NGHỊ ĐỊNH
Quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với sĩ quan, hạ sĩ quan,
chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng công an nhân dân
_____________________
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật An ninh quốc gia ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 28 tháng 11 năm 2005;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân,
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định tiêu chuẩn cơ bản về vật chất hậu cần đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân, bao gồm tiêu chuẩn ăn thường xuyên và mức ăn bồi dưỡng trong huấn luyện chiến đấu, ứng trực sẵn sàng chiến đấu, diễn tập phòng, chống lụt bão, tai nạn thương tích và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, các mức ăn điều trị ở bệnh xá, bệnh viện; các mức ăn điều dưỡng; tiêu chuẩn trang phục; tiêu chuẩn nhu yếu phẩm; tiêu chuẩn thuốc, bông băng, hóa chất sử dụng trong y tế; tiêu chuẩn trang bị dụng cụ y tế; tiêu chuẩn tạp chi vệ sinh; tiêu chuẩn nghỉ dưỡng, điều dưỡng phục hồi sức khỏe; định mức vật chất đảm bảo nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần; định mức sử dụng nước sạch trong sinh hoạt; tiêu chuẩn diện tích nhà làm việc, nhà ở tập thể doanh trại, nhà công vụ, nhà khách, nhà nghỉ dưỡng, sinh hoạt công cộng; định mức tiêu chuẩn doanh cụ; định mức sử dụng điện năng; định mức sử dụng điện thoại.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân bao gồm: Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên đang công tác; đang đào tạo và huấn luyện trong các trường đào tạo của lực lượng Công an nhân dân và Công an các đơn vị, địa phương (sau đây viết gọn là cán bộ, chiến sĩ).
Điều 3. Nguyên tắc bảo đảm tiêu chuẩn vật chất hậu cần
1. Bảo đảm đáp ứng các nhu cầu cho sinh hoạt thường xuyên, học tập, huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.
2. Bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng Công an, với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng giai đoạn.
3. Phù hợp với sự phát triển chung và đặc thù của từng vùng, miền, từng đối tượng cụ thể.
4. Tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với cán bộ, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân được đảm bảo theo nguyên tắc: Lấy tiêu chuẩn về định lượng làm cơ sở chính, trường hợp cấp bằng tiền thì được tính quy đổi tương đương tùy thuộc vào từng mặt hàng và phương thức thực hiện của những mặt hàng đó (sản xuất hoặc mua để cấp phát). Việc cấp phát bằng tiền được chi trả cùng với tiền lương, phụ cấp của cán bộ, chiến sĩ; về giá trị, theo tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại vật chất và giá từng thời điểm (giá trung bình hàng năm) để tính toán ngân sách đảm bảo; những trang thiết bị phải mua bằng ngoại tệ thì tính theo tỷ giá quy đổi ngoại tệ từng thời điểm; những loại không tính được tiêu chuẩn về lượng thì lấy giá thời điểm ban hành Nghị định này để điều chỉnh theo chỉ số trượt giá hàng năm theo thông báo của Nhà nước.
Đối với định mức tiêu chuẩn y tế Công an bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ được tính tương đương mức bảo hiểm y tế chi trả cùng thời điểm cộng với yếu tố đặc thù trong lĩnh vực hoạt động Công an. Giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định điều chỉnh chỉ số “trượt giá” cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
5. Khuyến khích việc sử dụng tiết kiệm, hợp lý trong việc bảo đảm tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với cán bộ, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân; các đơn vị có điều kiện cần chủ động tổ chức tăng gia sản xuất góp phần cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ.
6. Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng công tác bảo đảm tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với cán bộ, chiến sĩ để trục lợi hoặc gây thiệt hại đối với tài sản của Nhà nước, làm giảm khả năng chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân.
Chương II
TIÊU CHUẨN VẬT CHẤT HẬU CẦN ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CHIẾN SĨ CÔNG AN NHÂN DÂN
Điều 4. Tiêu chuẩn ăn của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân
1. Tiêu chuẩn ăn cơ bản của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.
Nhiệt lượng khẩu phần ăn 3.200 Kcal/người/ngày, cơ cấu định lượng các loại lương thực, thực phẩm và tỷ lệ các chất sinh nhiệt hợp lý (Protein từ 14% - 16%, Lipit từ 18% - 20%, Gluxit từ 64% - 68%).
