THÔNG TƯ
Quy định về ghi nhận, đánh giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp
_____________________________
Căn cứ Luật Doanh nghiệp năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về ghi nhận, đánh giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp như sau:
Phần A
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh 1. Đối tượng áp dụng:
Thông tư này áp dụng cho doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Thông tư không áp dụng đối với các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng.
Đối với các doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở các Hiệp định ký giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ các nước, nếu Hiệp định có các quy định về xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái khác với hướng dẫn tại Thông tư này thì thực hiện theo quy định của Hiệp định đó.
2. Phạm vi điều chỉnh:
Thông tư này hướng dẫn việc ghi nhận, đánh giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái và việc chuyển đổi báo cáo tài chính các hoạt động ở nước ngoài, các cơ sở ở nước ngoài của doanh nghiệp sang đơn vị tiền tệ kế toán doanh nghiệp Việt Nam.
Việc xác định thu nhập, chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điều 2. Giải thích từ ngữ Các từ ngữ sử dụng trong Thông tư này được hiểu như sau:
1. “Ngoại tệ” là đơn vị tiền tệ khác với đơn vị tiền tệ kế toán của một doanh nghiệp.
2. “Nghiệp vụ ngoại tệ” là các nghiệp vụ thu chi bằng ngoại tệ và để tính giá.
3. “Tỷ giá hối đoái” là tỷ lệ trao đổi giữa hai đơn vị tiền tệ (sau đây gọi tắt là tỷ giá).
4. “Chênh lệch tỷ giá hối đoái” là chênh lệch phát sinh từ việc trao đổi thực tế hoặc quy đổi của cùng một số lượng ngoại tệ sang đơn vị tiền tệ kế toán theo các tỷ giá hối đoái khác nhau (sau đây gọi tắt là chênh lệch tỷ giá).
5. Các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ” là tiền và các khoản tương đương tiền hiện có, các khoản phải thu, hoặc nợ phải trả bằng một lượng tiền cố định hoặc có thể xác định được, cụ thể bao gồm:
- Tiền hoặc tương đương tiền bằng ngoại tệ.
- Các khoản nợ phải thu, nợ phải trả có gốc ngoại tệ, ngoại trừ:
+ Các khoản trả trước cho người bán bằng ngoại tệ và các khoản chi phí trả trước bằng ngoại tệ.
+ Các khoản doanh thu nhận trước bằng ngoại tệ và các khoản chi phí trả trước bằng ngoại tệ.
- Các khoản đặt cọc, ký cược, ký quỹ bằng tiền hoặc tương đương tiền bằng ngoại tệ được quyền nhận lại, các khoản nhận đặt cọc, ký cược, ký quỹ bằng tiền hoặc tương đương tiền bằng ngoại tệ phải hoàn trả.
- Các khoản đi vay, cho vay hoặc tiền gửi bằng ngoại tệ.
6. “Hoạt động ở nước ngoài” là các chi nhánh, công ty con, công ty liên kết, công ty liên doanh, hợp tác kinh doanh, các hoạt động liên kết kinh doanh khác của doanh nghiệp lập báo cáo mà hoạt động của các đơn vị này được thực hiện ở một nước khác ngoài lãnh thổ Việt Nam.
7. “Cơ sở ở nước ngoài” là một hoạt động ở nước ngoài, mà các hoạt động của nó là một phần độc lập đối với doanh nghiệp lập báo cáo.
Điều 3. Tỷ giá quy đổi ngoại tệ ra “Đồng” Việt Nam 1. Đối với việc thanh toán các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ phát sinh trong năm tài chính thì thực hiện theo tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch ngoại tệ của Ngân hàng Thương mại nơi doanh nghiệp có giao dịch phát sinh theo quy định của pháp luật.
2. Đối với việc đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán thì thực hiện theo tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản công bố tại thời điểm lập báo cáo tài chính.
Điều 4. Đối với những ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không công bố tỷ giá quy đổi ra “Đồng” Việt Nam 1. Trường hợp doanh nghiệp mở tài khoản tại một ngân hàng thương mại có công bố tỷ giá của đồng ngoại tệ đó thì khi quy đổi thực hiện theo tỷ giá giao dịch của ngân hàng thương mại mà doanh nghiệp mở tài khoản tại thời điểm đánh giá lại số dư các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ.
