THÔNG TƯ
Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP
ngày 28 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
_________________________
Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 03 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực;
Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định chi tiết khoản 3 Điều 7, khoản 6 Điều 15 và hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày
28 tháng 3 năm 2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (sau đây gọi là Nghị định số 24/2013/NĐ-CP).
2. Các quy định của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP và Thông tư này được áp dụng để giải quyết việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, ghi vào sổ việc kết hôn, ghi vào sổ việc nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài, bao gồm cả việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài; cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú trong nước để đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài; tổ chức và hoạt động của Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (sau đây gọi là Trung tâm).
3. Các quy định của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP và Thông tư này không áp dụng đối với việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam đang công tác, học tập, lao động, du lịch có thời hạn ở nước ngoài với nhau hoặc với công dân Việt Nam cư trú trong nước.
Điều 2. Thời hạn có giá trị của giấy tờ
Thời hạn được cấp chưa quá 6 tháng của giấy tờ quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 7 và điểm b khoản 1 Điều 27 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP được tính kể từ ngày cấp các giấy tờ đó đến ngày nộp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.
Điều 3. Cấp bản sao các giấy tờ hộ tịch
Sau khi giải quyết việc đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con mà đương sự yêu cầu cấp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn, Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, Sở Tư pháp căn cứ vào Sổ đăng ký kết hôn, Sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con để cấp bản sao cho đương sự; bản sao do Giám đốc Sở Tư pháp hoặc người được Giám đốc uỷ quyền ký và đóng dấu của Sở Tư pháp.
Điều 4. Chấm dứt giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn; nhận cha, mẹ, con; cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; ghi vào sổ việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài
Việc giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn; nhận cha, mẹ, con; cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; ghi vào sổ việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài được chấm dứt ngay theo đề nghị bằng văn bản của một hoặc hai bên nam, nữ kết hôn; của bên nhận, bên được nhận là cha, mẹ, con; của người có yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, ghi vào sổ việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con.
Điều 5. Trách nhiệm thông báo về kết quả giải quyết hồ sơ kết hôn, nhận cha, mẹ, con; ghi vào sổ việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con
1. Sau khi trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ; ghi vào sổ việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài, Sở Tư pháp có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), nơi đã cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam biết, để ghi chú vào Sổ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
2. Trường hợp từ chối đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP, chấm dứt giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này, Sở Tư pháp có văn bản thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của công dân Việt Nam biết, để ghi chú vào Sổ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
3. Sau khi trao Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con cho các bên; ghi vào sổ việc nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, Sở Tư pháp có văn bản thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi đăng ký khai sinh của người con là công dân Việt Nam biết, để ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh.
4. Trường hợp công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện) cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, thì sau khi đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp có văn bản gửi Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để thông báo cho Cơ quan đại diện ghi chú vào Sổ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Chương II
HƯỚNG DẪN THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KẾT HÔN
Điều 6. Hồ sơ đăng ký kết hôn
Hồ sơ đăng ký kết hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP và được hướng dẫn như sau:
1. Về Tờ khai đăng ký kết hôn
Mỗi bên phải làm Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu quy định), ghi thông tin của hai bên nam, nữ; ký, ghi rõ họ tên của người làm Tờ khai. Trường hợp cả hai bên có mặt khi nộp hồ sơ thì chỉ cần làm 01 (một) Tờ khai đăng ký kết hôn, ghi thông tin của hai bên nam, nữ; ký, ghi rõ họ tên của hai người.
Nếu Tờ khai đăng ký kết hôn đã có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về tình trạng hôn nhân của đương sự, thì không phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Nếu đã có Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân thì không phải xác nhận vào Tờ khai đăng ký kết hôn.
2. Về giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân
a) Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài (không đồng thời có quốc tịch nước ngoài) nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện tại nước mà người đó cư trú cấp hoặc giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, nơi người đó cư trú cấp.
b) Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài (đồng thời có quốc tịch nước ngoài) phải nộp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó có quốc tịch cấp và Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
c) Người không quốc tịch cư trú ổn định lâu dài tại Việt Nam phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người đó cư trú cấp.