2. Tiêu chuẩn ăn của cán bộ, chiến sĩ đảm nhiệm công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm hoặc nặng nhọc, nguy hiểm; bị thương, ốm đau điều trị tại bệnh viện, bệnh xá, nhà nghỉ dưỡng; mức ăn điều dưỡng; khi tham gia huấn luyện, chiến đấu, ứng trực sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, phòng, chống lụt bão, tai nạn, thương tích và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, một số nhiệm vụ khác:
a) Nhiệt lượng khẩu phần ăn, cơ cấu định lượng, tỷ lệ các chất sinh nhiệt được quy định phù hợp với nhiệm vụ của từng đối tượng;
b) Mức tiền ăn của cán bộ, chiến sĩ đảm nhiệm công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm hoặc nặng nhọc, nguy hiểm được tính cao hơn so với cán bộ, chiến sĩ hưởng sinh hoạt phí từ 1,3 đến 3,5 lần. Cán bộ, chiến sĩ bị thương, ốm đau điều trị tại bệnh viện, bệnh xá, nhà nghỉ dưỡng ăn theo tiêu chuẩn bệnh lý.
Điều 5. Tiêu chuẩn trang phục
1. Tiêu chuẩn trang phục của sĩ quan là những loại trang phục cấp cho cá nhân quản lý, sử dụng thường xuyên và trang phục dùng chung, gồm lễ phục, trang phục thường xuyên, trang phục niên hạn, trang phục chống rét.
2. Tiêu chuẩn trang phục của hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên Công an nhân dân là những loại trang phục cấp cho cá nhân quản lý sử dụng thường xuyên và trang phục dùng chung, gồm trang phục thường xuyên, trang phục niên hạn, trang phục chống rét.
3. Tiêu chuẩn trang phục hóa trang nghiệp vụ là những loại trang phục trang bị cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ do tính chất, đặc điểm và yêu cầu của từng lực lượng.
4. Trang phục tăng thêm, trang phục chiến đấu, trang phục nghi lễ và trang phục đặc thù khác trang bị cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện, chiến đấu và phục vụ công tác chuyên môn.
Điều 6. Tiêu chuẩn trang bị nhà ăn, nhà bếp và dụng cụ cấp dưỡng
1. Tiêu chuẩn trang bị nhà ăn, nhà bếp và dụng cụ cấp dưỡng được trang bị theo các loại bếp ăn cấp Tiểu đội, Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn, Trung đoàn và các đơn vị tương đương ở tập trung các doanh trại; bếp ăn ở các trường, học viện, trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng và bệnh xá, bệnh viện, nhà khách, nhà nghỉ dưỡng, điều dưỡng; các đơn vị đóng quân phân tán, công tác độc lập, khi dã ngoại, phòng, chống lụt bão, cứu nạn, cứu hộ, phòng chống bạo loạn và làm các nhiệm vụ khác được trang bị các bếp ăn lẻ.
2. Tiêu chuẩn trang bị nhà ăn, nhà bếp và dụng cụ cấp dưỡng được trang bị theo các loại bếp ăn đối với các Tổng cục, Bộ Tư lệnh; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Vụ, Cục, Phòng đóng quân độc lập; Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Công an phường tùy theo quy mô biên chế của đơn vị.
Điều 7. Tiêu chuẩn nhu yếu phẩm
Tiêu chuẩn nhu yếu phẩm gồm những đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt và chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân; đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ được đảm bảo bằng hiện vật hoặc có thể cấp bằng tiền mặt và được chi trả cùng với tiền lương. Đối với đối tượng hưởng lương, tiêu chuẩn nhu yếu phẩm được tính trong tiền lương. Đảm bảo đủ tỷ lệ 10% so với Iương tối thiểu/người/tháng.