2. Trường hợp doanh nghiệp mở tài khoản tại nhiều ngân hàng thương mại có công bố tỷ giá của đồng ngoại tệ đó thì khi quy đổi thực hiện theo tỷ giá giao dịch bình quân của các ngân hàng thương mại mà doanh nghiệp mở tài khoản tại thời điểm đánh giá lại số dư các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ.
3. Trường hợp ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản không có công bố tỷ giá của đồng ngoại tệ đó thì khi quy đổi thực hiện thông qua tỷ giá của một số đơn vị ngoại tệ chủ yếu mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố theo tỷ giá giao dịch bình quân của các ngân hàng tại thời điểm đánh giá lại số dư các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ.
Phần B
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong giai đoạn đầu tư xây dựng để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp mới thành lập, chưa đi vào hoạt động Trong giai đoạn đầu tư xây dựng để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp mới thành lập, chưa đi vào hoạt động, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi thanh toán các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ để thực hiện đầu tư xây dựng và chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính được phản ánh luỹ kế, riêng biệt trên Bảng cân đối kế toán. Khi tài sản cố định hoàn thành đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng thì chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng (sau khi bù trừ số chênh lệch tăng và chênh lệch giảm) được phân bổ dần vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính, thời gian phân bổ không quá 5 năm kể từ khi công trình đưa vào hoạt động.
Điều 6. Xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái thời kỳ doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh Trong giai đoạn sản xuất, kinh doanh, kể cả việc đầu tư xây dựng để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp đang hoạt động, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh từ các giao dịch bằng ngoại tệ của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ sẽ được hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính trong năm tài chính.
Điều 7. Xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái thời kỳ giải thể, thanh lý doanh nghiệp Trong giai đoạn giải thể, thanh lý doanh nghiệp, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ sẽ được hạch toán vào thu nhập thanh lý hoặc chi phí thanh lý doanh nghiệp.
Điều 8. Xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán (quý, bán niên, năm) 1. Cuối kỳ kế toán, doanh nghiệp phải đánh giá lại số dư tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu, nợ phải trả có gốc ngoại tệ ra “đồng Việt Nam” theo tỷ giá quy định tại Điều 3, Điều 4 của Thông tư này. Khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái do việc đánh giá lại số dư cuối kỳ sau khi bù trừ chênh lệch tăng và chênh lệch giảm, số chênh lệch còn lại được hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính trong kỳ.
2. Doanh nghiệp không được chia lợi nhuận hoặc trả cổ tức trên lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.
Điều 9. Xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái khi hợp nhất báo cáo tài chính của các hoạt động, các cơ sở ở nước ngoài vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp 1. Chênh lệch tỷ giá hối đoái do chuyển đổi báo cáo tài chính các hoạt động ở nước ngoài sang đơn vị tiền tệ kế toán doanh nghiệp Việt Nam được hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính của doanh nghiệp.
2. Chênh lệch tỷ giá hối đoái do chuyển đổi báo cáo tài chính cơ sở ở nước ngoài sang đơn vị tiền tệ kế toán doanh nghiệp Việt Nam được phản ánh luỹ kế, riêng biệt trên Bảng cân đối kế toán cho đến khi thanh lý cơ sở ở nước ngoài và khi đó chênh lệch tỷ giá hối đoái sẽ được hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính của doanh nghiệp.
Việc hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái từ Điều 5 đến Điều 9 nói trên thực hiện theo quy định của chế độ kế toán hiện hành.
Phần C
QUY ĐỊNH CHUYỂN TIẾP
Điều 10. Quy định chuyển tiếp Đối với các doanh nghiệp đã đánh giá lại số dư ngoại tệ nợ phải trả cuối năm theo Thông tư số 201/2009/TT-BTC ngày 15/10/2009 của Bộ Tài chính mà chênh lệch tỷ giá hối đoái tăng chưa phân bổ hết vào chi phí trong năm thì số dư chưa phân bổ được phân bổ tiếp vào chi phí tài chính của doanh nghiệp, thời gian phân bổ theo số năm còn lại kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Phần D
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Điều khoản thi hành Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2012, áp dụng từ năm tài chính 2012 và thay thế Thông tư số 201/2009/TT-BTC ngày 15/10/2009 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.