NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Viện Khoa học xã hội Việt Nam
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 30/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Đổi tên Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia thành Viện Khoa học xã hội Việt Nam (tên tiếng Anh: Vietnamese Academy of Social Sciences).
2. Viện Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tổ chức tư vấn và đào tạo sau đại học về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của cả nước.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
Viện Khoa học xã hội Việt Nam có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuộc Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 30/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ, có những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
1. Trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, các chương trình, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm của Viện và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
2. Tổ chức nghiên cứu những vấn đề khoa học xã hội của Việt Nam, khu vực và thế giới; tổng kết thực tiễn, từng bước phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, giải đáp những vấn đề khoa học xã hội của cả nước và từng vùng phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, môi trường và con người Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch và chính sách trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
3. Tổ chức sưu tầm, nghiên cứu những di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam; bảo tồn và phát huy những tinh hoa văn hóa của dân tộc.
4. Kết hợp nghiên cứu với đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội; thực hiện đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ khoa học xã hội theo quy định của pháp luật; tham gia phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao theo yêu cầu của cả nước, ngành, vùng, địa phương và doanh nghiệp.
5. Thẩm định và tham gia thẩm định về mặt khoa học xã hội các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Tổ chức tư vấn và thực hiện dịch vụ công theo quy định của pháp luật.
6. Hợp tác nghiên cứu và đào tạo về khoa học xã hội với các Tổ chức quốc tế, các Viện, Trường đại học và cá nhân các nhà khoa học nước ngoài theo quy định của pháp luật.
7. Tổ chức điều tra cơ bản, phân tích và dự báo kinh tế - xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.
8. Tổ chức thông tin khoa học xã hội, góp phần phổ biến tri thức khoa học, nâng cao trình độ dân trí.
9. Tham gia xây dựng, hoạch định chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển khoa học xã hội của cả nước, từng vùng và địa phương.
10. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, tài sản, kinh phí và chịu trách nhiệm về quyết định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
11. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
a) Các tổ chức giúp Chủ tịch Viện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn:
1. Ban Tổ chức cán bộ;
2. Ban Kế hoạch - Tài chính;
3. Ban Quản lý khoa học;
4. Ban Hợp tác quốc tế;
5. Văn phòng.
b) Các tổ chức nghiên cứu khoa học:
1. Viện Triết học;
2. Viện Tâm lý học;
3. Viện Xã hội học;
4. Viện Sử học;
5. Viện Khảo cổ học;
6. Viện Dân tộc học;
7. Viện Văn học;
8. Viện Ngôn ngữ học;
9. Viện nghiên cứu Hán - Nôm;
10. Viện Kinh tế Việt Nam;
11. Viện Nhà nước và Pháp luật;
12. Viện nghiên cứu Văn hóa;
13. Viện nghiên cứu Con người;
14. Viện nghiên cứu Tôn giáo;
15. Viện nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững;
16. Viện Gia đình và Giới;
17. Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ;
18. Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Tây Nguyên;
19. Viện Kinh tế và Chính trị thế giới;
20. Viện nghiên cứu Trung Quốc;
21. Viện nghiên cứu Đông Bắc Á;
22. Viện nghiên cứu Đông Nam Á;
23. Viện nghiên cứu Châu Âu;
24. Viện nghiên cứu Châu Mỹ;
25. Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông;
26. Viện Thông tin khoa học xã hội;
27. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
c) Các cơ quan sự nghiệp khác:
1. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam;
2. Nhà Xuất bản Khoa học xã hội;
3. Trung tâm Phân tích và Dự báo.
Điều 4. Lãnh đạo Viện Khoa học xã hội Việt Nam
Viện Khoa học xã hội Việt Nam có Chủ tịch và các Phó Chủ tịch. Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ hoạt động của Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam có trách nhiệm xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học xã hội Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các Phó Chủ tịch Viện do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch Viện và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Viện về nhiệm vụ được Chủ tịch Viện phân công.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Nghị định số 23/CP ngày 22 tháng 5 năm 1993 về việc thành lập Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia và các quy định khác trước đây trái với Nghị định này.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.