Điều 8. Tiêu chuẩn thuốc, bông băng, hóa chất
Tiêu chuẩn thuốc, bông băng, hóa chất được trang bị gồm thuốc, bông băng dùng tại đơn vị; thuốc, bông băng cho giường bệnh; thuốc khám bệnh, thuốc bổ trợ cho sĩ quan cao cấp và bệnh mạn tính; thuốc bổ trợ cho các lực lượng làm công việc nặng nhọc đặc biệt nguy hiểm, cho cán bộ, chiến sĩ phục vụ công tác chiến đấu khi đi cơ sở làm nhiệm vụ; thuốc và hóa chất phòng, chống dịch, hóa chất, sinh vật phẩm cho nghiệp vụ chuyên ngành.
Tiêu chuẩn thuốc, bông băng, hóa chất được cấp cho từng đơn vị và cho từng đối tượng cán bộ, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân.
Điều 9. Tiêu chuẩn trang bị, dụng cụ y tế
1. Tiêu chuẩn trang bị, dụng cụ y tế được trang bị lần đầu và trang bị thay thế hàng năm.
2. Tiêu chuẩn trang bị, dụng cụ y tế được trang cấp theo từng loại hình cơ sở y tế trong Công an nhân dân:
a) Đối với Bệnh viện hạng I, II, III của Công an thì được trang bị tương đương Bệnh viện đa khoa hạng I, II, III của Bộ Y tế và tính đặc thù của y tế ngành Công an;
b) Đối với Bệnh viện Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì được trang bị tương đương Bệnh viện đa khoa hạng III của Bộ Y tế và tính đặc thù của y tế ngành Công an;
c) Đối với Bệnh xá Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh xá Bộ Tư lệnh, Vụ, Cục; Bệnh xá học viện, trường; Bệnh xá cán bộ, chiến sĩ của trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng thì giao cho Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể phù hợp với quy định của Bộ Y tế.
3. Tiêu chuẩn sửa chữa, bảo trì bảo dưỡng, tiêu chuẩn kiểm định trang thiết bị y tế được đảm bảo theo từng loại hình y tế trong Công an nhân dân.
4. Trang phục nghiệp vụ y tế:
Tiêu chuẩn trang phục nghiệp vụ y tế được trang bị theo quy định của Bộ Y tế.
Điều 10. Tiêu chuẩn tạp chi vệ sinh
Tiêu chuẩn tạp chi vệ sinh được trang cấp theo từng loại hình cơ sở y tế trong Công an nhân dân và được phân loại theo địa bàn vùng, miền khác nhau.
Điều 11. Tiêu chuẩn nghỉ dưỡng, điều dưỡng phục hồi sức khỏe
Chế độ bảo hiểm, nghỉ dưỡng sức, điều dưỡng phục hồi sức khoẻ của cán bộ, chiến sĩ Công an sau khi điều trị do ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà chưa phục hồi sức khoẻ hoặc lao động nữ yếu sức khoẻ sau khi nghỉ thai sản (kể cả trường hợp sảy thai) thực hiện theo quy định tại Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, Công an nhân dân và Quyết định số 243/2005/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.
Điều 12. Định mức vật chất đảm bảo nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần
Định mức vật chất đảm bảo nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần trong Công an nhân dân gồm có định mức trang cấp giấy, bút phục vụ học tập chính trị; định mức trang cấp sách cho thư viện, phòng đọc, tủ sách; định mức trang cấp báo chí; định mức trang trí khánh tiết cho hội trường, phòng họp; định mức trang bị phương tiện cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.
Điều 13. Định mức sử dụng nước sạch trong sinh hoạt
1. Định mức sử dụng nước sạch trong sinh hoạt bảo đảm đủ tiêu chuẩn là 130 - 150 lít nước sinh hoạt cho mỗi người/ngày áp dụng cho địa bàn có nguồn nước sạch.
2. Những đơn vị đóng quân trên địa bàn chưa có nguồn nước sạch dùng chung được trang bị máy móc, thiết bị, hóa chất để khai thác xử lý các nguồn nước hoặc cấp tiền mua nước, bảo đảm đủ 130 - 150 lít nước sạch cho mỗi người/ngày.
3. Định mức sử dụng nước sạch cho các Bệnh viện trong Công an được bảo đảm đủ tiêu chuẩn là 250 lít/giường bệnh/ngày đêm.