3. Về giấy xác nhận đủ điều kiện kết hôn
Người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, ngoài việc phải nộp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó có quốc tịch hoặc thường trú cấp, còn phải nộp giấy xác nhận đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó, trừ trường hợp pháp luật nước đó không quy định cấp loại giấy tờ này.
4. Về Giấy xác nhận công dân Việt Nam đã được tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
a) Giấy xác nhận công dân Việt Nam đã được tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (sau đây gọi là Giấy xác nhận của Trung tâm) do Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài cấp cho công dân Việt Nam để bổ sung hồ sơ đăng ký kết hôn đối với các trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 của Điều này.
b) Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, nếu đương sự thuộc một trong các trường hợp sau thì phải đến Trung tâm để được tư vấn, hỗ trợ:
- Hai bên chênh lệch nhau từ 20 tuổi trở lên;
- Người nước ngoài kết hôn lần thứ ba hoặc đã kết hôn và ly hôn với vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam;
- Hai bên chưa hiểu biết về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của nhau; không hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân và gia đình của mỗi nước.
c) Trường hợp công dân Việt Nam thông thạo ngôn ngữ mà người nước ngoài sử dụng hoặc người nước ngoài thông thạo tiếng Việt, đồng thời kết quả phỏng vấn tại Sở Tư pháp cho thấy hai bên có sự hiểu biết về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của nhau, hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân gia đình của mỗi nước, thì không phải bổ sung Giấy xác nhận của Trung tâm.
Điều 7. Trình tự giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn
Trình tự giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP và được hướng dẫn như sau:
1. Trường hợp đương sự có lý do chính đáng mà không thể có mặt để phỏng vấn vào ngày đã được thông báo, thì phải có văn bản đề nghị chuyển việc phỏng vấn sang ngày khác, văn bản đề nghị phải nêu rõ lý do không thể có mặt. Thời gian phỏng vấn lần sau không quá 30 ngày, kể từ ngày hẹn phỏng vấn trước và không tính vào thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn.
2. Khi phỏng vấn, cán bộ Sở Tư pháp cần làm rõ sự tự nguyện, mục đích kết hôn của cả hai bên; sự hiểu biết của mỗi bên về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của nhau, về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân và gia đình của quốc gia, vùng lãnh thổ mà bên kia cư trú.
3. Trong khi phỏng vấn mà phát hiện thấy người được phỏng vấn có biểu hiện không bình thường về nhận thức, không làm chủ được hành vi của mình, cán bộ Sở Tư pháp yêu cầu đương sự khám lại tại tổ chức y tế chuyên khoa về tâm thần của Việt Nam.
4. Trường hợp xét thấy việc kết hôn liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, có dấu hiệu xuất, nhập cảnh trái phép, buôn bán người, môi giới kết hôn trái pháp luật, kết hôn giả tạo nhằm mục đích xuất cảnh, trục lợi hoặc có vấn đề khác liên quan đến chức năng của cơ quan Công an, Sở Tư pháp có công văn, kèm theo bản chụp 01 bộ hồ sơ đăng ký kết hôn, gửi cơ quan Công an cùng cấp đề nghị xác minh.
Nếu hết thời hạn xác minh theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của
Nghị định số 24/2013/NĐ-CP mà cơ quan Công an chưa có văn bản trả lời, Sở Tư pháp vẫn hoàn tất hồ sơ, đề xuất ý kiến trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định, trong đó nêu rõ vấn đề đã yêu cầu cơ quan Công an xác minh.
Điều 8. Tổ chức lễ đăng ký kết hôn
Việc tổ chức lễ đăng ký kết hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 11 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP và được hướng dẫn như sau:
1. Khi tổ chức lễ đăng ký kết hôn, cả hai bên nam, nữ phải có mặt và xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế như giấy thông hành, thẻ cư trú.
2. Trường hợp có lý do chính đáng mà hai bên nam, nữ không thể có mặt để tổ chức lễ đăng ký kết hôn vào ngày Sở Tư pháp ấn định, đương sự phải có văn bản đề nghị Sở Tư pháp gia hạn thời gian tổ chức lễ đăng ký kết hôn và nêu rõ lý do không thể có mặt.
