Bộ Xây dựng có nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau đây: 1. Xây dựng để trình Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền được giao các chính sách, luật lệ, chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật về xây dựng cơ bản; sản xuất vật liệu xây dựng; quản lý quy hoạch, kiến trúc, nhà ở, các công trình đô thị và nông thôn; các quy định về phân công phân cấp quản lý, thẩm tra, xét duyệt thiết kế xây dựng.... để áp dụng thống nhất trong cả nước.
2. Xây dựng để trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định các phương hướng, mục tiêu, chiến lược và quy hoạch phát triển ngành xây dựng, công nghiệp vật liệu xây dựng; phương hướng duy trì và phát triển nền nghệ thuật kiến trúc dân tộc và xã hội chủ nghĩa; hướng dẫn các ngành và Uỷ ban Nhân dân các cấp xây dựng các kế hoạch về xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng ở cả 3 khu vực quốc doanh, tập thể, cá thể ở cả Trung ương và địa phương để đưa vào kế hoạch chung của Nhà nước.
Tham gia ý kiến với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước về chủ trương đầu tư, cơ cấu đầu tư, các dự án đầu tư, luận chứng kinh tế kỹ thuật, cân đối kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và đánh giá hiệu quả đầu tư xây dựng cơ bản.
3. Chỉ đạo và hướng dẫn việc lập quy hoạch xây dựng các đô thị lớn; các khu công nghiệp quan trọng, các vùng kinh tế trọng yếu và tổ chức thẩm tra các đề án quy hoạch ấy trước khi trình Hội đồng Bộ trưởng duyệt theo đúng quy định của Nhà nước. Tổ chức kiểm tra việc xây dựng theo quy hoạch đã được duyệt.
4. Thực hiện và tổ chức chỉ đạo việc thực hiện chức năng giám định Nhà nước về chất lượng thiết kế, chất lượng xây dựng và chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng.
5. Xây dựng các dự báo phát triển khoa học kỹ thuật; tổ chức và chỉ đạo việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng bảo đảm phát triển ngành với tốc độ nhanh và từng bước hiện đại.
Căn cứ vào chính sách và chế độ chung của Đảng và Nhà nước, quyết định các chức danh và tiêu chuẩn cán bộ thuộc ngành; lập quy hoạch và tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng cho nhu cầu các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế trong cả nước; trực tiếp quản lý cán bộ theo phân công, phân cấp của Đảng và Nhà nước.
6. Tổ chức và chỉ đạo hợp tác quốc tế về kinh tế, về khoa học kỹ thuật, về hợp tác lao động trong lĩnh vực xây dựng theo đường lối chính sách và các quy định về quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
7. Thanh tra, kiểm tra các Bộ, các Uỷ ban Nhân dân địa phương, các đơn vị quốc doanh; tập thể và cá nhân trong cả nước về việc chấp hành các chính sách, luật lệ, chế độ... của Nhà nước về xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, về quản lý quy hoạch, kiến trúc, nhà cửa và công trình đô thị.
Chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị do Bộ trực tiếp quản lý thực hiện những nhiệm vụ và chỉ tiêu pháp lệnh của kế hoạch Nhà nước; tôn trọng và tạo điều kiện để các đơn vị kinh tế cơ sở phát huy quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng gồm có: A. Bộ máy giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước
1. Văn phòng.
2. Vụ Kế hoạch và tài chính.
3. Vụ Tổ chức và lao động (làm cả nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân).
4. Vụ Khoa học - kỹ thuật.
5. Vụ Hợp tác quốc tế.
6. Vụ Quản lý xây dựng cơ bản và đô thị.
7. Vụ Quản lý vật liệu xây dựng.
8. Cục giám định thiết kế và xây dựng Nhà nước.
9. Ban Thanh tra.
Nhiệm vụ, quyền hạn và biên chế của các Vụ, Ban và Văn phòng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định.
Các Vụ, ban không tổ chức phòng, thực hiện chế độ Vụ trưởng, trưởng ban làm việc trực tiếp với chuyên viên.
B. Các đơn vị sự nghiệp và đơn vị sản xuất kinh doanh do Bộ trưởng Bộ Xây dựng nghiên cứu, sắp xếp và trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định trong một văn bản khác.