Điều 14. Tiêu chuẩn diện tích nhà làm việc, nhà ở tập thể, nhà ở công vụ, nhà khách, nhà nghỉ dưỡng, điều dưỡng, sinh hoạt công cộng và một số công trình phụ trợ khác trong doanh trại
1. Tiêu chuẩn diện tích nhà làm việc gồm tiêu chuẩn nhà làm việc cho sĩ quan chỉ huy Công an các cấp và tiêu chuẩn nhà làm việc cho sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên trách.
2. Tiêu chuẩn diện tích nhà ở tập thể doanh trại được chia theo đối tượng cấp bậc hàm sĩ quan từ thiếu úy đến thượng úy, hạ sĩ quan; chiến sĩ, học viên trong công an nhân dân bảo đảm diện tích ở bình quân tối thiểu là 4,5 m2 và tối đa là 6 m2 cho một người.
3. Tiêu chuẩn diện tích nhà ở công vụ cho sĩ quan đương chức do thực hiện chính sách điều động và luân chuyển từ nơi này đến nơi khác chưa có nhà ở, đất ở riêng và có nhu cầu nhà để ở thì được thuê 01 căn hộ nhà công vụ theo quy định tại Quyết định số 09/2008/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định nguyên tắc thiết kế và tiêu chuẩn sử dụng nhà công vụ. Nhà ở công vụ cho sĩ quan được thực hiện theo quy định của Luật nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với nhà ở công vụ do các đơn vị của Bộ Công an là chủ đầu tư, Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể về đối tượng được thuê nhà ở công vụ; việc thiết kế, xây dựng và chế độ quản lý, sử dụng nhà ở công vụ và quy trình thiết kế và đầu tư xây dựng nhà ở công vụ trong Công an nhân dân.
4. Tiêu chuẩn diện tích một số công trình công cộng và phụ trợ khác trong doanh trại được phân loại theo các đơn vị Công an cụ thể.
5. Tiêu chuẩn diện tích nhà khách, nhà nghỉ dưỡng, điều dưỡng trong lực lượng Công an nhân dân.
6. Tiêu chuẩn diện tích trong nhà ăn tập thể của doanh trại, trường và bệnh viện được chia theo đối tượng, gồm chiến sĩ, hạ sĩ quan; sĩ quan cấp úy, cấp tá (hoặc có mức lương cấp bậc hàm từ thiếu úy đến đại tá); cấp tướng (hoặc có mức lương của cấp bậc hàm từ thiếu tướng) trở lên.
7. Thiết bị vệ sinh nhà ở tập thể và nhà làm việc công cộng được trang cấp theo quy mô quân số, đối với đơn vị Công an có nữ thì phải bố trí cho nam, nữ riêng.
Điều 15. Định mức tiêu chuẩn doanh cụ
Định mức tiêu chuẩn doanh cụ trong Công an được phân chia theo tiêu chuẩn sử dụng doanh cụ trong nhà ở tập thể doanh trại, nhà làm việc cho các đối tượng, phòng trực ban, phòng họp, phòng giao ban, phòng khách, phòng truyền thống, phòng hỏi cung bị can, phòng văn thư, bảo mật, phòng nhà ăn, phòng học.
Đối với mỗi tiêu chuẩn, cụ thể được chia theo từng cấp cán bộ, chiến sĩ hoặc chia theo cấp đơn vị trong Công an nhân dân.
Điều 16. Định mức sử dụng điện năng
1. Định mức sử dụng điện năng trong Công an nhân dân gồm có định mức sử dụng điện năng cho sinh hoạt làm việc; định mức sử dụng điện năng cho chỉ huy sẵn sàng chiến đấu; định mức sử dụng điện năng cho công tác kho tàng; định mức sử dụng điện năng cho đào tạo; định mức sử dụng điện năng cho phòng, chống dịch, khám, chữa bệnh và định mức sử dụng điện năng cho nhiệm vụ khác.
Các đơn vị đóng quân trên địa bàn chưa có nguồn điện từ lưới điện quốc gia, được trang bị hệ thống máy phát điện có công suất đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu, chiếu sáng và phù hợp với quân số biên chế của từng đơn vị. Giờ máy phát điện tối thiểu là 6 giờ/ngày. Đối với các đơn vị kỹ thuật nghiệp vụ, các trại giam, trại tạm giam đảm bảo giờ máy phát điện là 24 giờ/ngày.
2. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể về:
a) Điện năng sử dụng cho việc xuất, nhập, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa niêm cất vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật tư thiết bị nghiệp vụ, phương tiện và phụ tùng phương tiện giao thông tại các trạm, xưởng, kho tàng, khu kỹ thuật.
b) Định mức sử dụng điện năng cho từng đơn vị cụ thể được nêu trong mục V của Phụ lục VIII “Định mức sử dụng điện năng” ban hành kèm theo Nghị định này.
c) Trang bị hệ thống máy phát điện cho các đơn vị đóng quân trên địa bàn chưa có nguồn điện từ lưới điện quốc gia.
Điều 17. Định mức sử dụng điện thoại
Định mức sử dụng điện thoại đảm bảo trong Công an nhân dân gồm định mức sử dụng điện thoại công vụ cho cơ quan, nhà riêng, định mức sử dụng điện thoại di động và phương tiện thông tin liên lạc khác.
Điều 18. Phụ lục chi tiết về tiêu chuẩn vật chất hậu cần
Ban hành kèm theo Nghị định này các Phụ lục chi tiết về một số tiêu chuẩn vật chất hậu cần cơ bản đối với cán bộ, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân:
a) Phụ lục I: Tiêu chuẩn trang phục của hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên Công an;
b) Phụ lục II: Tiêu chuẩn trang phục của sĩ quan Công an;
c) Phụ lục III: Tiêu chuẩn thuốc, bông băng, hóa chất sử dụng trong y tế Công an;
d) Phụ lục IV: Tiêu chuẩn trang bị cho các bệnh viện, cơ sở y tế Công an và trang phục nghiệp vụ y tế;
đ) Phụ lục V: Tiêu chuẩn tạp chí vệ sinh;
e) Phụ lục VI: Tiêu chuẩn diện tích làm việc, nhà ở tập thể doanh trại, nhà ở công vụ, nhà khách, nhà nghỉ dưỡng, điều dưỡng, sinh hoạt công cộng và một số công trình phụ trợ khác trong doanh trại;
g) Phụ lục VII: Định mức tiêu chuẩn doanh cụ;
h) Phụ lục VIII: Định mức sử dụng điện năng;
i) Phụ lục IX: Định mức sử dụng điện thoại;
k) Phụ lục X: Tiêu chuẩn nhu yếu phẩm.
2. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể các tiêu chuẩn vật chất hậu cần sau:
a) Các mức ăn, định lượng ăn bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ đảm nhiệm công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm hoặc nặng nhọc, nguy hiểm;
b) Tiêu chuẩn trang phục thường xuyên, trang phục hóa trang nghiệp vụ, trang phục tăng thêm, trang phục chiến đấu, trang phục nghi lễ và trang phục đặc thù thuộc lực lượng Công an nhân dân;
c) Tiêu chuẩn trang bị nhà ăn, nhà bếp và dụng cụ cấp dưỡng trong các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng Công an nhân dân;
d) Tiêu chuẩn, chế độ, địa điểm, thời gian nghỉ dưỡng, điều dưỡng đối với cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân;
đ) Định mức vật chất đảm bảo nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần trong các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng Công an nhân dân;
e) Tiêu chuẩn kích thước, mẫu mã các loại doanh cụ trang bị trong các cơ quan, đơn vị, trường đào tạo thuộc lực lượng Công an nhân dân;
g) Định mức sử dụng điện thoại nghiệp vụ đảm bảo cho công tác và chiến đấu; tiêu chuẩn trang bị phương tiện thông tin liên lạc trong toàn lực lượng Công an nhân dân.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 4 năm 2013, thay thế Nghị định số 25/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 03 năm 2006 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân.
Điều 20. Hướng dẫn thi hành
1. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn việc áp dụng các tiêu chuẩn vật chất hậu cần theo từng mức cụ thể và cho từng đối tượng cán bộ, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân theo các địa bàn khác nhau cho phù hợp với đặc thù trong Công an nhân dân. Bộ Công an hàng năm lập kế hoạch và dự toán kinh phí đảm bảo trang bị cho các tiêu chuẩn quy định tại Nghị định này.
2. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính tổng hợp dự toán và căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước hàng năm để bố trí dự toán đảm bảo thực hiện tiêu chuẩn vật chất hậu cần theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Điều 21. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.