3. Sau 90 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn mà hai bên nam, nữ không có mặt để tổ chức lễ đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp có văn bản báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ghi chú việc các bên không có mặt để tổ chức lễ đăng ký kết hôn vào Giấy chứng nhận kết hôn và lưu hồ sơ; Giấy chứng nhận kết hôn này không có giá trị pháp lý.
Nếu sau đó các bên vẫn yêu cầu tổ chức lễ đăng ký kết hôn thì phải làm lại thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.
Chương III
HƯỚNG DẪN THỦ TỤC CẤP GIẤY XÁC NHẬN TÌNH TRẠNG HÔN NHÂN CHO CÔNG DÂN VIỆT NAM
CƯ TRÚ TRONG NƯỚC ĐỂ ĐĂNG KÝ KẾT HÔN VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI CƠ QUAN
CÓ THẨM QUYỀN CỦA NƯỚC NGOÀI Ở NƯỚC NGOÀI
Điều 9. Thẩm tra, xác minh hồ sơ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
Trình tự thẩm tra, xác minh hồ sơ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú trong nước để đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP và được hướng dẫn như sau:
1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra về nhân thân, tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; có văn bản báo cáo kết quả kiểm tra và nêu rõ các vấn đề vướng mắc cần xin ý kiến, gửi Sở Tư pháp, kèm theo hồ sơ.
2. Sở Tư pháp thẩm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Trường hợp cần làm rõ về nhân thân, tình trạng hôn nhân, điều kiện kết hôn, mục đích kết hôn của người có yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Sở Tư pháp tiến hành xác minh. Trường hợp trụ sở Sở Tư pháp cách xa nơi cư trú của người có yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Sở Tư pháp có thể đề nghị Phòng Tư pháp cấp huyện hỗ trợ xác minh. Ngay sau khi nhận được yêu cầu, Phòng Tư pháp tiến hành xác minh và báo cáo kết quả cho Sở Tư pháp.
Điều 10. Phỏng vấn đối với người có yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
Trình tự phỏng vấn đối với người có yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài theo quy định tại khoản 6 Điều 15 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP, được thực hiện như sau:
1. Sở Tư pháp cử cán bộ tiến hành phỏng vấn đối với người có yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Khi phỏng vấn cán bộ Sở Tư pháp cần làm rõ sự tự nguyện, mục đích kết hôn của công dân Việt Nam; sự hiểu biết của công dân Việt Nam về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của người nước ngoài, về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân và gia đình của quốc gia, vùng lãnh thổ mà người nước ngoài cư trú.
2. Kết quả thẩm tra, xác minh, phỏng vấn bên công dân Việt Nam cho thấy thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Sở Tư pháp yêu cầu bên người nước ngoài về Việt Nam để phỏng vấn làm rõ:
a) Hai bên chênh lệch nhau từ 20 tuổi trở lên;
b) Người nước ngoài kết hôn lần thứ ba hoặc đã kết hôn và ly hôn với vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam;
c) Công dân Việt Nam không hiểu biết về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của người nước ngoài; không hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân và gia đình của quốc gia, vùng lãnh thổ mà người nước ngoài cư trú;
d) Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho biết sẽ không có mặt để đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài.
3. Kết quả phỏng vấn phải ghi thành văn bản, có chữ ký của người phỏng vấn, người được phỏng vấn.
Điều 11. Từ chối cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
Ủy ban nhân dân cấp xã từ chối cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
1. Công dân Việt Nam đề nghị cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước ngoài tại Việt Nam.
2. Kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy tình trạng hôn nhân của đương sự trên thực tế không đúng với Tờ khai trong hồ sơ; đương sự không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
3. Kết quả phỏng vấn cho thấy hai bên chưa có sự hiểu biết về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của nhau; không có sự hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hoá, pháp luật về hôn nhân và gia đình của mỗi nước.
