Hội đồng Chính phủ đã có Chỉ thị số 153-CP ngày 12 tháng 8 năm 1966 về việc "đẩy mạnh công tác mẫu giáo nhằm giáo dục tốt các cháu góp phần giải phóng phụ nữ, phục vụ sản xuất và chiến đấu chống Mỹ trong đó có giáo dục trẻ em từ 3 đến 7 tuổi bằng cách vui chơi mà giáo dục cho các cháu những đức tính tốt, những tập quán tốt, chăm sóc sức khoẻ, tập cho các cháu vừa chơi vừa học, chuẩn bị cho các cháu vào trường Phổ thông, Giáo dục mẫu giáo tốt mở đầu cho một nền giáo dục tốt".
Để thực hiện được mục đích giáo dục của ngành mẫu giáo đã nêu trên; các trường mẫu giáo cần được trang bị một số loại dụng cụ phục vụ học tập, sinh hoạt, giáo dục lao động, vệ sinh và đồ chơi.
Việc trang bị cho các lớp mẫu giáo, vỡ lòng trước hết phải dựa vào sự đóng góp của phụ huynh học sinh và hợp tác xã, xí nghiệp, ngân sách xã. Ngoài ra, ngân sách địa phương tuỳ theo khả năng cân đối thu chi, dành một mức kinh phí tối thiểu (trong kinh phí sự nghiệp giáo dục khác) để chi về trang bị dụng cụ học tập cho các lớp mẫu giáo vỡ lòng.
Mỗi lớp có thể như sau:
- Mẫu giáo mỗi lớp 8 đồng
- Vỡ lòng mỗi lớp 22 đồng.
Các Sở, Ty giáo dục kết hợp với các Sở, Ty Tài chính để lập dự trù cụ thể (về hiện vật và tài chính) căn cứ vào:
- Kiểm kê những dụng cụ học tập, sinh hoạt, giáo dục lao động, vệ sinh và đồ chơi hiện có của các trường lớp mẫu giáo và vỡ lòng.
- Nhu cầu tối thiểu về đồ chơi và dụng cụ học tập, sinh hoạt, giáo dục lao động, vệ sinh cần được trang bị thêm.
Khi đã có dự trù trên, các Sở, Ty Giáo dục tập hợp số tiền đóng góp của các phụ huynh học sinh, của hợp tác xã v.v... và với số tiền của ngân sách địa phương dành cho mỗi lớp mà lập đơn đặt hàng và thanh toán khi nhận hàng với Công ty thiết bị trường học - Bộ Giáo dục.
Riêng đối với các trường mẫu giáo thuộc các cơ quan, công, nông, lâm trường, xí nghiệp đã có quỹ phúc lợi và quỹ công đoàn thì không được diện ngân sách địa phương trợ cấp.
Liên Bộ đề nghị Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố hướng dẫn các Sở, Ty Giáo dục và Sở, Ty Tài chính thi hành Thông tư này.