí cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong quần chúng, làm cho mọi người thấy rõ vị trí, tác dụng của khoán sản phẩm trong các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp, kịp thời biểu dương và phổ biến những kinh nghiệm làm tốt, uốn nắn, phê phán những khuyết điểm, lệch lạc, tạo ra phong trào rộng lớn, sôi nổi và liên tục thi đua, học tập lẫn nhau trong việc cải tiến công tác quản lý. Hội đồng bộ trưởng yêu cầu các Bộ, các Uỷ ban Nhà nước, các Tổng cục và Uỷ ban nhân dân các cấp nghiên cứu kỹ và có kế hoạch làm quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết này trong phạm vi trách nhiệm của mình. Hàng quý, các Bộ có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải gửi báo cáo về việc thực hiện nghị quyết lên Hội đồng bộ trưởng, đồng gửi Bộ Nông nghiệp. |