4. Việc kết hôn của đương sự không tự nguyện, không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.
5. Việc kết hôn thông qua môi giới trái pháp luật.
6. Lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh, kiếm lời hoặc vì mục đích trục lợi khác.
Chương IV
HƯỚNG DẪN THỦ TỤC GHI VÀO SỔ VIỆC KẾT HÔN
CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM ĐƯỢC GIẢI QUYẾT TẠI CƠ QUAN
CÓ THẨM QUYỀN CỦA NƯỚC NGOÀI Ở NƯỚC NGOÀI
Điều 12. Hồ sơ ghi vào sổ việc kết hôn
Hồ sơ ghi vào sổ việc kết hôn được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP và được hướng dẫn như sau:
1. Người yêu cầu ghi vào sổ việc kết hôn phải nộp bản sao giấy tờ chứng minh về nhân thân của hai bên nam, nữ.
2. Trường hợp giấy chứng nhận kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp ghi thông tin về giấy tờ chứng minh về nhân thân (ví dụ: hộ chiếu), thì phải nộp bản sao của loại giấy tờ chứng minh nhân thân đó.
Điều 13. Trình tự giải quyết hồ sơ ghi vào sổ việc kết hôn của công dân Việt Nam cư trú trong nước vào thời điểm kết hôn
Trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ ghi vào sổ việc kết hôn của công dân Việt Nam cư trú trong nước vào thời điểm kết hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP và được hướng dẫn như sau:
1. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Tư pháp thẩm tra các giấy tờ trong hồ sơ, đối chiếu với hồ sơ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân đó, nếu thấy việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, việc kết hôn bảo đảm điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP, thì ghi vào sổ việc kết hôn.
Trường hợp công dân Việt Nam được cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại địa bàn tỉnh khác, Sở Tư pháp có văn bản gửi Sở Tư pháp nơi đã cho ý kiến về việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đề nghị kiểm tra, đối chiếu; nếu việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, việc kết hôn bảo đảm điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP, thì ghi vào sổ việc kết hôn.
2. Trường hợp việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không đúng trình tự, thủ tục, Sở Tư pháp tiến hành xác minh làm rõ. Nếu kết quả xác minh cho thấy đương sự có đủ điều kiện kết hôn (vào thời điểm yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân), tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam được xác nhận là đúng, Sở Tư pháp vẫn tiến hành ghi vào sổ việc kết hôn và cấp Giấy xác nhận cho đương sự.
Sau khi ghi vào sổ việc kết hôn, Sở Tư pháp có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để chấn chỉnh, xử lý theo quy định.
Điều 14. Từ chối ghi vào sổ việc kết hôn
Sở Tư pháp từ chối ghi vào sổ việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Việc kết hôn không bảo đảm điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 16 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP.
2. Sử dụng giấy tờ giả, giấy tờ bị sửa chữa, tẩy xóa để làm thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, kết hôn, ghi vào sổ việc kết hôn.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã không xin ý kiến Sở Tư pháp trước khi cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP, đồng thời công dân Việt Nam không đủ điều kiện kết hôn (vào thời điểm yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân), tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam được xác nhận không đúng.
Chương V
HƯỚNG DẪN THỦ TỤC NHẬN CHA, MẸ, CON
Điều 15. Trình tự giải quyết việc nhận cha, mẹ, con
Trình tự giải quyết việc nhận cha, mẹ, con được thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP và được hướng dẫn như sau:
1. Văn bản niêm yết việc nhận cha, mẹ, con phải bao gồm các thông tin: họ và tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu (nếu có) của người nhận và người được nhận là cha, mẹ, con; thời gian đăng ký việc nhận cha, mẹ, con tại Sở Tư pháp.
2. Sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ mà một trong hai bên nhận cha, mẹ, con chết thì Sở Tư pháp vẫn tiếp tục giải quyết việc nhận cha, mẹ, con theo quy định; nếu cả hai bên chết thì chấm dứt giải quyết hồ sơ nhận cha, mẹ, con.
3. Trong quá trình giải quyết hồ sơ mà phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về việc nhận cha, mẹ, con, Sở Tư pháp đình chỉ việc giải quyết hồ sơ và hướng dẫn đương sự làm thủ tục yêu cầu Toà án nhân dân có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng (đối với tranh chấp về việc nhận cha, mẹ, con) hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết (đối với khiếu nại, tố cáo việc nhận cha, mẹ, con).
4. Trường hợp một bên hoặc cả hai bên nhận cha, mẹ, con có lý do chính đáng mà không thể có mặt để nhận Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con vào thời gian Sở Tư pháp ấn định thì phải có văn bản gửi Sở Tư pháp đề nghị thay đổi thời gian nhận Quyết định, trong đó nêu rõ lý do không thể có mặt.
Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con có hiệu lực kể từ ngày Giám đốc Sở Tư pháp ký.
Điều 16. Nhận cha, mẹ, con kết hợp đăng ký khai sinh
Trong quá trình giải quyết việc nhận cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP mà người con chưa được đăng ký khai sinh, thì kết hợp việc nhận cha, mẹ, con và việc đăng ký khai sinh như sau:
1. Trường hợp việc đăng ký khai sinh thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp thì Sở Tư pháp kết hợp giải quyết việc nhận cha, mẹ, con và đăng ký khai sinh. Giấy chứng sinh (hoặc văn bản thay thế giấy chứng sinh) và Tờ khai đăng ký khai sinh có giá trị thay thế cho Giấy khai sinh trong hồ sơ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.
2. Trường hợp việc đăng ký khai sinh thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp xã, thì Sở Tư pháp giải quyết việc nhận cha, mẹ, con trước; Giấy chứng sinh (hoặc văn bản thay thế giấy chứng sinh) và Tờ khai đăng ký khai sinh có giá trị thay thế cho Giấy khai sinh trong hồ sơ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.
Sau khi giải quyết việc nhận cha, mẹ, con, Sở Tư pháp có văn bản thông báo, kèm theo bản sao Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, Giấy chứng sinh (hoặc văn bản thay thế giấy chứng sinh) và Tờ khai đăng ký khai sinh gửi Uỷ ban nhân dân cấp xã để tiến hành đăng ký khai sinh cho người con.
Chương VI
HƯỚNG DẪN VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM
TƯ VẤN, HỖ TRỢ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Điều 17. Điều kiện thành lập Trung tâm
Điều kiện thành lập Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (sau đây gọi là Trung tâm) theo quy định tại Điều 31 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP và được hướng dẫn như sau:
1. Địa điểm hoạt động của Trung tâm có thể độc lập với địa điểm mở lớp tư vấn, hỗ trợ, nhưng phải bảo đảm về diện tích, tiện nghi làm việc, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.
2. Trung tâm phải có ít nhất 01 chuyên gia tư vấn chuyên trách; ngoài ra được sử dụng cộng tác viên là chuyên gia thuộc lĩnh vực ngôn ngữ, văn hóa - xã hội, pháp luật để thực hiện hoạt động tư vấn, hỗ trợ.
Điều 18. Quyền hạn, nghĩa vụ của Trung tâm
Quyền hạn, nghĩa vụ của Trung tâm được thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP và được hướng dẫn như sau:
1. Khi có người yêu cầu tư vấn, hỗ trợ, Trung tâm có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận yêu cầu tư vấn, hỗ trợ;
b) Bố trí địa điểm và chuyên gia phù hợp để thực hiện tư vấn, hỗ trợ;
c) Cấp Giấy xác nhận của Trung tâm sau khi thực hiện tư vấn, hỗ trợ cho người có yêu cầu để bổ sung hồ sơ kết hôn theo quy định tại khoản 4 Điều 6 của Thông tư này.
2. Trung tâm được tư vấn, hỗ trợ cho mọi đối tượng khi có yêu cầu, không phụ thuộc vào quốc tịch, nơi cư trú của người có yêu cầu.
3. Thời gian thực hiện tư vấn, hỗ trợ do Trung tâm thoả thuận với người có yêu cầu; Trung tâm cấp ngay Giấy xác nhận của Trung tâm sau khi kết thúc thời gian tư vấn, hỗ trợ mà không tổ chức thi, sát hạch.
4. Trung tâm hỗ trợ kết hôn được thành lập theo quy định của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, chưa chuyển đổi tên gọi, mô hình tổ chức, hoạt động theo quy định của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP thì chỉ được hoạt động tư vấn, hỗ trợ và cấp Giấy xác nhận của Trung tâm theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều này mà không được thực hiện các hoạt động theo quy định tại điểm g và điểm h khoản 1 Điều 33 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17 tháng 02 năm 2014.
2. Căn cứ Nghị định số 24/2013/NĐ-CP, Thông tư này và tình hình cụ thể tại địa phương, Sở Tư pháp có thể phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế phối hợp để tăng cường vai trò quản lý nhà nước và giải quyết tốt các việc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại địa phương.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp để có hướng dẫn./.